“Hàng xóm nuôi con mèo lông trắng điểm nâu. Mèo nhà mà cứ thả rông, để nó chạy sang vườn mình bứt cây đi bậy, phiền toái vô cùng, không làm sao mà chịu đựng được.”
Một nhà văn có bài tùy bút đăng báo, đại ý như vậy.
Báo phát hành được vài hôm thì con mèo hàng xóm chết vì trúng bả. Tình cờ là, chủ nó bắt gặp bài tùy bút. Và vấn đề là, con mèo của chị ta lông trắng điểm nâu.
Chiều hôm ấy, chị ta sang vườn nhà văn để tìm vết tích bả độc.
Tối hôm ấy, nhà văn bị giết.
Có một nhân vật nổi tiếng từng tiêu diệt rất nhiều người, thậm chí phá tan cả mấy băng đảng, chỉ để báo thù cho một con chó.
Vậy đây, liệu có phải án mạng để báo thù cho một con mèo?
Từ xuất phát điểm là vụ sát hại một nhà văn nhân cách vàng trong khu phố giàu sang, Keigo Higashino kéo tuột người đọc vào một lịch sử được viết lại bằng gian dối, một ma trận được vận hành theo nguyên tắc lấy oán trả ơn.
***
Về tác giả Higashino Keigo có lẽ không cần phải đề cập nhiều vì đây hẳn là cái tên đã quá đỗi quen thuộc với độc giả trinh thám Việt Nam.
Bằng lối viết đặc trưng đi sâu vào tâm lý của thủ phạm với văn phong giản dị, mộc mạc nhưng ẩn chứa tầng lớp ý nghĩa, Keigo đã cho ra đời không ít tuyệt phẩm độc nhất vô nhị chỉ tính riêng ở mảng văn học trinh thám.
Và “Ác ý” chắc chắn là một trong số đó.
Hidaka Kunihiko – một nhà văn nổi tiếng bị sát hại ngay tại nhà riêng, thi thể nhanh chóng được phát hiện bởi vợ và người bạn thân của anh, tác giả truyện thiếu nhi Nonoguchi Osamu. Không lâu sau, hung thủ bị bắt, nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó, ẩn đằng sau tội ác tưởng chừng như bình thường ấy là một âm mưu hiểm độc, một “ác ý” đáng sợ đến ghê người.
Mình xin không nhận xét gì thêm về tác phẩm này, vì sẽ tốt hơn nếu người đọc được tự mình trải nghiệm một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, mình rất muốn chia sẻ một chút suy nghĩ cá nhân về nhan đề câu chuyện: “Ác ý”
Đầu tiên cần hiểu “ác ý” ở đây nghĩa là gì?
Theo cách hiểu của mình, “ác ý” nói đơn giản là ý muốn gây tổn thương cho người khác. “Ác ý” thường bắt đầu từ “ác cảm” (nghĩa là cảm giác ghét một ai đó), qua thời gian, “ác cảm” này vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ quan có, khách quan có, đơn giản có, phức tạp cũng có, dần phát triển thành “ác ý”.
Như nhận xét của nhà văn Natsuo Kirino, “ác ý” là một dòng chảy ngầm, là thứ mà ta không thể nhìn thấy bằng mắt, mà chỉ có thể cảm nhận khi đã ý thức được sự tồn tại của nó.
Trong câu chuyện này, “ác ý” cũng khéo léo ẩn mình xuyên suốt tác phẩm, người đọc hẳn phải cực kỳ tinh tế mới nhìn thấy được sự hiện diện của nó trong từng câu chữ, từng lời nói. Nhưng không thấy không có nghĩa là không tồn tại.
Keigo có tài đánh lừa độc giả, chơi đùa với tâm lý, cảm xúc và óc phán đoán của họ. Bạn nào đã đọc “Phía sau nghi can X” chắc sẽ không còn mấy xa lạ với trải nghiệm này. Tuy nhiên, sau mỗi lần bị tác giả xỏ mũi, bản thân người đọc có lẽ cũng tự ngộ ra được nhiều điều.
Ví như, qua tác phẩm này, mình hiểu ra sự đáng sợ, sức tàn phá khủng khiếp mà “ác ý” có thể gây ra cho cuộc đời một con người.
Nụ cười thân thiện bị lầm tưởng thành sự khinh miệt, lời nói vô tội vạ trở nên cái cớ để bắt đầu một cuộc cãi vả, sự quan tâm giúp đỡ bị ngộ nhận là thương hại, ban phát. Khi đã mang trong mình ác ý đối với một ai đó, chúng ta không thể đánh giá mọi thứ bằng cái nhìn khách quan nữa, mà qua lăng kính của sự hằn hộc, đố kỵ và thù hận. Một khi ác ý đã được hình thành, nó sẽ tiếp tục lớn dần, lớn dần, để rồi một ngày nào đó, khi thời cơ cho phép, nó trỗi dậy thống trị và xui khiến ta làm những việc tổn hại đến chính bản thân và người khác.
Dĩ nhiên văn học thường mượn chuyện hư cấu để phóng đại một sự kiện, một vấn đề nào đó nhằm làm nổi bật quan điểm, góc nhìn của tác giả và thu hút sự quan tâm từ độc giả. Cá nhân mình vẫn tin rằng ác ý luôn luôn hiện hữu trong cuộc sống, nhưng không phải là vô phương hóa giải. Bởi lẽ, suy cho cùng, ác ý xuất phát từ tâm mỗi người, do đó hoàn toàn có thể nhận biết và khống chế được (tuy không hề dễ dàng). Ngoài ra, tác phẩm còn là một hồi chuông cảnh tỉnh để mỗi người tự nhìn lại bản thân, phải chăng ở một khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời, đã từng vô tình gieo rắc ác ý mà không hề hay biết. Đấy có thể là những lời nói xấu, những định kiến vô căn cứ mà ta tự ý áp đặt cho một ai đó. Và tác động của chúng đến cuộc đời người khác, bản thân ta khó bề kiểm soát được.
Steven Nguyễn review
***
Tự chấm điểm: 9đ + 0.5đ cho sự độc đáo
Kunihiko Hidaka, một nhà văn nổi tiếng, bị sát hại tại nhà riêng ngay trước khi chuẩn bị chuyển đến sinh sống ở Vancouver. Những người đầu tiên phát hiện ra vụ án là Rie, vợ của nhà văn và Osamu Nonoguchi, bạn thân nhất của Hidaka. Cả hai người này đều có chứng cứ ngoại phạm. Nonoguchi thậm chí còn viết nhật ký về những gì đã diễn ra trước khi phát hiện ra cái chết của bạn mình.
Thám tử Kyoichiro Kaga, người điều tra vụ án này, trùng hợp thay lại là đồng nghiệp cũ của Nonoguchi khi mà hai người trước đây từng cùng là giáo viên. Nhờ nhật ký của Nonoguchi cùng với khả năng điều tra của mình, Kaga đã nhanh chóng phát hiện ra thủ phạm khi cuốn truyện chỉ mới trôi qua một nửa.
Thế nhưng, giống như trong tác phẩm Sự cứu rỗi của thánh nữ, Keigo đã cho thấy sự sáng tạo và tính nguyên gốc (original) của mình khi viết nên một tác phẩm trinh thám mà danh tính hung thủ không phải là bí ẩn lớn nhất. Trong tác phẩm này, thông qua cuộc đấu trí căng thẳng, thám tử Kaga đã giải mã được một kế hoạch cực kì tinh vi và nhờ đó, sự thật của quá khứ và hiện tại mới được làm rõ.
Mặc dù chưa đọc hết tất cả các tác phẩm của Keigo, đặc biệt là Bạch dạ hành nhưng cuốn Ác ý này chắc chắn sẽ là một trong những cuốn mình recommend cho ai muốn đọc truyện của Keigo. Những bí ẩn trong truyện thực sự rất hay và độc đáo, đủ để cho thấy khả năng sáng tạo của Keigo. Tuy chưa thể đem lại cảm giác như sau khi đọc cuốn The Murder of Roger Ackroyd của Agatha Christie nhưng Ác ý cũng xứng đáng để bạn bỏ thời gian nếu muốn đọc một tác phẩm trinh thám có gì đó mới lạ
Quang Huy review
***
Vụ án xảy ra vào thứ Ba, ngày 16 tháng Tư.
Hôm ấy, tôi rời khỏi nhà vào lúc 3 rưỡi chiều để đến nhà Hidaka Kunihiko. Nhà Hidaka cách chỗ tôi một ga tàu điện. Tuy từ ga phải đi xe buýt một chút, nhưng tính cả thời gian đi bộ cũng chỉ cần hai mươi phút là đến nơi.
Bình thường, tôi cũng hay đến nhà Hidaka dù không có chuyện gì quan trọng, nhưng hôm ấy thì có chuyện đặc biệt. Chính xác hơn, nếu bỏ lỡ ngày này, tôi sẽ không được gặp cậu ấy một thời gian dài.
Nhà Hidaka nằm trong khu dân cư được quy hoạch ngay ngắn. Khu này toàn nhà ở cao cấp. Thỉnh thoảng còn thấy những ngôi nhà có thể gọi là biệt thự sang chảnh. Khu vực này lúc trước vốn là rừng cây, nên có nhiều nhà cứ để nguyên cây cối coi như cây trồng trong vườn. Phía sau những bức tường là mấy cây họ sồi mọc um tùm, đổ bóng xuống mặt đường.
Đường đi cũng không nhỏ hẹp gì, nhưng toàn bộ khu vực này là đường một chiều. Tính an toàn cũng là một tiêu chuẩn đánh giá chăng.
Khi nghe Hidaka mua nhà ở khu này mấy năm trước, tôi đã nghĩ bụng quả nhiên là vậy. Bởi những thiếu niên lớn lên ở khu vực này đều từng mơ ước được sống ở đây.
Nhà của Hidaka chưa đến mức biệt thự xa hoa, nhưng chắc chắn là quá rộng cho hai vợ chồng. Mái nhà kiểu Irimoya1 truyền thống của Nhật, nhưng lại có cửa sổ lồi, cửa ra vào hình vòm, cửa sổ tầng hai trang trí những chậu hoa theo thiết kế phương Tây. Có lẽ đây là kết quả của việc dung hòa đồng đều ý kiến của hai vợ chồng. Không, nếu nghĩ đến bức tường gạch trần, thì chắc ý kiến của người vợ được thông qua nhiều hơn. Lúc trước, cô ấy từng thổ lộ muốn thử sống trong một ngôi nhà như lâu đài châu Âu.
Đính chính, không phải vợ. Là vợ trước.
Đi dọc theo bức tường gạch đó, đến trước cánh cổng cũng đắp những viên gạch nằm ngang, tôi bấm chuông gọi.
Nhưng chờ mãi cũng không có tiếng trả lời. Nhìn lại, không thấy chiếc SAAB của Hidaka ở bãi đỗ xe. Tôi nghĩ cậu ấy đã ra ngoài.
Đang tìm cách giết thời gian, tôi nhớ ra cây hoa anh đào. Trong vườn nhà Hidaka có trồng một cây hoa anh đào cánh kép, lần tôi đến mới đây, hoa đã nở được ba phần. Từ hôm đó cũng đã gần mười ngày trôi qua, không biết nó thế nào rồi.
Tuy là nhà người ta nhưng tôi ỷ mình là bạn thân, nên tự ý bước vào. Lối đi vào cửa rẽ nhánh giữa chừng, dẫn đến phía Nam căn nhà. Tôi đi theo đó và vòng ra vườn.
Hoa anh đào đã rụng kha khá nhưng vẫn còn lại số cánh hoa đủ để thưởng lãm. Có điều, đây không phải lúc để tôi ngắm hoa vãn cảnh. Có một người phụ nữ lạ mặt ở đó.
Cô ta cúi gập người, dường như đang nhìn mặt đất. Trang phục đơn giản, quần jeans, áo len, trên tay cầm thứ gì như miếng vải trắng.
“Này, cô ơi…” Tôi lên tiếng. Người phụ nữ có vẻ giật mình, nhìn về phía này rồi đứng phắt dậy.
“À, xin lỗi.” Người phụ nữ nói. “Là vì cái này bị gió thổi, bay vào vườn. Hình như chủ nhà đi vắng, tôi cũng thấy thật ngại, nhưng…” Nói rồi cô ta cho tôi xem món đồ cầm trên tay. Một chiếc mũ trắng.
Trông cô ta khoảng hơn ba mươi lăm tuổi. Mắt, mũi, miệng đều nhỏ, một gương mặt đơn điệu. Sắc mặt không tốt lắm.
Tôi hơi nghi ngờ, vừa có một cơn gió mạnh đến mức thổi bay cả mũ sao?
“Trông cô nhìn chằm chằm mặt đất…”
“Vâng, à, do bãi cỏ đẹp quá nên tôi cứ nghĩ bụng không biết người ta đã chăm sóc ra sao.”
“Ừm, tôi không rõ lắm. Đây là nhà người bạn thân của tôi nên…”
Cô ta gật đầu. Có vẻ cô ta biết tôi không phải chủ nhân ngôi nhà.
“Xin lỗi anh.” Cô ta cúi đầu rồi băng ngang qua tôi, đi về phía cánh cổng.
Khoảng năm phút sau thì phải, tôi nghe tiếng động cơ ô tô ở phía bãi đỗ xe. Có lẽ Hidaka đã về.
Tôi quay lại chỗ cửa ra vào. Đúng lúc chiếc SAAB màu xanh thẫm đang lùi vào bãi. Hidaka ngồi ở ghế tài xế nhận ra tôi, khẽ gật đầu. Cả Rie ngồi ghế bên cạnh cũng mỉm cười cúi chào.
“Xin lỗi cậu. Tôi định ra ngoài mua sắm chút đỉnh mà kẹt xe quá. Chịu thua.” Vừa bước xuống xe, cậu ấy giơ tay trước mặt tỏ ý xin lỗi. “Chờ lâu không?”
“Cũng không lâu lắm. Tôi tranh thủ ngắm cây anh đào.”
…
Mời bạn đón đọc Ác Ý của tác giả Higashino Keigo.