Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Châu Á Thần Kỳ - Thiên Sử Thi Về Hành Trình Tìm Kiếm Sự Thịnh Vượng Của Châu Á - Michael Schuman

Giai đoạn Đại chiến Thế giới Thứ Hai, một loạt quốc gia và vùng lãnh thổ mới được hình thành, trăn trở tìm con đường phát triển kinh tế riêng của mình. Nhật Bản từ trong điêu tàn của một quốc giá bại trận trở thành một nền kinh tế hùng mạnh vượt cả châu Âu và chỉ đứng sau Mỹ. Hàng loạt các “Con Rồng” châu Á xuất hiện như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan,… rồi đến “Rồng Hoa” (Trung Quốc), “Hổ Ấn” (Ấn Độ) đột khởi làm cho cán cân kinh tế toàn cầu nghiêng về châu Á.
Sự phát triển vượt bậc này khiến Thế giới kinh ngạc và đặt cho nhiều cái tên đầy khâm phục như “Châu Á thần kỳ”, “Phép màu”… đồng thời cũng tốn rất nhiều giấy mực của nhiều nhà nghiên cứu. Họ đưa ra rất nhiều quan điểm khác nhau để mô tả và phân tích… lý do thịnh vượng của những con “Rồng”, con “Hổ” Á Đông.
Michael Schuman, một phóng viên kinh tế người Mỹ, với cuốn Châu Á thần kỳ là một tham góp vào những quan điểm nói trên. Tuy nhiên đây cũng không là ý kiến cuối cùng hoặc ý kiến đúng đắn nhất.
Nhà xuất bản Thời Đại xuất bản cuốn sách này với mục đích để người đọc có nhiều điểm tham cứu và rút ra những điều cần thiết phù hợp với những đặc thù của mình.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Nhà xuất bản Thời Đại.

***

Thế giới đang có nhiều thay đổi lớn. Nhiều ý kiến cho rằng vai trò độc tôn của Mỹ trong sân chơi kinh tế thế giới thế kỷ 21 đã không còn như thế kỷ trước dù nước này vẫn giữ ngôi vị đứng đầu và chưa mất đi ảnh hưởng lớn. Sau cơn bạo bệnh suy thoái kinh tế - tài chính vốn bắt đầu bùng phát năm 2008 và lây lan sang cả kinh tế toàn cầu, sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn còn yếu ớt và có nguy cơ bị quật ngã trở lại dù đã có những tín hiệu phục hồi nhẹ. Lục địa già châu Âu cũng đang lao đao trong cơn khủng hoảng nợ lan rộng đe dọa số mệnh của đồng tiền chung Euro. Trong bối cảnh ảm đạm đó, châu Á, đặc biệt là hai cường quốc đông dân nhất nhì thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, đã và đang nổi lên với vai trò là đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới với tốc độ phát triển nhanh nhất nhờ những chính sách đối phó khá hiệu quả với khủng hoảng kinh tế. Chưa dừng ở đó, có chuyên gia còn dự báo trong vòng khoảng chỉ 10 năm nữa, châu Á sẽ trở thành trung tâm thương mại, trung tâm cung cấp hàng hóa, dịch vụ lớn nhất thế giới, lớn hơn cả Bắc Mỹ và thậm chí toàn châu Âu cộng lại. (GDP của Mỹ hiện nay là 14 nghìn tỉ USD, châu Âu 16 nghìn tỉ, Trung Quốc 4 nghìn tỉ).

Cán cân quyền lực kinh tế đang nghiêng từ Tây sang Đông. Đi cùng với sự phát triển ngày càng thịnh vượng về kinh tế là vị thế ngày càng đi lên về chính trị của châu Á trên trường quốc tế. ASEAN + 3 gồm 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm giáo dục, tài chính, công nghệ, sản xuất toàn cầu, khôi phục trật tự đã tồn tại nhiều thiên niên kỉ cho tới sau năm 1800. Ngày 1/1/2010, tờ China Daily đã đưa tin Trung Quốc và ASEAN tuyên bố mình trở thành khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải với Trung Quốc, là một trong số các thành viên chính thức và Ấn Độ là một trong những quan sát viên đang chiếm ưu thế trong các quan hệ kinh tế, có khả năng trở thành một trung tâm quyền lực Á-Âu mới. Tương tự, nhóm các nước BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc có thể sẽ điều khiển cán cân quyền lực thế giới mới với sự tham gia của Mỹ Latinh. Ngân hàng Thế giới (WB) trong tháng 4/2010 đã cho phép các nền kinh tế đang nổi, bao gồm cả Trung Quốc, được có tiếng nói lớn hơn trong các quyết định của thể chế tài chính hàng đầu thế giới này.

Những nhận định, dự báo và sự kiện đã xảy ra ở trên một lần nữa khẳng định sự năng động về kinh tế của châu Á cũng như thêm một lần xác nhận “sự thần kỳ châu Á”.

Sự thần kỳ đó đã diễn ra như thế nào? Michael Schuman, phóng viên người Mỹ chuyên viết về kinh tế châu Á của tạp chí Time và trước đây là của tờ Wall Street Journal , đã kể lại cho chúng ta nghe câu chuyện này qua một cuốn sách mới mang tên Châu Á thần kỳ: Sử thi về hành trình tìm kiếm sự thịnh vượng của châu Á . Từ “Miracle” (tùy từng ngữ cảnh được chúng tôi chuyển ngữ thành “Phép màu”, “Sự thần kỳ” và “Điều kỳ diệu”) được Michael Schuman lặp đi lặp lại trong cuốn sách như một ẩn số về sự phát triển kỳ lạ của châu Á mà tác giả cần phải đi tìm cho ra lời giải đáp.

Câu chuyện với nhiều phong vị mới, hấp dẫn của Schuman bắt đầu từ Nhật Bản, nơi bắt nguồn của “mô hình phát triển châu Á” - một kiểu cơ chế quản lý kinh tế tập trung trong đó nhà nước giữ vai trò trung tâm kiểm soát mà sau này trở thành hình mẫu cho nhiều con hổ, con rồng châu Á khác. Ai cũng biết, bất chấp hậu quả tàn phá nặng nề sau Chiến tranh Thế giới thứ II, đất nước Mặt trời mọc đã khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng trước sự phát triển nhanh chóng được coi là “sự thần kỳ Nhật Bản”. Chỉ trong vòng 2 thập niên 60 và 70 của thế kỷ 20, từ vị thế một nền kinh tế nghèo, chậm phát triển, Nhật Bản đã thăng hoa, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ - nước đã phát triển liên tục trước Nhật Bản hơn một thế kỷ. Đó là nhờ Nhật Bản ưu tiên lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng kinh tế mới.

Sang đến những năm 80 của thế kỷ 20, kinh tế Nhật Bản bắt đầu phát triển chậm lại, thậm chí lâm vào thời kỳ suy thoái kéo dài trong suốt thập niên 90 – “Thập niên mất mát”. Tiếp tục mạch truyện “Châu Á thần kỳ”, Schuman dẫn dắt người đọc đến với những con rồng mới của kinh tế châu Á: 4 nền kinh tế công nghiệp mới (NICs) gồm Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore. Malaysia cũng gây chú ý và Indonesia cũng trở thành một hiện tượng về sự phát triển thần kỳ.

Đặc biệt, với sự phát triển ngoạn mục từ mức thu nhập bình quân chỉ 60 USD/người/năm vào giữa thập niên 60 lên thành 10.000 USD vào năm 1996, Hàn Quốc đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới, lớn thứ 2 châu Á (sau Nhật Bản). Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997 làm đồng Won mất giá thảm hại, quốc gia này còn ghi tên mình vào câu lạc bộ các nước phát triển giàu có: tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Sau đó, đến lượt người khổng lồ Trung Quốc thức dậy sau một giấc ngủ dài cả 2 thế kỷ. Chỉ trong vòng 3 thập niên sau khi tiến hành cải cách, mở cửa vào năm 1978, Trung Quốc đã thực sự làm thế giới ngạc nhiên khi nước này vươn lên từ vị trí thứ 40 thành cường quốc kinh tế, đạt mức 1.000 tỉ USD vào năm đầu tiên của thế kỷ 21. Sự đi lên của Trung Quốc có nét giống như sự bật dậy trước đó của Nhật sau Chiến tranh Thế giới thứ II nhưng ở qui mô lớn hơn, tốc độ nhanh hơn. Và, thế giới lại tiếp tục giật mình khi gã khổng lồ này lần lượt qua mặt các đàn anh như Pháp, Anh, Đức và hiện nay đã chính thức soán ngôi á quân của Nhật.

Câu chuyện của Schuman về một châu Á thần kỳ dĩ nhiên không thể bỏ qua một người khổng lồ khác tuy xuất hiện sau nhưng cũng khiến thế giới phải ngưỡng mộ: Ấn Độ. Nếu Trung Quốc được mệnh danh như là một công xưởng của thế giới thì Ấn Độ lại nổi lên là cường quốc dịch vụ thế giới.

Đầu thế kỷ 21, nhiều tên tuổi mới đã xuất hiện, chẳng hạn Thái Lan, Philippines. Dù những cái tên này chưa được Schuman đề cập trong cuốn sách của mình nhưng như tác giả khẳng định, điều thần kỳ châu Á, “mô hình phát triển châu Á” có thể sẽ tiếp tục và sẽ xuất hiện những con hổ mới.

Vậy thì điều gì đã giúp châu lục mới đây vài chục năm còn chìm trong đói nghèo lạc hậu đạt được những thành tựu kinh tế tuyệt vời? Trong vô số cách lý giải khác nhau của nhiều nhà kinh tế học, Schuman đã trích dẫn ra 3 câu trả lời để phản biện, gồm: những nhân tố cấu thành nên nền văn hóa Á Đông, chính sách và thể chế kinh tế siêu việt và độc đáo của các nền kinh tế châu Á, mô hình kinh tế mở đã giúp tạo nên điều kỳ diệu về kinh tế của châu Á.

Qua phản biện của Schuman, bạn đọc sẽ thấy việc chỉ ra công thức chính xác cho loại “tiên đan” thành công kinh tế này là một điều vô cùng khó. Dù vậy, tác giả vẫn nỗ lực đi tìm lời giải thích cho sự chuyển mình kỳ diệu của châu Á thông qua một lăng kính khác mang tính phát hiện: con người. Theo Schuman, “kể từ những năm 50 của thế kỷ trước cho đến nay, khu vực này đã “may mắn” có hàng loạt những chính trị gia lỗi lạc cùng những nhà lãnh đạo doanh nghiệp năng động, tài ba quyết tâm đạt mục tiêu thành công về kinh tế”.

Từ đây, Schuman khắc họa sống động hàng loạt chân dung các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo quốc gia và doanh nhân quan trọng nhất đứng đằng sau sự cất cánh diệu kỳ về kinh tế của châu Á. Những nhân vật khác nhau với những tính cách đặc biệt riêng có đã hiện ra qua những giai thoại được thuật lại một cách lôi cuốn, hấp dẫn đủ để những độc giả đã có một nền tảng hiểu biết vững chắc nhất định về lịch sử của châu Á vẫn thấy thích thú. Đối với Nhật bản, Schuman tô đậm vai trò lãnh đạo của “con quỉ” Shigeru Sahashi, một công chức hành chính sự nghiệp của Bộ Thương mại và Công nghiệp được xem là hiện thân cho sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế. Về phía doanh nhân, nhà sáng lập công ty Sony, ông Akio Morita, người đã thách thức các quan chức hoạch định công nghiệp Nhật Bản để xây dựng đế chế của riêng mình, được nhắc đến nổi bật. Hàn Quốc thì có nhà độc tài quân sự Park Chung Hee, người đã đã học theo Nhật Bản và đổ tiền vào một số lĩnh vực nhất định. Đi cùng với Park là doanh nhân yêu thích của ông, Chung Ju Yung, người sáng lập tập đoàn Hyundai, một ông trùm vươn tay ra rất nhiều lĩnh vực từ xây dựng đường xá đến sản xuất ôtô, đóng tàu.

Đối với Trung Quốc, Schuman miêu tả những cải cách của Đặng Tiểu Bình và nhấn mạnh vào quyết định của ông cho phép thành lập các đặc khu kinh tế. Vai trò của những người dưới quyền Đặng Tiểu Bình như Triệu Tử Dương, Hồ Diệu Bang cũng được ghi nhận. Tiếp đó, Schuman nhắc đến Liễu Truyền Chí, ông chủ của công ty Lenovo từng thực hiện thương vụ chấn động: mua lại thị phần sản xuất máy tính cá nhân của IBM.

Một số nhà lãnh đạo chính trị, quân sự và doanh nghiệp của Indonesia, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Đài Loan và Ấn Độ cũng lần lượt xuất hiện một cách sống động trong các chương của cuốn sách này.

Mặc dù sách tập trung vào vấn đề kinh tế phát triển tại châu Á nhưng bất kỳ ai quan tâm tìm hiểu về tài chính toàn cầu cũng có thể tìm thấy những bài học quan trọng về kinh tế - tiền tệ vì sự tăng trưởng kinh tế của châu Á trong quá khứ lẫn tương lai sắp tới là một đề tài không thể bỏ qua. Châu Á thần kỳ vừa hấp dẫn giới chuyên gia tài chính, kinh tế phát triển với những chi tiết giá trị, những số liệu thống kê thuyết phục lại vừa lôi cuốn đông đảo người đọc bình thường nói chung nhờ cách viết súc tích, dễ hiểu.

Có thể nói, bằng vốn kinh nghiệm dày dạn, sự am hiểu sâu rộng về đề tài mình viết cùng với tài kể chuyện lôi cuốn, Schuman đã biến sự giới thiệu về những con người và chính sách làm nên sự đi lên nổi bật của châu Á, một điều tưởng như khô khan, tẻ nhạt, thành một câu chuyện hấp dẫn từ trang đầu tiên cho đến tận trang cuối cùng.

Cái tài của Schuman còn thể hiện ở chỗ mặc dù đề cập đến “mô hình phát triển châu Á” xuyên suốt trong toàn bộ cuốn sách, qua nhiều nước khác nhau nhưng không hề có sự lặp lại nhàm chán. Ngược lại, mạch văn được dẫn dắt liên tục với mỗi quốc gia là từng nét riêng với những câu chuyện về các nhân vật được đan xen một cách khéo léo.

Qua cách trình bày, đánh giá “mô hình châu Á” từ góc độ khá là khách quan của tác giả (cả mặt được lẫn mặt mất), ta cũng có thể rút ra những bài học quý giá từ những thất bại tạm thời của những con hổ, con rồng châu Á trong quá trình phát triển, chẳng hạn như Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc… Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997-98 đã phơi bày những khiếm khuyết của mô hình trên lẫn mặt trái của sự phát triển nhanh theo kiểu bong bóng. Nhưng, như Schuman đã viết, chính từ vũng lầy của cuộc khủng hoảng này, các nền kinh tế châu Á nhanh chóng cải cách thể chế, điều tiết vĩ mô… để tiếp tục sự phát triển thần kỳ của mình. Các tổ chức tài chính của châu lục này không tích trữ tài sản độc hại vốn đánh sụp các tổ chức tài chính Mỹ và châu Âu trong cuộc suy thoái hiện nay. Chính phủ các nước liên kết chặt chẽ hơn. Các doanh nghiệp duy trì một sức khỏe tài chính tốt. Người dân có xu hướng tiết kiệm thay vì hoang phí. Khi thương mại phát triển, phần lớn các nước châu Á tự bảo vệ mình bằng cách xuất siêu và tích trữ ngoại tệ. Họ tích cực mở rộng đón thương mại nước ngoài, thu hút nguồn đầu tư, giảm được nợ đồng thời điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và các gói kích thích kinh tế của chính phủ, chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa. Các nước cũng nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình, hướng tới các nền kinh tế đã tăng trưởng mạnh mẽ thay vì chỉ nhắm chủ yếu tới thị trường Mỹ. Có thể ví những thất bại là những liều vaccine có tác dụng giúp châu Á bật lại nhanh các sau đợt suy giảm mạnh. Đây cũng chính là điều mà hơn một lần Schuman đã khẳng định một cách lạc quan tin tưởng.

Nhưng, bức tranh phát triển thần kỳ của châu Á qua câu chuyện kể của nhà báo kinh tế lão luyện này không chỉ có gam màu hồng. Schuman đã thẳng thắn chỉ ra những mặt tối như sự kiềm chế chính trị, chủ nghĩa thân hữu và sự mở rộng doanh nghiệp thiếu kiểm soát và liều lĩnh. Nhiều công ty hưởng lợi từ quan hệ gần gũi với các lãnh đạo chuyên chế đã điên cuồng vay nợ vượt quá khả năng chi trả của họ. Phát triển cũng đi kèm với những thách thức to lớn chưa từng có như khoảng cách giàu nghèo gia tăng, ô nhiễm môi trường… Đáng tiếc là tác giả chưa thật sự đề cập nhiều đến vấn đề này trong Châu Á thần kỳ .

Ngoài việc lý giải nguyên nhân thành công của châu Á, Schuman còn bày tỏ quan điểm ủng hộ toàn cầu hóa của mình. Như trong phần kết của sách, tác giả khẳng định không chỉ có châu Á mà cả Mỹ cũng được hưởng lợi từ sự phát triển kỳ diệu về kinh tế của châu Á. Ngay chính Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng phát biểu ngày 11/1/2010 sau một chuyến công du châu Á: “Chúng ta bắt đầu từ một tiền đề đơn giản là tương lai của Mỹ gắn liền với tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tương lai của khu vực này cũng phụ thuộc vào Mỹ”. Nói cách khác, sự cất cánh của châu Á không đồng nghĩa với xuống thế của phương Tây mà đơn giản chỉ là châu Á sẽ trở thành một người tham dự chính thức trên sân chơi toàn cầu, tương xứng với quy mô và sinh lực của mình.

Quan điểm này thật sự rất có ý nghĩa trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ hiện nay đang quay trở lại một cách tinh vi qua những hàng rào phi thuế quan như “hạn chế xuất khẩu tự nguyện”, các biện pháp trợ cấp hay kế hoạch giải cứu cho doanh nghiệp trong nước, các điều khoản bắt buộc mua hàng trong nước đậm chất dân tộc chủ nghĩa (ví dụ như điều khoản “Người Mỹ dùng hàng Mỹ” của chính quyền Obama), những động thái áp thuế chống phá giá… Trong lúc quá trình hồi phục của nền kinh tế toàn cầu trước mắt vẫn còn tồn tại nhiều nhân tố bất ổn, nguy cơ suy thoái kép vẫn còn treo lơ lửng, sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ sau gần 3 thập niên tự do hóa thương mại giống như một kiểu giải khát bằng rượu độc. Theo những người phản đối chủ nghĩa bảo hộ như Schuman, các hành vi bảo hộ thương mại trong thời gian ngắn có thể mang đến những thuận lợi nhất định cho những nước khởi xướng chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng sẽ cản trở nền kinh tế thế giới phồn thịnh, đặc biệt sẽ ảnh hưởng rộng tới các nước có thu nhập thấp và các nước đang phát triển, gia tăng nghèo khó cho các khu vực này.

Ngô Thị Tố Uyên

***

Tủ Sách Doanh Trí gồm có:

Mời các bạn đón đọc Châu Á Thần Kỳ - Thiên Sử Thi Về Hành Trình Tìm Kiếm Sự Thịnh Vượng Của Châu Á của tác giả Michael Schuman.