Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Én Liệng Truông Mây Tập 3: Những Mảnh Tình Trắc Trở - Vũ Thanh

"Vào gần cuối thế kỷ 18, cuộc khởi nghĩa của những người áo vải đất Tây Sơn chống đối thế lực cường quyền mới được chính sử Việt Nam ghi nhận, dù một thời các sử quan đã gọi họ là bọn dấy loạn. Được sử ghi chép là vì cuộc dấy nghĩa của ba anh em nhà Tây Sơn đã xóa tan cả một thể chế cầm quyền cung Vua phủ Chúa kéo dài trăm năm hơn. Với các trận chiến nổi tiếng đi vào lịch sử dân tộc như trận Rạch Gầm – Xoài Mút, trận Ngọc Hồi – Đống Đa… cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn đã lập nên một vương triều tuy ngắn ngủi nhưng mang một chính nghĩa sáng ngời với khẩu hiệu “Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo” và nhận được sự ủng hộ của đông đảo mọi tầng lớp…"

…Ở Én Liệng Truông Mây chỉ có những nhân vật hiệp sĩ nghĩa khí luôn phóng tâm thực thi khẩu hiệu “lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”. Hình mẫu hiệp sĩ này là sản phẩm của xã hội thời đó, một xã hội mà Phật giáo là Quốc giáo cùng với chủ trương Tam giáo đồng lưu của Chúa Nguyễn Phúc Chú đã làm bộ mặt xã hội Đàng Trong trở nên hoàn thiện hơn, thân thiết hơn và nhân bản hơn. Và hình mẫu này đã được tác giả Vũ Thanh gói gọn trong vài dòng ngắn gọn nhưng thật súc tích: “Người hiệp sĩ Việt có cái khí tiết quân tử và đức độ trung dung của Nho giáo, có tính ung dung tiêu sái của Lão giáo, có tâm từ bi của Phật giáo và tấm lòng nhân bản của Việt Nho nguyên thủy.”

Với một xã hội đặt trên nền tảng đạo đức như vậy nên suốt chiều dài câu chuyện Én liệng Truông Mây luôn bàng bạc ánh sáng từ bi, điển hình là qua lời dạy ngắn gọn của một thiền sư: “Là họa là phúc đều đã có nhân duyên từ tiền kiếp. Việc các con nên làm bây giờ là phải trì chú tu tâm hành thiện, đem cái thiện nghiệp lực của mình làm nhẹ bớt đi hung nghiệp cho đứa con. Các con nên nhớ rằng để cải hóa những đứa trẻ ngỗ nghịch không gì bằng tình thương, nhất là tình thương của người mẹ”. Mẹ của chú Lía đã có thể thay đổi chàng từ một đứa trẻ ngỗ nghịch, hung dữ trở thành một người hiệp sĩ cứu khốn phò nguy, hết mực thương yêu bảo bọc cho những người cùng khổ. Và cũng chính nhờ tấm lòng đó mà Lía đã cảm hóa được vợ mình, một phụ nữ nhan sắc, lúc nào cũng rắp tâm báo thù cho chồng cũ và gia đình.

Cũng từ cách xây dựng hình tượng người hiệp sĩ như thế, ta có thể nhận ra cuộc khởi nghĩa trong Én liệng Truông Mây không chỉ là cuộc đấu tranh của những người cùng khổ chống lại ách bạo quyền và bóc lột, thực thi câu tuyên ngôn trên mà nó còn là cuộc đấu tranh giữa lòng nhân đạo của những người hiệp sĩ chống lại dục vọng đời thường của những kẻ xấu xa, chỉ vì ham mê danh lợi, tiền tài và mỹ sắc đã đang tâm phản bạn đưa đến việc thành Truông Mây sụp đổ chôn vùi hàng ngàn nghĩa sĩ. Thất bại dẫn đến cái chết của những hiệp sĩ Truông Mây phản ánh một xã hội mà dục vọng và tà tâm đang hồi cực thịnh. Nhưng chính nghĩa rồi cũng sẽ thắng hung tàn, chí nhân rồi sẽ thay cường bạo. Thành Truông Mây tuy sụp đổ nhưng những mảnh vụn ấy đã nhào trộn với máu đỏ của những anh hùng, đúc thành một cái móng vững chắc cho thành Tây Sơn. Và hào khí tỏa ra từ những cái chết lẫm liệt của các hiệp sĩ Truông Mây đã nhóm lên một ngọn lửa đỏ trên lá cờ đào, hun đúc bầu nhiệt huyết trong lòng những người kế tục, để rồi với sự dẫn dắt tài tình của Tây Sơn tam kiệt, lá cờ đào kia đã nhanh chóng từ một nơi hẻo lánh, lan rộng và phủ trùm cả cõi bờ Đại Việt từ ải Nam Quan đến tận mũi Cà Mau, chói lọi khắp năm châu.

Không những vậy, ở Én liệng Truông Mây chúng ta còn tìm thấy những tấm lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, thượng võ của người hiệp sĩ Việt trong việc phát huy nền võ thuật cổ truyền dân tộc qua những trận so tài ngoạn mục với các võ sĩ Trung Hoa, Nhật bản, Xiêm La… Đồng thời, lẫn khuất đâu đó là những chuyện tình éo le thời loạn lạc, đẹp nhẹ nhàng nhưng rất mực mặn mà, thủy chung.

Én liệng Truông Mây đã tái dựng nên một giai đoạn lịch sử thời Trịnh – Nguyễn đầy biến động. Và địa danh Truông Mây, nơi khơi mào tuyên ngôn của sự công bằng, nơi lóe lên tia chớp soi đường cho những nghĩa sĩ sẽ tụ nghĩa ở Tây Sơn cũng là nơi khởi đầu cho những địa danh lịch sử hừng hực lửa trong phần hai: Nhất Thống Sơn Hà của bộ trường thiên tiểu thuyết TÂY SƠN TAM KIỆT, bộ trường thiên đáng lưu tâm để mọi người cùng nhau ngẫm về quá khứ.

Én Liệng Truông Mây gồm có:

***

Lía phóng ngựa trở lại núi Bích Khê. Chàng định bụng sẽ ngủ lại nơi ngôi mộ qua đêm nhưng sực nhớ bên cạnh am nhỏ của sư tổ có dòng suối nên phóng ngựa lên núi, xuống suối để tắm rửa. Vầng trăng vằng vặc soi sáng cả núi rừng tịch mịch, nước suối mát lạnh làm tiêu tan hết sự mệt mỏi trong ngày. Chợt chàng nhìn thấy trên vách núi, bên dưới một hòn đá lớn có một vệt sáng vuông như tấm gương. Lấy làm lạ, chàng tung người đến đó xem thử. Thì ra là một viên đá cẩm thạch bóng nhẵn được gắn chặt vào vách núi. Nhưng có điều lạ là lúc đến nơi, nếu chàng đứng trước viên đá thì nó không còn phát sáng nữa nhưng khi chàng nhích người sang một bên thì nó lại phát sáng. Chàng vội đưa mắt nhìn sang bên kia con suối, có một ô sáng vuông nữa được gắn trên một phiến đá. Ô sáng đó phản chiếu ánh sáng của mặt trăng lên viên đá cẩm thạch này. Chàng mỉm cười một mình và thầm phục cho sự sắp xếp tỉ mỉ công phu của ai đó. Hẳn phải có điều bí ẩn gì quan trọng lắm nên người ta mới bỏ công gắn đến hai viên đá cẩm thạch để đón ánh trăng thế này. Chàng cúi xuống quan sát, thấy trên mặt đá có viết mấy chữ “Dành cho kẻ hữu duyên” bằng nét bút tuyệt đẹp. Chàng đưa tay gỡ phiến đá ra, phía trong là một khoảng trống nhỏ, đặt ngay ngắn ở giữa là một chiếc hộp gỗ mun đen. Lía thầm nghĩ: “Đây là nơi tu trì của sư tổ, chắc vật này là của người để lại, ta thử mở ra xem”. Chàng bèn vái tạ sư tổ, cầm chiếc hộp đem về am đánh lửa lên để xem.
Trong hộp, ngoài một tập sách nhỏ còn có một mảnh giấy với những dòng chữ:
Đây là pháp môn Sư tử hống, một công phu khí công thượng thừa của Phật môn mà ta tình cờ thụ đắc được, dự định sẽ truyền lại cho đệ tử Võ Trụ nhưng hắn không may bị thương ở bụng nên không thể luyện tập được. Ta cất pháp môn này ở đây để lưu lại cho người hữu duyên. Ngoài chữ duyên, pháp môn Sư tử hống đòi hỏi người luyện tập phải có một căn cốt hoàn chỉnh, nội lực đầy đủ mới có thể luyện thành. Người thể chất và khí lực không đủ, cố gắng tập luyện sẽ gây nguy hiểm đến nội phủ. Không tròn duyên không nên tham lam, cưỡng cầu. Sư tử hống một khi luyện thành, âm thanh phát ra có thể khiến cho kẻ đối diện kinh mạch vỡ tung, thất khiếu chảy máu, không chết tất bị điên loạn. Vì vậy Sư tử hống chỉ dùng để tiêu diệt tà ma, khâu trừ ác đảng; người sử dụng pháp môn này tuyệt đối không được lạm sát kẻ vô tội, nếu không sẽ bị quả báo trời tru đất diệt. Vài lời cho kẻ hữu duyên. Hãy đem Phật môn thần công cứu đời, giúp người bằng tấm lòng từ bi của Phật tổ.

Mời các bạn đón đọc Én Liệng Truông Mây Tập 3: Những Mảnh Tình Trắc Trở của tác giả Vũ Thanh.