Cuốn tiểu thuyết mỏng, và tuyệt đẹp, nơi Ian Mc Ewan tái hiện bối cảnh nước Anh vào thời khắc ngay trước khi cuộc cách mạng tình dục bùng nổ, với tất cả sự ngột ngạt, bi hài của nó qua câu chuyện tình giữa Edward và Florence.
Cuối cùng thì điều họ lo sợ đã xảy ra! Trên bãi biển Chesil, có hai kẻ đang giận giữ, đau đớn, và ghê tởm lẫn nhau sau đêm đầu tiên đổ vỡ. Trên bãi biển Chesil, nơi họ từng mơ tới cảm giác tự do thực sự của những người trưởng thành, cũng là nơi kết thúc cuộc hôn nhân ngắn ngủi.
Nước Anh những năm sáu mươi, một thế hệ lớn lên sau Thế chiến thứ hai, đã mệt mỏi vì sự khắc khổ và dè sẻn của những năm hậu chiến, ngột ngạt với những giá trị thời Victoria, và sẵn sàng chống lại những mẫu hình và tập tục của thế hệ đi trước. Lady Chatterley’s Lovers của D.H.Lawrence giành được quyền xuất bản sau vụ kiện tụng ầm ỹ, và ngay lập tức trở thành best-seller với hai triệu bản bán ra sau 40năm cấm đoán. Trong đoạn đầu bài “Annus Mirbalilis”, Philip Larkin viết về những năm tháng này: "Chuyện ái ân đã bắt đầu / Vào năm một chín sáu ba/ (có phần hơi muộn với ta) / Giữa sự chấm dứt của lệnh cấm “Chatterley” / Và vòng quay đĩa đầu tiên của nhóm Beatles”. Cuộc cách mạng tình dục sắp bùng nổ.
Nhưng chuyện của Edward và Florence lại diễn ra ngay trước thời điểm tự do ấy, năm 1962, khi báo chí còn “kín đáo gợi ý cho các cô dâu việc cần làm bằng giọng văn vui vẻ, la liệt dấu chấm câu cảm thán và hình minh họa đánh số”, và các chàng trai thì háo hức một cách tuyệt vọng về chuyện tình dục, như Ian Mac Ewan diễn tả trong cuốn sách của mình: “Thần dược tránh thai là một tin đồn trên báo chí, một lời hứa hẹn ngớ ngẩn, một câu chuyện lá cải nữa về nước Mỹ… Nhạc pop thì ngoan hiền, vẫn còn rụt rè về đề tài đó, phim ảnh cởi mở hơn một chút, nhưng trong vòng tiếp xúc của Edward, đàn ông buộc phải hài lòng với những chuyện cười tục tĩu, những câu huênh hoang về tình dục một cách gượng gạo và tình bằng hữu sóng gió trong những bữa rượu điên cuồng, khiến cơ hội gặp gỡ con gái càng giảm đi thêm nữa. Những thay đổi trong xã hội không bao giờ diễn ra với nhịp điệu trơn tru. Có tin đồn rằng ở khoa Anh văn, và dọc đường chỗ trường Đông phương học - Phi châu học, dọc đường Kingsway chỗ trường Kinh tế London, đàn ông và đàn bà mặc quần bò bó đen và áo len cổ lọ quan hệ tình dục dễ dãi và thường xuyên, không cần phải gặp cha mẹ. Thậm chí còn nghe kể về những điếu cần sa vấn chặt nữa. Thỉnh thoảng Edward làm cuộc thử nghiệm, đi dạo từ khoa Lịch sử tới khoa Anh văn, hy vọng tìm thấy bằng chứng về một chốn thiên đường trên trái đất, nhưng những hành lang, những bảng thông báo, và thậm chí cả những cô gái nữa, trông cũng chẳng khác gì”.
Trên cái nền bối cảnh xã hội ngột ngạt và bi hài, khi mà “trò chuyện về những trở ngại trong tình dục là điều không thể”, Trên bãi biển Chesil được mở ra như thế này “Họ còn trẻ, có học thức, và cả hai đều còn trinh trong cái đêm đầu tiên, đêm tân hôn của họ”. Câu chuyện, sau đó được dệt nên từ những diễn biến tâm lý đa chiều (và căng thẳng!) của hai kẻ còn trinh ấy. Trong thời khắc được xã hội nhìn nhận là quyết định của cuộc đời một con người, khi cả hai chính thức trưởng thành và được phép khám phá cơ thể nhau một cách hợp pháp và phải đạo, thì mỗi người lại bị giam cầm trong những bối rối của riêng mình, với Edward là nỗi lo “sẽ gặp điều mà anh đã nghe ai đó miêu tả là “tới quá sớm”, còn Florence nghiêm trọng hơn nhiều, khi cô “phải trải qua một cơn sợ hãi mang tính bản năng, một sự kinh tởm vô vọng có thể cảm thấy rõ rệt như say sóng”. Ian Mc Ewan, thấu hiểu và kỹ lưỡng đến đáng ngạc nhiên, với khả năng đi sâu vào từng ngõ ngách tâm lý của nhân vật, và diễn tả tỉ mỉ từng biến động nhỏ nhất trong cơn kinh hãi của hai kẻ chưa-biết-gì, đã lần đầu tiên đưa người đọc bước vào căn phòng đêm tân hôn với hình ảnh chiếc giường hẹp trải ga trắng có bốn chiếc cọc màn được lặp đi lặp lại như một nỗi ám ảnh. Tâm trạng căng thẳng của cả hai nhân vật đều được cụ thể hóa thành những rung động thể chất gây ấn tượng mạnh với độc giả “Edward mỉm cười trong lúc ngả người ra sau, tay vẫn cầm ly rượu vang và gọi với ra sau lưng… nhưng cánh tay cầm ly rượu run run trong lúc anh đang gắng sức kiềm chế niềm hạnh phúc bất ngờ, sự phấn khích của anh” hay “Anh cảm thấy một áp lực kinh khủng thu hẹp những ý nghĩ của mình, ngăn cản lời của mình, và anh đang chịu đựng phiền toái lớn về thể chất - quần ngoài hay quần lót của anh có vẻ đã co lại”, riêng với Florence cảm giác về đêm đầu tiên được đồng nhất với những cơn buồn nôn thể nặng “bất cứ khi nào ý nghĩ hướng về một cái “ghì sát” - cô không thích bất cứ thuật ngữ nào khác - dạ dày cô thắt lại đau đớn và cô thấy tanh tanh nơi cuống họng”. Khốn khổ!
Có điều gì đang xảy ra với hai con người này? Ian Mc Ewan đã tìm lời giải trong quá khứ, nơi người đọc gặp lại cậu bé Edward, con cả trong một gia đình nghèo có người mẹ điên sau một tai nạn và người cha một mình chèo chống mọi việc. Còn Florence lớn lên bên bà mẹ trí thức lạnh lùng xương xẩu và ông bố giàu có và dâm đãng. Trong khi Eward tôn thờ Rock & Roll thì Florence khinh rẻ bà mẹ không biết đến một nốt nhạc, cô theo học trường Cao đẳng âm nhạc Hoàng Gia để trở thành một nghệ sĩ vĩ cầm trong tương lai không xa. Cô tôn thờ những thính phòng lạnh lẽo, những thính giả am tường, nhưng già nua như những hóa thạch với đốt tay sưng vù vì viêm khớp. Edward biết về tình dục như những thìa chất lỏng tự tạo trong chốc lát để thanh thản trở lại với bài vở và công việc nghiên cứu của mình. Florence biết về tình dục qua những cuốn cẩm nang úp úp mở mở, những ký ức mù mờ về nhiều chuyến đi xa với bố năm mười hai tuổi, và cô ghê tởm nó. Hai con người khác biệt tình cờ gặp nhau trong cuộc họp của những người phản đối vũ khí hạt nhân (!), và ảo tưởng lập tức xuất hiện trong ý nghĩ của Edward “Cô mặc một chiếc váy vải bông trắng xòe ra như váy dạ hội, thắt lưng da nhỏ màu xanh da trời khít quanh eo. Trong dây lát, anh nghĩ cô là y tá; một cách trừu tượng và tiện lợi, anh thấy các cô y tá khá gợi tình, bởi họ - anh thích tưởng tượng như vậy - đã biết hết mọi điều về cơ thể anh và những nhu cầu của nó”, và sau này “Anh đã có một lịch sử khá dài đụng độ với tính thẹn thùng của Florence… nhầm lẫn mà coi đó là một kiểu e thẹn, một tấm mạng theo thói thường che đậy khả năng tình dục giàu có”. Florence, trái lại, thích ở bên người đàn ông này như một người bạn, người cha, một tình yêu không gợn chút nhục dục. Ian Mc Ewan dành hơn một nửa cuốn tiểu thuyết mỏng của mình để tái hiện lại trước mắt người đọc bối cảnh thời đại, câu chuyện gia đình riêng rẽ và nỗi ám ảnh quá khứ của mỗi người, trước khi trở lại câu chuyện đêm tân hôn. Và qua sự hồi tưởng ấy, người đọc phần nào hiểu được khác biệt về nguồn gốc xuất thân, những ràng buộc của xã hội và thời đại, bí mật thời thơ ấu, và đặc biệt là sự mải mê chạy theo mẫu hình mình ao ước của mỗi người hơn là cố công tìm hiểu bản chất thực của người kia đã dẫn họ đến đêm nghẹt thở này. Thêm một điểm nhấn cuối cùng, khi Edward không còn đủ sự kiên nhẫn của một chú rể năm 1962, họ vĩnh viễn xa nhau trên bãi biển Chesil, như những viên sỏi cuội tròn trịa nhưng đơn độc, và không bao giờ được kết nối, trên dải đời dằng dặc này.
Một tiểu thuyết mỏng, được viết tốt, đặc biệt ở những đoạn diễn tả tâm lý nhân vật, dù cuốn sách không thật sự hoàn hảo khi sự phân bố độ dài ngắn giữa các chương khiến người đọc khó tập trung nắm bắt được cái mạch chính của tác phẩm, đồng thời tính logic giữa các chi tiết không đủ chặt chẽ để dẫn đến cái kết về một tình yêu tuy đổ vỡ, nhưng sâu nặng và chân thành. Có lẽ, sự hoàn hảo của Trên bãi biển Chesil nằm ở khía cạnh khác, đó là những đoạn tả cảnh như thế này “Một cơn gió đổi chiều hoặc mạnh lên đem lại tiếng sóng vỗ, giống như âm thanh thủy tinh vỡ xa xa. Màn sương đang dâng lên làm lộ ra một phần đường viền những ngọn đồi thấp, lượn phía trên bờ biển càng ngày càng xa về phía Đông. Họ nhìn thấy khoảng mượt mà màu xanh dạ quang - có thể là mặt nước ánh như lụa của chính biển, hoặc của khu phá, hoặc bầu trời - thật khó phân biệt. Ngọn gió nhẹ đổi chiều mang qua cánh cửa chớp khép hờ một sự cám dỗ, mùi hương mằn mặn của oxy và khoảng không rộng mở…”. Không rõ, từ khi Trên bãi biển Chesil ra đời, đã có thêm bao nhiêu người đặt chân lên bãi biển sỏi cuội ấy, vì cuốn sách?
***
Trên bãi biển Chesil chỉ miêu tả vài giờ khắc ngắn ngủi trong đêm tân hôn của hai người mới ngoài 20 tuổi, nhưng lại dồn nén trong đó nhiều suy tư và những trải nghiệm trong cuộc đời lạ lùng này.
Ở đó, vào năm 1962 có một “cơn bão” đã đổ bộ vào đêm tân hôn của Edward và Florence – những con người còn rất trẻ và có học thức. Ðó là cơn bão được tích tụ từ “tính cách và quá khứ của hai người, sự thiếu hiểu biết và nỗi sợ hãi, tính nhút nhát, mẫn cảm, thiếu các quyền hoặc trải nghiệm…”.
Có một câu mà những người trẻ tuổi rất hay gặp trước, trong và thậm chí là sau khi quyết định sẽ gắn bó đời mình với một người nào đó, rằng liệu mình đã sẵn sàng chưa? Những người lớn thường tự nhủ sẽ bằng một cách nào đó giúp con cái không vấp lại những lỗi lầm mình đã từng vấp, khóc lại những giọt nước mắt mà mình đã từng khóc. Nhưng điều tự nhủ đó cũng giống như những quyển sách được xếp vào ngăn “Làm thế nào”, tỉ như Làm thế nào để trở thành một người chồng hoàn hảo? hoặc Bảy bước đi tới một gia đình hạnh phúc – tức là một kiểu chìa khóa không thể mở được hết tất cả các cánh cửa của ti tỉ ngôi nhà trên mặt đất này.
Bởi rất đơn giản là có những điều không trường lớp nào, không thầy cô nào, không sách vở nào, không cha mẹ nào, không bạn bè nào, hoặc thậm chí là không kinh nghiệm đau thương trước đó nào có thể dạy dỗ ta được. Trong một số chủ đề nhất định, mỗi người trẻ – mỗi viên sỏi trong bãi biển rộng lớn của cuộc đời này – sẽ phải đơn độc trong hành trình tìm kiếm và tìm thấy những bài học nào đó bằng việc tự mình trải nghiệm nó.
Và trong hành trình đơn độc đó có một thái độ mà người trẻ rất cần phải chuẩn bị cho mình, chính là sự cởi mở. Cởi mở trước hết là với chính bản thân mình, sau đó đến những người mình thương yêu, và sau nữa là với phần còn lại của thế giới này. Như Haruki Murakami từng đề cập trong Rừng Na Uy – cũng là một câu chuyện về những người trẻ tuổi khác: “Chuyện gì sẽ xảy ra khi người ta cởi mở cõi lòng mình? Người ta sẽ tốt lành hơn”.
Tất nhiên đó không chỉ là điều mà ta có thể cảm nhận được từ cuốn tiểu thuyết mới nhất của Ian McEwan – cuốn sách được vào danh sách đề cử Giải Booker 2007.
Mời các bạn đón đọc Trên Bãi Biển Chesil của tác giả Ian McEwan.