Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 – 1892) là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất trong Phong trào Cần Vương ở đồng bằng Bắc Bộ cuối thế kỷ XIX. Cuộc khởi nghĩa diễn biến qua ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất (1883 – 1885) do Đinh Gia Quế (tức Đổng Quế) lãnh đạo; Giai đoạn thứ hai (1885 – 1889) do Nguyễn Thiện Thuật (tức Tán Thuật) lãnh đạo; Giai đoạn thứ ba (1890 – 1892) do Nguyễn Thiện Kế (tức Hai kế) lãnh đạo.
Ngày 28/3/1883, quân Pháp chiếm thành Hưng Yên. Căm thù giặc, Đinh Gia Quế tự xưng là “Đổng Quân vụ”, giương cao lá cờ đỏ hình vuông với tám chữ “Nam đạo Cần Vương – Bình Tây phạt tội”, chiêu mộ nghĩa quân đánh Pháp. Lực lượng nhân dân theo Đổng Quế tăng lên nhanh chóng. Công sứ Hưng Yên Miribel đã thú nhận: “Tất cả những người nông dân ở vùng Bãi Sậy đều theo Đinh Gia Quế chống người Pháp”.
***
CUỐI thế-kỷ thứ 19.
Một bức màn đen tối bao phủ kín khung trời Việt-Nam. Dân-tộc lao-đao khác chi con thuyền gặp bão táp giữa trùng-dương. Những thủy-thủ quốc-gia, kẻ chèo người lái, gắng công gắng sức đấy, nhưng thuyền vẫn trùng-triềng trong bể sóng mênh mông nguy-hiểm.
Dân-tộc âm thầm nhỏ lệ !
Hồi đó, trước làn sóng cơ-khí của Tây-phương, người Việt bỡ ngỡ. Họ lạ lùng như đứng trước những quái-tượng của thiên-nhiên.
Họ sợ-hãi lắm. Tuy thế, tiếng gọi của nhiệm-vụ trước giang-sơn nguy-biến đã gieo vào lòng họ một nghị-lực đầy tin-tưởng. Một số đông đứng lên, không quản khó khăn, lăn mình vào thời cuộc.
Thế là trong hầu khắp đất nước, cảnh chém giết hãi hùng diễn ra liên-tiếp.
Tang tóc ngập trời !
Quân Pháp đã bước vào đất nước !
Nguyễn Triều lúng-túng, người thế này người thế khác, không có một giải-pháp gì khả dĩ cứu vãn tình-thế nguy vong đến nơi !
Trong toàn quốc, sĩ-khí ngùn ngụt ngất trời. Bao nhiêu nhà nho hoặc quăng bút cầm gươm, hoặc bỏ cả thi cống thi nghè về nơi thôn-dã ẩn náu để sống nốt cuộc đời thúc-thủ tủi-nhục mình. Nhân dân lao-nhao, lo ngại, tưởng như đứng trước cảnh đất lở trời nghiêng nhưng họ cũng quen dần đi.
Loạn lạc đã hàng trăm năm nay rồi. Nào Trịnh-Nguyễn tranh giành ; nào Tây-Sơn khởi nghĩa ; nào quân Thanh xâm chiếm ; nào cuộc tranh hùng máu chảy thành sông giữa nhà Nguyễn và nhà Tây-Sơn. Tài-sản quốc gia vì thế mà kiệt quệ. Dân quê nghèo khổ, sợ đói rét hơn là sợ giặc-giã. Bởi thế, tuy khắp đất nước lúc này lâm vào cảnh khói đạn tơi bời, họ chỉ lo âu lúc đầu, rồi lại kiên nhẫn trong công việc đồng áng, mặc cho thế-sự xoay vần. Họ vẫn cười, nhưng trên đôi mắt hiền-hậu chất-phác thấy long lanh mầu lệ.
Mời các bạn đón đọc Tán Thuật Bãi Sậy Khởi Nghĩa 1883-1897 của tác giả Vân Hà.