Với nội dung về thời điểm những năm 1920 của cuộc gặp gỡ của Hadley Richardson với văn hào Ernest Hemingway tại Paris, Người vợ Paris đã tái hiện lại thời khắc đáng nhớ và cuộc tình sét đánh mau chóng đi đến hôn nhân của hai người chênh lệch tuổi tác. Hơn Hemingway 8 tuổi, Hadley đã ở bên văn hào này khi ông bắt đầu theo đuổi nghiệp văn chương. Họ đã trở thành cặp đôi vàng của giới viết lách Paris khi châu Âu vừa qua khỏi cuộc Thế chiến thứ I. Tiểu thuyết cũng khắc họa mối quan hệ của họ với một nhóm văn sĩ nổi danh tạo nên một “thế hệ mất mát” như Gertrude Stein, Ezra Pound và F. Scott Fitzgerald. Mặc dù yêu nhau say đắm, nhưng vợ chồng Hemingway phải đối diện với những khủng hoảng của hôn nhân trong những năm tháng “hội hè miên man” của Paris, nhạc Jazz và rượu mạnh. Câu chuyện gây chú ý bởi đã bám sát những dữ kiện đời thực của Hadley Richardson và đưa ra cách quan sát từ góc nhìn người vợ của một văn hào được mệnh danh là cây bút có ảnh hưởng nhất trong văn học thế giới hiện đại.
“McLain đã viết nên một chân dung đẹp đẽ về việc sống ở Paris vào những năm 1920 hào nhoáng – trong vai trò một người vợ và người đàn bà của một nhân vật đình đám.”
- Entertainment Weekly
***
Cuốn tiểu thuyết Người vợ Paris giống như một hồi ký của Hadley Richardson - người vợ đầu của Hemingway. Truyện được viết dựa trên những tài liệu có thật về giai đoạn cặp vợ chồng sống tại Paris qua cái nhìn của người vợ.
Câu chuyện bắt đầu tại Chicago, Mỹ năm 1920, Hadley là cô gái 28 tuổi, sống khép kín và gần như lỡ thời. Cô là con gái út trong một gia đình có cha tự vẫn. Cô phải tự tay chăm nom người mẹ đau yếu cho tới khi bà qua đời. Hadley gần như không còn hy vọng nào về tình yêu hay hạnh phúc gia đình.
***
Khi cuốn tiểu thuyết Mặt trời vẫn mọc (The Sun Also Rises) ra đời, Hemingway đã có chút ít tiếng tăm; còn Hadley vẫn giữ vai trò người vợ, điểm tựa của ông. Người đàn ông mà bà nghĩ "đầy trách nhiệm và cuốn hút hơn bất cứ ai" đã phải lòng một biên tập viên thời trang. Pauline, biên tập viên cho tạp chí Vogue, làm bạn với Hadley và yêu cầu một quan hệ mở: Ernest vừa có vợ, vừa có tình nhân. Có thời gian cả ba sống chung trong một nhà. Tới năm 1927, Hadley bằng lòng ly dị, với bà tình yêu đã không còn thì chẳng khác gì sống trong một thành phố bỏ hoang.
Kết hợp giữa hiện thực và hư cấu, Paula Mclain đã dựng nên chân dung một Hadley Richardson như một phụ nữ Mỹ tử tế nhất. Bà nhìn rõ, thấu hiểu những thói xấu bên trong con người chồng mình.
Thực tế cho thấy, sau khi ly hôn, Hadley đi bước nữa và có cuộc sống hạnh phúc, nhưng bà vẫn cho rằng Ernest là hoàng tử của lòng bà, và thời kỳ ở Paris vẫn là giai đoạn đẹp nhất. Bà đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn: "Đời sống lúc đó đơn giản, khó khăn mà có hạnh phúc. Đó là thời kỳ mà Ernest hoàn hảo nhất. Tôi có chàng, và chàng có tôi. Chúng tôi đã mang lại cho nhau những gì tốt đẹp nhất".
Hemingway sau Pauline còn có thêm hai người vợ nữa. Trong cuốn hồi ký Hội hè miên man (A Moveable Feast), tác phẩm cuối cùng của Hemingway, ông đã viết về giai đoạn sống ở Paris, về Hadley. Và tác giả đoạt giải Nobel viết: "Tôi thà chết còn hơn yêu ai, ngoài Hadley". Như vậy ở cuối đời, qua bao thăng trầm, trải qua mối quan hệ cùng ba người vợ khác và bao tình nhân, Hemingway mới nhận ra rằng, Hadley là người ông yêu và ông đã thật sự mất bà.
***
Paula McLain là tác giả của hai tập thơ, một hồi ký và hai tiểu thuyết. Tác phẩm Người vợ Paris ra mắt đầu năm 2011 tại Mỹ, nằm trong danh sách bán chạy của tờ The New York Times.
Mời các bạn đón đọc Người Vợ Paris của tác giả Paula McLain.