Xuất phát từ quan điểm triết học của Plato coi tất cả những gì ta nhìn thấy đều chỉ là bóng đổ của hiện thực - Susan Sontag đã tìm hiểu vai trò, ý nghĩa và tác động của hình ảnh do con người sáng tạo ra, từ hội họa cho đến khi xuất hiện những hình ảnh do máy chụp ảnh và quay phim làm ra mà bà gọi là "photographic images" - hình ảnh nhiếp ảnh. Sontag nhận ra một điều cực kỳ quan trọng, rằng khác hẳn với những hình ảnh do con người tạo ra bằng thủ công, như hội họa, có bản chất diễn giải hiện thực, những hình ảnh nhiếp ảnh - từ ảnh chụp cho đến phim điện ảnh, truyền hình và video ở đủ mọi định dạng - là những dấu vết và tiêu bản vật chất của hiện thực, tạo nên bởi những quy luật vật lý của thế giới khách quan. Bản chất hiện thực ấy của nhiếp ảnh đã tạo nên một hiện thực khác song hành với hiện thực tự nhiên, và ngày càng lấn át hiện thực tự nhiên, khiến cho chúng ta ngày càng thích sống trong cái "thế giới hình ảnh" do chính mình tạo nên ấy, mất dần liên lạc với hiện thực tự nhiên, trở nên xa lạ với hiện thực tự nhiên. Hệ lụy của "thế giới hình ảnh" gắn liền với những hệ lụy của tiến trình dân chủ trong xã hội công nghiệp hóa phát triển mà Sontag gọi là "vô cơ" (inorganic), "tư bản" (capitalist) và "tiêu thụ" (consumerist).
Trong cuốn sách có nhiều câu chuyện về nhiếp ảnh nhưng lại mang tính triết học. Chẳng hạn, hành động thực dân hóa đã được thực hiện thông qua nhiếp ảnh như thế nào. Theo Susan Sontag, đã có những đội quân du lịch tràn đến nơi ở của người da đỏ ở Mỹ, săn lùng những hình ảnh đẹp về người da đỏ. Để có được những hình ảnh mong muốn, họ xâm lăng cõi riêng tư của người da đỏ, chụp ảnh cả linh vật, những điệu nhảy ở chỗ linh thiêng. Thậm chí, những người chụp ảnh này còn trả tiền để người da đỏ tạo dáng và sửa đổi cả những nghi lễ của họ cho ăn ảnh hơn.
***
Tặng Nicole Stéphane
Tất cả là từ một bài tiểu luận – về một vài vấn đề, mỹ học và đạo lý, nảy sinh từ sự có mặt khắp nơi cùng chốn của những hình tượng do máy ảnh tạo ra; thế rồi càng nghĩ không biết ảnh chụp là cái gì, tôi lại càng thấy chúng cứ khơi gợi và phức tạp mãi lên. Thế là bài này dẫn đến bài khác, rồi bài khác nữa (đến tôi cũng lấy làm lạ), thành cả một chuỗi tiểu luận về ý nghĩa và sự nghiệp của ảnh chụp, cho đến lúc tôi thấy cái lập luận phác thảo ở bài đầu tiên, được cung cấp tư liệu cũng như bàn cả ra ngoài đề ở những bài về sau, đã có thể được tổng kết và mở rộng một cách có lý thuyết hơn, thì mới thôi.
Những tiểu luận này đầu tiên được đăng (dưới một hình thức hơi khác) trên tờ The New York Review of Books, và có lẽ đã chẳng bao giờ được viết ra nếu nỗi ám ảnh của tôi đối với nhiếp ảnh không được hai bạn biên tập Robert Silvers và Barbara Epstein nhiệt tình khích lệ. Tôi xin có lời tri ân hai bạn ấy, cùng bạn Don Eric Levine nữa của tôi, vì những lời khuyên rất kiên nhẫn và sự hỗ trợ không mệt mỏi của các bạn.
Susan Sontag
Tháng 5, 1977
Mời các bạn đón đọc Bàn Về Nhiếp Ảnh của tác giả Susan Sontag.