Tuyển tập Vì thương… ghi lại tâm tình của những người con khi nghĩ về đấng sinh thành, đồng thời cho thấy thêm một nét tình cảm thiêng liêng khác được bồi đắp giữa cha mẹ và con cái: Tình bạn. Vừa là tình thâm, vừa là bạn thân, những người cha, người mẹ được nhắc đến ở đây không chỉ hy sinh thầm lặng vì con cái như dòng chảy luân hồi xưa nay mà còn luôn đồng hành, kề vai sát cánh cùng con trên mọi nẻo đường…
… Bình dị trong từng trang viết, lắng đọng trong từng câu chữ, xúc động trong từng lời tỏ bày của con cái đối với cha mẹ, Vì thương… – như tên gọi của nó – mong muốn trở thành nhịp cầu nối những yêu thương vốn gần gũi thiết thân nhưng khó tỏ bày, để thế hệ trẻ trở về, không chỉ là biết ơn những hy sinh thầm lặng của mẹ cha, trân quý hơn những phút giây còn được cài bông hồng đỏ trên ngực áo, mà còn để họ mạnh dạn làm bạn với cha mẹ của mình, không để cha mẹ cô đơn khi tuổi già đang đến; và cũng từ đó dựng xây nên những tổ ấm mà nền tảng là tình thương và tình bạn, khi người trẻ một mai cũng sẽ trở thành mẹ cha của những đứa con thơ.
***
Tập truyện ngắn Vì Thương… gồm có:
***
Trong cuộc sống của mỗi con người, cho dù mọi thứ đều đổi thay theo năm tháng, thì vẫn có một điều vẹn nguyên mãi với thời gian, ấy là gia đình. Đó là nơi chúng ta cùng nuôi dưỡng tình yêu thương. Và cũng nơi đó, con cái hạnh phúc khi luôn có cha mẹ bên cạnh để tựa nương, để nhắc nhớ, để quay về những lúc yếu lòng, mỏi mệt. Tuyển tập Vì thương… ghi lại tâm tình của những người con khi nghĩ về đấng sinh thành, đồng thời cho thấy thêm một nét tình cảm thiêng liêng khác được bồi đắp giữa cha mẹ và con cái: Tình bạn. Vừa là tình thâm, vừa là bạn thân, những người cha, người mẹ được nhắc đến ở đây không chỉ hy sinh thầm lặng vì con cái như dòng chảy luân hồi xưa nay mà còn luôn đồng hành, kề vai sát cánh cùng con trên mọi nẻo đường.
Bởi vì thương, mà cha mẹ luôn cố gắng dành hết cho con mọi điều tốt đẹp nhất của mình: giữa cơ cực xót xa, người cha đi nguồn để mang về những bao tời gạo và hạt mít cho cả nhà qua mùa đói kém (Biết đâu nguồn cội? – Bình Nguyễn); những cuốn sách ấm hơi thị thành cha mang về để con thỏa cơn đói sách (Từ Thị Trấn đến Thành Phố – Huỳnh Trọng Khang); sẵn sàng hy sinh tất cả để con gái có thể theo học đến nơi đến chốn vào cái thời mà cả xóm không ai biết bằng tú tài là gì, và cho đến cả khi nhắm mắt xuôi tay, người cha lo lắng nhất vẫn là đứa con khờ khạo chưa bao giờ lớn trong mắt mình (Người cha nóng tính – Minh Cúc)…
Và cũng bởi vì thương, mà ta bắt gặp ở đó những mối duyên thật thi vị, khi cha mẹ luôn mong muốn trở thành người bạn đồng hành cùng con: tình “huynh đệ” giữa cha và con trai; sự gắn bó thiết thân giữa mẹ chồng – nàng dâu; sự đồng cảm, thấu hiểu giữa mẹ và con gái. Bao điều đẹp đẽ ấy được bắt nguồn từ những chi tiết tưởng như vụn vặt: cha tập lắc vòng để chỉ cho con gái cách giảm cân, cùng con gái kiếm hình Hoàn Châu Cách Cách dán đầy vở cho bằng chúng bạn (Bạn lớn – An Nhiên); cha song hành với con gái trong những thời điểm khủng hoảng – ly dị chồng và làm mẹ đơn thân (“Có chuyện gì vậy con? Kể bố nghe đi” – Cao Bảo Vy); mẹ và con gái trở thành “đồng môn” khi cùng đi học ngoại ngữ, cùng thực tập nữ công gia chánh (Hai người bạn lớn trong đời – Dương Thụy); hay những buổi cuối tuần má con dâu rể quây quần ở quán cà phê trong hẻm nhỏ theo đúng “luật gia đình”, nói đủ chuyện xưa nay (Cà phê kho, sáng cuối tuần và chuyện xưa xa của má – Trúc Thiên)… Những điều nhỏ bé bình dị ấy đã trở thành những kỷ niệm tươi sáng rạng ngời nhất trong ký ức cuộc đời con.
Không dừng lại ở đó, cũng chính vì thương, vì muốn con được tròn giấc trong những đêm hè say nồng, được ấm áp hạnh phúc, lóng lánh niềm vui, cha mẹ đã bỏ lại sau lưng, nén chặt trong lòng mơ ước của chính bản thân mình. Ước mơ của mẹ khó khăn lắm con mới thấy hiện diện, là khi mẹ hớn hở như một đứa trẻ giữa vườn hoa, khi mẹ mua được một chiếc bàn tròn chạm khắc công phu để dành làm chỗ soạn giáo án (Có mẹ, đâu cũng thành tổ ấm – Đặng Nguyễn Đông Vy),… Thế nên, không chỉ là cha mẹ làm bạn với con cái, mà chính con cái cũng cần làm bạn với cha mẹ của mình. Con gái sẽ già đi cùng mẹ, học cách lắng nghe những câu chuyện nhỏ của mẹ như bông hoa mới nở, tấm ảnh chụp cùng bạn bè (Tảng đá phủ rêu xanh – Tạ Anh Thư). Hay để mẹ có thời gian làm những điều mình thích, học thêm ngoại ngữ, đôi khi là đối thoại với mẹ về tuổi già, khi chính mẹ cũng cần “một ai đó ở bên cạnh động viên khám phá lại bản thân, bình tĩnh xử lý bất trắc, chứ không phải cần ai đó xuất hiện và cho thật nhiều quà hay tiền…” (Nhìn mẹ – Khải Đơn).
Bình dị trong từng trang viết, lắng đọng trong từng câu chữ, xúc động trong từng lời tỏ bày của con cái đối với cha mẹ, Vì thương… – như tên gọi của nó – mong muốn trở thành nhịp cầu nối những yêu thương vốn gần gũi thiết thân nhưng khó tỏ bày, để thế hệ trẻ trở về, không chỉ là biết ơn những hy sinh thầm lặng của mẹ cha, trân quý hơn những phút giây còn được cài bông hồng đỏ trên ngực áo, mà còn để họ mạnh dạn làm bạn với cha mẹ của mình, không để cha mẹ cô đơn khi tuổi già đang đến; và cũng từ đó dựng xây nên những tổ ấm mà nền tảng là tình thương và tình bạn, khi người trẻ một mai cũng sẽ trở thành mẹ cha của những đứa con thơ.
PHƯƠNG NAM BOOK
Trái tim cha mẹ, quê nhà của con…
Mời các bạn đón đọc Vì Thương… của Nhiều tác giả.