“Trong lòng đa số người, quê hương sau này sẽ trở thành một chấm màu đen, như hòn đảo lẻ loi ngàn đời không thay đổi.”
Lưu Thập Tam sinh ra và lớn lên ở thị trấn Ngàn Mây – nơi có một tiệm tạp hóa với đống hàng hóa chồng chất theo năm tháng và những con người đã để lại vô vàn dấu ấn không sao xóa nhòa trong ký ức cậu. Cả một tuổi thơ sôi nổi và êm đềm, cậu đều trải qua bên bà ngoại ở nơi đây.
Con người ta chỉ biết trân trọng những thứ mìnhy có khi nó dần tan biến. Rời khỏi thị trấn, bước chân trên con đường “trưởng thành”, Lưu Thập Tam mới dần thấu hiểu: những hồi ức đẹp đẽ nơi trấn nhỏ chính là một thứ vô cùng quý giá – là mái ấm, là góc nhỏ bình yên trong lòng cậu, để mỗi lần đối mặt với gian nan, mệt mỏi, thất bại và tuyệt vọng đến sức cùng lực kiệt, Lưu Thập Tam biết, vẫn luôn có một nơi gọi là “quê hương” che chở cho cậu khi trở về.
Đây là một câu chuyện dành tặng cho những bi thương, vất vả, những giọt nước mắt tủi vô thức nơi khóe mắt mỗi chúng ta khi bước trên đường đời, cũng chính là những hy vọng và tia sáng không bao giờ tắt dẫn lối cho ta tiến về phía “trưởng thành”.
***
“Bà ơi, sao trời cao thế?”
Bà đáp: “Con có thấy mây không?
Đó là cánh của trời đấy.”
Đầu hè, dưới mái hiên, Lưu Thập Tam cắn hết vốc hạt dưa, bảo bà ngoại: “Con cảm thấy có người đang nhớ bà cháu mình.”
Bà đáp: “Nhớ có ích gì, sao không cho tiền ấy.”
Cát cánh nở đầy thị trấn, bồ công anh bay vượt qua tán lựu, dạt vào ruộng lúa dưới chân núi. Trong lòng đa số người, quê hương sau này sẽ trở thành một chấm đen, như hòn đảo lẻ loi ngàn đời không thay đổi.
Bà ngoại nói, tổ tiên đời đời chôn cất ở đây, nên gọi là quê hương.
Thị trấn nhỏ trong núi, tựa như đội đất chui lên. Từ khi đỗ đại học rồi rời quê, ngoài những dịp lễ Tết ra, Lưu Thập Tam chẳng bao giờ trở lại. Bà ngoại tên đầy đủ là Vương Oanh Oanh, mở quán tạp hóa tại nhà đã mấy chục năm. Bà mặc áo ngắn tay hoa nhí, mái tóc bạc phơ vấn thành búi, cánh tay giấu trong bao tay áo, tất bật chạy qua chạy lại.
Trời ấm dần lên, bia bán chạy như tôm tươi, bà chồng từng két bia lên rồi hổn hển lau mồ hôi, “Mày có phụ một tay không, không làm bà giết.”
Lưu Thập Tam rầu rĩ đáp: “Con không ở mãi xó rừng rú này được đâu.”
Bà hỏi: “Bán bảo hiểm thế nào rồi, có kiếm được không?”
Lưu Thập Tam thở dài, “Tiền không quan trọng, con đang khởi nghiệp mà.”
Trong sân trồng một cây đào, bà đứng dưới gốc cây, cầm chổi quét sân, liếc xéo cậu: “Hay thế này, bà bán quách nhà đi, cho mày tiền khởi nghiệp nhé?”
Lưu Thập Tam ôm chầm lấy bà, “Con yêu bà nhất.”
Bà đá cậu ra, “Thôi thôi, tránh ra đi.”
Lưu Thập Tam hỏi: “Trưa nay ăn gì ạ?”
Bà châm điếu thuốc, đáp: “Ai rỗi hơi lo cơm cho mày, đi kiếm tiền đi.”
Tháng Sáu, ve đã râm ran từ lâu, kêu ra rả không dứt, khi gần khi xa, ong ong như cơn ù tai khi vừa thức dậy. Bà ngoại thò đầu vào cửa giục: “Kiếm nhiều tiền vào, tối nay bà mời cơm, uống hai chén.”
Hai chén rượu với Vương Oanh Oanh chẳng thấm vào đâu. Tối qua bà ít nhất phải uống đến hai chục chén, ngà ngà mắng cậu: “Thất tình có gì mà buồn, yêu đứa khác đi!”
Lưu Thập Tam chống chế: “Nhưng con chưa quên được cô ấy.”
Bà ngoại xót xa ôm lấy cậu, dịu dàng dỗ: “Mày xấu nên người ta bỏ là phải. Người ta xinh nên mày không quên được là đúng. Muốn khóc thì cứ khóc đi, bà thương mày, bà xui xẻo.”
Lưu Thập Tam khẽ cựa mình, phát hiện bà ôm rất chặt, bèn quờ lấy bình rượu tu cạn rồi thiếp đi trong lòng bà.
Chắc bà chẳng nhớ chuyện tối qua, nên vẫn hăng hái như thường. Lưu Thập Tam bị đá ra cửa, ngoái lại trông thấy nửa thân đào cao vượt khỏi tường vây, bảng hiệu cũ kỹ của quán tạp hóa treo lủng lẳng trên cửa, có mây trắng núi xanh xa xa làm nền.
Lưu Thập Tam thật sự bó tay hết cách. Mấy hôm trước, cậu còn đang nai lưng đi làm ở thành phố, cuối cùng vừa thất tình vừa thất nghiệp, đau lòng khôn tả. Vương Oanh Oanh xách hai chai rượu gạo đến chỗ cậu ở, chuốc cho cậu say mèm rồi lôi về.
Bà cụ bảy mươi tuổi lái máy kéo cả đi cả về hai trăm cây số, trói thằng cháu ngoại say bí tỉ trong thùng xe. Bà than thở: “Đường xóc quá, thằng ngốc này thì nôn liên tục như đứa thiểu năng. Hơi một tí lại phải xuống xe lau cho nó. Khổ quá đi mất.”
Lưu Thập Tam tỉnh lại, trợn tròn mắt nhận ra mình đang nằm trong căn nhà nhỏ giữa núi. Khó khăn lắm mới rời khỏi quê, quyết tâm làm nên sự nghiệp, nào ngờ lại bị Vương Oanh Oanh lái máy kéo tới, lôi về thị trấn Ngàn Mây.
Ngôi nhà này lưu giữ tuổi thơ của Lưu Thập Tam. Mỗi khi tan học, cậu lại lẽo đẽo bám lấy bà ngoại hỏi đủ thứ chuyện.
Thằng bé hỏi: “Bà ơi, sao trời cao thế?”
Bà đáp: “Con có thấy mây không? Đó là cánh của trời đấy.”
Chẳng biết từ lúc nào, rất nhiều chuyện đã rất nhiều năm.
Từ nhỏ đến lớn đều là bà đóng học phí cho cậu, mà thu nhập của bà chủ yếu bắt nguồn từ quán tạp hóa Oanh Oanh. Từ khi cậu hiểu chuyện, bà đã ngậm điếu thuốc, lái máy kéo rong ruổi khắp núi rừng, hàng hóa chất thành đống trong thùng xe.
Thuở bé, Lưu Thập Tam giận bà vì vô số việc, nhưng chủ yếu là ba chuyện: Một, cho ít tiền tiêu vặt. Hai, chơi mạt chược quá nhiều. Ba, không tôn trọng mơ ước của cậu.
Mỗi lần cậu nói: “Bà chơi ít thôi, dành tiền cho con này, để con thực hiện ước mơ.”, bà ngoại lại nghi ngờ hỏi: “Mày mới học lớp Bốn, mơ mộng cái gì?”
Lưu Thập Tam đáp: “Đỗ vào Thanh Hoa, Bắc Đại, rời khỏi Vương Oanh Oanh, đến thành phố lớn.”
Nghe vậy bà liền vơ dao đuổi cậu chạy khắp phố. Lưu Thập Tam trèo tót lên cây, nghiêm trang nói vọng xuống:
“Bà ngoại, con nói cho bà biết, bà phải tôn trọng mơ ước của con.”
Bà đáp: “Không thích ở với bà, định học theo mẹ mày, lẳng lặng bỏ đi đấy phải không?”
Lưu Thập Tam đáp: “Con không học theo mẹ, con gửi tiền cho bà, tám vạn mười vạn đều vô tư!”
Bà bổ dao vào gốc cây, “Bà đợi thế nào được đến lúc ấy, mày cứ đưa tiền mừng tuổi năm ngoái ra đây đã.”
Lưu Thập Tam ngớ người rồi òa khóc thảm thiết, “Xấu hổ lắm! Con không học tiểu học nữa đâu! Con thi luôn vào Thanh Hoa, Bắc Đại, lấy vợ sinh con thôi!”
Mười bốn năm trước, bà ngoại nhận được một bức thư. Bà không biết chữ, nhưng cũng không đưa cho Lưu Thập Tam đọc mà cất vào hộp bánh quy thiếc cùng mấy món trang sức. Bấy giờ Lưu Thập Tam tò mò lục ra xem rồi lén lút viết một bức thư trả lời, gửi theo địa chỉ ghi trên đó.
Cậu viết rất đơn giản: Xin chào, con tên Lưu Thập Tam, cháu ngoại bà Vương Oanh Oanh, hai bà cháu sống rất chật vật, gửi cho ít tiền đi.
Từ đó, cậu còn háo hức chờ hồi âm hơn cả bà.
Giữa con phố chính của thị trấn là cửa hàng mậu dịch cũ, về sau sửa thành nhà thờ. Trước cửa hàng có một hòm thư, đối diện quán bánh bao. Lưu Thập Tam đeo túi chéo, hỏi bác Trần bưu tá: “Có thư của cháu không? Có thì nhớ đưa cho cháu, đừng đưa cho bà Vương Oanh Oanh.”
Bác hỏi lại: “Sao vậy?”
“Bác già rồi hỏi nhiều thế làm gì, cháu chia hoa hồng cho bác nhé?”
Lưu Thập Tam đợi suốt cả học kỳ, đến Tết, nhân lúc bà ngoại uống say, cậu mới dám dò hỏi người kia rốt cuộc là ai, liệu có gửi tiền không?
Đột nhiên bà ngoại bật khóc nức nở, khiến Lưu Thập Tam phát hoảng, cuống quýt lau nước mắt cho bà, “Bà ngoại, bà đừng khóc nữa, đợi con lớn lên ra thành phố sẽ gửi tiền cho bà.”
Sau khi bác Trần qua đời, chẳng có bưu tá mới đến, hộp thư cũng biến mất, mọi người hiếm khi viết bằng bút máy. Bất kể ai trải giấy ra, viết ba chữ “anh yêu em”, đều có thể trở thành bức thư tình cuối cùng của thế kỷ 21.
Lưu Thập Tam cũng viết một bức, kẹp vào sách Ngữ văn của cô bạn Trình Sương ở lớp học thêm hè năm lớp Bốn, vỏn vẹn mấy chữ: Tớ thấy cậu xinh hơn cả cô La, ăn ô mai không?
Cô La là chủ nhiệm lớp, đồng thời cũng là dì của Trình Sương, mới ngoài hai mươi, tuổi xuân phơi phới. Hôm sau lên lớp, cô xách tai Lưu Thập Tam lôi vào phòng giáo viên, dịu dàng hỏi: “Em thấy cô có xinh không?”
Lưu Thập Tam quả quyết: “Xấu như ma cấu.”
Cả phòng giáo viên cười ồ lên, cô Vu dạy Toán ghé sang hỏi: “Còn cô thì sao?”
Lưu Thập Tam phân vân giây lát rồi đáp: “Chắc cô La định đánh em đấy, cô cứu em với.”
Cô Vu nói: “Cô ấy đánh là dĩ nhiên, giờ chỉ xem cô có đánh em không thôi.”
Lưu Thập Tam trả lời: “Cô trẻ hơn cô ấy nên xấu vừa vừa thôi.”
Cô Vu ra lệnh: “Ra hành lang, đứng dựa vào tường đến khi tan học.”
Lưu Thập Tam hỏi lại: “Cô không hỏi em thấy hiệu trưởng thế nào à?”
Mọi người trong phòng giáo viên vội ngừng công việc, bao nhiêu con mắt như đèn pha đổ dồn vào cậu. Cậu bĩu môi, “Thầy ấy chẳng ra sao, học thêm hè mà huy động từng này người thì khác gì học chính?”
Kết quả cậu bị đưa từ phòng giáo viên sang phòng hiệu trưởng.
Hiệu trưởng rót một chén trà, Lưu Thập Tam vội bưng ngay lên uống, khiến thầy ngạc nhiên ra mặt, “Thầy rót cho thầy cơ mà.”
Lưu Thập Tam thổi lá trà, nhấp một ngụm rồi tặc lưỡi, “Đắng ngắt, có tiền người ta đã uống nước quýt cho ngọt rồi.”
Hiệu trưởng gõ xuống bàn, “Thập Tam viết thư tình dở ẹc.”
Lưu Thập Tam khinh khỉnh liếc thầy, “Em đọc hết sách trong thư viện trường rồi, thầy dựa vào cái gì mà nghi ngờ năng khiếu văn học của em?”
Hiệu trưởng mỉm cười đưa cho cậu một quyển sách cũ nát, trang bìa lốm đốm mấy vết cháy sém, viết bốn chữ Khải: Nhân gian từ thoại*.
Lưu Thập Tam lật qua lật lại, đầu ong lên, đã văn ngôn* lại còn đọc theo hàng dọc.
Hiệu trưởng nói: “Mấy hôm nữa tôi sẽ kiểm tra em.”
Trong đầu Thập Tam nhảy số thật nhanh, đáp ngay: “Năm 1997, Hồng Kông trở về với Đại lục.”
Hiệu trưởng hỏi: “Em nhắc tới chuyện này làm gì?”
Lưu Thập Tam nghiêm trang dõng dạc: “Hồng Kông được trả về, thế giới đại đồng, tàn dư phong kiến nhà thầy còn đọc chữ phồn thể, định phản động à?”
Hiệu trưởng lẳng lặng đặt chén trà xuống, để cuốn sách vào lòng Lưu Thập Tam, xoa đầu cậu rồi nghiêm nghị nói: “Em đọc đi, đọc kỹ vào, thằng oắt con, đọc không hiểu thì liệu hồn đấy, cút ra.”
Mời bạn đón đọc Ngang Qua Thị Trấn Ngàn Mây của tác giả Trương Gia Giai & Tố Hinh (dịch).