Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Lịch Sử Chiến Tranh Peloponnese - Thucydides

Hy Lạp là cái nôi của nền văn minh phương Tây và là nơi biết bao cuộc chiến tranh đã đi vào huyền thoại. Thần thoại Hy Lạp cũng như Sử thi Iliad và Odyssey của Homer đã trở thành kiến thức chung của nhân loại từ lâu, nhưng có lẽ nhiều người Việt Nam chúng ta chưa biết đến cuộc Chiến tranh Peloponnese, cuộc chiến tranh được coi là lớn nhất tính từ thời Hy Lạp sơ khai cho đến thế kỷ V trước CN, thậm chí còn lớn hơn cả cuộc Chiến tranh thành Troy.

Cuộc Chiến tranh Peloponnese là cuộc nội chiến kéo dài hơn một phần tư thế kỷ giữa hai thế lực hùng mạnh nhất Hy Lạp là Athens và Sparta cùng các đồng minh của mỗi bên, cuộc chiến tranh mà Thucydides đã chép vào sử sách.

Hy Lạp vào thời cuộc chiến tranh này (431-404 trước CN) là một quốc gia cường thịnh, đã thuộc địa hóa hầu như toàn bộ vùng bờ biển Ionia của Tiểu Á, phần lớn Sicily, miền nam Italy, một số thành bang khác ở châu Âu và Bắc Phi, và vừa chiến thắng cuộc xâm lược kéo dài 50 năm của Ba Tư (năm 499-449 trước CN, thường được gọi là Chiến tranh Ba Tư).

Athens sau Chiến tranh Ba Tư nổi lên như một thế lực hải quân hùng hậu nhất Hy Lạp, mặc dù là thành bang có thể chế dân chủ đầu tiên trên thế giới (508 trước CN) và vẫn duy trì dân chủ đến giai đoạn này nhưng thực chất Athens đã trở thành đế quốc và bắt đầu can thiệp quân sự vào các mâu thuẫn giữa các thành bang Hy Lạp nhằm tranh giành bá quyền với Sparta, mở màn cho cuộc chiến tranh Peloponnese.
Sparta, trái lại, đã được các thành bang khác công nhận bá quyền trong Chiến tranh Ba Tư, và mặc dù có thể chế oligarchy (thể chế quyền lực tập trung trong tay hai vị vua và hội đồng các đại pháp quan) nhưng có đường lối chính trị ôn hòa, đã phải tham chiến để bảo vệ các đồng minh và bá quyền của mình. Cuộc chiến tranh đã mở rộng sang cả các thuộc địa của Hy Lạp ở Tiểu Á, Sicily và Italy.

***

Về tác giả của Lịch Sử Chiến Tranh Peloponnese

Có rất ít thông tin về Thucydides, tác giả của cuốn sử ký này, những gì mà lịch sử còn để lại cho chúng ta là ông sinh khoảng năm 460 trước CN trong một gia đình giàu có ở Athens, và mất khoảng năm 400 trước CN. Thucydides sở hữu một số mỏ vàng ở Thasos – một hải đảo ngoài khơi xứ Thrace; năm 424 trước CN, ông được phong làm một vị tướng của Athens và được cử đến Thasos trong thời gian tướng quân Brasidas của Sparta tiến hành cuộc viễn chinh thôn tính Thrace.

Thucydides đã đem quân đi cứu Amphipolis, một thành có tầm chiến lược quan trọng hàng đầu ở Thrace, khi thành này bị Brasidas tấn công, nhưng không đến kịp để ngăn Amphipolis đầu hàng Brasidas; vì thất bại này, ông đã phải lưu vong 20 năm trời và ông đã dành quãng thời gian lưu vong đó để ghi vào sử sách hầu như toàn bộ các sự kiện quan trọng nhất của cuộc chiến tranh dài hơn một phần tư thế kỷ mà ông là chứng nhân, như ông đã thuật lại.
Với sự khiêm nhường của một nhà hiền triết, Thucydides đề cập rất ít đến vai trò của chính mình trong cuộc Chiến Tranh Peloponnese, nhưng ông lại phác họa sống động đến từng chi tiết bức tranh Hy Lạp từ thời sơ khai cho đến cuộc chiến Peloponnese; ông không thi vị hóa cũng không cường điệu hóa các sự kiện lịch sử, mà mô tả chúng một cách chân thực và đầy đủ nhất, tái hiện toàn cảnh các xứ ở Hy Lạp trong cuộc chiến, gồm các thành bang độc lập với những thể chế và phong tục tập quán riêng, bị cuốn vào cuộc chiến Peloponnese này, hoặc đứng về phía Sparta hoặc về phía Athens; các chiến lược, cách thức và phương tiện chiến tranh của từng thành bang, các cuộc hòa đàm và đàm phán ngoại giao, các phong tục và lễ hội, luật pháp chung và riêng của từng xứ sở…

***

ĐÔI ĐIỀU VỀ TÁC PHẨM LỊCH SỬ CHIẾN TRANH PELOPONNESE

Thucydides (460-400 TCN) là nhà sử học nổi tiếng cùng thời với Herodotus. Từ chính tác phẩm Lịch sử chiến tranh Peloponnese, Thucydides đã cho chúng ta những thông tin cơ bản về ông: ông vốn là một vị chỉ huy trong quân đội Athens, trực tiếp tham gia chiến tranh và viết nên cuốn sách này, trong đó miêu tả cuộc chiến tranh nhằm giành quyền bá chủ Hy Lạp giữa hai phe: phe Sparta và đồng minh là Peloponnese, phe Athens và đồng minh là Delos (diễn ra từ năm 431 đến năm 404 TCN). Ông xuất thân trong gia đình giàu có, sở hữu nhiều của cải và phải sống lưu vong nhiều năm, đi qua nhiều thành bang ở Peloponnese và nhờ đó ông có điều kiện sưu tầm, xem xét các câu chuyện liên quan đến cuộc chiến tranh này từ nhiều phía. Hình ảnh của ông thỉnh thoảng xuất hiện trong tác phẩm của mình như một nhân chứng, một người trực tiếp tham gia vào diễn tiến của cuộc chiến tranh này, ví dụ việc ông thuật lại sự kiện khiến ông tham gia cuộc chiến hoặc xuất xứ và nguyên nhân của bệnh dịch.

Tôi không muốn đi sâu vào việc phân tích cuốn sử ký đồ sộ này vì điều đó vượt ra khỏi khuôn khổ của một lời giới thiệu; mặt khác, độc giả có thể tìm hiểu trong quá trình đọc sách và rút ra những nhận xét lý thú cho riêng mình. Về phần mình, tôi cho rằng với tác phẩm Lịch sử chiến tranh Peloponnese, Thucydides đã có hai đóng góp lớn lao.

Thứ nhất, có thể nói Thucydides là một hiện tượng đặc biệt trong sử học cổ đại, ông đã vượt lên trên nhiều tác giả khác về tính chân thực của sử liệu và phương pháp nghiên cứu sử liệu. Hãy đọc những dòng suy nghĩ chất chứa nhiều quan điểm sử học và sử liệu học của ông:

“Có nhiều ý kiến vô căn cứ phổ biến trong các dân Hy Lạp khác, thậm chí về những vấn đề trong lịch sử đương đại còn chưa kịp bị thời gian biến thành mơ hồ. Chẳng hạn như, có ý kiến cho rằng các vua của Lacedaemon mỗi người có hai quyền biểu quyết, mà thực ra họ chỉ có một; và rằng ở đó có một đội quân của Pitane, nhưng làm gì có đội quân đó. Dân chúng chẳng nhọc lòng để điều tra ra sự thật, họ vui lòng chấp nhận câu chuyện đầu tiên đến tai họ. Tuy vậy, tôi tin rằng nhìn chung thì những kết luận mà tôi đã rút ra từ những bằng chứng đã nêu đó có thể hoàn toàn tin cậy được. Nhất định là chúng sẽ không bị rối rắm hoặc bởi những vần thơ của một thi sĩ đang khoe tài cường điệu, hoặc bởi sự hư cấu của những người ghi chép biên niên sử rất lôi cuốn nhưng lại làm tổn hại đến sự thật; những chủ đề mà họ đề cập đến vượt ngoài khả năng chứng minh được, và thời gian đã tước đoạt hầu hết giá trị lịch sử của chúng bằng cách tôn chúng lên hàng truyền thuyết. Tránh xa khỏi những chủ đề này, chúng ta có thể hài lòng với việc đã xuất phát dựa trên những dữ kiện chắc chắn nhất, và đi đến những kết luận chính xác nhất có thể hy vọng có được về những vấn đề xa xưa đến thế. Về cuộc chiến tranh này mà nói, cho dù những người đang tham gia vào một cuộc chiến tranh luôn có khuynh hướng coi cuộc chiến tranh ấy là trọng đại nhất và khi nó kết thúc họ lại quay về với việc ca tụng những sự kiện lịch sử trước nó, nhưng việc thẩm tra những sự kiện thực tế sẽ cho thấy rằng cuộc chiến tranh này vĩ đại hơn những cuộc chiến tranh trước nó rất nhiều.

Về những lời phát biểu của các nhân vật trong cuốn sử ký này, một số đã được phát biểu từ trước khi cuộc chiến bắt đầu, một số khác được phát biểu trong thời gian cuộc chiến tranh xảy ra; một số tôi đã được nghe tận tai, một số khác tôi có được từ nhiều nguồn tin khác nhau; trong mọi trường hợp thật khó mà ghi nhớ được từng lời vào đầu, vì vậy thói quen của tôi là lái người phát biểu nói những gì mà tôi nghĩ là cần phải hỏi ở họ vào những dịp khác nhau, dĩ nhiên là bám chặt hết mức có thể vào ý nghĩa tổng quát của những gì họ thực sự đã nói. Và về câu chuyện thuật lại các sự kiện này, chẳng những không cho phép bản thân mình khởi thảo nó từ những tư liệu đầu tiên có được trong tay, tôi thậm chí còn không tin vào những cảm tưởng của chính mình, mà câu chuyện một phần dựa trên những gì tôi tận mắt thấy, một phần dựa trên những gì người khác đã thấy hộ tôi, độ chính xác của câu chuyện thuật lại này luôn được thử thách bằng những cuộc thẩm tra chi tiết nhất và nghiêm ngặt nhất có thể. Những kết luận của tôi đã khiến tôi phải tốn công ít nhiều vì thiếu sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa những lời kể của các nhân chứng khác nhau về cùng một sự kiện, lúc thì do trí nhớ không trọn vẹn, lúc thì do quá thiên kiến đối với bên này hoặc bên kia. Tôi e rằng việc thiếu tính lãng mạn trong cuốn sử ký của tôi sẽ làm nó bớt phần thú vị đi đôi chút; nhưng nếu nó được đánh giá là hữu ích bởi những người tìm tòi với mong muốn có được sự hiểu biết chính xác về quá khứ như một phương tiện giúp giải đoán tương lai, mà trong tiến trình của nhân loại nếu quá khứ đó không lặp lại ắt cũng phải có sự tương đồng, thì tôi sẽ lấy làm mãn nguyện. Nói tóm lại, tôi đã viết tác phẩm của mình không phải như một bài luận chỉ để nhận được tràng vỗ tay hoan nghênh trong chốc lát mà như một tài sản vĩnh tồn.”

Cũng như Herodotus, mục đích viết sử của Thucydides là để đời sau có “quan niệm rõ ràng hơn về quá khứ”. Ông dựng lại cuộc chiến tranh Peloponnese bằng những câu chuyện mình được chứng kiến hoặc nghe kể lại. Tuy nhiên, là một nhà sử học nghiêm túc, cẩn thận, ông luôn đặt tính chính xác của câu chuyện ở vị trí quan trọng hàng đầu. Bởi lẽ, ông nhận thức rõ vai trò của quá khứ đối với hiện tại và tương lai: “Tôi e rằng việc thiếu tính lãng mạn trong cuốn sử ký của tôi sẽ làm nó bớt phần thú vị đi đôi chút; nhưng nếu nó được đánh giá là hữu ích bởi những người tìm tòi với mong muốn có được sự hiểu biết chính xác về quá khứ như một phương tiện giúp giải đoán tương lai, mà trong tiến trình của nhân loại nếu quá khứ đó không lặp lại thì cũng phải có sự tương đồng… ”. Vì thế, “tôi đã viết tác phẩm của mình không phải như một bài luận chỉ để nhận được tràng vỗ tay hoan nghênh trong chốc lát mà như một tài sản vĩnh tồn.”

Là nhà sử học đề cao tính khách quan của sử liệu, ông đã bước đầu nêu một số yếu tố ảnh hưởng đến sự chân xác của sử liệu, đó là tình cảm và trí nhớ. Ông viết: “Những kết luận của tôi đã khiến tôi phải tốn công ít nhiều vì thiếu sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa những lời kể của các nhân chứng khác nhau về cùng một sự kiện, lúc thì do trí nhớ không trọn vẹn, lúc thì do quá thiên kiến đối với bên này hoặc bên kia.”

Thucydides nghiên cứu cả những điều kiện tự nhiên, điều kiện vật chất và chế độ xã hội, coi đó như những yếu tố có ảnh hưởng đến sự phát triển của lịch sử. Xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, vị trí, điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi thành bang trong các liên minh đều được xem xét, phân tích cẩn trọng. Thậm chí, sự cẩn trọng, tỉ mỉ trong việc xem xét, phân tích các nhân tố tác động đến tiến trình vận động sự kiện còn được thể hiện khá rõ qua mỗi trận chiến của mỗi bên, nó có thể là một cơn mưa, một đêm giá buốt, một ngọn núi, dòng sông, dịch bệnh hay trạng thái tâm lý của quân sĩ…

Là một nhà sử học nghiêm túc, đề cao sử liệu, như một logic tất yếu, Thucydides không tin vào những lời tiên tri, sấm truyền, bác bỏ sự can thiệp của thần linh vào hoạt động của con người: “Những lời tiên tri với nội dung rất khác nhau được những nhà tiên tri thuật lại, và tìm được những người háo hức lắng nghe trong số những người tranh luận ở nhóm này hoặc nhóm khác.” Hay khi nói về bệnh dịch hạch ở Athens (Chương VII, năm thứ hai của cuộc chiến tranh), ông viết: “Một trong những điều mà họ nhớ ra khi lâm vào cảnh khốn cùng đó là, rất tự nhiên thôi, lời sấm mà những người già nói rằng đã được truyền từ trước đó rất lâu: “Một cuộc chiến tranh với người Doris sẽ đến và đi cùng với nó là cái chết.” Vì thế đã nảy ra một cuộc tranh luận về việc liệu có phải cái đói mà không phải là “cái chết” là từ được viết trong câu sấm này hay không; nhưng vào lúc này, dĩ nhiên nó được quyết định thiên về từ cái chết; vì dân chúng thấy điều họ nhớ lại trùng khớp với những thống khổ mà họ đang phải chịu. Tuy vậy, tôi lại nghĩ rằng sau này nếu có khi nào một cuộc chiến tranh Doris khác lại đến với chúng ta, và nạn đói sẽ xảy ra kèm theo nó, thì lời sấm truyền ấy chắc chắn sẽ được diễn giải theo từ cái đói.”

Mặc dù lịch chưa ra đời nhưng thời gian trong tác phẩm của ông cũng được coi trọng, giúp cho người đọc định vị rõ sự kiện trong quá khứ: “Câu chuyện lịch sử này được ghi chép theo thứ tự thời gian của các sự kiện xảy ra vào những mùa hạ và những mùa đông”. Trên cơ sở những tư liệu trong trong tác phẩm gồm 8 quyển của Thucydides, người đời sau có thể hình dung khá rõ cuộc Chiến tranh Peloponnese: Đây là cuộc chiến tranh diễn ra từ năm 431 đến 404 TCN, giữa các thành bang Hy Lạp cổ đại do hai thành bang Sparta và Athens đứng đầu và kết quả là phe Athens thất bại. Cuộc chiến đã góp phần định hình lại thế giới Hy Lạp cổ đại: Athens, thành bang hùng mạnh nhất ở Hy Lạp trước cuộc chiến đã bại trận, kéo theo cả chế độ dân chủ chủ nô của nó, Sparta chiến thắng cùng với sự lên ngôi của chế độ toàn trị.

Những quan niệm viết sử của Thucydides được xem như là đỉnh cao của sử học Hy Lạp thời cổ đại. Thành tựu của ông không chỉ ảnh hưởng đến các sử gia thời cổ đại mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến giới sử học phương Tây thời cận hiện đại.

Thứ hai, không chỉ là một tác phẩm lịch sử, Lịch sử chiến tranh Peloponnese còn được xem là một tác phẩm kinh điển của chính trị học, của nghiên cứu quan hệ quốc tế. Và Thucydides được xem là cha đẻ của chủ nghĩa hiện thực. Nhiều thể chế chính trị của Hy Lạp cổ đại như democracy, oligarchy, tyranny, prytany, ephor, archon… được ông mô tả khá rõ ràng cùng với các biến cố lịch sử; những ghi chép của ông trong Cuộc hội đàm ở Melos vẫn được giảng dạy cho sinh viên các khoa chính trị học, quốc tế học. Giới thiệu về cuộc hội đàm này, ban biên tập nghiencuuquocte.org viết:

“… Trước khi ra lệnh tấn công, các tướng lĩnh Athens đã cử người tới thương lượng với người Melos. Trong cuộc thương lượng đó, câu nói “kẻ mạnh làm bất cứ những gì mình có thể, còn kẻ yếu thì phải chấp nhận những gì họ phải chấp nhận” của người Athens đã trở thành một ví dụ kinh điển cho chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế. Dù đã diễn ra từ hơn 2.000 năm trước, những luận điểm của người Athens và người Melos trong cuộc đối thoại về mối quan hệ giữa nước mạnh và nước yếu, giữa chiến tranh và hoà bình, giữa lựa chọn đồng minh và kẻ thù… vẫn còn hết sức tương thích với hiện thực chính trị quốc tế ngày nay.”*

Một trong những tư tưởng quan trọng của chủ nghĩa hiện thực mà Thucydides đề cập đến trong tác phẩm của mình về cuộc chiến Peloponnese chính là cách ông phân tích để truy tìm nguyên nhân chiến tranh. Thucydides chỉ ra rằng lý do gây ra chiến tranh là bởi sự gia tăng sức mạnh, nhất là hàng hải, của Athens đã làm cho Sparta và các đồng minh của Sparta lo sợ. Như vậy, gia tăng quyền lực cũng như việc nhìn nhận sự gia tăng quyền lực của các bên mới là căn nguyên dẫn đến cuộc chiến khốc liệt, kéo dài đến vậy. Còn lại, tất cả chỉ là những cái cớ. Ông đã viết rõ điều này ngay trong chương đầu tiên của bộ sách 8 quyển của mình: “Tôi cho rằng nguyên nhân thực sự là nguyên nhân đã chính thức bị bưng bít nhiều nhất. Quyền lực của Athens ngày một lớn mạnh, và nỗi lo sợ mà quyền lực này khơi gợi ra với Lacedaemon đã khiến chiến tranh là điều không thể tránh được. Tuy vậy, cũng nên nêu ra những cái cớ được cả hai bên viện ra dẫn đến việc phá vỡ hoà ước và khởi chiến.”

Những tư tưởng chính trị học, quốc tế học của Thucydides không chỉ thể hiện trong tư duy về quyền lực, về chủ nghĩa hiện thực mà còn xuyên suốt trong tác phẩm, thông qua những bài diễn thuyết, các hoạt động ngoại giao lôi kéo đồng minh của hai phe, các văn bản, hiệp ước được ký kết giữa các bên tham chiến, những tính toán lợi ích của các thành bang… Và có lẽ, điều quan trọng hơn là, những tư tưởng này được tác giả trình bày trong một tác phẩm sử học. Tính liên ngành, đa ngành của Sử ký cuộc chiến Peloponnese được thể hiện một cách nhuần nhị, tự nhiên đến mức không thể tách bạch. Có thể nói, với Thucydides, tất cả là một “câu chuyện” liền mạch của cuộc chiến tranh, của lịch sử.

Cuối cùng, tôi nghĩ những gì mình trình bày trên đây đơn giản là những cảm nhận của tôi hơn là một lời giới thiệu cho công trình đồ sộ này. Và đó cũng thay cho sự tri ân đối với Công ty Sách Omega, với dịch giả Takya Đỗ – những người gắng sức giới thiệu Lịch sử chiến tranh Peloponnese của Thucydides đến độc giả Việt Nam, nhất là đến với những người say mê tìm hiểu lịch sử, tìm hiểu các vấn đề chính trị học, quốc tế học.

Hà Nội, tháng 01 năm 2017
PGS. TS VĂN NGỌC THÀNH
Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Thế giới, Đại học Sư phạm Hà Nội

Mời các bạn đón đọc Lịch Sử Chiến Tranh Peloponnese của tác giả Thucydides.