Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Mộng Kinh Sư - Phan Du

"Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân." - Chỉ một lời điểm chỉ của Trạng Trình đã biến Nguyễn Hoàng đang hoang mang như “chó nhà có tang” thành Chân chủ một phương, vạch đôi sơn hà.

Ngôi cổ tự linh thiêng mang tên Linh Mụ đã gắn liền với chín chúa mười ba vua nhà Nguyễn như thế nào? Truyền thuyết về Trích tiên của xứ này không phải ai cũng biết!

"Bắc Tuyên phi, Nam Tống thị" - Đặng Thị Huệ dùng nhan sắc khuynh đảo Phủ chúa Đàng Ngoài như thế nào, thì nàng Tống thị Đàng Trong với tuyệt chiêu "vòng kết trăm hoa" hút hồn nam nhân từ nam chí bắc. Hai bên kẻ hô người ứng, nhất tiếu khuynh thành, tái tiếu khuynh quốc, gây nên bao nỗi đoạn trường ra sao?

Quyền thần Trương Phúc Loan để sổng một Giáo Hiến, mà di lại cái họa Tây Sơn; Quận công Hoàng Ngũ Phúc bỏ sót Hoàng tôn Dương, nên Gia Long có cơ quật khởi. Bánh xe lịch sử xoay vòng lặp lại thế nào?

Mộng Kinh Sư sẽ đem lại cho độc giả câu trả lời đầy đủ! Gói gọn trong hơn 200 trang sách, Mộng Kinh Sư tái hiện những bước hưng vong thăng trầm của dòng họ Nguyễn ở Đàng Trong qua các đời chúa, mỗi chúa với những đặc điểm và công trạng riêng; song song với quá trình hình thành và phát triển của ngôi chùa Thiên Mụ (Linh Mụ) được cho xây cất bởi Nguyễn Hoàng. Tác phẩm ngoài giá trị khảo cứu còn có giá trị lớn về mặt văn học. Một tác phẩm mà những người đam mê lịch sử, những bạn yêu thích tiểu thuyết, những tín đồ của tò mò chủ nghĩa sẽ không thể bỏ qua!

***

LINH MỤ TỰ VÀ DÒNG HỌ CHÂN CHỦ PHƯƠNG NAM

Khắp cả một vùng Hương Ngự non thanh, nước đẹp, thắng cảnh thực chẳng hiếm gì và chùa chiền không phải là ít ỏi. Trong số trên tám mươi đền chùa có tên tuổi tọa lạc đó đây trong toàn tỉnh, vẫn còn có nhiều danh lam có thể chinh phục được lòng ái mộ và tình lưu luyến của du khách hoặc bằng cảnh trí đặc sắc, hoặc với lối kiến trúc quy mô hay với những kỳ tích về nguồn gốc, chứ không riêng gì Linh Mụ tự. Nhưng dù sao, Linh Mụ tự vẫn chiếm được cái ưu thế trội vượt hơn hết, không những vì cái cảnh trí thơ mộng nơi này, nhưng còn vì một đặc điểm mà các danh lam khác không làm sao có được. Đó là những yếu tố phong thủy của cuộc đất nó chiếm cứ, yếu tố đã tạo nên một liên hệ thiêng liêng, mật thiết và bền bỉ, giữa ngôi chùa với dòng họ chân chủ phương Nam.

Số là xưa kia, Tiên Chúa Nguyễn Hoàng, tức Thái Tổ Gia Dũ Hoàng đế (1558 -1613)[1] sau khi vào trấn đất Thuận Hóa - bắt đầu từ tháng Mười năm Mậu Ngọ, tức năm Chính Trị nguyên niên thời Lê (1558), với niềm tin tưởng vững chắc ở sức bảo trợ huyền nhiệm của một dãy Hoành Sơn hùng tráng theo lời truyền bảo của Bạch Vân cư sĩ - tuy lập Dinh ở làng Ái Tử, thuộc huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong (nay thuộc tỉnh Quảng Trị), nhưng cặp mắt yêu chuộng phong thủy của Tiên Chúa lại thường soi rọi địa hình, địa vật khắp cả một vùng Thuận Hóa[2]. Chẳng có núi nào, sông nào, chẳng có những cuộc đất lạ nào mà Tiên Chúa không tìm đến, không thăm dò, vì mục đích chiêm ngoạn cái khí tượng vạn thiên của các nơi danh thắng cũng có, mà phần chính là vì cái chủ đích khám phá những địa thế có khí mạch của núi non ngưng kết, cần cho công cuộc khai cơ, hưng nghiệp.

Gót phiếm du của vị chúa phương Nam, một hôm, đã dừng lại trước một ngọn đồi đột khởi giữa một cánh đồng ở thôn Hà Khê, xã An Ninh, huyện Hương Trà[3].

Đồi có hình rất lạ. Giữa khoảng bình địa, nó hiện ra như một con rồng quay đầu nhìn lại dãy núi chính, nơi nó phát xuất. Phía trước, ngay dưới chân đồi, là một dòng sông uốn khúc uyển chuyển, xinh mềm như vòng tay ngọc nữ, và, phía sau, đồi tiếp giáp với một cái hồ, mặt nước phẳng lặng như tờ. Dưới cái nhìn sành sỏi của các nhà địa lý, cảnh trí có cái đặc tính giai thắng này nhất định phải là nơi từng có linh khí ngưng tụ. Tiên Chúa lại tiến lên đỉnh đồi, nhìn ngắm quanh vùng. Trước mắt là cả một bức tranh sơn thủy vô cùng ngoạn mục, huyền ảo chẳng kém gì cảnh sắc trong tranh thủy mặc trên quạt của Mã Viễn đời Tống hay trên lụa của Ngô Đạo Tử đời Đường. Trông về phương nam, một vòng sông thanh tú, và bên kia sông, một ngọn gò thuộc xã Nguyệt Biều, gò Thọ Khang - về sau này được mang tên là gò Thọ Xương hay Long Thọ Cang[4] - nơi mà những canh gà từng được coi như là một trong những yếu tố đã tạo thành cái nguồn thi vị bàng bạc khắp cả một bầu trời Hương Ngự:

Gió đưa cành trúc la đà.

Tiếng chuông Linh Mụ, canh gà Thọ Xương[5].

Cùng với gò, một bãi hoang phù sa phô trương cái sức sinh sôi rất mực sung thiệm[6] của loài thảo mộc. Xa hơn là cánh đồng Nguyệt Biều phì nhiêu, êm ả. Trông về phương tây, dòng sông, sau khi vừa rẽ qua một khúc quanh, dàn rộng cõi lòng hầu như mênh mông với mặt nước phẳng lì, bóng bẩy như một bức định kính tráng bằng chất ngọc lưu ly vừa đông lại. Xa xa, án ngữ chân trời, một dãy núi xanh huyền ảo, chạy dài phía sau màn sương thoang thoáng, điểm chuyết, cùng với sông kia, gò nọ, cho cảnh trí nơi này cái vẻ lồng lộng, bao la, sáng lạn và thanh khiết của một cõi trời đã lau sạch bụi trần.

Nhưng có thể cặp mắt của vị chân chủ phương Nam đã phải để ý đến một điểm đặc biệt hơn các thức đẹp kết hợp thành cái toàn bộ cảnh trí thơ mộng này. Đó là một đường hào - đào khá sâu - cắt đứt chân đồi tàn nhẫn như dấu vết lưỡi gươm sắc bén của tên đao phủ thiện nghệ còn lưu lại trên cổ tử tù. Bàn tay thô bạo, ngu xuẩn nào đã vô tình làm cái chuyện rất đáng kiêng kỵ về mặt phong thủy đó? Xén ngang chân đồi thì có khác gì là cắt đứt long mạch, làm phân tán cái khí thế của núi non ngưng tụ! Hoặc giả đã có tay tổ nào trong giới phong thủy bày ra cái trò yểm trừ này chăng?

Chúa phương Nam liền mở cuộc dò la, thăm hỏi đám bô lão, để tìm hiểu và khám phá cho ra nguyên do. Và quả đúng như điều nghi hoặc của Tiên Chúa, hào đào là nhằm mục đích yểm trừ, và tác giả của cái công trình phá hoại này lại không ai khác hơn là tướng Cao Biền, một tay địa lý đại danh từng có chủ trương triệt tiêu tất cả mọi yếu tố phong thủy có thể giúp cho chân mạng đế vương xuất hiện ở phương Nam.[7]

Các vị bô lão hiểu chuyện đã tường trình cùng Tiên Chúa rằng: vì biết được tại đồi này có một nữ thần thường hiện ra, lại xem xét kỹ, thì lòng gò có linh khí đáng ngại, nên Cao Biền đã dùng phép thuật yểm trừ và cho đào hào để dứt tuyệt long mạch. Từ đấy, ngọn đồi vắng bóng nữ thần. Dân làng qua lại đồi này, dù vào lúc giữa trưa đứng bóng hay trong đêm vắng canh khuya, cũng chẳng bao giờ còn được mục kích sự hiển hiện của thần linh như trước. Lạ hơn là cái hồ ở phía sau đồi - về sau được mang tên là Bình Hồ - nước cứ ngày càng đỏ ra như máu[8]. Một hồ máu rõ ràng! Phải chăng là máu của Rồng thiêng? Và như thế rất nhiều năm qua, không ai còn nhắc đến chuyện nữ thần, nhưng rồi, một đêm kia, có đám hành giả, nhân đi ngang qua đồi vào khoảng quá giờ Tý, đã tình cờ trông thấy, dưới bóng trăng khuya mới mọc, một bà lão, tóc và chân mày bạc phơ, ngồi ở chân đồi. Áo dài của bà cụ đỏ chói màu ráng pha, nổi bật trên chiếc quần màu lục rất tươi. Ánh trăng tuy còn lơ mơ, nhưng dường như đã được pha lẫn một nguồn ánh sáng huyền diệu nào đó, để soi tỏ được không những y phục, mà cả cái dáng mạo phúc hậu, trang nghiêm của bà cụ, cùng những đường nét thêu trổ tuyệt mỹ trên đôi hài gấm đế trắng và chiếc nón thúng - cũng cùng một màu trắng - có quai lụa hồng. Bà cụ nhìn vào đường hào, nhìn lên đỉnh đồi, rồi nói lớn, như có ý để những lời tiên tri của mình được lọt trọn vẹn vào tai đám hành giả đã tán loạn cả hồn phách vì cuộc gặp gỡ bất thần và đáng hãi hùng này:

“Cao Biền vì ác ý muốn dứt tuyệt long mạch ở phương Nam, nhưng làm sao có thể nghịch lại sự định phận của Thiên Thư. Sơn hà nào có chân chủ nấy. Long mạch tuy bị dứt, nhưng chưa tuyệt. Máu Rồng còn tươi. Một ngày kia chuyện buồn rồi cũng chấm dứt. Bàn tay của chân chủ phương Nam sẽ lấp hào đi để cho linh khí tụ lại, long mạch nối liền. Một con Linh Quy, để được thoát kiếp, sẽ hút sạch máu trong lòng hồ. Nước hồ trong ra, cõi trời Nam càng thêm hưng thịnh, trăm họ vui khúc âu ca.”

Mời các bạn đón đọc Mộng Kinh Sư của tác giả Phan Du.