Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Vết Nhơ Của Người

Coleman Silk, một giáo sư đại học đáng kính, hẳn đã không bao giờ ngờ được rằng sau gần nửa thế kỷ qua mặt cả thế giới với một bí mật vĩ đại, cuộc đời ông lại bị hủy hoại bắt đầu từ một lời buộc tội ngớ ngẩn và dối trá: tội phân biệt chủng tộc.

Vết nhơ của người là một bi kịch lạ thường, một kiệt tác đầy trăn trở về con người bị nghiền nát bởi những nỗi ám ảnh đạo đức và thanh tẩy của kẻ khác. Tràn ngập những hồi tưởng, những đối thoại, những suy nghĩ đẩy cốt truyện xuống hàng hầu như thứ yếu, nhạo báng pha trộn với trắc ẩn, lạnh lùng đặt kế bên cuồng nộ, Vết nhơ của người đã viết về thân phận con người với một sự mãnh liệt có thể khiến người đọc nghẹt thở. Lần theo cuộc đời đáng kinh ngạc của giáo sư Silk, Philip Roth, bằng một bút lực chưa bao giờ thất bại trong việc biến tác phẩm của mình trở thành một trải nghiệm đọc vừa thử thách vừa khoan khoái, đã đặt ra những câu hỏi quyết liệt về những thứ nhãn dán mà xã hội áp đặt lên con người, thậm chí cả về cái ranh giới phân chia thiện-ác mà từ lâu đã hằn sâu trong nhận thức nói chung.

***

AI CŨNG BIẾT

Chính vào mùa hè năm 1998 ấy mà ông hàng xóm Coleman Silk của tôi - ông này, trước khi nghỉ hưu cách nay hai năm, vốn là giáo sư môn văn học Hy La ở Đại học Athena trong thị trấn suốt hơn hai chục năm sau đó làm chủ tịch hội đồng giảng viên thêm mười sáu năm nữa - tâm sự với tôi rằng, ở tuổi bảy mốt, ông đang dan díu với một cô lao công ba mươi tư tuổi đang làm việc ở trường. Ngoài ra hai lần một tuần cô còn lau dọn trạm bưu điện thị trấn, một căn chòi gỗ nhỏ xám xịt trông cứ như nó từng che chở một gia đình dân ngụ cư tới từ Oklahoma khỏi những cơn bão cát hồi thập niên 1930 và, đứng một mình lẻ loi đối diện trạm xăng và cửa hàng tạp hóa bên kia đường, nó giương cao lá cờ Mỹ tại giao lộ của hai con đường sầm uất nhất cái thị trấn phố núi này.

Coleman thấy cô lần đầu tiên khi cô đang lau sàn trạm bưu điện một ngày nọ ông ghé vào, vài phút trước giờ đóng cửa, để nhận thư từ - một phụ nữ gầy, cao, góc cạnh với mái tóc vàng nhuốm bạc cột gọn thành túm đuôi ngựa sau gáy và có nét mặt như tạc, kiểu tạc thô, thường đi liền với những bà vợ lam lũ, sùng đạo đã nếm trải những buổi đầu vất vả của miền New England, mẫu phụ nữ thuộc địa khắc khổ bị khóa chặt trong nền luân lý thống trị thời đó và tuân theo nó. Tên cô là Faunia Farley, và dù những nỗi khốn khổ mà cô phải chịu đựng là gì đi chăng nữa thì cô cũng giấu kín chúng đằng sau cái kiểu mặt xương xương vô hồn như thể nó che chẳng giấu điều gì mà chỉ toát lên một nỗi cô đơn mênh mông. Faunia sống trong một căn phòng tại trại bò sữa địa phương nơi cô phụ việc vắt sữa để trừ tiền thuê trọ. Cô từng theo học trung học trong hai năm.

Mùa hè mà Coleman tâm sự với tôi về Faunia Farley và bí mật của họ cũng là mùa hè mà, khá trùng hợp, bí mật của Bill Clinton được hé lộ tới từng chi tiết đáng xấu hổ cuối cùng - từng chi tiết đời thực cuối cùng, sự sống động, giống như sự nhục nhã, ứa ra từ sự cay độc của cái dữ kiện cụ thể. Chúng ta chưa từng có quãng thời gian nào như thế kể từ vụ người ta vớ được ảnh khỏa thân của tân Hoa hậu Mỹ trên một số báo Penthouse cũ, những bức ảnh chụp cô ta tao nhã tạo dáng trong tư thế quỳ và nằm ngửa đã buộc cô thiếu nữ bị ô danh đó phải trả lại vương miện mà tiến bước trở thành một ngôi sao nhạc pop lớn. Năm chín mươi tám ở New England là một mùa hè của hơi ấm và ánh nắng tuyệt vời, còn ở môn bóng chày là một mùa hè của trận chiến huyền thoại giữa một nam thần home run da trắng với một nam thần home run da nâu*, còn trên cả nước Mỹ thì là mùa hè hơi nồng lòng mộ đạo, hơi nồng sự thanh khiết, khi chủ nghĩa khủng bố - vốn đã trở thành mối đe dọa bao trùm đối với an ninh quốc gia - được nối tiếp bằng trò mút c.., và một ông tổng thống trung niên trẻ trung, sung mãn với một nhân viên hăm mốt tuổi trơ tráo, đắm đuối chơi nhau trong Phòng Bầu dục như hai đứa mới lớn trong bãi đậu xe làm sống lại niềm đam mê cộng đồng cổ xưa nhất của nước Mỹ, về mặt lịch sử có lẽ là lạc thú bội bạc và tai hại nhất: sự đê mê của thói cao đạo. Trong quốc hội, trên báo chí, và trên các trang mạng, đám tởm lợm công chính thích gây chú ý, điên cuồng kết tội, lên án, và trừng phạt, hùng hồn lớn tiếng dạy đời khắp nơi: tất cả chìm trong một cơn cuồng loạn có tính toán với cái tinh thần mà Hawthorne (người, hồi thập niên 1860, sống cách chỗ tôi chẳng mấy dặm) đã nhận ra từ buổi đầu non trẻ của đất nước rất lâu về trước, chính là “sự ngược đãi”; tất cả bọn họ đều hăm hở tiến hành những nghi thức thanh tẩy khắc nghiệt sẽ cắt đứt con cu chổng ngược ra khỏi ngành hành pháp, nhờ đó khiến mọi chuyện trở nên thoải mái và an toàn đủ cho cô con gái mười tuổi của Thượng nghị sĩ Lieberman lại có thể ngồi xem ti vi với ông bố xấu hổ của nó. Không, nếu bạn chưa sống qua năm 1998, bạn không hiểu được thói cao đạo nghĩa là gì đâu. William F. Buckley, nhà bình luận cánh hữu được in ở một loạt các báo, viết, “Khi Abelard* làm điều đó, người ta có thể ngăn không cho nó tái diễn,” bóng gió rằng việc làm sai trái của tổng thống - ở chỗ khác Buckley lại gọi đó là “thói dâm dục vô độ” của Clinton - có thể được cứu vãn tốt nhất không phải bằng một biện pháp hiền lành như luận tội mà, tốt hơn là, bằng kiểu trừng phạt thời trung cổ đã được dành cho giáo sĩ Abelard do đám đồng sự thích giương dao của tay bạn đồng tu với Abelard, giáo sĩ Fulbert, thực hiện, vì cái tội lén lút quyến rũ và kết hôn với cháu gái của Fulbert, trinh nữ Héloise. Không như giáo lệnh của Khomeini kết án tử cho Salman Rushdie, ước muốn thiết tha của Buckley mong được thấy đòn trừng phạt bằng thiến hoạn nhằm răn đe này không kèm theo mối lợi tiền bạc cho bất kỳ thủ phạm tương lai nào. Tuy nhiên, nó được thúc đẩy bởi một tinh thần nghiêm nhặt không kém tinh thần của vị đại lão giáo chủ nọ, và nhân danh những lý tưởng không kém phần cao đạo.

Đó là mùa hè ở Mỹ khi mà cảm giác buồn nôn trở lại, khi mà trò đùa cợt không ngừng lại, khi mà những suy đoán và đặt giả thuyết này nọ và lối nói cường điệu không ngừng lại, khi mà nghĩa vụ giải thích cho con cái về cuộc sống của người lớn bị gác lại để duy trì trong đầu óc chúng mọi ảo tưởng về cuộc sống người lớn, khi mà sự nhỏ mọn của con người đơn giản là nghiền nát tất cả, khi mà một thứ ma quỷ đã sổng chuồng trong đất nước và, ở cả hai phe, người ta ai nấy đều băn khoăn “Tại sao chúng ta lại điên đến thế?” khi đàn ông cũng như đàn bà, lúc thức dậy vào buổi sáng, khám phá ra rằng hồi đêm, trong một giấc ngủ đã đưa họ đi xa hơn nỗi ghen tị và thù ghét, họ đã mơ tới vẻ trơ tráo của Bill Clinton. Còn tôi thì mơ thấy một biểu ngữ khổng lồ được quấn theo kiểu trào lưu Dada, như một tác phẩm bao gói của Christo*, từ đầu này tới đầu kia của Nhà Trắng và mang dòng chữ MỘT CON NGƯỜI BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT SỐNG Ở ĐÂY. Đó là mùa hè khi mà - lần thứ một tỉ - sự lộn xộn, hổ lốn, hỗn độn đó cho thấy nó còn tinh tế hơn ý thức hệ của kẻ này và hệ đạo lý của kẻ khác. Đó là mùa hè khi mà con cu của một tổng thống hiện diện trong tâm trí của từng người một, và cuộc sống, với tất cả sự bẩn thỉu trơ tráo của nó, một lần nữa làm cả nước Mỹ rối loạn.

Đôi khi vào một thứ Bảy, Coleman Silk sẽ gọi điện và mời tôi chạy xe từ chỗ tôi ở phía bên này núi sang chỗ ông sau bữa tối để nghe nhạc, hoặc để chơi bài gin rummy*, một điểm ăn một xu, hoặc ngồi trong phòng khách vài giờ và nhâm nhi ít cognac và giúp ông vượt qua cái mà với ông luôn là buổi tối tồi tệ nhất trong tuần. Đến mùa hè 1998, ông sống một mình trên đó - một mình trong căn nhà cũ lớn lát ván ghép sơn trắng nơi ông đã cùng bà vợ Iris nuôi lớn bốn đứa con - đã được gần hai năm, kể từ khi Iris bị đột quỵ và qua đời đột ngột trong khi ông đang mải chiến đấu với trường đại học về cáo buộc phân biệt chủng tộc do hai sinh viên trong lớp nhắm vào ông.

Đến thời điểm đó Coleman đã ở Athena gần hết cuộc đời hàn lâm của mình, một lãng tử thành thị ngọt lịm như mía, cởi mở, sắc sảo, có chút gì đó của một chiến binh, chút gì đó của một nhà điều hành, chứ chẳng có mấy tí của một giáo sư mô phạm kiểu mẫu dạy tiếng Hy Lạp và La tinh (thể hiện qua Câu lạc bộ Hy La Thường đàm mà ông khởi xướng, theo kiểu tinh thần dị giáo, khi còn là một giảng viên trẻ). Khóa học tổng quan đáng nể của ông về văn học Hy Lạp cổ qua bản dịch - được gọi là GHM, viết tắt của Gods (thần linh), Heroes (anh hùng) và Myth (thần thoại) - rất được lòng đám sinh viên chính bởi nhờ tất cả những sự trực tiếp, thẳng thắn và đầy thuyết phục theo kiểu phi hàn lâm trong cách ứng xử của ông.

“Các bạn biết văn học châu Âu khởi đầu thế nào không?” ông thường hỏi, sau khi điểm danh ở buổi học đầu tiên của lớp. “Bằng một cuộc cãi cọ. Toàn bộ văn học Âu châu nảy sinh từ một cuộc tranh luận.” Rồi ông cầm cuốn Iliad lên và đọc cho cả lớp nghe những câu thơ mở đầu. “ ‘Hỡi thần thi ca, hãy hát về nỗi uất hận tàn hại của Achilles… Khởi sự nơi họ lần đầu tranh cãi, Agamemnon vua của loài người, và Achilles vĩ đại.’ Và họ tranh cãi nhau về cái gì, hai tâm hồn bạo liệt, dũng mãnh ấy? Nó cũng tầm thường như một trận cãi cọ trong quán rượu. Họ cãi nhau về phụ nữ. Cụ thể là một thiếu nữ. Một thiếu nữ bị tước khỏi cha cô ta. Một thiếu nữ bị bắt cóc trong chiến trận. Mia kouri - cô ta được tả như thế trong cuốn sử thi này. Mia, như trong tiếng Hy Lạp hiện đại, là mạo từ không xác định ‘một’; kouri, tức cô gái, trong tiếng Hy Lạp hiện đại đã chuyển thành kori,có nghĩa là con gái ruột. Lúc này, Agamemnon mê thiếu nữ ấy hơn vợ mình, Clytemnestra. ‘Clytemnestra không đẹp bằng cô ấy,’ ông ta nói, ‘ở khuôn mặt cũng như vóc dáng.’ Điều đó chỉ ra rất rõ tại sao ông ta không muốn từ bỏ thiếu nữ này, phải vậy không? Khi Achilles yêu cầu Agamemnon trả cô gái lại cho cha cô ta để vuốt giận Apollo, vị thần vốn đang vì việc cô gái bị bắt cóc mà nổi đóa lên giết người đến nơi, Agamemnon từ chối: ông ta sẽ chỉ đồng ý nếu Achilles giao cho ông ta cô gái của anh để bù lại. Thế là Achilles bốc hỏa. Achilles bừng bừng sát khí: người đàn ông dễ nổi giận nhất trong số những gã man di dễ nổi khùng mà một nhà văn từng được sung sướng mô tả lại; đặc biệt khi chuyện đó lại liên quan đến uy tín và dục vọng của anh ta, cỗ máy giết người siêu nhạy cảm nhất trong lịch sử chiến tranh. Achilles lừng danh: cảm thấy cô độc và bị ruồng bỏ bởi một sự xúc phạm tới danh dự. Achilles anh hùng vĩ đại, người, bằng sức mạnh cơn thịnh nộ trước sự lăng mạ - sự lăng mạ vì không cứu được cô gái - đã tự cô lập mình, tự đặt mình một cách ngang bướng bên ngoài chính cái xã hội mà anh ta là người bảo vệ đầy vinh quang và sự hiện diện của anh là vô cùng cần thiết. Cuộc cãi cọ ngày ấy, một cuộc cãi cọ hung bạo về một thiếu nữ và thân xác trẻ trung của cô ta cùng những niềm khoái lạc của sự mê đắm tình dục: nó, dù xấu dù tốt, trong cái hành động xúc phạm quyền lợi của dương vật, phẩm giá của dương vật, của nguồn sinh lực sung mãn nơi một ông hoàng chiến binh, chính là cách mà nền văn học hư cấu vĩ đại của châu Âu khởi đầu, và đó là lý do mà hôm nay, sau gần ba ngàn năm, chúng ta sẽ bắt đầu ở câu chuyện của hai bọn họ…”

Coleman nằm trong nhóm thiểu số người Do Thái trong đội ngũ giảng dạy ở Athena khi ông được nhận vào làm và có lẽ cũng là một trong những người Do Thái đầu tiên được phép dạy tại khoa văn học Hy La ở bất cứ đâu trên nước Mỹ; một vài năm trước đó, người Do Thái duy nhất của Athena là E. I. Lonoff, nhà văn viết truyện ngắn hầu như đã bị quên lãng và cũng là người mà, từ hồi tôi còn là một tác giả tập sự mới được xuất bản, vẫn còn chật vật và đang hăm hở tìm kiếm sự công nhận của một bậc thầy, tôi đã từng có một chuyến viếng thăm đáng nhớ. Trong suốt những năm tám mươi và lẹm cả vào thập niên chín mươi, Coleman cũng là người Do Thái đầu tiên và duy nhất từng công tác tại Athena trong vai trò chủ tịch hội đồng giảng viên; rồi, vào năm 1995, sau khi từ chức chủ tịch để quay lại sự nghiệp giảng đường, ông quay lại dạy hai lớp trực thuộc chương trình ngôn ngữ và văn chương tích hợp vốn đã nuốt trọn cả khoa văn học cổ điển Hy La và được giáo sư Delphine Roux điều hành. Trong vai trò chủ tịch hội đồng giảng viên, và với sự ủng hộ hết lòng của vị hiệu trưởng mới đầy tham vọng, Coleman đã dẫn dắt trường đại học cổ hủ, tù hãm, Lờ Đờ Trũng Thấp này và, không phải là không mạnh tay nghiền nát, đặt dấu chấm hết cho cái vai trò trang trại giải khuây cho các quý ông của nơi này bằng cách huỵch toẹt khuyến khích những người vô dụng trong số vệ binh già của hội đồng giáo sư tính chuyện về hưu sớm, và tuyển mộ những phó giáo sư trẻ nhiều tham vọng, đồng thời cách mạng hóa chương trình giảng dạy. Hầu như chắc chắn rằng đến lúc ông về hưu, tại bất cứ thời điểm nào mà ông muốn, và nếu không có rắc rối gì, thì hẳn sẽ có một tuyển tập những bài viết được xuất bản để vinh danh ông, hẳn sẽ ra đời một chuỗi Bài giảng Coleman Silk mở cửa cho công chúng, sẽ có một cái ghế trong khoa văn học cổ điển mang tên ông, và có lẽ - xét đến tầm quan trọng của ông đối với việc phục hưng nơi này trong thế kỷ hai mươi - cả tòa nhà dạy các môn khoa học xã hội hoặc thậm chí giảng đường North Hall, công trình trọng điểm của trường, cũng sẽ được đổi tên để vinh danh ông sau khi ông mất. Trong thế giới hàn lâm nhỏ bé này, nơi ông đã sống phần lớn cuộc đời mình, đáng ra ông đã thôi không còn bị ghét bỏ hoặc thậm chí sợ hãi hoặc trở thành chủ đề đàm tiếu, mà thay vào đó là được chính thức xiển dương mãi mãi.

Mời bạn đón đọc Vết Nhơ Của Người của tác giả Philip Roth & Phạm Viên Phương(dịch) & Huỳnh Kim Oanh (dịch).