Trường An, những năm đầu thời Đường, gạt đi lớp vỏ hào nhoáng chỉ còn lại vẻ bình thường của một thành trấn sau chiến tranh. Nơi ấy có một chàng thanh niên lạ đời, vô công rồi nghề, lười nhác, gàn dở…
Nơi ấy có những chuyện lạ đời, ly kỳ, những vụ án kinh thiên động địa, cùng những mối tình si đưa người ta lạc bước. Nơi ấy có chàng thanh niên vén bức màn bí ẩn, mở cửa đưa lối tìm về tri thức, phủi đi lớp bụi trên sách sử ố vàng.
Nơi ấy có chàng hiệu úy, trung can nghĩa đảm, ngốc nghếch dại khờ.
Nơi ấy, có nàng quận chúa ôm mối tình si lặng thầm, chỉ biết dùng tiếng đàn tỏ cùng chàng.
Nơi ấy…
***
“Trường An, những năm đầu thời Đường, gạt đi lớp vỏ hào nhoáng chỉ còn lại vẻ bình thường của một thành trấn sau chiến tranh. Nơi ấy có một chàng thanh niên lạ đời, vô công rồi nghề, lười nhác, gàn dở…
Nơi ấy có những chuyện lạ đời, ly kỳ, những vụ án kinh thiên động địa, cùng những mối tình si đưa người ta lạc bước. Nơi ấy có chàng thanh niên vén bức màn bí ẩn, mở cửa đưa lối tìm về tri thức, phủi đi lớp bụi trên sách sử ố vàng.
Nơi ấy có chàng hiệu úy, trung can nghĩa đảm, ngốc nghếch dại khờ.
Nơi ấy, có nàng quận chúa ôm mối tình si lặng thầm, chỉ biết dùng tiếng đàn tỏ cùng chàng.
Nơi ấy…”
Nếu đọc giới thiệu “Bốc án”, chắc nhiều người sẽ nghĩ đây là một cuốn sách tình cảm có yếu tố trinh thám. Nhưng thực ra sự thật thì ngược lại, yếu tố tình cảm trong “Bốc án” không nhiều, đa phần là phá án và lí giải. Vậy nên nếu cậu mong chờ những màn tình cảm so cool và thật tình thì có lẽ cậu sẽ phải thất vọng; nhưng nếu cậu muốn tình một cuốn sách hội tụ đủ các yếu tố: bí ẩn, kinh dị, hồi hội, lôi cuốn, thì “Bốc án” là một lựa chọn không tồi.
Nhân vật chính trong “Bốc án” là Uất Trì Phương – một hiệu úy quan võ và Lý Thuần Phong – chủ một quán rượu tính tình cổ quái, nhưng lại rất thông minh và hiểu biết. Hai người này đáng lẽ sẽ chỉ như hai đường thẳng song song chẳng chút liên quan tới nhau, cho đến khi có huyết án xảy ra, Uất Trì Phương tới tìm Lý Thuần Phong, vậy là thành tri tri kỉ kỉ. :v
Thành Trường An những năm đó, không chỉ là chốn phồn hoa náo nhiệt, mà còn là nơi hàm chứa tầng lớp âm mưu trùng trùng. Các thế lực đấu đá lẫn nhau, tàn dư của kẻ thất thế quay về làm loạn, ý đồ mưu sát hoàng thượng, sử dụng bí thuật cổ xưa để đạt được mục đích… Các vụ án trong “Bốc án” không những li kì mà còn vô cùng hồi hộp, có khả năng kích thích trí tò mò của người đọc. Mình đặc biệt lại là một người thích những chuyện tâm linh nên cực ưng cuốn này. =]]
Bí thuật khu linh lạc đồ có thể điều khiển được người chết thật hay không?
Thuật trù yểm thật sự có thể nguyền rủa người khác thông qua một hình nhân bằng gỗ đào chứ?
Những chuyện li kì này, đã xảy ra trong lịch sử Trung Hoa cổ đại thật hay chăng?
Một điều thú vị là “Bốc án” có những nhân vật có thật trong lịch sử và được phóng tác theo cái nhìn của tác giả. Có thể kể đến Lý Thuần Phong – bậc thầy phong thủy của Trung Hoa cổ và Đường Huyền Trang (chắc ai cũng biết, chính là người xin được đi Tây Thiên thỉnh kinh đó =]]) nên mình thấy khá mới lạ và thú vị, bởi trước đây mình chưa từng tìm hiểu hay nghĩ ngợi gì nhiều về cuộc sống cá nhân của họ. Ai thích đọc mấy chuyện lông gà vỏ tỏi bên lề thì hẳn sẽ thích giống mình. =]]
Như đã nói thì yếu tố tình cảm không nhiều, nhưng hint thì vô số. :v Kiểu, cả Uất Trì Phương và Lý Thuần Phong đều có người trong lòng nhưng sau chuyện đều không thành. Xét ra thì thấy hint giữa Uất Trì Phương và Lý Thuần Phong còn mạnh mẽ hơn ấy. =]] Uất Trì Phương là quan võ nên cũng có hơi ngốc ngốc, hơi nóng vội, nhưng cương trực và thẳng thắn. Lý Thuần Phong tính tình quái dị, thông minh, lúc nào cũng thấy bình tĩnh thong dong. Tác giả viết chắc tay, không đầu voi đuôi chuột, hứng thú của mình được giữ trọn cho tới phút cuối cùng.
Dông dài vậy thôi, cuối cùng thì mình có recommend “Bốc án” không? Cực kì recommend luôn nha! Đặc biệt là những bạn thích trinh thám Trung thì mình nghĩ không nên bỏ qua đâu ạ.
Mộc Lan
BỐC ÁN – SA DƯ
Dạo này đang có đam mê với thể loại trinh thám cổ đại, may quá bốc được quyển này. Ban đầu còn tưởng là ngôn tình pha trinh thám cơ, hóa ra nó lại là thuần trinh thám.
Bốc Án lấy bối cảnh nhà Đường, với nhân vật chính là Lý Thuần Phong lấy cảm hứng từ nhân vật có thật. Bầu không khí trong truyện đem lại cho mình cảm giác khá giống với Bao Thanh Thiên hay Địch Nhân Kiệt, có lẽ cũng do đều là phóng tác từ lịch sử, với cả nhân vật chính cũng gồm một người thông minh cơ trí và một người võ nghệ cao cường.
Bốc Án là tập hợp của 6 câu chuyện nhỏ: “Thuật con rối”, “Du hiệp lệnh”, “Đồng tiền ký”, “Thiên lôi kiếp”, “Sơn quỷ giáng” và “Thiên quan phổ”. Các vụ án đều rất li kì, mang màu sắc huyền bí tâm linh, khơi gợi sự tò mò và hứng thú của độc giả. Người đã chết rồi còn có thể sống lại giết người được không? Truyền thuyết về sơn quỷ là thật hay là giả? Kẻ đứng sau màn là ai, hắn có âm mưu gì?
Có điều, nếu đem Bốc Án đặt lên bàn cân với các tiểu thuyết trinh thám khác thì mình nghĩ là nó sẽ không bằng được, bởi vì tình tiết suy luận trong truyện cũng không quá sâu sắc, cũng không có nhiều twist lắt léo. Bù lại, mạch truyện được dẫn dắt khá tốt và tạo sự cuốn hút cho người đọc. Những bạn nào có đam mê với văn hóa Trung Hoa mà lại thích trinh thám nữa thì cực kì hợp với truyện này luôn đó.
Sữa Mầm
BỐC ÁN – SA DƯ
Tác giả: Sa Dư
Reviewer: Điền Yên
——-
Bìa sách đẹp long lanh, rất có phong vị cổ trang lãng mạn dù tag trinh thám chẳng lãng mạn chút nào. Typo giống Ma đạo tổ sư. Nhìn tổng thể bên ngoài hết sức muốn mua sách.
Giới thiệu tại bìa 4 có thể làm nản lòng những người thích trinh thám mà ngại yêu đương. Các bạn yên tâm, truyện không có ái ân quằn quại gì sất. Đôi chỗ điểm vài mối tình cho thêm phần thi vị, tuyệt không phải chủ đề chính của tác phẩm.
Nam chính, theo style Lý Liên Hoa của Liên Hoa Lâu, tức là tưng tửng, nhởn nhơ nhưng kinh tài tuyệt diễm. Được cái Lý Thuần Phong không bị tác giả tạo hình quá đà một cách thiếu logic như Đằng Bình. Nam phụ, may sao, không ngớ ngẩn như Phương Đa Bệnh, rất biết đánh giá năng lực của nam chính. Tác phẩm gồm 6 vụ án, quá trình điều tra không chi tiết lắm nhưng tác giả cũng cung cấp kha khá thông tin cho người đọc tự suy luận. Lý Thuần Phong không tỏ ra dạy đời, đạo đức, thần tiên thoát tục úp úp mở mở mà bày tỏ quan điểm nhân sinh, chính trị rất rõ ràng. Tôi sợ nhất mấy nhân vật được tác giả (không phải Sa Dư) tô vẽ thổi phồng lên cho thật hào nhoáng, ghê gớm, hóa ra lại méo có cái vẹo gì (nếu bạn đã đọc Trâm thì chắc đoán ra tôi nói về ai rồi đấy).
Tuyến nhân vật phụ khá thú vị. Đường Huyền Trang làm cameo cho một vụ án. Giống như Trần Tiệm xây dựng nhân vật này trong 81 án Tây Du, Huyền Trang đại sư trong Bốc Án vô cùng thông minh, có chút “lưu manh” khi không gò bó bản thân vào những quy tắc, rất linh hoạt, rộng lượng, hào sảng, hóm hỉnh. Hay cô bé Tiểu Hầu Nhi tóc trắng làm tôi nhớ đến A Thanh trong Việt nữ kiếm.
Điểm trừ của truyện là hơi sơ sài. Giá tác giả đi sâu hơi vào từng vụ án thì tôi thích hơn. Đọc thế này hầu như không có cảm xúc, chỉ đọc tình tiết. Dịch thuật không tốt lắm. Dàn chữ nhiều chỗ sử dụng dấu gạch ng-ang kh-i xu-ống d-òng. Quy định ngữ pháp cho phép điều này, do lịch sử ngày xưa máy móc không tự động giãn dòng. Giờ căn chỉnh đều tự động mà vẫn còn dùng cách này để dàn thì tôi hơi lạ. Đọc khá khó chịu. Có một số lỗi chính tả.
***
Chàng thanh niên lạ đời trong thành Trường An.
Nếu đang rảnh rang, chẳng ngại nghe kể một câu chuyện cũ. Không nhắc tới những đấu đá kinh hồn của triều thần nơi cung đình, chẳng tả việc đánh đâm chém giết của bang phái trong giang hồ; quẳng đi những tình tiết rườm rà lời văn ngồn ngộn dễ dẫn lời kể sa vào lối rẽ cùng với mùi máu tanh nặng nề khiến người ta hít thở không thông, kể về một vài việc xưa đã sắp tan biến trong những cuốn sách ngả màu vàng ố, cùng một nam tử thong dong hành tẩu giữa cõi trần thế phù hoa.
Và đây, xin mời nhân vật Lý Thuần Phong xuất hiện. Hứng thú với người này bắt nguồn từ năm năm trước, trong một lần lật giở tư liệu nào đó, tôi xem được lời bàn có liên quan tới Thôi Bối Đồ*. Người tin vào sách này đặt nó vào vị trí đứng đầu bảy lời tiên tri lớn của Trung Quốc thời cổ đại, bảo rằng từ thời Đường cho tới buổi Dân Quốc, các triều đại lũ lượt nối nhau cả ngàn năm, những sự kiện lớn trong đó đều có thể tìm thấy được manh mối từ đồ hình này. Nhất thời tò mò, tôi tìm xem một chút để rồi thất vọng lớn: Văn từ thô vụng, chẳng cổ chẳng kim, đa số là ngụy tác không hề tài tình của người thời sau, bảo là linh nghiệm ấy chỉ là lắp ghép gượng gạo mà thôi.
Bỏ qua cái này, thì tôi nhớ được tác giả của Thôi Bối Đồ trong truyền thuyết: Viên Thiên Cương, Lý Thuần Phong. Hai nhân vật này đều sống vào đầu thời Đường, quan hệ giữa đôi bên, có thuyết nói là sư đồ, thuyết khác thì bảo là đối thủ. Tôi lại đem khảo chứng, họ Viên có thân phận đạo sĩ, chưa hề lưu lại dấu vết nào trong chính sử, đa phần là hư cấu; còn như Lý Thuần Phong thì quả thật có người này. Theo ghi chép của sách Đường Thư, họ Lý “là người đất Ung thuộc Kỳ Châu. Thuở nhỏ thông minh, biết khắp các sách, nhất là cái học về thiên văn, lịch toán, âm dương. Đầu niên hiệu Trinh Quán, có lời bàn phản bác lịch mà Phó Nhân Quân làm, nhiều chỗ chiết trung, được lấy làm quan, trực thuộc Thái Sử cục.”*
… Đây tiếp tục là lời giới thiệu mù mờ, chẳng qua để nói rõ Lý Thuần Phong từng làm quan Thái sử thời Đường Thái Tông mà thôi. Cái chân chính khiến tôi kinh ngạc là những việc Lý Thuần Phong đã làm. Đầu tiên, người này là một nhà số học, là người Trung Quốc đầu tiên suy luận ra công thức đo thể tích. Cửu chương toán thuật mà chúng ta quen thuộc chính do ông chú thích, đã trở thành tài liệu giáo dục thống nhất trên toàn Trung Quốc thời nay; thứ nữa, ông là nhà thiên văn học, dựa trên cơ sở máy Hỗn nghi* của Trương Hành* mà phát minh ra Tam thần nghi, tới nay máy Hỗn nghi được bảo tồn tại Cố Cung chính là làm theo quy chế hơn ngàn năm trước của ông. Thứ ba, ông cũng là nhà khí tượng, người đầu tiên trên thế giới đặt ra cấp độ cho sức gió, trong trước tác Ất Tỵ chiêmcủa mình, ông chia sức gió làm tám bậc, được công nhận là cột mốc sớm nhất cho quy định về kỹ thuật quan trắc khí tượng.
Cho dù là bằng con mắt của thời nay, độ rộng trong tiếp cận khoa học cho tới chiều sâu nghiên cứu của người này vẫn khiến người ta líu lưỡi. Nếu ông là người phương Tây thì có lẽ đã sớm được ghi nhận vào lịch sử khoa học như Galileo, Copernicus, có điều Trung Quốc cổ đại đối với việc tìm hiểu ngọn nguồn của khoa học tự nhiên lại đa phần kính sợ, cho rằng liên quan tới những thứ thuộc loại thần, vu, số thuật. Bởi thế, trong truyền thuyết dân gian, Lý Thuần Phong được hình dung như bậc bán tiên hoặc vị trí giả rong chơi giữa nhân gian giống như Lưu Bá Ôn, Trần Đoàn, biết được quá khứ tương lai, ra vào âm dương hai cõi. Trong sách Thái bình quảng ký có câu chuyện Bắc Đẩu thất tinh hóa thành hình người, bị ông nhìn thấu. Đây cũng chính là duyên do vì sao người đời quy thuật Lục Nhâm, Thôi Bối Đồ vào họ Lý.
Sở dĩ tôi phải không ngại phiền hà mà ghi nhớ lại những thứ vụn vặt nọ, thật ra là vì trong hệ liệt này vẫn sử dụng những ngộ nhận theo lối đã sai thì sai luôn về Lý Thuần Phong. Chỗ này đại khái phải nói lời xin lỗi với ông rồi. Nói cho cùng, tôi cũng không có nghĩa vụ hoặc nguyện vọng muốn trả lại bản lai diện mục cho ông, chẳng qua là mượn dùng nhân vật qua lại giữa truyền thuyết và lịch sử, ẩn hiện tại rìa hư ảo và chân thực này, gắn với vài câu chuyện phát sinh đầu thời Đường, coi như chơi đùa chữ nghĩa trong cuộc nhân sinh tịch mịch. Phủi đi lớp bụi kỳ quái lạ lùng trong truyền thuyết và sách sử, Lý Thuần Phong thuở ấy cũng chẳng qua là một thanh niên tầm thường vô công rồi nghề, vừa thú vị mà lại nhàm chán trong thành Trường An, thi thoảng thì làm bộ đứng đắn, có lúc thì cực lạ đời.
Câu chuyện tùy ý, nhân vật tùy ý. Người viết tùy ý, người đọc tùy ý.
Xin thưa.
Mời bạn đón đọc Bốc Án của tác giả Sa Dư & Lục Phong (dịch).