Nho lâm ngoại sử hay còn gọi là Truyện làng nho là tiểu thuyết chương hồi của Ngô Kính Tử thời nhà Thanh, toàn thư gồm 56 hồi, miêu tả gần hai trăm nhân vật mà hầu hết là nhà Nho, nội dung phê phán và châm biếm sâu cay chế độ khoa cử công danh thời nhà Thanh.
Ngay từ đầu hồi truyện, nhà tiểu thuyết dùng mấy chữ “uy nghi lỗi lạc” để giới thiệu nhân vật chính của thiên truyện. Thế nhưng chúng tôi cho rằng cái “uy nghi lỗi lạc” của Vương Miện ở đây không ở những là thanh khiết, cao nhã, tiết tháo mà tập trung biểu hiện ra ở chỗ Vương hơn bất cứ ai đã tỏ ra quý giá đời sống tự do của bản thân đến độ nào. Vương không cho giá trị của con người là công danh, phú quý, lập công, sáng nghiệp, trước tác truyền danh. Đối với Vương được sống cuộc sống thân ta thuộc về ta, làm lấy mà ăn, còn dư thời gian thì vẽ tranh, uống rượu, hàn huyên cùng bạn bên mình là đã tốt rồi. Cho nên nói cho trúng, Vương Miện không phải là “trốn cõi tục” mà là chỉ muốn “tránh thế quyền”. Theo quan điểm của chúng tôi, câu chuyện Vương Miện là chuyện lánh trốn chính quyền chứ không phải là chuyện ẩn dật truyền thống. Hồi truyện mở đầu tiểu thuyết này không phải là bài ca nhiệt thành đời sống ẩn dật mà là tiếng than dài cho mối quan hệ giữa chính quyền và trí thức – những kẻ thường vẫn được xem là tự giác hơn dân chúng trong ý thức về số phận mình trong buổi thay triều đổi đại, bãi bể nương dâu.
Ngô Kính Tử (1701 - 1754) tự là Mẫn Hiên, hiệu là Lạp Dân, về già lại lấy hiệu là Văn Mộc lão nhân, người Toàn Tiêu tỉnh An Huy. Ông xuất thân trong một gia đình khoa hoạn truyền thống, nhiều người đi thi đỗ đạt làm quan. Nhưng bản thân Ngô Kính Tử lại chán ghét khoa cử công danh, cuối cùng gia sản ruộng đất bán sạch, ông phải lên Nam Kinh sống cuộc sống hết sức nghèo khổ nhưng chí khí rất hiên ngang ngạo nghễ chứ không chịu cúi đầu. Ngoài Nho lâm ngoại sử, Ngô Kính Tử còn có các tác phẩm Văn Mộc Sơn phòng thi văn tập (12 quyển nay còn 4) và 7 quyển Thi thuyết (nay thất truyền).
Mời các bạn đón đọc Nho Lâm Ngoại Sử của tác giả Ngô Kính Tử.