Lỗ Tấn, nhà văn, nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc từ lâu đã quen thuộc và được hâm mộ ở Việt Nam. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về thời đại, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông được xuất bản và giới thiệu rộng rãi trong xã hội ta.
Vài năm gần đây lại tiếp tục có nhiều tư liệu cung cấp cho sự hiểu biết của mọi người về nhà văn này thêm kỹ lưỡng và cụ thể.
Về tác phẩm của Lỗ Tấn thì toàn bộ trước tác hơn mười triệu chữ Hán của ông đã được giới thiệu khái quát và chọn dịch khá nhiều. Chúng tôi đã dịch toàn bộ tiểu thuyết, toàn bộ tạp văn, một số sách biên khảo, một số bài tản văn và một số bài thơ. Lẻ tẻ cũng có một số trang nhật ký, một số phát biểu về lý luận văn học của ông được dịch và giới thiệu trong các công trình của giới nghiên cứu nước ta.
Trong kho tàng trước tác đồ sộ của Lỗ Tấn có một tập sách nhỏ, là lạ, rất dễ thương, được nhiều độc giả Trung Quốc thích thú và đánh gió rất cao. Đó là tập “Dã thảo" (Cỏ dại).
Tập sách này được Lỗ Tấn gọi là “Tản văn thi” (Thơ văn xuôi), là những bài văn ngắn giàu chất thơ được giới nghiên cứu xem là một trong những cột mốc của văn học hiện đại Trung Quốc, là tác phẩm văn học mang ý nghĩa “nhân học” đầu tiên sản sinh từ đất nước Trung Quốc, là tia nắng đầu tiên chiếu ra từ đêm đen ngàn năm lịch sử của Trung Quốc, là tập thơ văn xuôi có ảnh hưởng nhất trong văn học hiện đại Trung Quốc.
Nội dung “Dã thảo” chủ yếu là giãi bày nội tâm. Qua sự miêu tả khuất khúc những xấu xa đen tối của xã hội, kết hợp với sự mổ xẻ những hoạt động trong chiều sâu của lòng người, thông qua trực giác của nhà nghệ thuật, thể hiện một cách uyển chuyển tâm trạng cô đơn, buồn tẻ, bàng hoàng song vẫn không ngừng khát vọng, không ngừng quyết tâm phấn đấu, theo đuổi những gì tươi sáng đẹp đẽ của nhà văn .
“Dã thảo” được viết với một nghệ thuật đa dạng. Có bài ẩn hiện chất triết lý, có bài nồng đượm chất trữ tình, có bài phảng phất chất lãng mạn, có bài tràn đầy chất “u mua" (humour), có bài hàm súc kín đáo, có bài lại mộc mạc giản dị như thơ dân gian, có bài đối thoại viết hẳn thành màn kịch sinh động.
Lỗ Tấn gọi đây là tập thơ văn xuôi, đúng là mỗi bài một vẻ, đều giàu chất thơ, hình ảnh thơ, tình tiết thơ, cảm xúc thơ, ngôn từ tiết tấu thơ. Rõ nhất là những bài như“Một chuyện đẹp”, ‘Tuyết”, “Đêm thu”,… Qua những hồi ức cụ thể và những tưởng tượng mộng ảo, nhà văn miêu tả những “người đẹp và “chuyện đẹp" để nói lên những khát khao tươi sáng của mình. Những cảnh sắc biến ảo tuyệt vời trong thực và trong mộng, ẩn chứa biết bao tình ý sâu xa. Ngay cả những hình ảnh của hiện thực đen tối sau khi cảnh đẹp trong mộng đã tan biến cũng biểu đạt những xúc cảm phẫn nộ và ý hướng nhìn về tương lai sáng sủa.
“Tuyết” lại là vẻ đẹp cụ thể của hiện thực. Hình tượng hoa tuyết gồm những hạt li ti, cứng và lạnh buốt. Những cây lá mùa đông trái đỏ, hoa xanh, trên cánh đồng tuyết trắng xóa, những âm thanh và hoạt động rộn rã của đàn ông, của trẻ nhỏ… Đặc biệt là hình ảnh tuyết ở phương Bắc, khi bay lên trời cứ mãi mãi như phấn, như cát… Khi trời nắng, cứ theo gió cuộn tới rồi tản bay tưng bừng khắp nơi và sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời, cứ như là những đốm lửa tàng ẩn trong màn sương dày đặc… Cảnh vật nên thơ mà ngụ ý thật sâu xa.
“Đêm thu” càng nồng đượm chất trữ tình: Bầu trời thăm thẳm kỳ lạ với những con mắt sao nhấp nháy trên mảnh vườn nhỏ có cây, có hoa và cỏ dại. Cảnh vật được nhân hóa sinh động và đầy ẩn ý cùng với chút huyền ảo nhẹ nhàng thể hiện một tâm tình ái mộ hướng tới những tinh thần cao đẹp.
Các thiên khác, mỗi thiên một vẻ, đều ẩn chứa một tình cảm nồng hậu mãnh liệt, những ngụ ý tinh tế phong phú, đều có những nét đặc sắc hấp dẫn riêng.
Chúng tôi cảm nhận được những điều đó, nên trong khi rất chú ý đến yêu cầu "tín ’ của dịch thuật, cũng thật sự mong muốn chuyển dịch được những gì gọi là chất thơ của tác phẩm, song chắc chắn còn nhiều chỗ chưa làm được theo như ý nguyện.
Chân thành mong mỏi sự quan tâm chỉ chính của bạn đọc.
Người dịch
PHẠM THỊ HẢO
***
Lỗ Tấn tên khai sinh là Chu Chương Thọ, sau đổi tên là Chu Thụ Nhân, sinh ngày 25 tháng 9 năm 1881 tại huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang trong một gia đình quan lại đã sa sút, mất ngày 19 tháng 10 năm 1936.
Ông là nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc. Ông được giới nghiên cứu văn chương coi là người đặt nền móng cho văn chương hiện đại Trung Quốc và là bậc thầy của thể loại truyện ngắn. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là AQ chính truyện.
Lỗ Tấn rất ưa thích các tác phẩm của Nikolai Gogol. Năm 1918, truyện ngắn đầu tay của Lỗ Tấn là Nhật kí người điên lần đầu tiên được in trên tờ Thanh niên mới số tháng 5-1918, truyện được lấy tên dựa theo truyện ngắn Nhật ký của một người điên của Gogol. Từ 1918 đến 1927, Lỗ Tấn viết nhiều truyện ngắn và tạp văn. Về truyện ngắn có 2 tập: Gào thét (14 truyện) và Bàng hoàng (11 truyện). Về tạp văn có 7 tập. Giai đoạn từ 1928 đến khi mất, ông viết tập truyện ngắn Chuyện cũ viết lại (gồm 8 truyện) và 9 tập tạp văn. Ngoài ra, ông còn dịch nhiều tác phẩm văn học thế giới ra tiếng Trung.
Mời các bạn đón đọc Dã Thảo của tác giả Lỗ Tấn.