Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Sự Tuyệt Chủng Của Con Người Kinh Tế - Michael Shermer

Vì sao chúng ta cứ ôm khư khư mớ cổ phiếu để rồi sau đó mới nhận ra rằng lẽ ra phải bán phứt chúng đi? Vì sao chúng ta sẵn sàng mua một chiếc áo mang thương hiệu của một nhà sản xuất nổi tiếng với giá cao hơn, cho dù phải bẻ ngược cổ áo mới nhìn thấy tên của nhãn hiệu đó? Vì sao chúng ta như phát điên khi thấy người khác làm công việc tương tự mình lại được trả lương cao hơn, cho dù trước đó chúng ta hoàn toàn mãn nguyện với những gì mình đang có? Rốt cuộc là vì sao? Đơn giản là vì quá trình tiến hóa đã khiến chúng ta hành động như vậy.

Từ góc nhìn hoàn toàn mới mẻ, tác giả Michael Shermer đã hé lộ cùng độc giả những yếu tố tâm sinh lý góp phần hình thành nên phương thức tư duy của con người về tiền bạc. Ông cũng giải thích cặn kẽ quá trình biến đổi của loài người từ phương thức giản đơn săn bắt-hái lượm thuở hồng hoang tiến hóa thành con người tiêu dùng-doanh nhân hiện đại, đồng thời giải thích cách thức thị trường tư bản - vốn được coi là một phần trong học thuyết tiến hóa của Darwin - vượt qua quá trình chọn lọc tự nhiên để lớn mạnh trở thành phương thức thỏa mãn nhu cầu ưu việt nhất của loài người.

Dựa trên nền tảng Kinh tế học thần kinh - một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, Shermer đã cố gắng tìm hiểu xem điều gì đang thực sự diễn ra bên trong não bộ mỗi khi chúng ta đưa ra những quyết định có liên quan đến tài chính như giao kèo mua bán, thâu tóm mối làm ăn và tạo dựng niềm tin trong kinh doanh. Shermer đã nỗ lực quan sát và phân tích các thí nghiệm về Kinh tế học hành vi (Behavioral Economics) để tìm hiểu nguyên nhân vì sao chúng ta lại thích những vấn đề có ít sự lựa chọn cũng như luôn tìm cách né tránh thất bại, bất chấp mọi dự đoán của kinh tế học truyền thống. Bên cạnh đó, những khám phá mới mẻ của ông về hành vi của loài linh trưởng cũng như quá trình tiến hóa của loài người đã góp phần giải đáp một loạt các câu hỏi như vì sao chúng ta lại đánh giá các loại mặt hàng thông qua hệ thống tiền tệ? tại sao chúng ta lại thèm muốn thứ người khác đang sở hữu? vì sao chúng ta hay bị các xúc cảm về giới tính chi phối trong quá trình hợp tác và lựa chọn đối tác trong kinh doanh?

Từ những phát hiện độc đáo rút ra trên cở sở những thí nghiệm về hành vi của con người đối với tiền bạc, cuốn sách này thực sự là một công trình khoa học công phu và nghiêm túc về đời sống kinh tế của loài người.

***

Vì sao tiền không mua được hạnh phúc?

Vì tiền và hạnh phúc là hai phạm trù không liên quan với nhau.

Khám phá này nghe qua chắc không khiến bạn sửng sốt đến nỗi có thể làm rơi thìa khi đang ăn, hoặc rớt vỡ đĩa khi đang cầm, nhưng nó chính là bí mật ẩn sâu trong tiềm thức của bạn - một sự kết nối vô hình. Cũng giống như phần thịt thừa trên bàn tay loài gấu trúc có liên quan đến khái niệm sự thích nghi từ trước vậy. Một cụm từ khiến ta phải trăn trở đến chiều sâu ý nghĩa của nó, để rồi trong khi tìm hiểu điều bí ẩn ấy, ta bắt gặp rất nhiều điều bí ẩn khác. Và, tựu trung lại, bạn sẽ hiểu rằng quá trình tiến hoá của sự sống cũng giống như của công nghệ tuân thủ một trật tự khắc nghiệt: tuyệt chủng mới là quy luật, còn sống sót chỉ là ngoại lệ.

Đến đây, đã đủ làm bạn cảm thấy bí mật đan xen bí mật, điều tưởng đã biết dường như vừa có thêm tầng ý nghĩa mới chưa?

Đó chính là cách tiếp cận vấn đề rất tuyệt của tiến sĩ Michael Shermer, một nhà văn khoa học Mỹ, nhà nghiên cứu lịch sử khoa học, người sáng lập Hiệp hội Hoài nghi, hiện đang có hơn 55.000 thành viên, và Tổng biên tập tạp chí Hoài nghi.

Trong cách trình bày vấn đề của mình, ông hay đặt độc giả vào những tình huống hết sức khó chịu. Ví như, phải đối diện với vấn đề đạo đức cá nhân khi gặp một tình huống cần giúp đỡ, bạn sẽ chọn hại một người để cứu nhiều người; hay, bạn chọn sẽ thay đổi một thứ gì đó để cứu nhiều người? Dĩ nhiên, đa số chúng ta đều chọn không làm hại người khác để cứu một người khác. Vấn đề đặt ra là, khó chịu hơn một chút nữa, nếu bạn chỉ có một lựa chọn hại người khác để cứu nhiều người, bạn sẽ làm gì?

Nếu những vấn đề trình bày trong cuốn sách này là thế, phải chăng đây là một cuốn sách rao giảng về đạo đức. Không, bạn đừng vội lo lắng quá. Vì ngay ở chương hai cuốn sách, tác giả đã đề cập đến vấn đề “Trực giác kinh tế trong ta”? Chắc chắn, đây là một cuốn sách về kinh tế. Nhưng hãy cẩn thận, vì Shermer sẽ thuyết minh cho bạn quan điểm riêng về vấn đề tiền bạc, được minh họa bằng công trình nghiên cứu của hàng loạt các giáo sư khả kính - những bậc thầy kinh tế mà giải Nobel là một đảm bảo chắc chắn. Nhưng đồng thời, ông cũng phê phán việc con người đã dùng cái xúc cảm nhạy bén và quá ư thiên kiến của mình để định nghĩa về chúng.

Bạn sẽ phân vân giữa ngã ba đường, rằng quyển sách này hướng dẫn bạn điều gì? Nên định nghĩa lại các giá trị đạo đức hay chỉ dẫn bạn cách tiêu tiền dựa trên sai lầm tinh tế của cảm xúc mà bạn đã phạm phải trong quá khứ?

Nếu vội vàng xem chương kết luận, bạn sẽ dễ nhầm lẫn nghỉ mọi người được tự do lựa chọn hành động cho bản thân. Nhưng, hãy lật giở từng trang từ đầu cuốn sách, đọc từng dòng, từng dòng… để lối hành văn kể chuyện liệt kê, mạch lạc dẫn dắt lôi cuốn, bạn sẽ thấy dường như có một trình tự nào đó đã từ từ nắm bắt, điều chỉnh suy nghĩ của bạn.

Xin mời bạn cùng bước vào cuộc phiêu lưu.

Tháng 10 năm 2010

Nhà văn QUẾ KHƯƠNG

***

Michael Shermer là tác giả của 9 tác phẩm nổi tiếng khác, trong đó có Why people believe weird things (Vì sao con người lại tin vào những chuyện hoang đường) và The science of God and Evil (Khoa học của Thiện và Ác). Ông cũng đồng thời là giáo sư kinh tế học tại trường Claremont Graduate University, phóng viên tờ Scientific American, chủ bút Tạp chí Hoài nghi (Skeptic) và là nhà sáng lập kiêm giám đốc Hiệp hội Hoài nghi.

Mời các bạn đón đọc Sự Tuyệt Chủng Của Con Người Kinh Tế của tác giả Michael Shermer.