6000 năm trước, một con khỉ già dạy 8 loài sinh vật học nói: con người, rồng, ngạ quỷ, người bướm, người cá, người sói, người lùn và người rắn. Từ đó, 8 giống loài bắt đầu khao khát tri thức và khai phá tri thức như sức mạnh tối thượng.
4000 năm trước, một cuộc đại chiến nổ ra giữa 8 giống loài để tranh giành 7 Đại Thư viện, nơi cất giữ mọi tri thức trên thế giới.
3000 năm trước, khi cuộc chiến đạt đến giai đoạn đẫm máu và tàn khốc nhất, đã có 2 thiếu niên lập 1 lời thề trước dòng sông Mẫu Hà: "Giúp đỡ kẻ yếu, kiềm chế kẻ mạnh, giữ gìn cân bằng cho thế giới".
***
Trước nay mình luôn giữ một thái độ hoài nghi nhất định đối với các bộ truyện sáng tác Việt Nam, vì phần lớn các bộ này đều không có nhiều ý tưởng mới lạ, giọng văn cũng không thuần Việt, và không có một định hướng rõ ràng nên sáng tác cứ đầu voi đuôi chuột. Nhưng thực sự, thực sự thì đọc tới bộ Thiên Mệnh Khả Biến mới thấy ức chế tới mức không thể chịu nổi nên đành phải viết ra để cảnh báo các bạn tránh xa cái bộ truyện chết tiệt này!
Nếu ai chưa biết về Thiên Mệnh Khả Biến thì sau đây là một số thông tin tóm tắt của nó nhé.
Tên truyện: Thiên Mệnh Khả Biến
Tác giả: một tên khốn nào đó tên Giun đen, à nhầm, Hắc Long
Thể loại: Đô thị, Hiện đại, Huyền huyễn, Võ thuật, Trinh thám, Hài hước, Hack não, Tiên hiệp, Dị năng, Thể thao, Học đường, vân vân…
Để cho khách quan thì mình sẽ nói về những ưu điểm của nó trước, rồi mới nói cho các bạn những điều ức chế khiến mình không thể nào chấp nhận nổi.
ĐÂY LÀ NHỮNG ĐIỂM MÌNH THÍCH Ở TRUYỆN:
Trong cái thị trường sáng tác văn học mạng Việt Nam vốn còn mới mẻ và chưa có nhiều sự nổi bật gần đây, khi phần lớn các tác phẩm muốn được đón nhận đều phải theo thể loại Tiên Hiệp Trung Quốc, hoặc đưa vào các yếu tố 18+ để lôi kéo người đọc, thì Thiên Mệnh Khả Biến ra đời như một hiện tượng lạ. Đây là điều mình phải thừa nhận. Ý tưởng lạ, cách dẫn truyện lạ, cách hành văn cũng lạ.
Do mình vốn đã quen với những thế giới Tiên Hiệp nơi mà các nhân vật cần tu luyện, tấn cấp, trở thành Cường giả nên mình cũng thấy những nét quen thuộc trong Thiên Mệnh Khả Biến, nhưng với một cách tiếp cận hoàn toàn khác: Trong thế giới này, tri thức là sức mạnh. Bằng một vốn hiểu biết rộng lớn tới đáng kinh ngạc và sức sáng tạo vô tiền khoáng hậu của mình, tác giả Hắc Long đã dựng nên một thế giới xoay quanh tri thức, nơi Cường giả đều là những người có học vấn uyên thâm, có tri thức vượt xa so với mọi người. Càng học, người ta càng mạnh. Pháp thuật, chú thuật, giả kim thuật, thể thuật, huyết thuật… đều từ những môn học khô khan trong nhà trường mà ra. Thế giới ấy ban đầu nghe có vẻ không lấy gì làm thú vị, ấy thế mà càng ngày lại càng khiến độc giả nhập tâm như thể đã bị chuyển sinh trong cái thế giới tri thức đó vậy.
Khi con người ngày càng khao khát theo đuổi tri thức, họ lại càng tiến gần hơn tới việc khai sáng những bí mật của Tạo hóa, của tự nhiên, của Vũ trụ. Và từ đây, khái niệm Thiên Mệnh ra đời. Tác giả đã từng giải thích, Thiên Mệnh là Ý chí của Vũ trụ, là tập hợp những xác suất ngẫu nhiên vốn đã hình thành nên vạn vật. Ý chí ấy sáng tạo nên mọi thứ một cách ngẫu nhiên, nhưng cũng là hiển nhiên. Tri thức là thứ trái cấm trong Vũ trụ, nên hiển nhiên Ý chí của Vũ trụ không hề mong muốn bất kì một nền Văn minh nào đạt được tri thức. Càng tiếp cận nhiều tri thức, thì nền văn minh càng tiến dần tới diệt vong. Vì vậy, mỗi khi một cá nhân nào đạt tới một trình độ học vấn nhất định, Ý chí của Vũ trụ sẽ giáng xuống một Thiên Kiếp (bằng cách này hay cách khác) để cảnh báo cá nhân đó rằng họ đang xâm phạm vào một cảnh giới họ không nên bước vào. Những kẻ may mắn vượt qua Thiên Kiếp đó, đều sẽ trở thành những Cường giả có sức mạnh làm rung chuyển trời đất, nhưng đồng thời cũng mang trong mình sự nguy hiểm tiềm tàng có thể khiến nhân loại diệt vong.
Đó là những giải thích sơ bộ về bối cảnh của Thiên Mệnh Khả Biến. Và Thiên Mệnh Khả Biến có nghĩa là gì? Tra ra mới biết, ý nghĩa của câu này, là “mệnh trời có thể thay đổi”. Xuyên suốt câu chuyện, chúng ta thấy các nhân vật trong truyện đều bị ảnh hưởng ít nhiều bởi khái niệm mang tên Thiên Mệnh này. Có kẻ khao khát tìm kiếm Thiên Mệnh, có kẻ tò mò muốn hiểu rõ mệnh trời, có người muốn thuận theo mệnh trời, có người lại muốn thay đổi nó. Tác giả đã cài cắm vào bộ truyện rất nhiều những cuộc đối thoại, những tranh luận giữa các nhân vật về Thiên Mệnh, qua đó mở ra cho người đọc những tư tưởng rất rộng về số mệnh con người, về dòng chảy của vũ trụ, về ý nghĩa của sự tồn tại, về cơ chế mà nhân loại đang vận hành. Qua đó, người đọc tự đánh giá từng quan điểm của các nhân vật, và tự đưa ra quyết định ai đúng, ai sai.
Và để đạt được điều đó, không thể không nhắc tới hệ thống nhân vật đồ sộ, phong phú và vô cùng khác biệt của Thiên Mệnh Khả Biến. Truyện hoàn toàn áp đảo các bộ truyện sáng tác mạng ở số lượng nhân vật, và “biên độ” các nhân vật. Từ những người mạnh nhất Thế giới với năng lực không khác gì thần thánh, cho tới những thiên tài đại diện cho một thế hệ mới, cho tới cả những người “bình thường” sống trong xã hội. Mỗi người một lai lịch, một nghề nghiệp, một tính cách, một cuộc hành trình riêng, và đều có sự tương tác qua lại lẫn nhau, ảnh hưởng tới diễn biến câu chuyện. Vì được đích thân chiêm nghiệm quá nhiều cuộc đời, quá nhiều câu chuyện như vậy, mà đọc Thiên Mệnh Khả Biến cứ như “dạo qua một vòng nhân sinh, sống qua một ngàn kiếp người”. Đọc xong một chương, chỉ muốn tắt màn hình điện thoại, nhấp một chén trà, kiếm một ai đó cùng đọc bộ truyện này, cùng nhau thảo luận và nghiền ngẫm về thế sự.
Truyện có quá nhiều tuyến nhân vật là vậy, nhưng chủ yếu xoay quanh ba tuyến chính. Ba nhân vật chính, đại diện cho ba thế hệ trong một gia tộc hùng mạnh, cùng mang họ Vương, nhưng lại có ba cuộc hành trình khác biệt, độc lập với nhau, nhưng lại gián tiếp ảnh hưởng mạnh mẽ lên nhau, cũng ảnh hưởng tới vận mệnh của cả thế giới. Tuyến truyện của Vương Thành Văn xoay quanh chuyện học đường thường nhật. Tuyến truyện của Vương Minh Quang lại nói về một thế giới ngầm với những sát thủ, xã hội đen, với những cuộc thanh trừng và đổ máu. Và cuối cùng là tuyến truyện của Vương Vũ Hoành với những cuộc đấu trí ở tầm vĩ mô có sức ảnh hưởng tới thế cục toàn cầu. Nghe chả liên quan chút nào, mà rốt cuộc ba mạch truyện ấy lại có một sợi dây vô hình liên kết với nhau một cách vô cùng chặt chẽ.
Xoay quanh ba tuyến nhân vật đó, lại là nhiều tuyến nhân vật thú vị khác, mỗi người lại có một cuộc hành trình của riêng mình, và ảnh hưởng tác động qua lại lẫn nhau bởi một sự sắp đặt vừa như vô tình lại vừa như cố ý của tác giả. Tình tiết truyện nối nhau liền mạch ăn khớp như những bánh răng, khi ta vừa thỏa mãn vì một tình tiết này vừa kết thúc viên mãn, thì hệ quả của nó lập tức dẫn dụ người đọc tới những tình tiết tiếp theo, cứ thế một mạch khó có thể rời mắt.
Tới khi tắt màn hình điện thoại, mình chợt bàng hoàng nhận ra mình cứ như đã rơi vào một thế giới tri thức thực sự, cùng ăn ngủ và cùng suy nghĩ, trăn trở, cùng tranh luận với các nhân vật, lại cùng vắt óc suy đoán những bí ẩn, những tình tiết tiếp theo, để rồi lại vỗ đùi kêu hay mỗi khi bị tác giả bẻ cua bằng những cú lừa, rồi lại càng muốn được biết nhiều hơn về thế giới đó. Chỉ có điều, như đã nói, bạn sẽ khó mà kiềm được sự ức chế và căm ghét đối với nhân phẩm của tác giả.
VÀ ĐÂY CHÍNH LÀ ĐIỂM KHIẾN MÌNH CỰC KÌ CĂM GHÉT Ở BỘ TRUYỆN:
Tác giả vừa nhây vừa lười, vừa đáng ghét. Hiếm có bộ truyện nào được người đọc yêu thích mà tác giả lại suốt ngày bị ăn chửi và khinh thường như vậy. Tốc độ ra chương của Thiên Mệnh Khả Biến cực kỳ đáng quan ngại (dù đã ra gần 600 chương, tức là rất đáng kể so với các truyện Việt), vì có những lúc tác giả ra chương ào ào như nước lũ, có lúc lại ngừng đột xuất không lý do, khiến độc giả vừa cồn cào trông ngóng lại không ngừng rũ bỏ những ám ảnh muốn biết những diễn biến tiếp theo của truyện.
Và đây chính là lời mình nhắn gửi: “Đừng đọc bộ truyện này, nếu bạn không muốn lọt hố như mình. Bị nghiện tới mức phải đọc đi đọc lại cả chục lần trong lúc chờ tác giả ra chương. Chưa kể cả ngày mình cứ ngơ ngác như ở trên mây vì trong đầu chỉ luẩn quẩn nghĩ mãi về những tình tiết trong truyện. Ngày ngày vào hóng thì không thấy ra chương, mà chỉ thấy thằng tác giả ngang nhiên online bình luận như muốn trêu ngươi người ta. Thật sự khổ sở không cách nào kể xiết!”
(Đùa thôi, dù mình ghét cay ghét đắng thằng tác giả, công bằng mà nói thì hóng từng chương Thiên Mệnh cũng có cái vui của nó. Vì truyện đưa ra nhiều tình tiết gợi ý, khiến mình cứ phải tập làm thám tử để suy luận xem những gợi ý đó dẫn dắt tới bí ẩn gì. Hiếm có bộ truyện nào đang sáng tác mà tạo ra được một hiệu ứng tương tự.)
ĐÁNH GIÁ:
Ưu điểm:
Nhân vật: 11/10 (thực sự không có gì để chê)
Sức sáng tạo: 10/10
Plot Twist: 9/10 (rất khó đoán, và sẽ khiến bạn phải vỗ đùi khen hay)
Dẫn truyện: 8/10 (lối dẫn truyện cực kỳ mới lạ, sử dụng nhiều tuyến nhân vật đan xen để kể nội dung, tuy nhiều lúc chuyển cảnh hơi gấp)
Tình tiết: 8/10
Chiều sâu: 10/10
Lối hành văn: 9/10 (hành văn rất đa dạng, linh hoạt, hài hước)
Tác giả khá cởi mở và gần gũi, dễ giao lưu, nhưng cũng khá lầy và đáng ghét
Nhược điểm
Tiến độ ra truyện: 5/10 (tác giả vừa nhây vừa lười. Lúc ra truyện ào ào như nước, lúc lại chậm rề rề, và lại còn lắm trò troll độc giả)
Nhân cách tác giả: -100/10
***
Thế nào là cường giả?
Phạm Viết Phương nói: Khi con người vượt qua mọi tầm thường thì là cường giả.
Kwaruh nói: Cường giả là kẻ có thể mang luật của mình áp cho thế giới.
Sasaki nói: Những kẻ khiến cho mọi người hâm mộ thì đó chính là cường giả.
Edward nói: Cường giả là kẻ có thể làm bất kỳ điều gì mà mình thích.
Hà Chí Thương nói: Cường giả là người biết thuận theo Thiên mệnh.
Takezawa nói: Cường giả là kẻ có thể sống sót dù trải qua bao nhiêu tai hoạ
Hữu Thành nói: Cường giả là kẻ có thể sống cả đời an nhàn không sóng gió
Trần Thiên Anh nói: Cường giả là kẻ dùng hai bàn tay trắng đạt được mọi thành tựu.
Vương Vũ Hoành lại nói: Cường giả là kẻ không ngừng suy nghĩ, không ngừng vươn lên.
Vương Minh Quang lại nói: Cường giả không nhất thiết phải là kẻ mạnh, mà là kẻ biết biến những thứ yếu kém thành hùng mạnh.
Vương Thành Văn lại nói: Cường giả là kẻ biết làm những điều đúng đắn.
Với điểm nhìn của rất nhiều nhân vật, nhằm khắc hoạ rõ hơn về hành trình của 3 con người, 3 thế hệ trong một gia tộc. Hành trình của họ, kết nối với nhau bởi một dòng chảy, mang tên Thiên Mệnh.
Mời các bạn đón đọc Thiên Mệnh Khả Biến của tác giả Hắc Long (Hoàng Long).