Tựa gốc: A Tale of two cities
Dịch giả: Đăng Thư
Bản dịch khác của Thái Bìng Dương: Người Tử Tù
Người ta nói cứ mười công dân Anh quốc biết chữ thì có một người đọc Charles Dickens và kể lại cho chín người khác cùng nghe. Charles Dickens xứng đáng là tác gia Anh nổi tiếng nhất mọi thời đại với thứ văn chương dễ dàng đi sâu vào đời sống của mọi tầng lớp công chúng. Hai Kinh Thành, được sáng tác vào những năm tháng bệnh tật cuối đời, là tiểu thuyết mà nhà văn tự nhận là hay nhất mình từng chắp bút. Đó là thời tuyệt nhất, đó là thời tệ nhất, đó là thuở thông tuệ, đó là thuở u mê: thiên truyện bất hủ về London và Paris những năm cuối thế kỷ 18 loạn lạc đã hé lộ những góc khuất nhập nhằng giữa lý tưởng ái quốc và lòng hận thù mù quáng, khám phá những mưu mô hận thù cộng sinh cùng tình yêu lý tưởng. Đó là câu chuyện lịch sử đau thương vén màn cho bao thế hệ độc giả không chỉ những sự kiện chính trị xã hội đẫm máu mà còn cả những biến cố trọng đại của bao kiếp người phía sau…
***
"Hai kinh thành" của Charles Dickens hé lộ góc khuất nhập nhằng giữa lý tưởng ái quốc và lòng hận thù mù quáng, khám phá những mưu mô hận thù cộng sinh cùng tình yêu lý tưởng.
Người ta nói cứ 10 người Anh quốc biết đọc thì có một người đọc Charles Dickens và kể lại cho 9 người khác cùng nghe. Có lẽ không quá khi nhận xét rằng “nhà văn quốc dân” Charles Dickens chính là tiểu thuyết gia Anh nổi tiếng nhất mọi thời đại.
Ông là một bộ óc thiên tài, nỗ lực sáng tác miệt mài, nhiệt tâm với công chúng, lòng nhân ái bao la. Tất cả đã hợp lực để đưa ông trở thành một hiện tượng văn chương thời đại.
Trong số những tác phẩm để lại ảnh hưởng sâu rộng như Oliver Twist (1837), A Chrismas Carol (1843), Great Expectations (1861)… thì Hai kinh thành (A Tale of Two Cities - 1859) là tiểu thuyết mà nhà văn tự nhận hay nhất mình từng viết.
Đặt trong bối cảnh cuộc Cách mạng Pháp và Thời kỳ Khủng bố (Reign of Terror) cuối thế kỷ 18 loạn lạc, Hai kinh thành đã hé lộ những góc khuất nhập nhằng giữa lý tưởng ái quốc và lòng hận thù mù quáng, khám phá những mưu mô hận thù cộng sinh cùng tình yêu lý tưởng.
Tinh túy trong câu chữ, sắc bén trong hình ảnh, chan chứa trong ý nghĩa, Hai kinh thành là thiên truyện đau thương nhưng đầy tình người, vén màn cho bao thế hệ độc giả không chỉ những sự kiện chính trị xã hội đẫm máu mà còn cả những biến cố trọng đại của bao kiếp người phía sau.
Để hiểu thêm những góc khuất của một giai đoạn lịch sử loạn lạc, hãy đọc Hai kinh thành. Để đồng cảm cùng những kiếp người khổ nạn, hãy đọc Hai kinh thành.
Để hiểu vì sao Charles Dickens là một tên tuổi vĩ đại, chắc chắn hãy đọc Hai kinh thành.
***
Charles John Huffam Dickens sinh năm 1812 tại Portsmouth, Anh quốc. Ngay từ khi còn nhỏ ông đã phải làm việc vất vả để giúp gia đình. Cuộc sống khổ cực trong nhà máy và những khu phố nghèo đã giúp ông hình thành tư tưởng cho nhiều tác phẩm nổi tiếng về sau.
Được xem là tiểu thuyết gia người Anh nổi tiếng nhất thời nữ hoàng Victoria, sự nghiệp văn chương của Dickens đầy ắp các tác phẩm, các bài báo và rất nhiều buổi diễn thuyết thành công, trong đó tiêu biểu là Oliver Twist (tiểu thuyết, 1837-1839); Nicholas Nickleby (tiểu thuyết, 1838-1839); Bài ca lễ Giáng sinh (truyện vừa, 1843); David Copperfield (tiểu thuyết, 1849-1850); Kỳ vọng vĩ đại (tiểu thuyết, 1860-1861)… Nhiều cuốn sách của ông đã được chuyển thể thành phim, kịch, nhạc kịch, hoạt hình… và đến nay các phiên bản mới vẫn tiếp tục ra đời.
Dickens mất năm 1870 tại hạt Kent, Anh quốc.
Một số tác phẩm của tác giả Charles Dickens được dịch, xuất bản tại Việt Nam:
***
Review tama:
Hơn một trăm năm sau khi cách mạng tư sản thành công, nước Anh bước vào thời đỉnh cao của cách mạng công nghiệp, trở nên bá chủ thế giới. Cùng lúc đó, bên kia biển hẹp, không khí cách mạng sục sôi rộng khắp, một thể chế già cỗi dần đi đến hồi kết, nước Pháp đang thay da đổi thịt. Giữa cơn tao loạn, người chết tái sinh từ lãng quên, mang theo nỗi ám ảnh trải khắp hai kinh thành - một câu chuyện sống động, một ví dụ xuất sắc thể hiện sự bất toàn trong nhân cách con người, và cũng chính vì lẽ đó, nó mô tả vẹn toàn bức tranh nhân loại.
Có thể nói quyền thống trị là một yếu tố quan trọng bậc nhất định hình xã hội loài người. Theo bước tiến văn minh, chúng ta tạo ra vô số công cụ - mà thường hiện diện dưới vỏ bọc đạo lý, tư tưởng - để kiềm toả chính mình, bằng cách này hay cách khác, nhằm duy trì lợi ích của một thiểu số nắm giữ quyền lực. Đến thời điểm nhất định nào đó, khi thế cân bằng bị phá vỡ, cách mạng tất xảy ra. Cách mạng sinh ra bởi ý chí, và từ trong cách mạng, vỏ bọc bị xoá bỏ, bản chất nguyên thuỷ được hé lộ. Về điểm này, nữ công dân Defarge là sáng tạo tuyệt vời của Dickens. Ra đời từ hận thù và được cách mạng nuôi dưỡng, bà Defarge như một quả bom hai màu xanh đỏ, nhập nhằng giữa tình yêu nước và hận thù mù quáng. Bà ta đe doạ nổ tung bất kỳ lúc nào bà ta muốn, rồi cuối cùng cũng nổ, kéo theo nhiều cái chết khác. Defarge đại diện cho những gì u ám nhất của cuộc cách mạng, cho những điều không ai muốn xảy ra nhưng đã xảy ra theo những cách không ngờ nhất, cho bóng tối thẳm sâu trong tâm hồn con người.
Nhưng chớ hiểu lầm, không phải toàn bộ là bi kịch. Với Dickens, ánh sáng và bóng tối luôn song hành. Nếu chết chóc thường trực quanh Defarge, thì Lucie toát lên hào quang cứu rỗi. Nếu hận thù kéo Defarge xa khỏi cõi người, biến bà ta thành cỗ máy giết chóc thì tình yêu của Lucie giúp cha cô vượt qua cơn loạn trí, trở lại làm người. Nếu Defage gieo nỗi kinh hoàng với mỗi đường len, thì bên ngoài nhà giam, Lucie ươm mầm hy vọng. Sự hiện diện của Lucie mang lại cân bằng đáng kể cho Hai kinh thành. Trước bản tính lương thiện của cô, quyền lực của Defarge dường như không thể thắng được, không phải bởi cái ác yếu kém, mà bởi lòng thiện tâm lan toả của Lucie. Sydney Carton, dù bất hạnh, nhưng là minh chứng rõ nhất ảnh hưởng của Lucie.
Dưới con mắt của Dickens, một người chỉ sống ở London thời điểm mấy chục năm sau ngày phá ngục Bastille, những nguyên nhân sâu xa của cách mạng Pháp và triều Bourbon mục ruỗng không được thể hiện trọn vẹn trong Hai kinh thành. Tuy vậy, nhờ điều đó, chúng ta không bị chính trị làm sao nhãng, không quá sa vào nghị trường rối ren, mà vẫn cảm nhận được tinh thần cách mạng trong từng trang sách. Điều này, đến lượt nó, tạo thuận lợi giúp cho ta nhìn nhận toàn diện bức tranh tự sự cùng chân dung nhân vật. Do đó, những người khó tính nhất vẫn có thể có phần cảm thông với Defarge và cả những người dễ tính nhất có thể không đồng tình với Lucie ở vài điểm nhỏ nhặt. Sự bất toàn đẹp như vậy đấy.
Charles Dickens đã có lý khi nói Hai kinh thành là áng văn hay nhất của ông. Tác phẩm được viết rất khéo léo, không kém phần khôn ngoan và hài hước. Muôn tầng ý nghĩa được truyền đạt thành thạo đồng thời Hai kinh thành xây dựng hàng loạt nhân vật hành xử kỳ quặc nhưng cũng rất mực hợp lý và thông qua những nhân vật này, ý chí tác giả len lỏi khắp câu chuyện. Ở Hai kinh thành, Dickens không chủ tâm viết một tiểu thuyết dài dòng, khó hiểu hay phức tạp. Nó đơn giản là tiếng nói cuối đời của ông được cô đọng trên giấy, vì thế, muốn hiểu Dickens, nhất định phải đọc Hai kinh thành.
Ngày nay, lúc văn học đã đi đến hậu hiện đại, không phải ngẫu nhiên mà Hai kinh thành vẫn giữ được sức hút của nó. Vào những ngày trống trải, khi đã quá chán ngấy thế giới lung lay mơ hồ, quá đau đầu vì thời gian phi tuyến tính, quá hụt hẫng với những kết mở ngày càng phổ biến, hay đơn giản quá mệt mỏi để suy nghĩ, hãy quay về văn học kinh điển như Hai kinh thành. Vào những ngày ấy, hãy đọc Hai kinh thành không phải vì kinh điển, mà vì sức cám dỗ trên bề mặt con chữ của nó; hãy để dòng tự sự thuần tuý là động lực duy nhất thúc đẩy ta lật từ trang này sang trang khác, cho đến hết mới thôi.
Mời các bạn đón đọc Hai Kinh Thành của tác giả Charles Dickens.