Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Bùn Lầy Nước Đọng - Hoàng Đạo

Bùn lầy nước đọng là một trong những tác phẩm của Hoàng Đạo trong Tự lực văn đoàn. Tháng chín năm 1938, Hoàng Đạo cho xuất bản cuốn Bùn lầy nước đọng, vừa bày bán thì bị chính quyền thuộc địa Pháp ra lệnh tịch thu và cấm lưu hành. Đây là một tiểu luận chính trị nhằm mổ xẻ phân tích thảm trạng của nông thôn Việt Nam.

***

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Nhật báo TỰ DO tục bản đến nay đã được hơn hai năm. Nhờ sự đóng góp thiết thực về mặt vật chất và cao quý về phương diện tinh thần của bạn đọc thân mến, cơ sở mỗi ngày một tương đối vững vàng hơn. Để đền đáp phần nào sự chiếu cố ân cần của đồng bào các giới, chúng tôi quyết định từ nay sẽ hoạt động thêm về ngành xuất bản.

Ngành xuất bản này sẽ cung cấp những món ăn tinh thần mà một tờ báo hàng ngày, dù muốn, cũng không thể làm được. Những sách sẽ ấn hành có thể thuộc về đủ các loại như sáng tác (truyện ngắn, truyện dài, kịch, thơ, tùy bút), biên khảo (về văn học, triết học, xã hội, lịch sử, địa lý, kinh tế, chính trị), dịch thuật (cổ ngữ hoặc sinh ngữ)…

Nội dung và hình thức của các sách ấy tùy thuộc hoàn toàn ở các nhà trước tác, kể từ văn hữu vẫn đã nhiều ít cộng tác với nhật báo Tự-do cho đến những tài năng mà xưa rày chúng tôi chưa từng có hân hạnh được nhận sự đóng góp trực tiếp.

Riêng phần nhà xuất bản, chúng tôi chỉ làm công việc lựa chọn theo chủ trương « tự do » của Cơ Sở chúng tôi và theo các nhu cầu thiết yếu nhất của mọi tầng lớp công chúng.

Kể từ đầu năm dương lịch 1959 này, ngành xuất bản của Tự Do sẽ ấn hành mỗi tháng ít nhất là một cuốn sách.

Chúng tôi sẽ cố gắng để làm cho sách in ra mỗi ngày một hay hơn về nội dung, mỗi ngày một đẹp hơn về hình thức và nhất là mỗi ngày một hạ hơn về giá bán.

Khẩu hiệu trên đây không phải là dễ có thể thực hiện. Nhưng chúng tôi nhất định sẽ dần dần thực hiện, vì tin tưởng ở sự gom công, góp sức của các tác giả, của các nhà sách, nhất là của những chủ nhân tinh thần của chúng tôi tức là chúng độc giả và toàn thể đồng bào các giới. Xin mời các bạn cùng viết, cùng làm, cùng phổ biến và cùng thưởng thức những món ăn tinh thần mà chúng tôi có hân hạnh trình bày.

Saigon, một ngày cuối năm 1958

***

NĂM 1932, sau khi đã hoàn toàn dẹp xong cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân đảng, thống trị Pháp mở một cuộc thuyên chuyển lớn trong hàng ngũ viên chức bổn xứ nhằm gián đoạn liên lạc giữa những người trí thức Việt Nam yêu nước. Nhưng đối vời Nguyễn Tường Long, việc đổi từ Sàigòn ra Hà-Nội lại là một dịp may để ông cùng với anh em hoạt động. Nghiên cứu những kinh nghiệm mang lại do cuộc khởi nghĩa thất bại của Nguyễn Thái Học và tổ chức V.N.Q.D.Đ, ông cùng với anh ruột là ông Nguyễn Tường Tam và một người bạn là ông Trần Khánh Giư tức Khái Hưng tự vạch ra một con đường chiến đấu trường kỳ đi tới giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp.

Đó là con đường huấn luyện quần chúng bằng báo chí. Năm 1933 bộ ba này nhận lại một tờ báo đang sắp chết là tờ Phong Hóa của một người bạn là ông Phạm Hữu Ninh. Bằng một kỹ thuật học được của báo chí tiến bộ Âu Châu, bằng một lối hành văn mới và nhất là bằng giọng hài hước, họ đã làm cho tờ Phong Hóa sống lại và truyền bá rất mau. Chủ trương của bộ ba này lúc đầu là dùng nghệ thuật, văn chương để thu hút quần chúng, dùng cái cười làm khí giới để chen vào cuộc xung đột giữa hai khuynh hướng « theo mới » và « tồn cổ » mà họ đứng hẳn vào khuynh hướng triệt để theo mới. Khi đã thu hút được quần chúng rồi, họ bắt đầu chuyển sang việc truyền bá những tư tưởng cách mạng dân tộc và cách mạng xã hội nhịp theo trào lưu tiến hóa của thế giới. Thanh thế của tờ báo càng lớn thì những người có tâm huyết có tài năng tìm đến hợp tác mỗi ngày một đông, và nổi bật nhất là Tú Mỡ tức Hồ Trọng Hiếu, Thế Lữ tức Nguyễn Thứ Lễ…

Trong báo Phong Hóa, Nguyễn Tường Long lấy bút hiệu là Tứ Ly. Sở dĩ ông chọn bút hiệu này là vì muốn đả phá thói mê tín bốc phệ, ông đã chọn giờ xấu nhất trong ngày là giờ Tứ Ly làm tên hiệu. Thời kỳ này Tứ Ly rất ít khi viết những bài nghị luận chính trị, kinh tế hoặc xã hội mà chỉ chuyên về mặt đả kích. Bằng một lối văn hài hước khi thì nhẹ nhàng thâm thúy kiểu nhà nho, khi thì sâu cay độc địa kiểu những cây bút đả kich Tây phương, Tứ Ly đả kích tất cả những người và những việc mà ông cho là tiêu cực, là hủ bại, là cản đường tiến của xã hội. Bất cứ một chuyện nhỏ hay một chuyện lớn, ảnh hưởng quan trọng hay thoảng qua, tất cả đều có thể là những đầu đề cho Tứ Ly đả kích để đưa chủ trương « theo mới » những tư tưởng tiến bộ của mình ra : một vụ kiện tranh ngôi thứ, mọi biện pháp hành chính mới của thống trị Pháp, một thay đổi chức vị trong Triều đình Huế, một viên quan bị tố cáo ăn hối lộ, một câu văn viết không rõ ý của một tờ báo-khác, một tư tưởng nhai lại, thậm chí một nét mặt, một kiểu phục sức như cái mũi đỏ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, cái búi tóc củ hành của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố… tất cả đều bị Tứ Ly đưa lên mặt báo, bóc trần, mổ xẻ để đả kích bằng cả lý luận lẫn giọng cười.

Báo Phong Hóa càng ngày có ảnh hưởng càng lớn. Mật thám Pháp dò biết Tứ Ly là linh hồn của cơ quan này nên đã ra lịnh đổi viên tham tá lục sự Nguyễn Tường Long từ Hà Nội vào Đà Nẵng nhằm tách rời ông khỏi bộ tham mưu. Nhưng trở lại miền Trung là Tứ Ly lại có thêm một dịp để đả kích chế độ cai trị cực kỳ khắc nghiệt của thực dân với những tay sai đắc lực của chúng trong hàng ngũ quan-lại Nam Triều. Vì thế, thực dân Pháp không còn cách nào khác là hạ lệnh đóng cửa tuần báo Phong Hóa. Lúc đó vào năm 1937.

Nhưng báo Phong Hóa chết, nhóm của ông đã có sẵn nhà Xuất Bản Đời Nay để làm cầu liên lạc với người đọc qua những tác phẩm văn nghệ đã đăng trong báo đó. Thời kỳ này Tứ Ly không có một văn phẩm nào để xuất bản. Ít lâu sau, người anh thứ hai của ông là Nguyễn Tường Cẩm xin được ra một tờ báo khác là tuần báo Ngày Nay. Trong 18 số đầu, tờ Ngày Nay chuyên về hình ảnh và phóng sự với mục đích là tránh sự rình rập của thực dân Pháp. Từ số 19, tờ Ngày Nay bắt đầu đổi thể tài, chuyên về văn nghệ và Tứ Ly đổi tên là Hoàng Đạo để thỉnh thoảng viết một vài bài đả kích nhẹ nhàng. Ngược lại với bút hiệu chọn lần trước, với tờ Ngày Nay, Nguyễn Tường Long lấy giờ Hoàng Đạo là giờ tốt nhất trong ngày để thay cho tên Tứ Ly. Chính trong thời gian bắt đầu xây dựng tờ Ngày Nay, tác giả đã ghi chép một số những vụ xử án điển hình tại tòa Tiểu binh Hà Nội trong khi ông ngồi ghế lục sự tại tòa này và đăng trong mục « TRƯỚC VÀNH MÓNG NGỰA ». Dụng ý của ông khi viết mục này là vẽ lại cảnh sống cơ cực, trình độ thấp kém của người dân Việt Nam dưới chế độ thống trị của thực dân Pháp qua sự xét định của tòa án của Pháp, theo luật lệ của Pháp, thứ luật lệ mà người Pháp vẫn tự hào là nhất thế giới.

Qua nhiều lần thay đổi thể tài, phần văn nghệ dần dần được giới hạn và đưa từ trang đầu vào trang giữa rồi chuyển về những trang cuối của tờ báo, phần nghị luận chính trị kinh tế xã hội được tăng cường tùy theo tình hình chính trị và sự canh chừng của thực dân lúc đó. Cây bút nghị luận Hoàng-Đạo càng ngày viết càng nhiều và không ngừng đưa ra những tư tưởng tiến bộ, giới thiệu những khuynh hướng chính trị và cách mạng trên thế giới, khảo cứu thực trạng của xã hội Việt-Nam để dẫn dắt người đọc đi tới con đường cách mạng. Ông đã viết từng loạt bài nối tiếp từ Mười Điều Tâm Niệm mà ông coi như kim chỉ nam cho thanh niên thời ấy, đến Công Dân Giáo Dục để giới thiệu các chế độ chính trị, khuynh hướng dân chủ ở nước ngoài, cùng các chủ nghĩa chính trị, các đảng phái, từ chủ nghĩa vô chính phủ, đến chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Cộng-sản. Các vấn đề xã hội trong nước được ông khảo xét một cách minh bạch từ đời sống nông dân sau lũy tre xanh đến những cảnh vật lộn cực khổ của lao động thợ thuyền ở thành thị với những loạt bài « Bùn Lầy Nước Đọng » và « Vấn đề Cần Lao ». Trong thời kỳ Mặt Trận Bình Dân lên cầm quyền ở Pháp, ông đã có hoàn cảnh lên án cực kỳ nghiêm khắc chủ nghĩa thực dân xâm chiếm thuộc địa với loạt bài khảo cứu nhan đề « Thuộc địa Ký Ước ».

Trong báo Ngày Nay ông cũng có viết một truyện dài nhan đề : Con Đường Sáng và một số truyện ngắn, nhưng ông chưa tìm ra được một lối viết truyện thích hợp. Sau này ông có để riêng một thời gian để nghiên cứu kỹ thuật về tiểu thuyết và ông đã xây dựng một số tác phẩm lớn nhưng đều phải bỏ giở vì những hoạt động cách mạng.

Có thể nói rằng sự nghiệp văn chương của Hoàng-Đạo ngừng lại cùng lúc với tuần báo Ngày-Nay bị đóng cửa năm 1940 sau khi nước Pháp bị Đức chiếm đóng. Và từ đó ông chuyên về các hoạt động cách mạng. Cuối năm 1910 vì tổ chức đảng Đại Việt Dân Chính chủ trương xây dựng lực lượng lợi dụng các biến cố quốc-tế để đánh đuổi thực dân Pháp, lật đổ triều đình Huế xây dựng một nước Việt-Nam độc lập và dân chủ mà ông cùng các đồng chí bị Pháp bắt giam và đưa đi đày tại trại an trí Vụ-Bản thuộc châu Lạc-Sơn tỉnh Hòa-Bình. Năm 1943 thực dân Pháp giải ông về quản thúc tại Hà-nội. Tháng 6 năm 1946 sau khi lực lượng cách mạng dân tộc bị kiệt quê trong cuộc nội chiến chống Việt-Minh cộng sản, ông cùng các chiến sĩ Quốc Dân Quân rút sang Trung-Quốc. Trú ở Côn Minh rồi sang Quảng Châu, ông bị bệnh đau tim và mất tại đó.

Mời các bạn đón đọc Bùn Lầy Nước Đọng của tác giả Hoàng Đạo.