Từ câu chuyện trong Kinh Thánh Cựu Ước mô tả việc Tổ phụ Abraham tuân lệnh Thiên Chúa, sẵn sàng sát tế con trai mình là Isaac (thường được ngợi ca như một điển tích về sự trung thành vô điều kiện), triết gia Soren Kierkegaard triển khai ba luận đề truy vấn: liệu có tồn tại một sự đình bỏ có tính mục đích luận đối với luân lý hay không?; liệu có tồn tại một bổn phận tuyệt đối với Thượng đế hay không?; Liệu Abraham có thể biện hộ được về mặt luân lý khi che giấu mục đích của mình không cho Sarah, Eleazar và Isaac biết hay không?
Qua đó, ông đưa ra một phép biện chứng hiện sinh, một cái nhìn giải thiêng xuyên qua chân lý, lòng kính sợ, sự xao xuyến, bổn phận và hành động đức tin…
Với Kính sợ và Run rẩy, Soren Kierkegaard bắc một cây cầu suy tưởng nối văn chương, thần học và triết học. Đây cũng là tác phẩm độc đáo, hay nhất và gây tranh cãi nhất của ông; gây kinh ngạc đối với độc giả phổ thông và cả giới nghiên cứu chuyên sâu.
“Kính sợ và Run rẩy là một trong những tác phẩm nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng nhất trong thần học triết lý, văn chương của thế kỷ 19 và thế kỷ 20” – George Steiner
“Bản dịch này – có lẽ là lần đầu tiên của một tác phẩm quan trọng của Kierkegaard sang tiếng Việt – nhuần nhị, say mê không chỉ trong văn phong mà cả trong sự thâm cảm của dịch giả với tác phẩm, bất chấp bao ngăn cách.” – Bùi Văn Nam Sơn.
***
VỀ TÁC GIẢ
Soren Kierkegaard (1813 – 1885)
Triết gia vĩ đại người Đan Mạch; được xem là ông tổ của Chủ nghĩa Hiện sinh. Soren Kierkegaard sinh ngày 05/05/1813 tại Copenhagen, Đan Mạch. Ông là con út trong một gia đình có 7 người con. Khi S. Kierkegaard ra đời thì cha đã 56 tuổi và mẹ đã 45 nên ông thường nhận mình là một đứa con nít trong một gia đình già.
Tác phẩm tiêu biểu:
***
Giới thiệu bản dịch KÍNH SỢ VÀ RUN RẨY
của SØREN KIERKEGAARD
Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ
Hồng Sơn sơn hạ Quế Giang thâm…1
• Nguyễn Du
Tại sao “chúng ta phải bắt đầu học cách đọc Kierkegaard như thế nào?”2. Câu hỏi lạ thường ấy gợi ý: hãy thử đọc Kierkegaard như một người cầm bút, một nhà văn hơn là một triết gia hay một tác giả thần học! “Đã đến lúc” nên trung thành với chính lời của Kierkegaard: “không nên xem những gì các bí danh viết ra đều là của riêng ông”3. Đúng thế, Kierkegaard dùng các bí danh - chứ không chỉ bút danh - cho các tác phẩm chính của mình, điều sẽ gây khó khăn không nhỏ trong việc đọc và hiểu Kierkegaard. Có lẽ ngụ ý của Poole ở đây là muốn làm nhòe đi sự phân biệt giữa nội tâm của tác giả và “thực tại hiện sinh” của người đọc, bởi chính Kierkegaard cũng muốn tự xem là người đọc của chính mình trên con đường thăng tiến tâm thức đầy thách thức (“trở thành người tín hữu Kitô giáo đích thực”) không khác gì người thầy thuốc tự tuân thủ phác đồ điều trị của chính mình! Theo cung cách ấy về sau sẽ là Nietzsche cũng như trước đó là Socrates4.
Nhưng trước hết và trên hết là ở thái độ triết học đặc thù của ông. Nếu Nietzsche, nửa thế kỷ sau, phàn nàn việc chạy theo những khảo cứu khô khan về lịch sử đã biến người Âu châu thành những kẻ quan sát cuộc đời hơn là dấn thân vào cuộc đời, không dám đánh cược cuộc đời mình vào “ván bài sinh tử”, thì Kierkegaard, từ rất sớm, ngán ngẩm “thuyết duy trí” quá mức của thời đại ông dưới bầu khí của triết học hậu-Hegel và sự khô cứng của giáo hội Đan Mạch, khẳng định rằng: sự thăng tiến tâm thức là chuyện của “con tim”, và ý nghĩa của nó là “cho tôi” và “cho cuộc đời tôi”, chứ không chỉ là những định nghĩa và giáo lý vô hồn của triết học và thần học. Ta đều biết, với Hegel, Thượng đế không phải là một Hữu thể siêu việt tách biệt với không gian-thời gian, trái lại, hầu như một “Tinh thần thế giới” tự triển khai trong sự nội tại của không-thời gian. Lịch sử, theo đó, không gì khác hơn là “tự truyện của chính Thượng đế” qua biểu trưng của sự nhập thể và, vì thế, là bộ phận của Hệ thống tư biện. Giáo lý tôn giáo chỉ là “sự hình dung bằng biểu tượng” (Vorstellung) cần minh bạch hóa bằng tư duy khái niệm sáng sủa của triết học5. Với Kierkegaard, quan niệm như thế là phủ nhận sự siêu việt và uy nghiêm của Thượng đế bởi không khác gì cho rằng Thượng đế phải đi vào thế gian để tìm kiếm sự giải thích về chính mình từ… triết học Đức Thay vì bị quy giản thành một “moment” của Hệ thống Hegel, Kierkegaard đề nghị một “cái thang” khác của tâm hồn với nhiều nấc thang: từ kinh nghiệm thẩm mỹ (hay ái mỹ) sang sự thức tỉnh về đạo đức và sau cùng, vươn đến đỉnh cao là đức tin, để thay cho các nấc thang của “triết học tư biện”. Ba nấc thang nổi tiếng này của Kierkegaard là “ba cấp độ của hiện hữu”, không đơn giản nối tiếp nhau mà thống nhất trong sự giằng xé nội tâm của từng mỗi cá nhân đơn độc.
“Chân lý là sự thật cho tôi”, một luận đề khác của Kierkegaard, không phải là sự tùy tiện, tương đối và chủ quan mà là “chủ-khách quan” (sub-object-ive), bởi chân lý chỉ đích thực là chân lý khi nó biến cải cuộc đời tôi, đối lập với chân lý trống rỗng vô hồn, đầu môi chót lưỡi. Chân lý, theo Kierkegaard, nếu không được khắc ghi thành tình yêu say đắm hay sự ray rứt khôn nguôi, thì không phải là “sống trong chân lý theo nghĩa hiện sinh”. Chẳng hạn, cái chết, đối với tuổi trẻ, chỉ là một khái niệm khách quan; nó chỉ trở nên thật sự “cho tôi” nơi người già và kẻ sắp chết. Ta tìm thấy từ “cho tôi” nơi Martin Luther, và sự cá thể hóa chân lý từ rất lâu trước đó nơi Augustinus và truyền thống Francisco với John Duns Scotus (1308) với khái niệm haecceitas (“this-ness”/“sở ngã tính”).
Nhưng, liệu có thể có một lý thuyết về hiện sinh? Liệu có thể trình bày chân lý như là chân lý “cho tôi”? Viết sách về chân lý “cho tôi” phải chăng là một nghịch lý? Có lẽ đó là lý do khi Kierkegaard chọn “chiến lược” là hãy dành phần “lý thuyết” này cho các “bí danh”!
Một thế kỷ sau, Martin Heidegger và Jean-Paul Sartre, dưới tác động của Kierkegaard, trở lại vấn đề này. Nếu ta phải im lặng trước đời sống cá nhân cụ thể, thì nhiệm vụ của triết học là đi tìm cấu trúc (hữu thể học) thuần túy hình thức của sự hiện hữu ấy. Cả hai người thừa hưởng động lực từ Kierkegaard và phương pháp từ Edmund Husserl. Phương pháp mô tả hiện tượng học không nhắm đến những lý thuyết trừu tượng như thể đi tìm một thực tại sâu hơn nào đó ở đằng sau trải nghiệm cá nhân, trái lại, nhạy cảm trước những trải nghiệm rất đặc thù ngoài vòng kiểm soát của những khái niệm triết học. Và chính bản thân Kierkegaard sẽ cho thấy ông có năng lực mô tả hiện tượng học tinh tế như thế nào về sự kính sợ, xao xuyến, thất vọng và niềm tin… Không phải không có lý do khi gọi Kierkegaard là người khơi nguồn triết học hiện sinh.
Mô tả về cái chủ quan có từ bỏ những thước đo phổ quát của triết học để trở thành một thứ “triết học tình thể”? Với vẻ ngoài “phản-triết học”, Kierkegaard muốn cải tiến triết học, nhấn mạnh đến việc con người phải chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, phải đối diện với từng cảnh huống mà không ai có thể thay mặt cho ta. Triết lý về hiện hữu là nói về cái phổ quát chung quanh tính đơn lẻ của cuộc đời mình (“tính đơn lẻ” - singularity - từ Don Crotus đến triết gia hậu cấu trúc Gilles Deleuze - muốn nói: mọi sự mọi vật đều có điểm chung là sự khác biệt với nhau, và chính sự khác biệt (duy nhất, không lặp lại, bí nhiệm) là cái duy nhất tạo nên sự giống nhau giữa chúng!).
Nơi Kierkegaard, động lực chủ yếu của tính đơn lẻ là tâm thức tín ngưỡng theo mô hình của Augustinus và Luther của việc từng cá nhân đối diện một mình trước Thượng đế. Trong hoàn cảnh ấy, mọi mặt nạ đều rơi rụng và ta không thể tránh né hay giấu giếm điều gì! Nói khác đi, là tự phơi bày trước ánh sáng của cái vĩnh cửu, là nhìn chính mình từ giác độ vĩnh cửu (“sub specie aeterni”). Con người, theo ông, bị treo lơ lửng giữa hai cảnh giới: phù du và vĩnh cửu. Khác với thú vật và thần linh, con người sống trong thời gian và trước sự vĩnh cửu. Ông gọi đó là “phép biện chứng hiện sinh”, giữa “trò chơi” của các mặt đối lập. Làm sao giữ thăng bằng giữa phù du và vĩnh cửu? Không thể bằng sự “hòa giải” làm suy yếu hiện hữu mà phải tăng cường nó. Sống trong thời gian đồng thời lắng nghe tiếng gọi từ vĩnh cửu; sống trong vĩnh cửu đồng thời lắng nghe từng nhịp đập thời gian. Đó là sự vĩnh cửu “cá thể hóa” từng con người:
“Và giờ đã hết… và mọi vật quanh ta đều tĩnh lặng như trong vĩnh cửu…, sự vĩnh cửu sẽ tra vấn từng người trong triệu triệu chúng ta: bạn đã sống trong tuyệt vọng [hoặc trong đức tin]?”7.
Hay như trong thơ Bùi Giáng:
“Về tuế nguyệt bước ngao du tận mỵ
Người có nghe tang hải réo vô thường”…
“Tuế nguyệt” và “vô thường” - được Heidegger, Sartre, Camus thay bằng “cái chết” vì muốn giữ khoảng cách với khái niệm “vĩnh cửu” - là chất muối, chất sống thêm vào cho cuộc hiện sinh, đòi hỏi “nỗ lực phi thường và trách nhiệm phi thường”8.
Một lời cần nói ngay thiết nghĩ không thừa. “Đối tượng” phê bình chủ yếu của Kierkegaard - kể cả trong Kính sợ và Run rẩy - là “Hệ thống” Hegel với tham vọng lĩnh hội Thượng đế hay cái Tuyệt đối một cách thuần lý và toàn diện. Nhưng, ta không quên rằng Kierkegaard vẫn ngưỡng mộ, chịu ảnh hưởng sâu đậm và hàm ơn nhiều từ Hegel. Ông sử dụng công cụ tư duy của Hegel để đi đến những kết quả phi-Hegel. Ông không có tham vọng về một “hiện tượng học Tinh thần” bao quát hệ thống triết học cho bằng một “hiện tượng học hiện sinh” với những nấc thang của Climacus, đánh thức tầm quan trọng và cường độ sôi nổi của hiện hữu cá nhân. Thật thế, thiếu ý tưởng dẫn đạo về các bậc thang phát triển của ý thức của Hegel, người ta không thể tiếp cận được tâm hồn Kierkegaard. Từ đó, diễn ngôn triết học mới mẻ của Kierkegaard - hướng đến tính cụ thể sinh động của đời sống - thực sự mở đường cho tư tưởng Tây phương thế kỷ 20, từ “chủ nghĩa hiện sinh” đến “giải kiến tạo”.
Mời bạn đón đọc Kính Sợ Và Run Rẩy của tác giả Soren Kierkegaard.