Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Khi Vết Thương Nằm Xuống - Nguyễn Văn Học

Khi vết thương nằm xuống- nỗi cô đơn khủng khiếp

Nỗi cô đơn ở thời nào cũng đáng sợ, như một thứ bệnh khủng khiếp nhất. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Văn Học đã đề cập đến nỗi cô đơn vô hạn của những con người phải chống chọi với số phận nghiệt ngã. Toàn bộ cuốn sách 264 trang tràn ngập nỗi cô đơn và cách con người gồng mình để thoát khỏi điều đó. Tiểu thuyết Khi vết thương nằm xuống (NXB Văn Học) là tác phẩm viết về giới trẻ của nhà văn Nguyễn Văn Học.

Khi vết thương nằm xuống với sức hấp dẫn, cuốn hút đặc biệt nhờ phần ngôn ngữ gọn, sắc lạnh.

Thông qua cuộc đời nhiều khổ đau và khát vọng của nhân vật Kiêu, tác giả muốn đề cập tới thực trạng của nền giáo dục gia đình và xã hội đối với việc hình thành nhân cách con người. Trong một xã hội mà ý thức con người còn nhiều lạc hậu, thực dụng, nhiều kỳ thị, ít sự cảm thông… thì cái tốt xấu đan xen, dẫn tới nhiều bạo lực, hận thù, cạm bẫy, làm mất niềm tin ở thế hệ trẻ.

Cậu bé Kiêu, con của một chiến sĩ công an hy sinh vì nhiệm vụ, đã từng có một gia đình hạnh phúc. Cậu bé từng có một tuổi thơ với những kỷ niệm về mối tình đầu, tình bạn, tình cảm gia đình thân thương lưu luyến. Sau khi người bố mất vì bọn tội phạm, oái oăm thay cậu lại lìa xa ước mơ, khát vọng học hành để sa ngã vào con đường trộm cắp.

Kiêu may mắn được bà Hát, một họa sĩ, giảng viên đại học phúc hậu, yêu cái đẹp, khao khát tình yêu và hạnh phúc cứu vớt và thắp sáng ước mơ. Cậu được trở về với tình cảm gia đình đùm bọc, thương yêu, chia sẻ.

Trong xã hội nhất thời bị xáo trộn bởi đồng tiền, chỉ cần một chút tình người cũng làm ta hạnh phúc. Khi gặp khó khăn có một bàn tay đưa ra đầy nhân ái cảm thông cũng làm ta rùng mình rơi lệ. Đó là bước ngoặt tốt đẹp sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc đời Kiêu.

Cuốn tiểu thuyết nhiều ngôn từ giằng xé

Nguyễn Văn Học có những trang văn miêu tả dữ dội và trực diện về tâm lý con người và cái ác, bộc lộ những dự cảm chân thực về xã hội, cố gắng chạm sâu vào nỗi đau con người, đó đây lóe lên những phát hiện mới về tâm lý. Tác giả thể hiện nỗi buồn hoang hoải của con người, những vết thương tâm hồn bị khoét sâu cũng được đẩy đến tận cùng tâm can, tới đáy sâu nhất của tâm hồn mỗi người. Nhưng đằng sau những dòng văn thản nhiên ấy, vẫn ẩn chứa một tấm lòng nhân hậu và con mắt đau đáu của người viết dõi theo số phận con người, chia sẻ và đồng hành cùng họ.

Dù cuộc sống được mô tả trong tiểu thuyết có khốc liệt đến mấy, thì những trang văn của Nguyễn Văn Học cũng rất chân thật, thấm đẫm tình yêu thương con người. Việc thiết yếu cần làm là chữa lành vết thương cho tâm hồn con người. Phải xoa dịu để những vết thương ấy “nằm xuống”, ngủ yên, cho con người dũng cảm đi lên với cuộc đời mới.

Tác phẩm Khi vết thương nằm xuống đã mở ra niềm hy vọng: Dù cuộc đời gập ghềnh, gian khổ, nhưng luôn vẫn còn những con đường tốt lành cho mỗi người…

Tiểu thuyết “khi vết thương nằm xuống” thêm nhiều hy vọng vào giữa cuộc đời còn nhiều giông tố.

Nguyễn Văn Học: Tên vận vào đời

Cuộc đời Nguyễn Văn Học trải qua nhiều khốn khó. Những trở ngại của đời thường là nguồn dinh dưỡng tốt nuôi tâm hồn người, nếu người có đời sống nội tâm và hướng thiện để cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị.

Trân trọng giới thiệu!

***

Năm năm trôi qua, biết bao nhiêu đám mây đen trắng đã trôi qua bầu trời. Những trận mưa gió đã trút xuống dân gian, không ai cầm bút mà ghi nó lại. Không ai có thời gian, tâm trạng nào làm điều đó, điều vô nghĩa, xoàng xĩnh, chẳng ra tiền. Một người viết là tôi đã cầm bút ghi lại tất cả những trận mưa to nhỏ mình gặp, chỉ để làm một nhật ký trong đời, chỉ để xem từ giai đoạn đó trở đi, cứ đánh dấu từ sau giấc mơ Kiêu chắc chắn mẹ mình chết, tôi chứng kiến bao nhiêu cơn mưa.

Kiêu đã là một chiến sĩ, oai phong dũng cảm. Thời gian cho tôi là một gã đàn ông, thời gian cho tôi là chồng Hoằng. Chúng tôi tìm thấy điểm chung ở nhau, làm đám cưới. Tôi vẫn tự hào đó là một người bạn chân tình, một người vợ đảm đang, và nàng còn giống như một người mẹ của tôi nữa. Điều đó chẳng có gì phải xấu hổ, tôi tự hào vì điều đó, vì tình yêu của nàng đối với tôi, vì sự săn sóc của nàng đối với một người viết văn, chuyên vác cái "máy quay" nhãn quan của mình đi quan sát thiên hạ, những lát cắt cuộc sống để vẽ thành truyện ngắn hoặc tiểu thuyết. Tôi hạnh phúc vì tình yêu, vui vì tình yêu và tự hào vì tình yêu. Không có sự khiên cưỡng nào, không có chút rắc rối gì ở giữa tôi, Kiêu và Hoằng. Bởi vì tôi tin, Hoằng và Kiêu đã nghĩ đến những điều lớn lao hơn là ôn lại chuyện chẳng vui gì trong quá khứ. Chúng tôi nhìn đến ngày mai để sống.

Ngần ấy thời gian đã trôi qua, ngần ấy thời gian không dập tắt được sự thèm khát của bà Hát, mẹ nuôi Kiêu. Những năm tháng đó, đã trôi đi như những đám mây trên trời và chỉ khắc lại trong lòng bà Hát sự thèm khát, thứ tình yêu nguyên thủy đối với cậu con trai. Đêm dài là kẻ thù của kẻ không được thỏa mãn, đêm dài liên tiếp kéo nhau đi mãi. Bà không muốn làm tổn thương con một lần nữa. Sự chịu đựng mỗi ngày dày thêm, mưng mủ, âm thầm thiêu đốt. Kiêu chưa yêu thêm được một người nào khác, ẩn ức sôi trào trong cậu. Cuộc sôi trào to lớn nhất đã đánh bại tất cả những kìm nén, rào cản, khiến cậu ngã nhào, không còn chống đỡ nổi một đòn. Cậu không cựa quậy, đầu hàng trước cơn sóng trào của bà Hát đổ bộ lên mình, hai con người lúc đó, không hiểu đã tìm đâu ra cảm xúc, để cùng lúc ầm ào giật lên, thét gào. Sau đó là một sự hụt hẫng, ân hận của Kiêu. Cậu thấy mình đã sai, hoàn toàn, luôn miệng rủa “Tôi là kẻ khốn nạn”, rồi đấm thùm thụp vào ngực.

Mời các bạn đón đọc Khi Vết Thương Nằm Xuống của tác giả Nguyễn Văn Học.