Mầu lam nhạt pha loáng thoáng tím ngắt là mầu sáng một chiều đông rơi mau ngoài cửa sổ. Tôi đứng dậy. Ông ta lí nhí cám ơn rồi theo chân. Bước ra khỏi nhà quàn, tôi bảo "…thôi về, tôi chở ông ".
Lên xe, ông ta im lặng.
Ông thờ thẫn nhìn ra trời tuyết. Trắng xóa. Trống vắng. Trùng trùng điệp điệp màu trắng và trống. Sự im lặng bỗng hóa ra bao la đến ghê rợn. Tôi nói lơ đãng "… mùa dài tựa như không bao giờ dứt, ông nhỉ ! ". Ông ta vẫn im lặng. Xe đổ dốc trơn tuột, chúi xuống như trượt băng. Ðể chân nhấp lên bàn thắng, tôi buột miệng " Shit ! " [1], tay bẻ vô lăng quẹo trái vào con đường nhà ông.
Ðến cửa, ông ta ngần ngừ " Hay ngủ lại đây tối nay đi. Ðài T.V. báo mưa băng verglas, lái xe về Montréal có thể nguy hiểm…". Nhớ đến Felicia, tôi gật đầu. Mai là thứ bảy, ngày nghỉ. Tôi vào nhà, mở niên giám tìm tiệm Pizza, quay điện thoại gọi đặt một cái thập cẩm all-dressed, 16 inch [2] . Ông ta lẳng lặng đem ra hai cái ly, rót scotch, đổ xô-đa vào đẩy một ly về phía tôi. Tôi lắc đầu. Ông uống ực một hơi, rồi đứng dậy. Ông cầm chiếc búa, bổ củi rồi chẻ ra thành từng khúc nhỏ bỏ vào lò sưởi. Nhóm xong lửa, ông lại ra ngồi, tay cầm cái ly tôi không uống, chép miệng "… một mình, nay một mình ! ". Ái ngại, tôi nhìn ông. Ðể ly lên miệng, ông lại uống, rồi nói trống không "… cả hai có lẽ đều đi lên Thiên Ðàng rồi… ".
Tôi mường tượng lại hình ảnh xác bà ta trong quan tài ở nhà quàn. Bà vốn đẫy đà, quan tài phải thửa riêng. Mắc chứng boulimie khiến lúc nào cũng ăn, bà phải nặng chứ ít cũng đến hơn một tạ. Trong áo quan, thân thể bà phồng lên như miếng buche [3] phủ đầy kem. Nhà quàn trát phấn, tô môi cho bà, hai môi đỏ chót nhìn tưởng như trái cerise [4] thường để trên trang trí cho loại bánh ngọt rẻ tiền. Ông ta lại quơ chai scotch [5] . Chuông cửa reo. Chắc người ta giao pizza. Tôi đứng dậy.
Cắt pizza, tôi bảo " Ăn, không ăn uống say chết ! ". Ông ta gật gật, trông bất lực đến tội nghiệp. Ăn xong, tôi cời lửa, hỏi "… Ông để tôi ngủ đâu ? ". Ông ta chỉ lên lầu, thẫn thờ "… thì phòng Félicia [6] trên đó ! ". Lên thang, tôi nói với xuống "… cho tôi nghỉ một lát nhé ! ", tay đẩy cửa căn phòng tôi đã một lần ngủ qua đêm cách đây chưa đến một năm. Bật đèn, tôi nhìn quanh. Vẫn thế. Nhưng thiếu, thiếu Félicia. Giường nằm cạnh tường, drap xanh màu nước trải rộng như đại dương. Bên cạnh, bàn ngủ đỏ au màu gỗ acajou. Vẫn hai bức ảnh. Ảnh khi Félicia học xong trung học, miệng cười rạng rỡ, mái tóc hung hung óng ánh đổ xuống bờ vai. Ảnh khi Félicia tốt nghiệp đại học, mũ có một tua đỏ, nghiêm nhưng hiền và đẹp như bức tượng Ðức Mẹ trong các thánh đường. Tôi nằm xoài trên giường, với tay tắt đèn. Ngay bên tai là tiếng pha lê chạm vào nhau thánh thót văng vẳng. Tôi nhắm mắt. Ai đó thì thầm. Tôi lắng nghe. Ðằng sau tiếng pha lê, đâu đó có một thứ âm thanh kỳ diệu, không phải là tiếng người, không phải là tiếng nhạc, là âm thanh nhưng sao lung linh màu nắng và mang theo những cơn gió. Lạ nhỉ. Âm thanh mà lại có màu. Có gió. Lại lung linh, có đời sống. Giá cứ nhắm mắt để có thể nghe những âm thanh đó, có lẽ tôi sẽ chắp tay cầu xin Ðức Mẹ cho tôi nhắm lại mãi mãi.
°
Trên con phố ngày xưa mang tên Maplewood, là rừng phong, là thơ, là mộng. Chợp mắt một đêm, sáng sau đường đổi thành Edouard Monpetit, tên một ông thầy tu giòng Tên nào đó mang khoa học nhân văn đến cái đại học nằm nghễu nghện trên núi. Ðêm hôm trước, trời đổ mưa. Sáng ra, trời bắt đầu đổ lạnh. Âm hai, rồi âm ba… và cứ vậy chênh chếch âm bốn C. Nước mưa bám trên những cành phong đông đá. Rừng phong dưới chân đại học hóa thành một rừng cây pha lê. Những cành khô bọc đá băng trong suốt lung linh dưới nắng. Nắng vàng rực rỡ. Nắng chói trên những bãi tuyết trắng xóa đã đậu lại từ tháng trước. Nắng làm cho trời trên cao xanh hun hút. Nắng làm tuyết óng a óng ánh, màu trắng của tuyết nay phơn phớt lân tinh biêng biếc lạnh, cái lạnh có chất ẩm luồn lách theo những cơn gióù. Gió liu riu, thỉnh thoảng lại tất tả thổi, rất bất ngờ, như nghịch ngợm, như trêu cợt. Lúc đó, những cành cây pha lê chạm nhau, tiếng leng keng văng vẳng, nhỏ nhẹ, mơ hồ, len qua những vùng mờ ảo của cảm giác lênh đênh bắt gặp lại từ một thời xa xưa quá vãng.
Rừng pha lê cất tiếng hát như thế đấy. Ðứng trên nhìn xuống, những cành phong còn non bọc trong pha lê xòa cong mình trong chiều gió thổi tựa như cả trăm cánh tay vũ nữ ba-lê cùng vung cao theo cung độ một bản thánh ca giao hưởng. Tiếng hát trong vắt thủy tinh vút đến từng li ti tế bào não bộ gợi lên nỗi bâng khuâng lẫn lộn vui buồn, không đối tượng, không chủ đích, không bất luận một thực tại nào. Trong thanh âm đồng ca một giọng nữ vượt cao va vào mây trắng dể văng vẳng vọng về tiếng lụa tơ tươm tả xé rách bươm hồn. Buột miệng, tôi khe khẽ nói một mình, hát tiếp đi, hát nữa lên, hát thế là hát như trẻ thơ. Félicia chau mày " Có gì mà phải hát. Chẳng lẽ vì đường đổi tên ? ". Bước quanh bức tượng Edouard Monpetit để vào cổng phụ Centre Social là nơi sinh viên đến trong giờ nghỉ học, Félicia trượt chân, tay víu vào tôi. Nó làu bàu "…suýt nữa - ngước nhìn bức tượng nó buông sẵng -… a, đừng có cười ta… ". Ðó là lần đầu tôi mê đắm cái trong suốt của cả cánh rừng băng đóng óng ánh pha lê. Ðó cũng là lần đầu tôi thấy Félicia nói với cái giọng khó chịu ta thán. Nhưng lạ thật, đó cũng là lần đầu bỗng nhiên tôi nẩy ý chiếm đoạt nó như một người đàn ông chiếm đoạt thân xác một con đàn bà, tôi - vừa bé vừa gầy - mà nó gọi là P'tit-corps, thằng nhỏ-con, một thằêng sinh viên da vàng đến từ cái vết ưỡn ẹo chữ S trên mảnh bức địa đồ mầu bôi lòe loẹt.
…
***
Nam Dao tên thật là Nguyễn Mạnh Hùng. Hiện ông là giáo sư Kinh tế của trường Đại học Toronto, Canada. Ông tham gia giảng dạy tại nhiều trường Đại học danh tiếng trên thế giới như: Havard, Paris – Sorbonne, Toulouse, Montpellier, Paris10, CEPREMAP, National Australian University, University of New Southwales…
Ông cũng là tác giả của nhiều nghiên cứu đã in trong những tờ báo tiếng tăm nhất trong ngành. Từng được giải có bài nghiên cứu kiệt xuất nhất của tờ Asian Pacific Economic Review năm 1999. Ông là thành viên của Hội Đồng Nghiên cứu Khoa Học Nhân Văn của Canada về Kinh Tế Học và nhiều Trung tâm Nghiên Cứu Kinh Tế tại Canada và Pháp, Úc.
Không dừng lại ở đó, trong lĩnh vực văn học Nguyễn Mạnh Hùng còn là cây bút sáng tác rất sung sức và nổi bật trên nhiều lĩnh vực: truyện ngắn, thơ, kịch, tiểu luận, phê bình. Các tác phẩm của ông chủ yếu được xuất bản ở nước ngoài dưới 2 bút hiệu Nam Dao & Dã Tượng.
Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Cõi tình (tiểu thuyết), Trăng nguyên sơ (tiểu thuyết), Bể dâu (tiểu thuyết lịch sử), Khoảng chơi vơi(truyện và ký), Tiếng cồng, Trong buốt pha lê (tập truyện), Gió lửa (tiểu thuyết lịch sử), Dấu vết ngậm ngùi(Thơ), Tình phụ, Sân đền, Ta xô biển lại (kịch bản)… cùng rất nhiều tác phẩm khác.
Mời các bạn đón đọc Trong Buốt Pha Lê của tác giả Nam Dao.