Có nhiều người thắc mắc tại sao tôi lại thích truyện của văn sĩ Quỳnh Dao, một thể loại truyện bi lụy về tình yêu. Thích thì có cần giải thích lý do không? ^^ Nhưng chính xác thì tôi không thích, mà là “cảm” nội dung về thời cuộc và niềm đa cảm trong cốt truyện nhiều dư vị cổ điển đó. Tôi đồng ý truyện của Quỳnh Dao đa cảm, nhưng đa cảm lại là dấu ấn hiện thực lớn nhất mà cuộc đời mang tặng đến ngòi bút một thời vang bóng của văn đàn Đài Loan. Những bộ truyện đi vào lòng khán giả cũng chính bằng niềm đa cảm mà một thời người ta rung động trong nó. Những truyện đó không phải để đời, nó đi ngang vào thế hệ nào đó và có lẽ dứt ở những thế hệ đó, nhưng mãi là một thoáng quá khứ lất phất nếu người đọc ngã đúng điểm rơi để hiểu về một thời đại nhiều biến động trong bước giao thời của lịch sử. Truyện mang trong nó hơi thở hiện đại-thời bấy giờ với những cách tân và dấu ấn của những tâm tư ngổn ngang của thế hệ đã trãi qua.
Yên Vũ Mông Mông (hay khán giả Việt thường gọi là Dòng sông ly biệt, và sau đây tôi sẽ gọi theo tên đó) là tác phẩm tôi nhớ nhất của Quỳnh Dao, một phần vì truyện có một đoạn kết đáng nhớ nhất, một phần vì nó được dựng thành phim vài lần và đều tạo được hiệu ứng đáng kể đối với khán giả. Tôi xem hai bản dựng 86 và 2001, nhưng chưa được xem bản dựng năm 75 và bản movie năm 65. Bản 86 khá trung thành với nguyên tác, trừ đoạn kết, bản 2001 thay đổi nhiều để tấu hài và biểu diễn nhằm chiều lòng khán giả. Như tôi đã nói, tôi “cảm” cốt truyện được đặt đúng thời điểm tạo dấu ấn tư tưởng nên cũng “cảm” bộ phim phả được làn hơi đó. Khi bản 2001 thay đổi nhiều tư tưởng cũ thì tác phẩm không còn “hồn” để “cảm” nữa, riêng bản 86 làm được nên bài viết này sẽ nói nhiều hơn một chút về truyện và bản dựng 86 với sự tham gia của Tần Hán, Lưu Tuyết Hoa và đặc biệt là nữ diễn viên có vẻ đẹp nhu mì thục nữ Triệu Vĩnh Hinh, ngọc nữ của văn sĩ Quỳnh Dao.
Câu chuyện kể về nhà họ Lục với cảnh gia đình-giao thời nhiều biến động vần vũ tâm tư của nhân vật. Cảnh đa thế tứ thiếp còn sót lại từ thời phong kiến, cảnh con riêng và những khoảng cách lẫn bất đồng giữa hai thế hệ khơi mào cho mâu thuẩn nung nấu trực trào gợi nên những rạn nứt tình cảm giữa các nhân vật. Để đánh đổ và xây đắp lại thế giới quan, để thông cảm và thấu hiểu lẫn nhau mà bước đi tiếp trong cuộc đời. Tôi thường thích câu chuyện rạn nứt rồi hàn gắn hơn nguyên vẹn lành lặn, vì lành lặn thì xem mấy diễn viên quấn nhau như sam hết ôm lại hôn, hết hôn lại quờ chân chọt tay như phim dạo này xem phải khiến tôi thấy mình thật rỗi hơi, mấy vụ đó để dành thực hành riêng tư chứ xem thì chẳng xi-nhê gì, mà chỉ phí thời giờ :d.
Dòng sông ly biệt chuyên chở những con sóng mênh mang về cuộc đời, bao hàm trong đó là tình cha con, mẹ con, anh chị em và tình yêu, tình bạn. Trọng tâm câu chuyện kể về ba thanh niên Lục Y Bình, Lục Như Bình và Hà Thư Hoàn. Với diễn xuất đặc sắc của cặp đôi vàng thời đó Tần Hán-Lưu Tuyết Hoa cùng Triệu Vĩnh Hinh đã tạo nên nên “hồn” nhân vật mang nhân sinh quan sống, tâm tư, trăn trở khiến khán giả liên hệ và ghi nhớ. Lưu Tuyết Hoa vẫn mang ánh mắt cương nghị ngang ngạnh rất thật của cô vào nhân vật Lục Y Bình, Tần Hán thì vẫn hào hoa trong dáng vẻ hiền lành của mình, nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là “hồn” nhân vật Như Bình thông qua cách đặc tả của Triệu Vĩnh Hinh, đây là lần thứ 3 tôi nhắc đến tên diễn viên trong một bài viết, một điều rất ít khi xảy ra, vì khi ngồi viết bài này thì dáng vẻ nhu mì mơ hồ của Như Bình hiện lên rất đậm, bàng bạc nhưng lại khó quên trong điệu cười cũng như cách khóc xen trong hạnh phúc cũng như niềm bất lực của cô gái-vừa tròn đôi mươi, khi cô lạc lõng-nhu mì trong một gia đình ai cũng nóng nảy và cương quyết đến ương bướng. Như Bình lạc lõng ngay từ đầu trong chiếc tổ của chính mình khi sức đề kháng của cô đối với cuộc đời yếu ớt, cô như nàng công chúa yên phận công chúa, nhưng thời cuộc biến động nên chẳng thể yên phận dài lâu.
Như Bình như dấu ấn còn sót lại của quá khứ, trầm lặng và thụ động đón chờ định mệnh, không giành giật với cuộc đời và chỉ nhận những gì mình sẽ có thể có. Như Bình thiếu đi bản lĩnh nắm lấy tham vọng, cô đẹp người đẹp nết nhưng là vẻ đẹp thụ động cần có một hoàng tử mới tạo thành câu chuyện hạnh phúc, chứ không thể tự thân tìm kiếm hạnh phúc. Và rất tiếc người cô trao trọn tình yêu là Hà Thư Hoàn lại không phải hoàng tử của cô nên cô như nàng tiên cá đứng lặng thinh chấp nhận chìm vào niềm cô độc mà sống. Hà Thư Hoàn là chàng trai đi tìm nhịp đập con tim mình chứ không phải đi tìm điểm dừng bình yên nên người anh chọn không phải là một hình bóng lặng thầm, mà là một cô gái sống động như Y Bình khiến anh được “điên” lên. Tình yêu mà Hà Thư Hoàn chọn đầy cảm tính, anh chưa từng trãi, anh như một chàng công tử bị cuốn vào hơi thở tình yêu nên đâu biết đeo đẳng theo anh là một người con gái do anh cứ lằng nhằng, để người con gái đó cứ chập chờn hy vọng-làm người đứng bên cạnh anh những lúc anh mỏi mệt tìm chỗ trốn chạy. Như Bình là người đến trước nhưng chậm chân nên lại trở nên kẻ đến sau đứng bên nhịp trái tim Thư Hoàn, để mãi mãi vấn vương.
Như Bình chưa bao giờ tranh giành tình yêu, cô yên phận và chấp nhận số phận một cách dễ dàng vì tự ti về bản thân do mọi người thân không hiểu để cổ vũ mà toàn nhiếc móc và “muốn” sống thay cô. Vòng tham vọng của người thân ám vào số phận Như Bình như tơ rối khiến cô không thể thoát khỏi hệ lụy để trôi vào sự bình lặng của cuộc đời như cô muốn, vì bản năng của cô không sống để tranh giành. Như Bình thiếu đi một luồng ánh sáng dẫn đường đi về tương lai, khi giá trị gia đình là thứ cô bám víu vào để lay lắt tồn tại sau lúc buông xuôi tương lai, tình cảm của mình thì nó cũng bung rễ khiến Như Bình đã cô độc trở nên ngập ngụa trong niềm cô độc đó. Đã sẵn tự ti nay cuộc đời bế tắc nối tiếp ngõ cụt khiến cô tự nhận đời là một chuỗi thất bại, là gánh nặng chuôi cô kẹt vào lưỡi dao kép trong tư tưởng. Như Bình bịt bùng sau khi mẹ bỏ đi theo nhân tình và khoắn hết tiền cha cô để dành, bà đi để lại mặc cảm tội lỗi nhuốm vào tư tưởng cô con gái-đã giải thoát cho bà trước cửa tử, khiến người con gái ấy bơ vơ giữa cuộc đời đã chẳng còn ham muốn sống nay cũng chẳng còn gì níu kéo, cuộc đời tăm tối và thay đổi choáng ngợp vượt quá khả năng kiểm soát nên Như Bình tự tìm lối thoát cho mình bằng cách buông thõng sự sống. Cô đã thôi chấp nhận và thôi chịu đựng nên can đảm tìm một lối thoát, dù là trốn tránh đương đầu số phận. Với tôi ít nhất Như Bình đã tự quyết định đời mình, đã biết mặc kệ những người ở lại để thôi nghĩ về họ nữa, thôi quan tâm đến họ nghĩ gì mà chỉ cần biết riêng mình thôi. Cô ra đi trong đau lòng nhưng đã dám cắt đứt sự sống đã bị buông thõng từ lâu, mà nếu cô không ra đi thì sự sống đó có lẽ đã thui chột lại càng thui chột mà thôi, chỉ là sớm hay muộn. Quyết định trốn tránh ấy không đáng ca ngợi, nhưng ít nhất cần được tôn trọng về một đời người đã biết tự mình nắm lấy số phận, dù là trốn tránh số phận ấy. Bởi Như Bình như mưa lất phất lại cuộc đời thôi, nhẹ nhàng, hắt hiu chẳng thể thay đổi được ai nhưng để lại một góc quá khứ lất phất rơi, u sầu rớt lại rồi nhẹ nhàng tan đi…
***
Quỳnh Dao (sinh ngày 20 tháng 4 năm 1938) là nữ nhà văn, biên kịch, nhà sản xuất người Đài Loan chuyên về tiểu thuyết lãng mạn dành cho độc giả nữ. Tập truyện ngắn đầu tay của bà mang tên Ngoài khung cửa sổ ra đời trong khoảng thời gian bà tốt nghiệp trung học và dự thi vào đại học nhưng không thành công.
Các tác phẩm của bà được dịch ra và xuất bản rộng rãi ở Việt Nam từ cuối thập niên 1960. Ngoài ra, bà còn là một nhà sản xuất phim với những bộ phim truyền hình dựa theo chính nội dung các cuốn tiểu thuyết của bà.
Tác phẩm: