“Chỉ ngày mai thôi là mình lại được trèo qua đồi, lội qua cánh đồng và băng qua con suối. Mình sẽ được hít thở thỏa thích thứ không khí hòa trộn từ mùi hương của cỏ cây, hoa rừng và phân xanh”.
Đó là một trong những đoạn miêu tả những hoài vọng ấu thơ tươi đẹp nhất của tác giả trong cuốn “Ai đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy ?”. Không ồn ào, hào nhoáng như điện ảnh hay âm nhạc, văn chương Hàn Quốc, đặc biệt là dòng văn chương đương đại đến với độc giả Việt Nam khá e dè. Sau vài cuốn nổi bật gần đây, như: “Chơi Quiz - show”, “Hãy chăm sóc mẹ”, “Người ăn chay”… thì “Ai đã ăn hết những cây sing-a ngày ấy” là một món lạ, vừa mang hơi hướng tự truyện, vừa phảng phất nét lãng mạn hư cấu của văn chương.
Câu chuyện được dẫn dắt bởi một cô bé lớn lên trong gia đình nhiều thế hệ tại thôn Parkjeok - nơi chôn giấu tất cả những gì tươi tắn, đẹp đẽ nhất của thời thơ ấu. Những trò chơi con trẻ, bè bạn, lối xóm… rồi cây và hoa, những đêm trăng hay những con đường mòn nhập nhoạng tối, những ngày rộn ràng lễ, tết… ở thôn Parkjeok trong ký ức của cô bé đẹp đến nao lòng, đến nỗi, việc cùng bạn bè lối xóm… đi nhà xí cũng trở thành trò chơi tuyệt vời khó quên.
Mọi việc chỉ thay đổi khi người mẹ quyết định phải cho con cái học hành ở thủ đô Seoul - và rồi cũng rất nhanh chóng, câu chuyện chuyển sang một bối cảnh khác - nơi mà tất cả những gì thuộc về thôn Pakjeok tươi đẹp chỉ còn là hoài niệm. Hai anh em cùng mẹ liên tục chuyển nhà, chịu đựng cuộc sống khốn khó của người nhập cư, những ngày người mẹ phải nhận may đồ cho kỹ nữ - một việc được cho là nhục nhã thời kỳ đó - để kiếm tiền nuôi hai anh em ăn học… rồi thời tao loạn, đến họ tên cũng phải đổi sang tiếng Nhật, học ở trường Nhật, chữ Nhật, đọc sách “thánh hiền” của Nhật…
Điều đặc biệt còn ở chỗ, câu chuyện của nhân vật của gia đình cũng chính là thân phận của cả đất nước Hàn Quốc trong suốt cả một chặng đường dài lịch sử, từ giai đoạn hòa bình yên ấm cho đến khi phải đi hết thời tao loạn này đến thời tao loạn khác. Từ thời kỳ đô hộ của Nhật Bản, cho đến những năm tháng diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai miền Nam - Bắc trên bán đảo Triều Tiên. Và như lời người dịch - câu chuyện không phải được đọc bằng từ, bằng chữ, mà là bằng cảm xúc, những cảm xúc xuyên suốt năm tháng, qua lăng kính của tác giả, khi còn là một cô bé con đến lúc trưởng thành, chứng kiến hết những bi kịch gia đình, bi kịch của đất nước và dân tộc.
***
Park Wan-Suh (1931-2011) sinh ra tại huyện Gaepung, thuộc tỉnh Gyeonggi-do. Tốt nghiệp trường trung học nữ Sookmyung, từng nhập học tại khoa Văn trường Đại học Seoul năm 1950, song bà lại không thế tiếp tục sự nghiệp học hành, bởi đó cũng chính là thời gian cuộc chiến tranh hai miền Nam - Bắc Hàn bùng nổ. Đạt giải thưởng của tạp chí "Phụ nữ Đông Á" ở độ tuổi 40, với tiểu thuyết "Cây trụi lá", Park Wan-suh chính thức đăng đàn. Kế từ đó cho đến tận những năm của tuổi 80, bà vẫn chứng tỏ được độ sung sức và dẻo dai của một cây bút tài năng với nhiều tác phẩm có giá trị.
Thế giới tác phẩm của Park Wan-suh thường tập trung vào các chủ đề lớn như bi kịch chiến tranh, cuộc sống của tầng lớp bình dân, vấn đề phụ nữ v.v…; song, mỗi tác phẩm lại biểu lộ một cách nhìn đầy cá tính rất đặc biệt và chứa đựng những cảm xúc chân thực đầy tính nhân văn, nên có thể nói thế giới tác phẩm của bà luôn thể hiện một cách đầy đủ và sâu sắc về cuộc sống xung quanh.
Các giải thưởng mà nữ tác giả đã nhận được:
Tiểu thuyết:
"Cây trụi lá", "Buổi chiêu liêu xiêu", "Mùa khát", "Năm hạn hán của đô thị", "Cái bóng của sự tham vọng", "Kiêu căng và mộng tưởng", "Người phụ nữ đứng đó", "Em vẫn còn đang mơ chăng?", "Không thể quên", "Ai đã ăn hết những cây Sing-a ngày ấy?", "Ngọn núi đó có thực ở đó chăng?", "Câu đùa đã lâu", v.v…
Tập truyện ngắn:
"Dạy cho biết xấu hố", "Mùa hè phản bội", "Cái cọc của mẹ", "Đi tìm bông hoa", "Bức hình minh họa của ngày tàn", "Hãy nói cho một lời", "Em quá cô đơn" v.v…
Tùy bút:
"Sự tán dương dành cho kẻ sau cùng", "Bản hợp xướng cho một người hát", "Phong cảnh chỉ có hai người nam nữ", "Niềm hy vọng được sống", "Sao tôi chỉ thấy bực với những điều nhỏ nhặt?", "Làm người lớn, làm con người", v.v…
Mời các bạn đón đọc Ai Đã Ăn Hết Những Cây Sing-A Ngày Ấy? của tác giả Park Wan-suh.