Nhà Minh, sau khi diệt nhà Hồ, thắng Hậu-Trần, lấy được Thuận-hoá (năm 1407), đặt quan cai trị An-nam, nào Hoàng-Phúc, nào Trương-Phụ… áp dụng một chính sách tàn-khốc, mưu đồng hoá dân An-nam theo giống Tàu. Dân An-nam phẫn uất vô cùng : Nhiều nơi nổi dậy kháng Minh.
Trịnh Công-Chừng, Lê-Hành ở Hạ-hồng (thuộc Hải-dương), Phạm-Thiện ở Tân-ninh (thuộc Kiến-an), Nguyễn-Tri ở Khoái-châu (thuộc Hưng-yên), Nguyễn Đa-Cấu, Trần-Nhuế ở Hoàng-giang (thuộc Nam-định) ồ ạt kéo quân ngược sông Lô đánh vào Phù-kiều (một bên sông Nhị) trong lúc nhiều nơi khác cũng lẻ tẻ nổi lên. Nhưng đâu đấy đều thất bại !
Hồi này, trong đất Lam-sơn (thuộc huyện Thuỵ-nguyên, phủ Thiệu-hoá, tỉnh Thanh-hoá) có một nông-gia tính khí khẳng khái, nuôi chí diệt giặc Minh, rửa hờn cho dân tộc. Nông-gia ấy là Lê Lợi.
Nguyên tằng-tổ Lê Lợi là Lê Hối, ở thôn Như-áng, huyện Lương-giang (Thanh-hoá) đi chơi thấy đất quanh núi Lam-sơn vừa rộng vừa tốt, mới dời nhà vào đấy. Lê Hối chăm non dọn gai góc, mở ruộng nương để cày cấy. Ba năm sau gây thành sự nghiệp. Con cháu một ngày một đông, tôi-tớ một ngày một nhiều.
Đời sau, Lê Đinh (Hoàng-tổ Lê Lợi) nối nghiệp cha, hiền hoà khoan-nhân, gần xa đều mến phục. Dân cư tuỳ phục đã có tới hơn nghìn.
Đến đời thứ 3 (Hoàng-khảo Lê-Lợi) Lê Khoáng cũng hiền lành, vui vẻ, chiêu đãi khách khứa, yêu thương dân chúng. Thế là đã 3 đời lập nghiệp tại Lam-sơn, làm chúa một phương.
Khoáng sinh được 3 con, Lê-Lợi là út. Anh mất sớm, Lê Lợi nối nghiệp cha anh, hậu đãi các tân khách, chiêu nạp hạng lưu vong. Ngoài ra Lê-Lợi ham mê kinh-sử, chuyên tâm về thao lược.
Tuy nhiên quân Minh định ra danh mục, hãm hại hạng mưu trí, Lê-Lợi giữ được bền lòng, mong đồ nghĩa cả.
Lê-Lợi thường nói : « Sinh ở đời, làm trai nên cứu nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn thủa. Há bo bo chịu kiếp nô-lệ sao đang ! »
Song thấy thế giặc còn mạnh, Lê-Lợi thường hậu lễ nhún lời, đem vàng bạc của báu đút lót cho các tướng Minh là bọn Trương-Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kỳ, mong chúng thư tâm hãm hại, để đợi thời hành động.
Đảng của giặc là Lương-Nhữ-Hốt đã có lần bàn với giặc : « Chúa Lam-sơn chiêu vong nạp bạn, chí nó chẳng nhỏ. Nếu thuồng-luồng gặp được mây mưa, tất không phải là vật ở ao đâu ».
Quả lời Lương Nhữ-Hốt nói không sai. Năm 1418 (đời vua Thánh-tổ nhà Minh) Lê Lợi (được 33 tuổi) thấy thời cơ đã thuận tiện, bèn một mặt truyền hịch khắp nơi, kể tội giặc Minh và kêu gọi lòng ái quốc của muôn dân hãy đoàn-kết diệt kẻ thù chung, một mặt xưng Bình-Định-vương, từ Lam-sơn phất cờ khởi nghĩa. 1
Bắt đầu tướng sĩ còn ít, mới có 200 quân thiết đột, 200 dũng-sĩ, và 300 nghĩa-sĩ, sức Bình-Định-vương địch với giặc Minh, không khác trứng chọi với đá. Nhưng với lòng kiên nhẫn, với mưu sâu chí cả, Bình-Định-vương đã lập được những chiến công anh dũng, (mà bài II dưới đây sẽ thuật), để sau 10 năm, quét sạch giặc Minh ra ngoài bờ cõi, đưa nền tự chủ giở về cho tổ-quốc.
Mời các bạn đón đọc Lịch Sử Việt Nam Quyển II: Từ Khởi Nghĩa Đến Nguyễn Suy Vong của tác giả Phan Xuân Hòa.