Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Người Minh Họa

Mỗi bức tranh trên thân thể ông ta là một câu chuyện. Một câu chuyện có thật, sống sít, đầy máu, cái chết, nỗi tuyệt vọng, sự day dứt. Những câu chuyện giả tưởng (hay chẳng giả tưởng cho lắm) về tương lai của loài người, một tương lai đầy ắp những phương tiện công nghệ mà với thời đại ngày nay là khó hình dung, một tương lai thiếu vắng tính người.

Bằng giọng văn đơn sơ, chuẩn xác, lạnh lùng, với chút trào lộng quyện với ít nhiều u ẩn, một lần nữa, Ray Bradbury, tác giả của 451 độ F lừng danh, cho ta thấy rằng, về thực chất, khoa học viễn tưởng là một thể loại văn chương nghiêm túc và sâu thẳm như thế nào trong việc bắt con người phản tỉnh.

“Cốt truyện tài, văn chương đẹp, nhân vật thật hơn cả thật… chẳng nhà văn nào sánh ngang Ray Bradbury.”

- The New York Times

***

Ray Bradbury, người đã hình dung ra cái viễn tưởng phản địa đàng trong “451 độ F”, khi sách trở thành hàng cấm và có lực lượng chuyên săn lùng và đốt sách, còn con người thì chìm đắm trong âm thanh phát ra từ những “vỏ sò” nhét tai - chẳng khác gì AirPods ngày nay, sẽ viết gì nếu phải kể thêm 18 câu chuyện tương tự như thế nữa?

Câu trả lời có trong Người minh họa: đó sẽ là những câu chuyện về các viễn cảnh tương lai khác nhau, khi du hành không gian thành chuyện bình thường, thậm chí có thể trở về quá khứ, và con người có nhiều phát minh không tưởng khác.

Trên cái nền thế giới tương lai với sự tiến bộ của khoa học công nghệ đó, tác giả xoáy sâu vào tâm lý con người - họ nghĩ gì khi cuộc sống thừa thãi công nghệ, họ mường tượng về thế giới mình chưa biết như thế nào, họ sẽ hành xử ra sao khi cận kề cái chết, họ sẽ nghĩ gì về tình cảm gia đình, vợ chồng, cha con?

Người minh họa trong tựa sách thật ra chỉ là một cái cớ tài tình để tác giả kể chuyện về tương lai. Đó là một người đàn ông từng làm trong một hội chợ, có cơ thể xăm kín với nhiều hình minh họa có thể chuyển động và kể những câu chuyện khác nhau. Người minh họa chỉ xuất hiện ở đầu và cuối tác phẩm, khi tương tác với người dẫn chuyện, và toàn bộ phần sau là mỗi câu chuyện được kể, tất cả đều xoay quanh những băn khoăn trong thời tác giả đang sống, tức những năm 1950, khi thế chiến thứ 2 kết thúc chỉ 5 năm: bom hạt nhân, vũ khí hóa học,chiến tranh điêu tàn…

Và có mặt trong nhiều truyện hơn cả là đề tài du hành vũ trụ, khi con người có thể đến sao Hỏa, sao Kim.. Khi nói đến thám hiểu không gian, Bradbury dường như đặc biệt yêu thích sao Hỏa. Hỏa tinh trong chuyện của Bradbury vừa là nơi con người chinh phạt (Những quả cầu lửa) hay bị chinh phạt (Máy trộn bê-tông), vừa là nơi cách ly của những người Địa cầu bị bệnh hiểm nghèo (Vị khách) và là một miền đất hứa mới của người da màu để tránh xa những kẻ da trắng phân biệt chủng tộc (Hoán đổ).

Phải 8 năm sau khi sách xuất bản (1959), con người mới đặt chân lên Mặt trăng, nhưng tác giả đã kể rất tài tình - như thể mô tả hiện tại chứ không phải hình dung về tương lai - về những chuyến du hành vũ trụ kéo dài 3 tháng, những phi hành gia lạc trôi trong không gian, làm nhiệm vụ trên Hỏa tinh hay tìm đến các hành tinh để chinh phạt…

Còn công nghệ trong trí tưởng tượng vượt thời gian của Bradbury thì sao? Đó là một ngôi nhà tự làm mọi thứ cho ta, là những con robot như người thật, thậm chí biết yêu và toan tính; hay đủ loại máy móc để chính trẻ con cũng “không muốn làm gì khác ngoài nhìn, nghe và ngửi”, là tên lửa mô phỏng với thực tế ảo khiến người ngồi trong tưởng như đang thực sự du hành vũ trụ, hay một buồng trẻ "nắm bắt được các tín hiệu ngoại cảm từ tâm trí bọn trẻ và tạo ra sự sống để đáp ứng mọi mong ước của chúng".

Cái tương lai của tác giả chính là hiện tại của chúng ta ngày nay. Mượn tấm lưng đầy hình minh họa của “người minh họa”, và cái vỏ khoa học viễn tưởng, Bradbury chạm tới muôn vấn đề của con người, từ tác hại của lạm dụng công nghệ đến sức khỏe tâm thần, phân biệt chủng tộc, lựa chọn của mỗi người trước chiến tranh, sự nổi dậy của robot, chiến tranh và sự chinh phạt…

Đây là những lời thoại được viết ra gần 60 năm trước và nó một lần nữa khẳng định cái tầm nhìn vượt thời gian của Bradbury. “Chúng tôi ngồi trên chiếc đu máy ngoài hiên, nó đu đưa cho chúng tôi, phả gió mát cho chúng tôi, hát cho chúng tôi nghe (…) bố đọc báo điện tử cài vào chiếc mũ đặc biệt đội trên đầu, chiếu từng trang báo nhỏ xíu trước ống kính phóng đại nếu ta chớp mắt ba lần liên tiếp”. “Chúng ta đã quẩn quanh trong cuộc sống máy móc, điện tử quá lâu rồi. Chúa ơi, chúng ta cần một làn không khí thực biết bao!”.

Mình không biết viết phần kết cho review này thế nào. Mình đã không hề biết đây là tập truyện ngắn cho đến khi bắt đầu đọc nó, chỉ mua vì biết nó là của tác giả “451 độ F”. Các truyện đều độc lập với nhau, gọn gàng và luôn có cái kết bất ngờ. Từng truyện có thể mang ra đọc lại trong nhiều thời điểm khác nhau, nhất là rất nhiều tưởng tượng của tác giả đã, và có thể là sẽ, thành sự thật.

***

Người Minh Họa tập hợp mười-tám truyện ngắn thuộc dòng khoa học viễn tưởng, lấy bối cảnh thế giới tương lai, nơi công nghệ đã len lỏi tới từng góc nhỏ nhất trong cuộc sống con người, nơi việc du hành không – thời giờ đã trở thành một dịch vụ giải trí không hơn, nơi mà nhiều lúc, vì đã quá dựa dẫm vào những tiện nghi hằng ngày, người ta ngần ngại cả việc thở.

Mình luôn thích đọc truyện ngắn, bởi bất chấp dung lượng khiêm tốn hay số lượng nhân vật không thực quá đồ sộ, chúng luôn khiến mình nghĩ nhiều, Người Minh Họa cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, nó là một cuốn sách đặc biệt, khi được viết cách đây những bảy thập kỉ hơn, ở thời điểm mà loài người thậm chí còn thể bước ra khỏi rìa Trái đất, chứ khoan hẵng bàn tới cuộc chinh phạt những vì sao. Song bất chấp chấp những rào cản mang tính thời đại đó, ngòi bút Ray Bradbury vẫn không khỏi khiến mình phải bàng hoàng, bởi nó thật tới kinh ngạc. Ông viết về những con tàu vũ trụ giữa không gian vô tận, ông viết về những căn hộ thông minh hiểu được mong muốn của con người chỉ bằng một cái đập bàn, hay khắc họa một cách đậm nét những mô hình thực tế ảo nhiều chiều có thể khiến ta nhìn, nghe và cảm thấy cùng một lúc.

Viết nên một tác phẩm sci-fi cuốn hút, song những gì Ray Bradbury thể hiện không đơn thuần chỉ khởi phát từ trí tưởng tượng, đó còn là sự tiên tri và suy đoán. Cũng chính bởi lý do này, mà Người Minh Họa cũng khiến mình sợ hãi vô cùng. Sợ trước viễn cảnh những đứa trẻ chưa nhận thức được đầy đủ mọi sự đang diễn ra quanh chúng bỗng may mắn được trao cho quyền lực; sợ những cỗ máy vô tri sẽ dần thay thế con người và tiến hành những cuộc phản loạn; sợ cả cái tương lai hòa bình sẽ dần là một khái niệm cổ xưa rồi người ta buộc phải lùng tìm sự bình yên trong những mốc thời gian lạ. Cái đáng sợ của Người Minh Họa không tới từ việc nhào nặn những sinh vật quỷ dị, những hiện tượng siêu nhiên kỳ bí hay những vụ trọng án thảm khốc, những điều khiến ta dễ dàng run rẩy rồi cười xòa trấn an rằng tất cả chúng chỉ là tưởng tượng, cái đáng sợ ở đây gần gũi, dễ mường tượng hơn (và cũng kinh khủng hơn), bởi nó được bắt nguồn từ chính những điều dễ thấy xung quanh, và không chừng nếu không cẩn thận, chắc chắn ta sẽ còn có thể gặp lại chúng trong tương lai sau này nữa.

May mắn là dù đáng sợ, dù khủng khiếp, song len lỏi giữa Người Minh Họa, giữa những hình xăm đen tối, cuộn xoáy vấn vít như rắn bện, vẫn luôn sáng rõ những câu chuyện, những khung hình tươi sáng và tràn đầy màu sắc: câu chuyện về những con người sẵn sàng thứ tha cho những kẻ đã phương hại tới cả cộng đồng mình, về cặp vợ chồng cùng bình lặng đón chờ tận thế, hay là cả về người cha quyết định bòn vét hết cả gia sản để cố gắng đưa gia đình khốn khó của mình có thể một lần đặt chân tới thiên hà. Tất cả, đều dễ khiến ta cảm động, trên cả, nó chứng minh được một chân lý dễ hiểu: được dù công nghệ có tàn khốc, hay cách sử dụng công nghệ của con người có xuẩn ngốc tới nhường nào đi nữa, sau rốt, nhân tính và tình người sẽ là những điều duy nhất còn sót lại, bất kể là có phải trải qua bao nhiêu lâu đi chăng nữa.

Dưới đây là một số truyện ngắn yêu thích của mình, và mình mong là mọi người cũng sẽ thích. :”D

- Hoán đổi (cách những người da màu chào đón những người da trắng tới “ngôi nhà mới” của họ, bất kể những năm tháng từng ngập chìm trong mất mát, đau đớn, 4/5);
- Cơn mưa bất tận (chuyến hành trình kiếm tìm sự sống của những phi hành gia xấu số tại Kim tinh – hành tinh không bao giờ ngừng mưa. 4/5);
- Phi hành gia (đẹp và buồn kinh khủng khiếp, đọc truyện ngắn này, vũ trụ như đang sát ngay bên khung cửa sổ, 5/5);
- Đêm cuối cùng của thế giới (như tựa đề, ấm áp vô cùng, 5/5);
- Giờ bắt đầu (cuộc xâm lăng Trái đất của những người sao Hỏa, dark-comedy, 4/5);
- Phi thuyền (người cha nghèo quyết định sẽ tìm mọi cách để đưa các con mình tham gia vào một chuyến du hành vũ trụ đắt đỏ, 5/5).

***

REVIEW SÁCH “NGƯỜI MINH HỌA” – Ray Bradbury
October 2, 2022
Nếu ai đã đọc và yêu thích 451 độ F – cuốn tiểu thuyết phản địa đàng nổi tiếng của Ray Bradbury thì mình tin là cũng sẽ thích cuốn này. Cá nhân mình thì không đến nổi quá thích cuốn 451 độ F, chỉ là với mình nó là một món ăn lạ và độc đáo vì mình rất ít khi đọc các tác phẩm phản địa đàng nhưng với cuốn này thì thực sự nó khiến mình phải mắt chữ A mồm chữ O rất rất nhiều lần vì cái tầm nhìn và cách tác giả sáng tạo một thế giới tương lai u ám, nó chân thực và đáng sợ đến từng centimet trên giây. Trước bác này thì mình có đọc một vài tác phẩm về khoa học viễn tưởng (gần nhất là tác phẩm Người về từ Sao Hỏa của Andy Weir và Người máy có mơ về cừu điện của Philip K. Dick ) nhưng khi đọc tới tác phẩm của Ray Bradbury thì mình phải hoàn toàn công nhận tài năng viết truyện khoa học viễn tưởng masterpiece của bác này.

Người minh họa là tập truyện ngắn gồm 18 câu chuyện về tương lai của Trái Đất và khoa học vũ trụ, khi mà loài người phát triển công nghệ vượt bậc để phục vụ cho đời sống của mình, tiến ra chinh phục các hành tinh khác. Điều khiến mình phải trầm trồ thán phục chính là bối cảnh các câu chuyện đều ở một tương lai xa lắc, thế nhưng được viết vào thập niên 40, 50 của thế kỷ 20, điều đó cho thấy sức tưởng tượng của tác giả đã đi trước thời đại rất nhiều. 18 câu chuyện là ý nghĩa của 18 hình xăm chuyển động trên cơ thể người đàn ông – nhân vật chính của tác phẩm, tưởng không liên quan nhưng tựu chung lại, nội dung chính mà Ray Bradbury muốn chuyển tải thông qua các truyện ngắn này chính là tính người và những suy nghĩ, cảm xúc, nỗi sợ, phản ứng của con người trước các hoàn cảnh ngặt nghèo mà họ bị đẩy vào. Kể cả đó là lúc công nghệ và kỹ thuật đã đang ở đỉnh cao của nhân loại, phi thuyền quần thảo khắp không gian, con người đã định cư ở sao Hoả và đổ bộ đến sao Kim, nơi những cỗ máy lạ lẫm chiếm lĩnh nền văn minh… thì chúng ta vẫn là những sinh vật đầy phức tạp, với những hành động, quyết định đặc trưng cho bản chất và sự không hoàn hảo của mình.

Nếu hỏi mình ấn tượng nhất câu chuyện nào trong số 18 câu chuyện được kể thì mình xin mạnh dạn high recommend mọi người câu chuyện đầu tiên luôn. Câu chuyện đầu tiên cho ta thấy sự nguy hại khi tương lai đem theo những chiếc máy quá tiện lợi, khiến con người quên đi cách tự làm mọi công việc hàng ngày một cách tự nhiên. Ngay cả ăn uống, buộc dây giày, vẽ tranh… cũng đã có máy móc làm cho. Và cả căn nhà của bạn sẽ chăm sóc cho bạn bằng cả một hệ thống vận hành tinh vi, việc bạn cần làm chỉ là tồn tại qua ngày (trời ơi thiệt sự khi đọc cuốn này mình chỉ tưởng tượng một ngày Netflix chuyển thể mấy câu chuyện này thành phim như kiểu “Black Mirror” chắc là coi đã cái nư lắm). Thậm chí bạn không cần đi đâu xa xôi để du lịch, chỉ cần ở nhà và lắp đặt một căn phòng với các màn hình chiếu những hình ảnh các vùng đất khác nhau mà bạn NGHĨ TỚI… Câu chuyện kể về một gia đình có 2 con, và khỏi phải nói thì mọi người cũng đoán được là 2 đứa nhỏ nó mê cái công nghệ hay chính xác là cái căn nhà này như thế nào, thậm chí tụi nó còn có tình cảm với căn nhà hơn là với hai người đẻ ra nó… Và cái kết phải nói là đỉnh của chóp.

Mình không biết viết phần kết cho review này như thế nào. Mình đã không hề biết đây là tập truyện ngắn cho đến khi bắt đầu đọc nó, mình được tặng và lấy ra đọc ngẫu nhiên với tư thế sẽ đọc một cuốn tiểu thuyết kinh điển mới (gần đây thì mình ưu tiên đọc văn học kinh điển hơn so với các đầu sách thuộc thể loại khác) và thật bất ngờ khi chỉ mới đọc bìa sau và biết nó là của tác giả “451 độ F” thì mình biết là sẽ phải đọc cho hết cuốn này. Tuy nhiên do chưa chuẩn bị tinh thần trước nên mình đã có một chút shock nhẹ, phải tạm ngưng giữa chừng vì không thể tiếp nhận bất cứ điều gì tiếp theo. Cuốn sách thì mỏng nhưng cái viễn cảnh và nội dung của nó thì quá khổng lồ khiến mình bị choáng ngợp. Mình chưa từng nghĩ sẽ thích truyện viễn tưởng, liên quan tới vũ trụ và các thứ vĩ mô khác, cho tới khi đọc Người minh họa. Nếu bạn đã thích 451 độ F, bạn sẽ không cưỡng lại được Người minh họa (trong Người minh họa cũng có nhắc lại viễn cảnh nhân loại hắt hủi và hủy hoại sách giấy như trong 451 độ F). Cá nhân mình thì bây giờ mình lại thích Ray Bradbury mới chết. Ngắn gọn, lạnh lùng – nhưng day dứt và ám ảnh!

Review của độc giả Nguyễn Thanh Quang – Nhã Nam reading club

Mời các bạn đón đọc Người Minh Họa của tác giả Ray Bradbury & Lê Minh Đức (dịch).