Mười Hai Học Thuyết Về Bản Tính Con Người là một tác phẩm mong ước đưa lại một số thông tin, suy tư, biện luận, nghiệm sinh về các vấn đề thiết yếu của con người, thông qua các truyền thống tôn giáo từ cổ thời đến hiện đại (Khổng giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo), thông qua các tư tưởng và trào lưu triết học (Platon, Aristoteles, Kant, Marx, Sartre), tâm lý học (Freud), và Lý thuyết Tiến hóa (Darwin).
***
Những câu hỏi và tự vấn “Con người là gì?”, “Tôi là ai?”, “Từ đâu tới?”, “Đi về đâu?”, “Tôi có chỗ đứng nào trong trần gian này?”, “Tôi có cần thiết cho ai không?”… vẫn thường được mỗi người tự đặt ra cho chính mình, ngay từ thời còn thơ trẻ, lúc dậy thì, tuổi trưởng thành, và cả khi ốm đau, bệnh tật, bị áp bức, bất công, đau khổ, sắp lìa đời.
Các truyền thống tôn giáo, các nền văn minh nhân loại, và cả những nghiên cứu khoa học − từ ngành vật lý thiên văn, cơ học lượng tử, sinh học xã hội, đến khoa học bộ não − cũng đã từng đưa ra những lý giải cho những câu hỏi và tự vấn nói trên.
Tập sách “Mười hai học thuyết về Bản tính con người” mà bạn đọc đang cầm trên tay là một tác phẩm mong ước đưa lại một số thông tin, suy tư, biện luận, nghiệm sinh về các vấn đề thiết yếu của con người nói trên, thông qua các truyền thống tôn giáo từ cổ thời đến hiện đại (Khổng giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo), thông qua các tư tưởng và trào lưu triết học (Platon, Aristoteles, Kant, Marx, Sartre), tâm lý học (Freud), và Học thuyết Tiến hóa (Darwin).
Điều đặc sắc của tập sách này là cố gắng liên kết lý thuyết với thực hành, tránh bỏ đến mức có thể những suy biện thuần túy hàn lâm trừu tượng cũng như những kỹ năng hành động thuần túy máy móc thực dụng. Sơ đồ thông tin và suy tư cơ bản của mỗi chương, mỗi học thuyết là: Sau khi trình bày những Bối cảnh siêu hình của thực tại và những quan niệm về Bản tính con người, các tác giả đã đưa ra hai tiết mục thực hành quan trọng, đó là việc Chẩn bệnh và Kê toa thuốc chữa trị.
Điều đặc sắc thứ hai của tác phẩm là tính suy tư có phê phán, và phê phán trong thịnh tình, chính trực, nhưng khách quan, khoa học, không thiên vị, ngay cả đối với chính bản thân hoặc truyền thống tư tưởng hay tôn giáo ngàn đời của mình. Điều đặc sắc thứ hai này thật vô cùng quan trọng trong một thế giới cực đoan trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống cá nhân và xã hội hiện nay, thường bị chi phối bởi truyền thống, cơ chế, ý thức hệ, thiếu thông tin hay thông tin phiến diện, mặc cảm dồn nén chưa được tháo gỡ.
Tư tưởng của mỗi danh nhân, mỗi học thuyết là cả một thế giới tư duy rộng lớn. Nhưng tác phẩm “Mười hai học thuyết về Bản tính con người” có một giới hạn về độ dài của từng chương, từng học thuyết, với chừng 15-20 trang mỗi chương. Do đó mỗi chương, mỗi học thuyết phải cố gắng giới hạn lượng thông tin, tư liệu, suy biện, phân giải của mình, nhưng đồng thời lại cũng phải trình bày được ít nhất là những điều thật cơ bản của học thuyết. Và như thế, thí dụ chương về Khổng giáo được giới hạn vào sách Luận Ngữ, Ấn Độ giáo vào Áo nghĩa thư: Những giáo huấn lớn và nhiệm mầu trong rừng vắng, còn chương về Marx thì được giới hạn vào những tư tưởng về tư bản với những quan niệm về lịch sử và tính tha hóa. Sự kiện đó đòi hỏi nơi độc giả một kiến thức tổng quan lớn về lịch sử tư tưởng để không phê phán một cách giản lược bằng cách đồng hóa Khổng giáo duy nhân của Khổng Tử với Nho giáo từ chương, danh lợi, gia trưởng, ngu trung của các thời Hán, Đường, Thanh sau này; cũng như không đồng hóa những suy tư triết học mang tính nhân văn của Marx về lịch sử và tính tha hóa của xã hội tư bản thời bấy giờ với những chế độ của Lenin và Stalin sau này.
Tập sách này là kết quả của nghiên cứu, suy tư, thực hành và giảng dạy của các giảng viên đại học từ những năm 1970 thế kỷ XX đến những tháng năm đương đại hiện nay. Các Lời tựa cho các lần xuất bản thứ tư (2004), thứ năm (2009) và thứ sáu (2013) có in lại trong tập sách này cho thấy những diễn tiến thú vị trong những nội dung, phương pháp và tinh thần của tác phẩm. Độc giả được nhắm đến là giới học sinh sinh viên nhiều ngành và mọi người với kiến thức tổng quát (xem Lời tựa lần xuất bản thứ sáu, 2013).
Trong nhiều thư văn tiếng Việt ngày nay, chúng tôi nhận thấy có một vài vấn đề về ngôn ngữ chưa được giải quyết một cách thỏa đáng. Đó là (a) vấn đề nhân danh, vật danh, địa danh nói chung, và (b) vấn đề tên gọi nói riêng về Thiên Chúa giáo.
(a) Trong vấn đề thứ nhất: Chúng tôi đề nghị sử dụng tên gọi nguyên thủy về người, vật, nơi chốn; thí dụ: Sokrates, Platon, Aristoteles, Jesus, London, New York… thay vì Socrate, Plato, Aristotle, Giêsu, Luân Đôn, Nữu Ước… Trừ khi các tên gọi đã quá quen thuộc, như Anh quốc, Đức quốc… thay vì England, Deutschland.
(b) Trong vấn đề thứ hai: Tiếng Việt ngày nay nói chung thường dùng từ “Thiên Chúa giáo” để chỉ Giáo hội Công giáo, cách dùng này đã không diễn tả trung thực nội hàm và lịch sử của tôn giáo này. Bởi Kitô giáo là Tổng thể giáo hội phân xuất từ Đấng Jesus Christ [Kitô] gồm các giáo phái Công giáo, Tin Lành và Chính thống giáo; và như thế Công giáo hay Giáo hội Công giáo là một trong ba nhánh của Kitô giáo, chứ không phải một đạo mà tên gọi phát xuất từ tiếng Trung Hoa với cụm từ Thiên Chủ giáo được các giáo sĩ phương Tây trong tinh thần tiếp biến văn hóa đã đặt ra vào thế kỷ XVI/XVII (Matteo Ricci, 1552 − 1610). Tôi đề nghị trả lại căn tính tôn giáo cho chủ thể của nó, bằng cách gọi Giáo hội Công giáo là Công giáo hay Giáo hội Công giáo thay vì Thiên Chúa giáo.
Còn từ “Nhà thờ” được dùng thay cho từ Giáo hội cũng không đúng nội hàm của nó. Những từ Church, Eglise, Kirche (tiếng Anh, Pháp, Đức) bắt nguồn từ nguyên tự Latinh và Hy Lạp ecclesia, ekklesia, ek-kaleo, ekklesia tou theou có nghĩa “Những kẻ được Thượng đế kêu gọi họp lại với nhau nên một Cộng đoàn tôn giáo”, tức Giáo hội. Từ ngữ “nhà thờ” để chỉ “ngôi nhà nơi nhóm họp” là một từ được “chuyển hoán” từ “người nhóm” thành “nơi nhóm”. Yếu tố quan trọng cơ bản và trước tiên nơi đây là “Những người tôn giáo nhóm họp” tức Giáo hội. Tôi đề nghị trả lại căn tính tôn giáo cho đúng từ ngữ được sử dụng, bằng cách gọi tổ chức tôn giáo này là “Giáo hội” thay vì “Nhà thờ”, còn ngôi nhà nơi nhóm họp và thờ phượng thì dĩ nhiên vẫn cứ sử dụng từ “nhà thờ”.
Frankfurt, CHLB Đức
Lưu Hồng Khanh
09/2016
Mời các bạn đón đọc Mười Hai Học Thuyết về Bản Tính Con Người của tác giả Leslie Stevenson & David L. Haberman & Peter Matthews Wright.