Charles de Gaulle là một vị tướng kiêm chính trị gia người Pháp; ông là người lãnh đạo phong trào Nước Pháp Tự Do trong Thế chiến II và là nhà kiến trúc đại tài, người đã xây dựng nên Đệ ngũ Cộng hòa. Tư tưởng chính trị của ông – được gọi là “Gaullism”(chủ nghĩa De Gaulle) – đã và vẫn có những ảnh hưởng to lớn lên chính trường Pháp.
Charles de Gaulle sinh ngày 22 tháng Mười một năm 1890 tại Lille và lớn lên tại Paris, nơi cha ông làm giáo sư sử học. Tuy nhiên, de Gaulle không nối nghiệp cha mà lựa chọn binh nghiệp. Ông đã chiến đấu can trường trong Thế chiến I.
Trong thập kỷ 1930, de Gaulle viết sách và báo về các chủ đề quân sự, qua đó ông phê phán việc nước Pháp quá phụ thuộc vào Phòng tuyến Maginot để phòng thủ trước quân Đức và kêu gọi thành lập các quân đoàn thiết giáp cơ giới hóa. Nhưng những lời kêu gọi của ông đều rơi vào chân không. Tháng Sáu năm 1940, các lực lượng Đức Quốc xã đã đánh bại Pháp một cách dễ dàng. Không cam chịu chấp nhận thỏa thuận đình chiến của chính phủ với Đức, de Gaulle chạy sang London. Tại đây, ông đọc lời kêu gọi nhân dân Pháp đứng lên đánh đuổi quân xâm lược và tuyên bố thành lập chính phủ Pháp lưu vong. Ông trở thành người lãnh đạo phong trào Nước Pháp Tự Do.
Sau khi Paris được tự do vào tháng Tám năm 1944, de Gaulle trở về và được chào đón như một vị anh hùng dân tộc. Trong những năm tháng tiếp theo, ông là trụ cột trong công cuộc khôi phục vị thế nước Pháp trên trường quốc tế cả về mặt kinh tế và quân sự.
Bộ ba cuốn Hồi ký chiến tranh là những tâm sự chân thành của Tướng Charles de Gaulle về con đường ông đã trải qua để vực dậy nước Pháp. Qua ngòi bút bậc thầy, hiện thân của nền văn học hiện đại Pháp, chúng ta cảm nhận được lòng yêu nước sắt son của de Gaulle, sự đơn độc mà ông đã trải qua khi những dự đoán, phân tích và đề xuất thống thiết của ông với nhà nước đều bị chối bỏ, nỗi gian truân và cả sự thất vọng trong những ngày tháng tha hương. Với những ảnh hưởng lớn về tư tưởng mà ông đã để lại trên chính trường nước Pháp cho đến ngày nay, cuốn sách này là một kho tư liệu quý nhằm diễn giải những lý do đằng sau những hành động của vị tướng đồng thời cũng là một vị chính khách tài ba này.
Không giống với những nhân vật của công chúng khác, de Gaulle tự tay viết nên cuốn hồi ký này. Và lối viết tao nhã đầy tính văn chương của một vị tướng từng vào sinh ra tử đã lập tức khiến Hồi ký chiến tranh được công nhận là cuốn sách kinh điển trong nền văn học hiện đại Pháp; không những thế, cuốn sách còn được đề cử giải thưởng Nobel Văn học năm 1963.
Alpha Books trân trọng giới thiệu!
***
Trọn đời tôi, tôi luôn nghĩ về nước Pháp với một niềm đinh ninh được vun bồi bằng cả tình cảm lẫn lý trí. Một cách tự nhiên, con người tình cảm trong tôi hình dung rằng nước Pháp, giống như nàng công chúa trong những câu chuyện cổ tích hay Đức Mẹ trên những bức bích họa, đã được định sẵn một số phận cao quý và phi thường. Bằng trực giác, tôi có cảm tưởng rằng Đấng Sáng Thế đã tạo nên Người cho những thành công tuyệt đích hoặc những nghịch cảnh tận cùng. Nếu trong hành động của Người có dấu vết của sự tầm thường thì với tôi, đó là một ngoại lệ kỳ quặc do lỗi của người Pháp gây nên chứ không nằm ở linh hồn Tổ quốc. Nhưng con người lý trí trong tôi cũng lại cho tôi thấy rằng nước Pháp chỉ thật sự là chính mình khi ở hàng đầu; rằng chỉ có những sự nghiệp lớn lao mới có thể bù đắp cho những mầm mống chia rẽ nơi bản thân dân tộc; rằng đất nước tôi, như Người vẫn thế, ở giữa những quốc gia khác, như họ vẫn vậy, trước những hiểm nguy chết người vẫn phải hiên ngang đứng thẳng và vươn cao. Tóm lại theo tôi, nước Pháp không thể là nước Pháp thiếu sự vĩ đại.
Niềm tin này đã theo tôi lớn lên trong môi trường tôi ra đời. Cha tôi, con người của tư duy, của văn hóa, của truyền thống, đã thấm nhuần ý thức về phẩm cách của nước Pháp. Ông đã mở ra cho tôi lịch sử của tổ quốc. Mẹ tôi dành cho tổ quốc một niềm đam mê không gì lay chuyển nổi, sánh ngang với lòng sùng đạo. Đối với ba anh em trai của tôi, chị gái tôi, và bản thân tôi, lòng tự hào rộn ràng đối với tổ quốc tồn tại như một bản năng thứ hai vậy. Là chú bé gốc tỉnh Lille sống tại Paris, không gì gây ấn tượng cho tôi bằng những biểu tượng vinh quang của dân tộc chúng tôi: đêm xuống trên nhà thờ Đức Bà, vẻ huy hoàng của buổi chiều Versailles, Khải Hoàn Môn dưới ánh mặt trời, những lá cờ thuộc địa run rẩy trên vòm điện Invalides. Không gì khiến tôi xúc động hơn những bằng chứng về thành công của dân tộc chúng tôi: sự nhiệt tình của dân chúng lúc sa hoàng nước Nga đi qua, cuộc duyệt binh ở Trường đua Longchamp, những kỳ quan trong cuộc Triển lãm Quốc tế, những chuyến bay đầu tiên của các phi công của chúng tôi. Không gì khiến tôi buồn sâu sắc hơn những yếu đuối và sai lầm của dân tộc mà tuổi thơ tôi cảm nhận được qua những khuôn mặt và những câu chuyện của người lớn: sự kiện Fashoda [1], sự kiện Dreyfus [2], những xung đột xã hội, những bất đồng về tôn giáo. Không gì làm tôi xúc động bằng câu chuyện về những nỗi bất hạnh của chúng tôi trong quá khứ: cha tôi kể về cuộc phá vây vô vọng ở Le Bourget và Stains [3], nơi ông bị thương; mẹ tôi nhớ về nỗi thất vọng của bà khi còn là một đứa trẻ đứng nhìn cha mẹ nghẹn ngào: “Bazaine đã đầu hàng rồi [4]!”
Mời các bạn đón đọc Hồi Ký Chiến Tranh của tác giả Charles de Gaulle.