Lịch sử quân sự Việt Nam từ thế kỷ III Tr.CN đến đầu thế kỷ XV trải qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn phát triển với biết bao sự kiện quân sự phong phú, đa dạng. Trước hết, đó là thời kỳ đầu giữ nước, thời Hùng Vương - An Dương Vương, mở đầu bằng những hoạt động quân sự thời Hùng Vương, trong đó tiêu biểu là cuộc kháng chiến chống Tần và kết thúc với sự thất bại của An Dương Vương trong cuộc kháng chiến chống Triệu Đà xâm lược (năm l79 Tr.CN). Tiếp đó là thời kỳ dân tộc ta bị Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Thời kỳ này kéo dài hơn mười thế kỷ, kể từ cuộc kháng chiến chống Triệu thất bại vào cuối đời An Dương Vương (năm 179 Tr.CN) cho đến khi Ngô Quyền đánh thắng giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng, khẳng định vững vàng nền độc lập, tự chủ của dân tộc (năm 938). Và sau cùng là thời kỳ phục hưng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ khi đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập (thế kỷ X) đến khi cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc giành được thắng lợi đầu thế kỷ XV (năm 1427).
Trong tiến trình lịch sử nói trên, do hoàn cảnh đất nước liên tục có giặc ngoại xâm, dân tộc ta hầu như thường xuyên phải tiến hành các cuộc kháng chiến, khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng. Từ thực tiễn xây dựng lực lượng và chiến đấu giữ nước, ông cha ta tích lũy được nhiều kinh nghiệm để chống lại và chiến thắng quân xâm lược tàn bạo. Tư duy, tư tưởng quân sự từng bước xuất hiện và phát triển. Những giá trị vật chất và tinh thần, những kinh nghiệm xây dựng lực lượng và đấu tranh cứu nước đã tạo tiền đề cho sự hình thành và phát triển một nền tảng tư tưởng, nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo.
Ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn phát triển, các hoạt động quân sự đều chứa đựng những tư duy, quan điểm, tư tưởng quân sự của ông cha, từng bước hình thành bản sắc riêng và những yếu tố truyền thống trong lĩnh vực quân sự của dân tộc. Ngay từ thời Hùng Vương dựng nước, quá trình hình thành dân tộc cũng là quá trình hình thành và nâng cao ý thức dân tộc. Ý thức dân tộc thể hiện trước hết ở ý thức bảo vệ lãnh thổ, ý thức về sự cần thiết và cốt tử phải bảo vệ các không gian sinh tồn của cộng đồng và cho toàn cộng đồng. Điều đó thể hiện rõ nét nhất trong cuộc kháng chiến chống quân Tần xâm lược. Những tư duy, tư tưởng quân sự đầu tiên hình thành, xuất hiện và phát triển qua thực tiễn hoạt động quân sự của giai đoạn này. Trên cơ sở đó, nước Âu Lạc thời An Dương Vương đã đạt đến đỉnh cao mới trên lĩnh vực xây dựng quân sự - quốc phòng. Tư duy, tư tưởng quân sự thời kỳ này thể hiện trong quá trình tổ chức quân đội, trang bị vũ khí, xây dựng Kinh đô Cổ Loa và qua thực tiễn cuộc kháng chiến giữ nước. Trong lĩnh vực này, ngay từ thời bấy giờ, đã để lại những bài học lịch sử quý giá.
Trong hơn một nghìn năm Bắc thuộc (179 Tr.CN-938), cũng do phải sống trong cảnh nước mất nhà tan, nên nhân dân ta luôn ý thức sâu sắc về quê hương đất tổ, về làng nước của mình, từng bước xây đắp nên truyền thống kiên cường đấu tranh chống ngoại xâm để giành lại nền độc lập tự chủ. Trong thời kỳ này, biết bao cuộc khởi nghĩa dân tộc đã bùng nổ đưa đến sự thành lập những chính quyền dân tộc và thời gian độc lập dài hoặc ngắn khác nhau. Nhiều cuộc khởi nghĩa và kháng chiến tiêu biểu như khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Bà Triệu, khởi nghĩa Lý Bí, kháng chiến chống Lương của Triệu Quang Phục, các cuộc khởi nghĩa và kháng chiến dưới thời Tùy - Đường thống trị, nổi dậy giành quyền tự chủ của Khúc Thừa Dụ, hai lần kháng chiến chống Nam Hán (931, 938), v.v.. Tư tưởng quân sự thời kỳ này thể hiện ở tinh thần dân tộc, ý thức bảo vệ cộng đồng công xã, làng nước, trong quá trình xây dựng lực lượng khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh giải phóng, trong thực tiễn lãnh đạo nhân dân vùng lên chống ách đô hộ của phong kiến phương Bắc.
Từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XV, nhân dân ta bước vào thời kỳ xây dựng quốc gia độc lập, bảo vệ và giữ vững chủ quyền dân tộc. Nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm liên tục diễn ra. Thế kỷ X - XI, dân tộc ta phải hai lần chống Tống; thế kỷ XIII, ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên; đầu thế kỷ XV, tiến hành cuộc kháng chiến chống Minh dưới triều Hồ và các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm, tiêu biểu nhất là khởi nghĩa Lam Sơn - cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo. Do nhu cầu đánh giặc giữ nước, trong thời kỳ này, nhiều quan điểm, tư tưởng quân sự tiến bộ, nhiều kế sách hay giữ nước xuất hiện. Ý thức độc lập, chủ quyền và thống nhất quốc gia được thể hiện đậm nét ngay từ thế kỷ X. Tư tưởng xây dựng lực lượng vũ trang theo chính sách "ngụ binh ư nông" (gửi binh trong nông), gắn việc binh với việc nông đã xuất hiện từ thời Lý. Quốc sách "ngụ binh ư nông" của Nhà nước Đại Việt thời Lý - Trần đã được vận dụng thành công, tạo nên một lực lượng vũ trang hợp lý, rộng khắp. Nhiều quan điểm, tư tưởng quân sự tiến bộ xuất hiện trong giai đoạn Lý - Trần, trong khởi nghĩa Lam Sơn, trong đó nổi bật là tư tưởng "thân dân", "khoan thư sức dân", dựa vào dân để xây dựng lực lượng "toàn dân vi binh", "bách tính giai binh" và tiến hành chiến tranh chống ngoại xâm, thực hiện "cử quốc nghênh địch" (cả nước đánh giặc). Lý luận và tư tưởng quân sự "dĩ đoản chế trường", lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh đã xuất hiện và được vận dụng thành công trong các cuộc chiến tranh bảo vệ và giải phóng Tổ quốc. Tư tưởng chủ động, khéo léo, mềm dẻo trong quan hệ đối ngoại quân sự đã phát huy tác dụng trong quá trình điều hành chiến tranh, nhất là vào giai đoạn kết thúc cuộc chiến, với mục đích giữ vững hòa hiếu, duy trì hòa bình, xây dựng đất nước…
Qua các cuộc khởi nghĩa giành nền độc lập, tự chủ, qua các cuộc chiến tranh giữ nước và giải phóng dân tộc, ông cha ta đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và từng bước đúc kết, xây dựng nên một hệ thống quan điểm, tư tưởng quân sự riêng về xây dựng quân sự - quốc phòng và chiến đấu chống ngoại xâm. Những kế sách giữ nước sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh một đất nước không rộng, dân không nhiều và quân đội thường trực không đông mà phải thường xuyên chống lại những kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn gấp nhiều lần.
Trải qua các triều đại, lý luận, tư tưởng quân sự Việt Nam ngày càng được tích lũy và phát triển thành một trường phái quân sự mang bản sắc riêng, nhất là trong kỷ nguyên Đại Việt, với những nội dung tư tưởng, nghệ thuật quân sự xuất sắc, tạo nên những chiến công hào hùng chống Tống, chống Mông - Nguyên và chống Minh xâm lược. Những bước phát triển, những nội dung của tư duy, lý luận, tư tưởng quân sự của ông cha ta rất cần được hệ thống, nghiên cứu, nhằm tìm hiểu các quy luật phát triển và rút ra những bài học lịch sử, góp phần xây dựng lý luận và tư tưởng quân sự Việt Nam trong điều kiện mới.
Nghiên cứu tư tưởng quân sự là nghiên cứu hệ thống những quan điểm, lý luận của các cá nhân, của các giai cấp, của chính đảng về quân sự và các vấn đề liên quan đến quân sự như: quan hệ giữa chiến tranh và chính trị, chiến tranh và hòa bình, chính trị với quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng quốc phòng và tiến hành chiến tranh, nghệ thuật quân sự… trong cả một quá trình hay trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Trong công trình này, chúng tôi bước đầu tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển tư duy, tư tưởng quân sự của ông cha từ thế kỷ III Tr.CN đến đầu thế kỷ XV. Nói cụ thể hơn là nghiên cứu sự xuất hiện và phát triển những quan điểm, tư tưởng quân sự mang tính định hướng, chỉ đạo với nội dung chiến lược cơ bản và nhất quán về xây dựng lực lượng quân sự, trong đó quân đội là nòng cốt, về khởi nghĩa và chiến tranh, xây dựng quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc qua các giai đoạn trước thế kỷ X và các triều đại phong kiến Việt Nam sau đó (trong đó có cả những cá nhân), nhằm bảo vệ nền độc lập, tự chủ, bảo vệ quyền lợi cho các vương triều thống trị và cho cả dân tộc.
Mục đích và yêu cầu đặt ra là như vậy, nhưng đây là thời kỳ lịch sử cách ngày nay hàng nghìn năm, nguồn tư liệu lịch sử khá hiếm hoi, nhất là đối với tư duy quân sự thời Hùng Vương - An Dương Vương và thời Bắc thuộc trước thế kỷ X. Nguồn tài liệu về tư tưởng quân sự Việt Nam giai đoạn thế kỷ X - XV cũng rất hạn chế. Mặt khác, nghiên cứu tư tưởng quân sự là một vấn đề khá mới mẻ và khó khăn đối với chúng tôi. Vì vậy, để thực hiện, hầu như các khâu đều phải tiến hành từ đầu, cả về tư liệu lý luận và phương pháp nghiên cứu. Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu, biên soạn đã cố gắng khai thác, tận dụng tối đa các nguồn sử liệu, kể cả sự liệu vật thể và phi vật thể; cố gắng gạn lọc từ những truyền thuyết dân gian, những tài liệu thư tịch hiếm hoi, những công trình nghiên cứu xưa nay có liên quan để nghiên cứu, khái quát, rút ra những nội dung tư duy, quan điểm, tư tưởng quân sự của ông cha thuở trước. Chúng tôi cũng dựa vào những tư liệu tản mạn trong sử sách xưa, tài liệu Hán Nôm có liên quan và thông qua diễn biến lịch sử, nhất là lịch sử khởi nghĩa và chiến tranh từ đầu thế kỷ XV về trước để tìm hiểu những quan điểm, luận điểm tư tưởng trong từng thời điểm, từng giai đoạn lịch sử hoặc từng nhân vật tiêu biểu, từng triều đại phong kiến từ thế kỷ X - XV.
Căn cứ vào khả năng sử liệu và từ nội dung tư tưởng quân sự, chúng tôi bố cục thành bốn chương như sau:
- Chương I: Sự hình thành và phát triển tư tưởng quân sự Việt Nam thời kỳ đầu giữ nước và chống Bắc thuộc (từ thể kỷ III Tr.CN đến đầu thế kỷ X).
- Chương II: Tư tưởng quân sự thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý (từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XIII) .
- Chương III: Tư tưởng quân sự thời Trần (thế kỷ XIII XIV).
- Chương IV: Tư tưởng quân sự trong chiến tranh chống Minh (đầu thế kỷ XV).
Với công trình này, chúng tôi hy vọng nêu lên một phác thảo ban đầu những nội dung về lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam từ thế kỷ III Tr.CN đến đầu thế kỷ XV (1427), mong góp thêm ý kiến và tư liệu để chúng ta tiếp tục nghiên cứu vấn đề được sâu sắc và toàn diện hơn.
Mời các bạn đón đọc Lịch Sử Tư Tưởng Quân Sự Việt Nam Tập 1 của tác giả Bộ Quốc Phòng Viện Lịch Sử Việt Nam.