Hoạt động văn học của Nhất Linh có thể chia ra làm 3 thời kỳ: Thời kỳ trước năm 1930; thời kỳ từ 1932-1945; thời kỳ sau 1945, trong đó quãng thứ hai là nổi bật và ông có nhiều đóng góp nhất. Nói tới Nhất Linh, người ta liên tưởng ngay đến Tự lực văn đoàn mà Nhất Linh là người chủ xướng. Tự lực văn đoàn - một phong trào văn học tồn tại trong lịch sử khoảng 1932-1945, có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học thế kỷ XX. Cơ quan ngôn luận của nó là hai tờ báo Phong hóa, Ngày nay và Nhà xuất bản Đời nay đều do Nhất Linh điều hành. Đấy là trung tâm quy tụ đông đảo các cây bút tài năng, nhiệt tình trên con đường hiện đại hóa văn học. Các truyện của Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Thế Lữ, Thanh Tịnh, Bùi Hiển, thơ đả kích của Tú Mỡ… trên các trang báo Phong hóa sau năm 1934 đã thổi vào xã hội một luồng sinh khí tươi trẻ, nhẹ nhàng, giàu sinh lực phản ánh được cái khí thế của một thế hệ trẻ rất hăng hái cải tạo xã hội và văn hóa. Nhà xuất bản Đời nay, cùng hai tờ báo trên là nơi giới thiệu, cổ vũ cho các tài năng mới thuộc các môn nghệ thuật khác như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Lê Phổ, Trần Văn Cẩn… (hội họa), Nguyễn Xuân Khoát (nhạc), Nguyễn Cao Luyện (kiến trúc)… Giờ nhìn lại có thể thấy rõ là nhiều tài năng của nền văn nghệ mới có lúc từng quần tụ nơi Tự lực văn đoàn. Tất nhiên bức tranh văn nghệ 1932-1945 rất rộng lớn và nhiều màu vẻ trong đó Tự lực văn đoàn chỉ là một bộ phận. Thêm nữa công lao làm nảy nở và phát triển phong trào văn học nói trên không thể chỉ quy vào mỗi Nhất Linh. Tuy nhiên rõ ràng ông là người chủ xướng và tổ chức quan trọng nhất.
Về sáng tác, Nhất Linh từng viết ở nhiều thể loại: Thơ, phóng sự, khảo luận, phê bình, tuy nhiên ngòi bút của ông chủ yếu vẫn là để sáng tạo văn xuôi - truyện ngắn và tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết. Nhất Linh thuộc vào số những nhà cách tân tiểu thuyết quan trọng của văn học ta.
Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại (1942) đã sớm nhận thấy rằng "tiểu thuyết của Nhất Linh biến đổi rất mau". Nho phong (1925) tác phẩm đầu tay của ông thuộc loại một tiểu thuyết lý tưởng hóa. Đầu những năm 1930, ông sáng tác một loạt những tiểu thuyết luận đề: Đoạn tuyệt, Lạnh lùng…
Đến Bướm trắng (1940) thì đã là tiểu thuyết phân tích tâm lý. Những tiểu thuyết sau năm 1945 có thể xếp vào loại phân tích hiện thực xã hội, chẳng hạn Xóm Cầu mới. Tuy nhiên ông vẫn thành công nhất ở loại tiểu thuyết luận đề và tiểu thuyết phân tích tâm lý. Các tiểu thuyết Đoạn tuyệt, Lạnh lùng từng gây chấn động một thời. Viết các tác phẩm này Nhất Linh nhằm trực tiếp đả phá các hủ tục, thiết chế đại gia đình phong kiến, kêu gọi xây dựng đời sống mới tiến bộ, giàu nhân tính cho mỗi con người được chủ động và tự lập. Độc giả bấy giờ đọc các cuốn sách đó một cách hưng phấn, nhiều người muốn và đã hành động theo Loan, Nhung, những nhân vật chính của tiểu thuyết Nhất Linh. Tuy nhiên sau này Nhất Linh có nói rằng trong các tiểu thuyết của mình ông ưng ý nhất Bướm trắng. Với Bướm trắng, ngòi bút của ông tiến hành cuộc phiêu lưu vào tâm hồn con người. Cuốn tiểu thuyết được xây dựng trên cái hiện thực ý thức và tâm cảm.
Nhất Linh viết văn theo các thể loại của văn học Âu Tây, xây dựng nhân vật, kết cấu truyện… theo lối của các nhà văn châu Âu. Văn phong của ông là sự áp dụng lối tổ chức ngữ pháp Tây phương vào tiếng Việt: lôgích chặt chẽ, sáng sủa và cực kỳ giản dị. Tuy nhiên ở các tác phẩm của Nhất Linh, người ta vẫn thấy chất thơ phương Đông luôn tồn tại khi thì đậm nét, khi thì mờ ảo. Nhà văn đã sử dụng những phương tiện nghệ thuật phương Tây để xây dựng tâm hồn phương Đông. Đọc Nho phong, Người quay tơ, ta nghĩ tới các truyện Nôm Tống Trân Cúc Hoa, Hoàng Trừu và cả Kiều (Nhất Linh rất khâm phục Nguyễn Du và từng viết bình luận về Kiều).
Chất thơ của Giấc mộng Từ Lâm, Lan rừng… là chất thơ của loại truyện truyền kỳ, truyện Liêu trai. Còn con bướm trắng trong hoài niệm của Trường cũng là con bướm trắng trong giấc mộng Trang Chi chất thơ đó chính là cái đẹp. Cái đẹp hiện hữu nhưng khó nắm bắt, nó như con bướm trắng luôn chập chờn bay trong không gian và thời gian của thế giới nghệ thuật Nhất Linh. Không gian đó là những "vùng quê xa xôi và yên lặng", "bầu trời xanh lơ trong suốt", "khu vườn nắng vòm lá lấp lánh ánh sáng", "màu vàng hoa chuối tây nở góc giậu"… là "bóng cây lưa thưa chạy trên áo trắng của Loan trên đường Hà Nội". Thời gian đó là "những ngày thơ ngây trong sạch", "những ngày chưa mắc tội lỗi"… là một ngày cuối thu "Trời muốn trở rét" (Đôi bạn). Cái đẹp đó là sự chung thủy trong tình yêu và rộng hơn chung thủy với chính mình. Nhất Linh rất thích cái ý của L. Tônxtôi cho rằng, bản tính của mỗi người thực ra không thay đổi bao nhiêu, năm tháng chỉ ghi dấu trên bề mặt của nó mà thôi.
Không phải mọi tác phẩm của Nhất Linh đều hay và có giá trị. Một số tác phẩm giờ đọc lại thấy nhạt và đơn giản. Những tác phẩm viết sau 1945 không thật xuất sắc. Tuy nhiên rõ ràng là không ít tiểu thuyết và truyện ngắn của ông vừa là tiếng nói của một thời, vừa là tiếng nói của không chỉ một thời… Những tác phẩm tốt, có giá trị của Nhất Linh cung cấp cho bạn đọc, góp phần để hiểu rõ hơn về một nhà văn rất đáng chú ý của thế kỷ XX.
Hà Nội, 9 tháng 10 năm 1999
Trịnh Bá Đĩnh
(TS. Ngữ văn)
Mời các bạn đón đọc Truyện Ngắn Nhất Linh của tác giả Nhất Linh.