"Vào gần cuối thế kỷ 18, cuộc khởi nghĩa của những người áo vải đất Tây Sơn chống đối thế lực cường quyền mới được chính sử Việt Nam ghi nhận, dù một thời các sử quan đã gọi họ là bọn dấy loạn. Được sử ghi chép là vì cuộc dấy nghĩa của ba anh em nhà Tây Sơn đã xóa tan cả một thể chế cầm quyền cung Vua phủ Chúa kéo dài trăm năm hơn. Với các trận chiến nổi tiếng đi vào lịch sử dân tộc như trận Rạch Gầm – Xoài Mút, trận Ngọc Hồi – Đống Đa… cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn đã lập nên một vương triều tuy ngắn ngủi nhưng mang một chính nghĩa sáng ngời với khẩu hiệu “Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo” và nhận được sự ủng hộ của đông đảo mọi tầng lớp…"
…Ở Én Liệng Truông Mây chỉ có những nhân vật hiệp sĩ nghĩa khí luôn phóng tâm thực thi khẩu hiệu “lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”. Hình mẫu hiệp sĩ này là sản phẩm của xã hội thời đó, một xã hội mà Phật giáo là Quốc giáo cùng với chủ trương Tam giáo đồng lưu của Chúa Nguyễn Phúc Chú đã làm bộ mặt xã hội Đàng Trong trở nên hoàn thiện hơn, thân thiết hơn và nhân bản hơn. Và hình mẫu này đã được tác giả Vũ Thanh gói gọn trong vài dòng ngắn gọn nhưng thật súc tích: “Người hiệp sĩ Việt có cái khí tiết quân tử và đức độ trung dung của Nho giáo, có tính ung dung tiêu sái của Lão giáo, có tâm từ bi của Phật giáo và tấm lòng nhân bản của Việt Nho nguyên thủy.”
Với một xã hội đặt trên nền tảng đạo đức như vậy nên suốt chiều dài câu chuyện Én liệng Truông Mây luôn bàng bạc ánh sáng từ bi, điển hình là qua lời dạy ngắn gọn của một thiền sư: “Là họa là phúc đều đã có nhân duyên từ tiền kiếp. Việc các con nên làm bây giờ là phải trì chú tu tâm hành thiện, đem cái thiện nghiệp lực của mình làm nhẹ bớt đi hung nghiệp cho đứa con. Các con nên nhớ rằng để cải hóa những đứa trẻ ngỗ nghịch không gì bằng tình thương, nhất là tình thương của người mẹ”. Mẹ của chú Lía đã có thể thay đổi chàng từ một đứa trẻ ngỗ nghịch, hung dữ trở thành một người hiệp sĩ cứu khốn phò nguy, hết mực thương yêu bảo bọc cho những người cùng khổ. Và cũng chính nhờ tấm lòng đó mà Lía đã cảm hóa được vợ mình, một phụ nữ nhan sắc, lúc nào cũng rắp tâm báo thù cho chồng cũ và gia đình.
Cũng từ cách xây dựng hình tượng người hiệp sĩ như thế, ta có thể nhận ra cuộc khởi nghĩa trong Én liệng Truông Mây không chỉ là cuộc đấu tranh của những người cùng khổ chống lại ách bạo quyền và bóc lột, thực thi câu tuyên ngôn trên mà nó còn là cuộc đấu tranh giữa lòng nhân đạo của những người hiệp sĩ chống lại dục vọng đời thường của những kẻ xấu xa, chỉ vì ham mê danh lợi, tiền tài và mỹ sắc đã đang tâm phản bạn đưa đến việc thành Truông Mây sụp đổ chôn vùi hàng ngàn nghĩa sĩ. Thất bại dẫn đến cái chết của những hiệp sĩ Truông Mây phản ánh một xã hội mà dục vọng và tà tâm đang hồi cực thịnh. Nhưng chính nghĩa rồi cũng sẽ thắng hung tàn, chí nhân rồi sẽ thay cường bạo. Thành Truông Mây tuy sụp đổ nhưng những mảnh vụn ấy đã nhào trộn với máu đỏ của những anh hùng, đúc thành một cái móng vững chắc cho thành Tây Sơn. Và hào khí tỏa ra từ những cái chết lẫm liệt của các hiệp sĩ Truông Mây đã nhóm lên một ngọn lửa đỏ trên lá cờ đào, hun đúc bầu nhiệt huyết trong lòng những người kế tục, để rồi với sự dẫn dắt tài tình của Tây Sơn tam kiệt, lá cờ đào kia đã nhanh chóng từ một nơi hẻo lánh, lan rộng và phủ trùm cả cõi bờ Đại Việt từ ải Nam Quan đến tận mũi Cà Mau, chói lọi khắp năm châu.
Không những vậy, ở Én liệng Truông Mây chúng ta còn tìm thấy những tấm lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, thượng võ của người hiệp sĩ Việt trong việc phát huy nền võ thuật cổ truyền dân tộc qua những trận so tài ngoạn mục với các võ sĩ Trung Hoa, Nhật bản, Xiêm La… Đồng thời, lẫn khuất đâu đó là những chuyện tình éo le thời loạn lạc, đẹp nhẹ nhàng nhưng rất mực mặn mà, thủy chung.
Én liệng Truông Mây đã tái dựng nên một giai đoạn lịch sử thời Trịnh – Nguyễn đầy biến động. Và địa danh Truông Mây, nơi khơi mào tuyên ngôn của sự công bằng, nơi lóe lên tia chớp soi đường cho những nghĩa sĩ sẽ tụ nghĩa ở Tây Sơn cũng là nơi khởi đầu cho những địa danh lịch sử hừng hực lửa trong phần hai: Nhất Thống Sơn Hà của bộ trường thiên tiểu thuyết TÂY SƠN TAM KIỆT, bộ trường thiên đáng lưu tâm để mọi người cùng nhau ngẫm về quá khứ.
Én Liệng Truông Mây gồm có:
***
Trần Lâm từ giã núi rừng Đá Vách, một người một ngựa khấp khởi miệt mài trên đường thiên lý mong sớm về lại nhà xưa. Bao nhiêu cảm xúc vui, buồn, hổ thẹn của một tên lãng tử hồi đầu trào dâng đến nghèn nghẹn. Mười hai năm xa cách, giờ này biết cha có còn ở mái nhà xưa? Tóc người hẳn đã bạc rồi? Chao ôi!
Nẻo về thiên lý mịt mờ
Cố hương ơi biết có chờ đợi nhau
Nao nao lãng tử hồi đầu
Vó câu khấp khởi vượt mau dặm trường
Canh gà eo óc đêm sương
Mảnh trăng cố quận hồi chuông đêm sầu
Thuyền ai khua nước giang đầu
Chó khôn giục tiếng võng ầu ơ đưa.[1]
[1] Trích từ Trường thi Hòn Vọng Phu - Vũ Thanh.
Theo con đường làng, ngôi nhà cũ thân yêu của tuổi thơ từ từ hiện ra. Chàng xuống ngựa, buộc vào gốc cây dừa trước ngõ rồi bước từng bước qua sân đến thềm nhà, run run đưa tay gõ cửa. Giọt lệ rưng rưng đọng trên mắt chỉ chờ gặp lại cha sẽ tuôn trào. Một người đàn bà nhà quê xa lạ mở cửa hỏi:
- Công tử tìm ai?
Trần Lâm hết sức ngỡ ngàng, ấp úng:
- Thưa, chào thím. Cháu muốn hỏi thăm ông Đoàn Phong. Ông ta còn ở đây không?
Người đàn bà lộ vẻ ngạc nhiên hỏi lại:
- Công tử là gì của ông Đoàn Phong? Ông ta đã chết từ mười năm nay rồi còn gì.
Trần Lâm tưởng như một tiếng sét vừa nổ bên tai mình. Chàng hấp tấp hỏi dồn:
- Thím nói sao? Ông Đoàn Phong chết đã mười năm nay rồi à? Thật vậy chứ? Đâu có lẽ nào? Mà vì sao ông ta chết?
Người đàn bà lấy làm lạ, nhìn đăm đăm vào mặt Trần Lâm nói:
- Tôi nói gạt công tử làm gì? Ông ta chết lâu rồi. Căn nhà này tôi mua lại sau khi ông ta chết. À, mà công tử quan hệ thế nào với ông Đoàn Phong? Ôi! Một người đàn ông thật tội nghiệp!
Trần Lâm nghẹn ngào:
- Cháu là con trai của ông ta. Thím có biết ông ta chết vì lý do gì không?
- Công tử là con trai ông Phong à? Có phải công tử là đứa bé đã bỏ nhà đi năm xưa không?
Hai hàng nước mắt chảy dài xuống má, Trần Lâm gật đầu:
- Vâng, cháu chính là đứa bé ấy. Thím cũng biết việc này ư?
- Tôi là người ở xóm trên. Chuyện công tử làm em gái bị thương rồi tưởng đã chết nên bỏ trốn lúc ấy ai mà không biết. Ông nhà cũng vì thương nhớ công tử nên sinh bệnh mà qua đời. Chỉ tội nghiệp cho Quỳnh Như bé bỏng, côi cút.
…
Mời các bạn đón đọc Én Liệng Truông Mây Tập 4: Cờ Nghĩa Rợp Truông Mây của tác giả Vũ Thanh.