Trong thời kỳ khủng hoảng, bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức nào, dù lớn hay nhỏ, cũng gặp phải khó khăn, bởi những biến động sẽ tác động ít nhiều đến sự tồn tại, hoạt động và phát triển của doanh nghiệp, tổ chức đó. Vừa giải quyết, đối phó với những biến động trong thời kỳ khủng hoảng vừa phải tìm kiếm các cơ hội trong đó là yêu cầu đặt ra khiến tất cả các doanh nghiệp và tổ chức phải đau đầu.
Thông thường, lãnh đạo các doanh nghiệp vẫn là việc làm đầy khó khăn, thì giờ đây, chèo lái cả tổ chức trong thời kỳ khủng hoảng còn gian truân hơn nữa. Những tổ chức không vượt qua được giai đoạn này, tất phải đổ vỡ, dẫn đến vô số những vấn đề nan giải về tài chính cũng như nhân sự. Còn những tổ chức duy trì tiếp tục sau những biến động hẳn sẽ trưởng thành hơn, vững mạnh hơn, và tự trang bị cho mình những kinh nghiệm xương máu để vận dụng trong những giai đoạn sau này. Và những tổ chức tận dụng được thời cơ khủng hoảng để mạnh mẽ hơn chắc chắn sẽ trở thành những tổ chức xuất sắc. Điều này đòi hỏi tầm nhìn, quyết tâm và cả sự hy sinh của các nhà lãnh đạo.
***
Trong thời kỳ khủng hoảng, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sẽ gặp phải khó khăn, và dù lớn dù nhỏ chúng cũng sẽ có tác động trực tiếp đến sự tồn tại và hoạt động của doanh nghiệp đó. Nếu không có những chiến lược cụ thể, những kế sách hành động rõ ràng, doanh nghiệp sẽ lao đao và có thể rơi vào tình trạng phá sản. Và trong thời kỳ đó, vai trò của các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách càng trở nên quan trọng.
Câu hỏi đặt ra lúc này đối với các doanh nghiệp, các nhà quản lý là: Làm thế nào để lập ra những chiến lược, chính sách phù hợp? Làm thế nào doanh nghiệp vượt qua được cơn khủng hoảng “bệnh tử”? Và làm thế nào để hùng mạnh hơn sau khủng hoảng?
Là một trong những cuốn sách kinh điển về quản trị của Cha đẻ Ngành quản trị hiện đại - Peter Drucker, Quản trị thời khủng hoảng tập trung hoàn toàn vào các hành động, chiến lược và cơ hội, những điều các nhà quản trị có thể làm, nên làm và phải làm trong những thời kỳ biến động, khủng hoảng. Trong cuốn sách kinh điển này, Peter đã chỉ ra rằng, thời kỳ khủng hoảng là một thời kỳ nguy hiểm, đáng lo ngại, nhưng lại là cơ hội tuyệt vời cho những ai hiểu rõ nó, chấp nhận và khai phá những thực tế mà nó mang lại.
Cuốn sách sẽ mang đến cho các nhà quản lý, các nhà điều hành những câu trả lời hoàn hảo cho việc hoạch định chính sách, thiết lập các hành động và bước đi phù hợp nhằm đưa doanh nghiệp của mình vượt qua khó khăn và phát triển. Đó là: Làm cho doanh nghiệp thích ứng với lạm phát, Quản lý khả năng tài chính và khả năng thanh toán tiền mặt, Quản lý hiệu suất công việc…
Dù cuốn sách đã ra đời được một thời gian khá lâu, song trong thời kỳ kinh tế nhiều biến động như ngày nay, Quản trị thời khủng hoảng vẫn là cẩm nang thiết thực và hiệu quả cho các nhà quản lý, những người muốn dẫn dắt doanh nghiệp của mình phát triển và thành công vượt trội.
***
Từ đầu thế kỷ này, hầu như không có một tổ chức mới, một nhóm dẫn đầu, một chức năng chính nào xuất hiện nhanh như một bộ phận quản lý. Trong lịch sử loài người, cũng hiếm khi có một thể chế nào lại nhanh chóng được chứng minh là không thể thiếu như vậy. Cũng chưa bao giờ có một tổ chức nào xuất hiện mà ít gây tranh cãi, ít lo âu và phản đối đến thế.
Từ khi tôi viết những dòng này cho đến nay chưa đầy 10 năm. Hai câu đầu tiên trong đoạn vẫn còn giữ nguyên giá trị. Chưa bao giờ có một nhóm lãnh đạo xã hội nào, một thể chế xã hội mới nào xuất hiện nhanh như “quản lý”, điều mà trước năm 1900 vẫn chưa hề được biết đến nhưng giờ đây đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới và được sử dụng rộng rãi. Nhưng người ta cũng không còn cho rằng quản lý sẽ không phải đối mặt với sự phản đối, không tạo ra sự lo âu cũng như tranh cãi nào nữa. Ngược lại, giờ đây quản lý đang bị tấn công dữ dội, nó rơi vào trung tâm của khủng hoảng và gây ra rất nhiều tranh cãi.
Tuy nhiên, cũng không cần phải lo lắng về sự tồn tại của “quản lý”. Trừ khi con người tự hủy bỏ, còn nếu không những tổ chức đã được hình thành cách đây 100 năm vẫn sẽ tồn tại, và ngày càng trở nên quan trọng hơn, và những tổ chức này không thể hoạt động nếu như thiếu bộ phận quản lý. Quản lý là cơ quan cốt lõi của tổ chức, giúp biến một “đám đông” thành một tổ chức, và những nỗ lực của con người thành hiệu quả thực tế.
Nhưng trong tương lai, mô hình và cấu trúc của quản lý sẽ khác đi. Sự kiềm chế, kiểm soát, cấu trúc, quyền lực và khái niệm quản lý cũng sẽ thay đổi hoàn toàn khác. Theo cách thức như hiện nay thì trong khoảng từ 10 đến 20 năm nữa sẽ là thời kỳ “khủng hoảng trẻ” của quản lý, điều này sẽ quyết định sự quản lý hoàn thiện như thế nào, đặc tính của nó ra sao, và những cam kết của nó được chuyển thành những thành tựu thật sự như thế nào.
Những thách thức của thời kỳ khủng hoảng mà tất cả các tổ chức, doanh nghiệp và tổ chức dịch vụ công cộng phải đối mặt sẽ ảnh hưởng tới tất cả các cấp độ quản lý, cũng như tất cả các nhóm trong bộ phận quản lý. Những nhà quản lý cấp cao nhất có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức đau đầu nhất, bởi vì họ là những người chuẩn bị ít nhất. Trong những tổ chức giáo dục, các “nhà quản lý” cũng sẽ chính là “người hỗ trợ”, “nguồn lực” đồng thời là “giáo viên”. Và những nhân tố mới trong lực lượng lao động, dù là phụ nữ làm bán thời gian hay những người đã về hưu tiếp tục đi làm, đều đòi hỏi sự lãnh đạo mới chứ không phải những nhà quản lý truyền thống được đào tạo để quản lý họ. Các nhà quản lý được đòi hỏi phải có trình độ cao hơn và đáp ứng được mong đợi của người lao động - họ sẽ phải học cách cân bằng các nhiệm vụ của tương lai.
…
Mời các bạn đón đọc Quản Trị Trong Thời Khủng Hoảng của tác giả Peter F. Drucker.