“Sẽ hữu ích hơn cho xã hội nếu chúng tôi mang đến cho độc giả […] chiếc chìa khóa giúp họ len lỏi vào các ngóc ngách trong đời sống tinh thần của người An Nam, bằng cách lĩnh hội và thẩm thấu nhanh chóng những tập tục của họ. Việc len lỏi và thẩm thấu này chính là thứ vũ khí giúp độc giả chiến đấu, trên địa bàn của chính mình, với giới nho sĩ uyên bác, và trên hết, là bí quyết để yêu dân tộc này bằng cách hiểu họ nhiều hơn.”
Đúng như mục đích được đặt ra ban đầu, Bắc Kỳ tạp lục được thiết kế như một cuốn cẩm nang hướng dẫn, giúp những người Pháp đến sinh sống và làm việc tại An Nam vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nắm bắt và thích nghi với các tập tục, thiết chế của người An Nam. Nhưng không chỉ dừng ở đó, cuốn sách còn mang lại cho độc giả một cái nhìn tổng quát, bao trùm về những vấn đề quan trọng nhất trong đời sống của người dân: ngôn ngữ, giáo dục, văn học, lịch sử, tổ chức xã hội, chế độ thuế khóa, tôn giáo tín ngưỡng, cưới xin, tang lễ, hệ thực vật, v.v… trong thời kỳ ấy.
Một tài liệu tham khảo thú vị cho bạn đọc muốn “ôn cố tri tân”.
***
Năm 1882, Henri Emmanuel Souvignet, giáo sĩ truyền giáo thuộc Hội Thừa sai Paris, bấy giờ mới 27 tuổi, lần đầu đặt chân đến Bắc Kỳ. Sau một thời gian ngắn tham gia đào tạo giáo sĩ trẻ tại phía nam Hà Nội, năm 1893, ông được cử về coi sóc giáo phận Phủ Lý.
Mười năm sau, dưới bút danh A+B, H. Souvignet đã xuất bản Bắc Kỳ tạp lục (Variétés Tonkinoises) tạo nên tiếng vang lớn. Số tiền từ việc bán cuốn sách này được H. Souvignet, mà giáo dân thường gọi với cái tên Cố Thi, góp xây nhà thờ Phủ Lý.
Cũng như nhiều giáo sĩ truyền giáo khác, H. Souvignet đến An Nam không chỉ để thực hiện sứ mệnh tôn giáo. Bởi vốn học vấn bài bản và nhất là tinh thần quan sát, tìm hiểu xứ sở mà họ gắn bó, các giáo sĩ còn đóng vai trò như những nhà khảo cứu, những lữ khách cần mẫn và cẩn trọng ghi chép dân tộc chí. Bắc Kỳ tạp lục chính là sự cụ thể hóa nỗ lực giới thiệu, dẫn nhập về An Nam, trước hết cho độc giả Pháp, và bằng cách đó, góp thêm tiếng nói tri thức Pháp về mảnh đất thuộc địa vốn chưa hết lạ lẫm.
Trong lời mở cuốn sách, H. Souvignet tỏ ra chân thành và sâu sắc khi bày tỏ mong muốn rằng Bắc Kỳ tạp lục sẽ như “chiếc chìa khóa” giúp người Pháp “len lỏi vào các ngóc ngách trong đời sống tinh thần của người An Nam, bằng cách lĩnh hội và thẩm thấu nhanh những tập tục của họ”. Trong cái nhìn của H. Souvignet, rõ ràng, chỉ có vốn hiểu biết kĩ càng về An Nam thì mới có thể tránh bị cớm bóng tầng lớp nho sĩ uyên bác ở đây, và nhất là, mới có thâm tình “yêu dân tộc này”.
Suy nghĩ đó khiến H. Souvignet đẩy việc ghi chép, khảo cứu của mình đi qua rất nhiều lĩnh vực, từ chữ viết, ngôn ngữ, văn chương, cho đến giáo dục, thi cử, tổ chức hành chính, tín ngưỡng, tập quán hôn nhân và tang ma, quan chế, đơn vị đo lường, thảo mộc… Tính chất “tạp lục” của cuốn sách khiến chúng ta ngỡ ngàng về lòng say mê lẫn thao tác tra cứu, diễn giải kiến thức của H. Souvignet. Không phải mọi thông tin ở đây đều mới mẻ hay hàn lâm với độc giả hôm nay nhưng vào thời điểm đầu thế kỉ XX, nó hẳn là vốn cẩm nang cơ bản đối với người Pháp.
Điểm nổi bật trong góc nhìn của H. Souvignet, theo tôi, là thái độ phê phán những gì bị coi là lạc hậu, cũ kĩ cản trở bước đường hiện đại, văn minh. Điều này không có nghĩa là H. Souvignet phủ nhận hoàn toàn các ưu điểm đáng ngưỡng mộ, các giá trị truyền thống An Nam.
Chẳng hạn, H. Souvignet ghi nhận việc học hành của người An Nam được nảy nở dễ dàng bởi họ “không thiếu năng lực trí tuệ và sự nhiệt thành […] đầu óc nhạy bén, khả năng tưởng tượng sống động và năng lực ghi nhớ cũng rất tốt” nhưng đồng thời, ông nhận ra “người An Nam hiếm khi bứt phá khỏi tài năng bẩm sinh và kinh nghiệm” khiến óc sáng tạo, tư duy trừu tượng chỉ dừng ở mức thấp. Việc học hành, xây dựng học vấn chỉ cốt để thi cử và làm quan khiến mọi người “nhất nhất như nhau ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào và trong mọi vấn đề”.
Thực tế này cho phép H. Souvignet truy nguyên một vấn đề hệ trọng hơn: hệ thống chính quyền phong kiến luôn dối trá và chấp nhận dối trá. “Than ôi” - H. Souvignet có vẻ thất vọng, “đâu đâu và lúc nào cũng chỉ toàn là những trò gian xảo, độc đoán, thiên vị, mua bán, cướp đoạt, áp bức, chúng xuyên suốt cả bộ máy quan lại từ trên xuống dưới, trong cách vận dụng luật pháp, trong cách khen thưởng cũng như trong xét xử”. Đề đạt quyết liệt của H. Souvignet chính là “chữa trị” bộ máy chính quyền, một nhiệm vụ cấp bách nếu muốn tạo lập một xã hội tự do, nơi mà luật pháp “mạnh hơn bất kì ai”.
Về thực thi luật pháp ở An Nam, H. Souvignet có một nhận xét mà tôi thấy cần dẫn lại vì độ chứng thực của nó vẫn không quá hiếm trong thời điểm hiện nay: “Người An Nam chịu khó thuộc luật nhưng đồng thời lại tìm cách né tránh chính cái luật đó cũng như nhiều điều lệ ban kèm theo nhằm giải nghĩa cho chúng, bằng cách viện ra những trường hợp có tính cá biệt”.
Bởi thói tính ấy cộng với tình trạng thực thi pháp luật lỏng lẻo, quản lí hành chính địa phương yếu kém, không khó để bắt gặp những cảnh tượng bi hài, nhếc nhác trong các buổi họp xử phạt hay luận bàn việc làng như H. Souvignet mô tả: “Người ta sẽ xin ý kiến các kì lão vì tôn trọng mái tóc bạc trắng của họ nhiều hơn là uy quyền của họ […] Cần bổ sung thêm rằng, trong suốt buổi tranh luận, chiếc điếu cày liên tục được chuyền khắp đình, chuyển từ cái miệng nay sang cái miệng khác, để nhả ra những cột khói xoắn ốc say lòng”.
Nhưng Bắc Kỳ tạp lục không quá sa vào các bình luận mang tính chất chế giễu, khinh bác nền văn hóa, phong tục An Nam. Ở H. Souvignet, thái độ nghiêm túc và tỉ mỉ lấn át những than phiền, chê bai. Có nhiều thông tin, chẳng hạn về ruộng đất hay các đơn vị đo lường, thuế, thảo mộc, đã thể hiện năng lực tra cứu, tìm hiểu sâu, bài bản của H. Souvignet. Từ sớm, ông đã nhận thấy một bài học căn cốt mà ngày nay vẫn nguyên giá trị: “Ở xứ sở này, điều khiến một xã trở nên giàu có, dù xã đó làm nông nghiệp, thủ công hay buôn bán, chủ yếu nằm trong cách quản lý hiệu quả; trong sự hài hòa quyền lợi giữa những người dân; trong việc không có kiện cáo hay hối lộ; là có công ăn việc làm”. Một số nhận định sắc sảo kiểu như thế này khiến cuốn sách, tuy triển khai theo hướng liệt kê, nhưng mang đậm dấu ấn của tư duy xây dựng nhà nước hiện đại, điều mà những học giả Nho giáo uyên bác như Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn, tác giả của rất nhiều “chí”, “lục” về văn hóa, sử, địa dư, văn chương Đại Việt thế kỉ XVIII-XIX chưa đề cập đến.
Thuộc về truyền thống giáo sĩ viết khảo cứu, H. Souvignet không tránh khỏi sự thiên lệch trong việc đề cao Ki-tô giáo. Ít nhất, khởi từ A. de Rhodes cho đến L. Cadière, vị cha cố xuất chúng cùng thời với H. Souvignet, các ghi chép hay nghiên cứu của giáo sĩ truyền giáo thường đặt Ki-tô giáo làm trung tâm khi xem xét đời sống tôn giáo, đức tin của người An Nam. H. Souvignet thậm chí còn mạnh tay hơn khi so sánh đạo Phật, đạo Khổng với đạo Thiên Chúa để cắt nghĩa tính hữu ích, hợp lí của Thiên Chúa giáo du nhập vào An Nam.
Tuy nhiên, khi nằm xuống khoảng đất nhỏ bé Phủ Lý trên xứ An Nam (năm 1942), H. Souvignet đã chứng thực mình là người gắn bó dài lâu với mảnh đất này. Và dưới tiếng chuông nhà thờ mỗi ngày, giờ đây, hẳn Cố Thi sẽ toại nguyện khi cuốn sách Bắc Kỳ tạp lục đã được dịch sang tiếng Việt. Cát bụi đời người thì ở đâu cũng thế. Chỉ chữ nghĩa, trí lực may ra còn đủ sức lay động…
Mai Anh Tuấn
Mời bạn đón đọc Bắc Kỳ Tạp Lục của tác giả Variétés Tonkinoises & Phạm Văn Tuấn (dịch).