Hạm đội Tam Thể đã lên đường, bắt đầu hành trình đằng đẵng bốn năm ánh sáng đến miền đất mới. Và con người Trái đất, từ nguyên thủ đến người dân, cũng bước vào chuẩn bị đón tiếp kẻ địch từ vũ trụ bốn trăm năm sau.
Trên Trái đất nơi khoa học đã bị khóa chết, dưới sự giám sát thời gian thực của thế giới Tam Thể, đã nổi lên một kế hoạch vô tiền khoáng hậu: Kế hoạch Diện Bích. Bốn chiến lược gia đại tài, được trao quyền đánh lừa toàn Trái đất vì trọng trách qua mặt người Tam Thể. Nhưng chỉ một trong số đó biết về “Khu rừng đen tối”, bí mật khủng khiếp về bản chất của vũ trụ.
Phần thứ hai tam bộ khúc của Lưu Từ Hân, Khu rừng đen tối là một pho chiến quốc sử kỳ vĩ và kịch tính. Đó còn là một bức tranh gai người về tương lai, khi để sống sót giữa khu rừng đen tối ấy, không chỉ Trái đất đã thay đổi hoàn toàn diện mạo, mà con người cũng không còn giống như con người.
***
Đọc một lèo hết bộ sách ba tập của Lưu Từ Hân, nếu tính từ lúc mới bắt đầu đăng nhiều kỳ trên mạng thì đây là một bộ sách đã hơn mười năm. Phiên bản tiếng Anh của tập thứ ba năm nay lại tiếp tục lọt vào danh sách đề cử của Hugo Awards. Tập đầu tiên đã giành được giải thưởng, tập thứ ba lại vào vòng trong, nói chung đây là bộ sách đáng đọc.
Nhưng cũng phải nói rằng, đọc xong ba tập thì có hơi thất vọng. Tập đầu tiên chỉ là trình bày toàn bộ bối cảnh, khoảng thời gian khá ngắn, nhưng tôi cảm thấy đã phô bày rất tốt, khiến tôi rất muốn biết câu chuyện sẽ phát triển thế nào. Trong cả bộ sách này, tôi cảm thấy chuyện được giải thích kĩ càng nhất, là khái niệm trung tâm của tập thứ hai, nhưng hình như hơi vội vàng, tình tiết vừa phát triển đã bắt đầu giải thích, sau đó liền kết thúc. Đến tập thứ ba, nhịp điệu không nhanh, nhưng có cảm giác tác giả như đổi thành người khác, đối với tôi mà nói thì tập sách này có nhịp điệu không đồng nhất.
Được xếp vào loại “hard” sci-fi, khắc họa nhân vật và tình tiết hơi yếu, nhất là tính cách nhân vật không đủ sức thuyết phục. Nhưng trên phương diện lý luận khoa học và kỹ thuật, thì quả thật khiến người ngoài ngành khoa học tự nhiên như tôi phải hô to quá đã! Với tiểu thuyết giả tưởng và khoa học viễn tưởng thì, phải thể hiện được thế giới quan, những lý thuyết khác bao gồm vũ trụ, thiên văn, vật lý và các loại công trình máy móc khác. Cho dù là loài người có thể ngủ đông rồi thức tỉnh, có thể bắn sóng âm để gửi tin tức ra ngoài vũ trụ, tự tạo ra một thế giới ngoài vũ trụ, thành lập thành phố ngoài vũ trụ; hay là sau đó phá vỡ quy luật vũ trụ, tìm cách khiến cho tốc độ ánh sáng chậm lại khiến cho khoa học không phát triển được nữa, hay là thay đổi kích thước bất đồng: Ba chiều tăng lên thành bốn chiều, hoặc giảm xuống thành hai chiều. Phải tưởng tượng về sự phát triển của khoa học đến mức nào, mới có thể thiết lập được tác phẩm khoa học viễn tưởng khổng lồ đến nhường này?
Đối với tôi thì, khái quát toàn bộ tác phẩm này là: Lý thuyết khu rừng đen tối. Câu chuyện ban đầu là nhân loại định tìm cách đối thoại với người ngoài hành tinh, sau này cũng chứng thực được trừ nhân loại trái đất ra, trong vũ trụ quả thật có những nền văn minh trí tuệ bậc cao khác tồn tại. Trước tiên nói về một số khái niệm, nói ngắn gọn thì trong tiểu thuyết có hai định luật xã hội học vũ trụ: Một là, mục tiêu lớn nhất của tất cả các sinh vật là sinh tồn. Hai là, chất lượng vũ trụ được bảo toàn. Toàn bộ vũ trụ là một khu rừng đen tối, trong khu rừng này, bạn không nhìn thấy tôi, tôi cũng không nhìn thấy bạn, chúng ta đều muốn do thám về sự tồn tại và xác định vị trí của đối phương, sau đó thì? Nếu xác định được đối phương có thiện ý, hoặc chẳng may đối phương mang theo địch ý, phải làm thế nào? Nhìn qua thì, cả thế giới (hoặc phải nói là toàn bộ vũ trụ) là một ván cờ khổng lồ, nhưng sau khi thay định luật xã hội học vũ trụ vào, sẽ phát hiện chỉ có một kết quả: Một khi phát hiện sự tồn tại của đối phương, thì việc đầu tiên cần làm là phải tiêu diệt đối phương.
Nếu bỏ phương diện phát triển các loại khoa học kỹ thuật qua một bên, cả bộ tiểu thuyết có thể nói là một cuộc chiến. Nhưng trong cuộc chiến này, văn minh nhân loại trái đất đối kháng với văn minh Tam thể, thậm chí sau này vượt ra ngoài hệ Mặt trời, là chiến tranh giữa các nền văn minh trong toàn bộ vũ trụ. (Lại nói hôm nay đọc được một bài trên TIME, tựa đề là: Why aliens would (probably) come in peace, nói về cuốn sách mới xuất bản 《Aliens: The World ‘s Leading Scientists on the Search for Extraterrestrial Life》 thảo luận người ngoài hành tinh chắc không phải lúc nào cũng tới tiêu diệt nhân loại như điện ảnh Hollywood vẫn miêu tả.) Cho dù có tin tưởng lý thuyết khu rừng đen tối trong tiểu thuyết này hay không, thì ở cuối tập ba có một đoạn viết thế này: Khi gặp những nền văn minh (giống người) khác, không thể hỏi vấn đề này: “Những thế giới đó ở đâu?” Tôi nghĩ vấn đề này, có thể giải thích cho toàn bộ cuốn tiểu thuyết.
____
Chú thích:
***
** spoiler alert ** Khi mà tại thời điểm này mình không có đủ tiềm lực để đấu lại người ngoài hành tinh, hãy du hành đến tương lai bằng phương pháp ngủ đông :))
Cuốn này mình cảm thấy còn hay hơn tập 1 nữa, chắc là vì La Tập với kế hoạch Người diện bích có một không hai ở giai đoạn đầu :))
Với việc cuốn sách được viết năm 2008 thì quả thật các công nghệ được miêu tả nằm trong kế hoạch của nhóm Người diện bích có tính đi trước thời đại, không chỉ vậy các vấn đề về chính trị liên quan cũng khiến mình không khỏi liên tưởng đến giai đoạn bệnh dịch vừa qua. Nhất là có tình huống La Tập họp từ xa với ban lãnh đạo còn được bảo là có hơi không hợp chính quy nhưng hiện giờ thì xem ra nó đúng y chóc với thực tế :))
Phần khoa học trong cuốn sách này cũng logic và khá hack não không kém gì phần trước đâu, mình rất nôn nóng được triển ngay cuốn 3 để xem các ông thần Diện bích này làm gì khi tỉnh giấc ngủ đông
***
LƯU TỪ HÂN
Sinh năm 1963, người Dương Tuyền, Sơn Tây, là công trình sư cao cấp, một trong những tác giả đại biểu cho dòng tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Trung Quốc.
Tác phẩm tiêu biểu:
- Kỷ nguyên sao băng
- Sét hòn
- Tam thể
***
Kiến Nâu đã quên nơi này từng là nhà nó. Khoảng thời gian đó, đối với mặt đất trong ánh chiều tà và những ngôi sao vừa mọc kia ngắn đến mức có thể bỏ qua không tính, nhưng với nó, lại dài đằng đẵng.
Vào cái ngày đã bị lãng quên ấy, thế giới của nó hoàn toàn đảo lộn. Bùn đất bay đi, một cái khe vừa sâu vừa rộng xuất hiện, sau đó bùn đất lại âm ầm bay ngược trở về, khe sâu biến mất, ở tận cùng cái khe ban đầu ấy xuất hiện một ngọn núi lẻ loi màu đen. Kỳ thực, trên vùng đất mênh mông này, đây là chuyện thường xuyên xảy ra, bùn đất bay đi rồi bay về, khe sâu xuất hiện rồi biến mất, sau đó là một ngọn núi mọc lên, dường như để đánh dấu mỗi lần biến cố xảy ra. Kiến Nâu và mấy trăm đồng loại đưa theo Kiến Chúa may mắn sống sót đi một quãng đường về phía Mặt trời lặn, xây dựng nên đế quốc mới.
Lần này, Kiến Nâu về vùng đất cũ chỉ là tình cờ đi ngang qua trên đường kiếm thức ăn mà thôi. Nó đi tới dưới chân ngọn núi, dùng sợi râu xúc giác chạm vào thứ cao chọc trời ấy, phát hiện ra bề mặt ngọn núi tuy cứng và trơn tuột nhưng có thể bò lên được, nó bèn bò lên phía trên. Nó chẳng có mục đích gì cả, chỉ là một lần nhiễu động ngẫu nhiên của mạng lưới thần kinh thô sơ nhỏ bé kia gây ra. Nhiễu động có thể hiện ra ở bất cứ đâu, ở mỗi nhành cỏ trên mặt đất và mỗi giọt sương trên lá cỏ, mỗi áng mây trên bầu trời và mỗi ngôi sao phía sau áng mây ấy… Mọi nhiễu động đều không có mục đích, song khi một lượng lớn những nhiễu động vô mục đích tập trung lại, mục đích liền xuất hiện.
Kiến Nâu cảm nhận được chấn động của mặt đất, dựa trên độ rung chuyển từ yếu chuyển sang mạnh dần, nó biết trên mặt đất có một thực thể khổng lồ khác đang chuyển động về phía này, tuy nhiên nó không để ý mà vẫn tiếp tục bò lên ngọn núi lẻ loi kia. Trong không gian góc vuông giữa chân núi và mặt đất có một mạng nhện, Kiến Nâu biết đó là thứ gì, nó cẩn thận vòng tránh đám tơ nhện dính trên vách núi dựng đứng, đi qua bên cạnh con nhện đang co hết chân lại lặng lẽ chờ đợi chấn động trên màng tơ ấy. Cả hai đều cảm nhận được sự tồn tại của đối phương, nhưng cũng giống như một trăm triệu năm đã trôi qua trước đó, hai bên không có bất cứ sự trao đổi nào.
Chấn động đạt đến đỉnh điểm liền ngừng lại, thực thể khổng lồ kia đã đến phía trước ngọn núi, Kiến Nâu thấy thực thể này còn cao hơn ngọn núi rất nhiều, che lấp cả một khoảng trời thật lớn. Kiến Nâu chẳng hề xa lạ với loài này, nó biết thứ đó là vật sống, thường xuyên lộ diện ở vùng lãnh thổ này, những khe sâu xuất hiện rồi nhanh chóng biến mất cùng với những ngọn núi mọc lên càng lúc càng nhiều kia đều có liên quan mật thiết đến thực thể đó.
Kiến Nâu tiếp tục bò lên trên, nó biết loài kia thông thường sẽ không đe dọa đến mình - dĩ nhiên là cũng có ngoại lệ. Ngoại lệ này đã xảy ra với con nhện ở phía bên dưới, thực thể kia hiển nhiên đã phát hiện ra mạng nhện vắt giữa mặt đất và ngọn núi, bèn dùng cuống bó hoa đang cầm trên một chi hất đi, con nhện cùng với đám tơ đứt lìa rơi vào bãi cỏ. Sau đó, thực thể kia nhẹ nhàng đặt bó hoa xuống trước ngọn núi.
Lúc này, một chấn động khác xuất hiện, rất yếu ớt, nhưng cũng đang mạnh dần lên. Kiến Nâu biết, một đồng loại khác của thực thể kia đang di chuyển về phía ngọn núi. Cùng lúc ấy, trên vách núi dựng đứng, nó gặp một cái rãnh dài trước mặt, so với bề mặt vách núi thì đáy rãnh này thô ráp hơn một chút, màu sắc cũng khác, có màu trắng xám, nó bò men theo cái rãnh, bề mặt gồ ghề khiến nó leo dễ hơn nhiều. Hai đầu rãnh đều có thêm một rãnh nhỏ và ngắn. Rãnh nhỏ ở đầu bên dưới vuông góc với rãnh chính, rãnh nhỏ ở đầu bên trên thì giao nhau với rãnh chính tạo thành một góc nhọn. Khi Kiến Nâu leo lên trở lại bề mặt màu đen trơn trượt của vách đá dựng đứng, ấn tượng của nó về hình dạng chỉnh thể của cái rãnh này là: “1”.
Bấy giờ, thực thể sống ở trước mặt ngọn núi kia bỗng nhiên thấp đi một nửa, thành ra tương đương với độ cao của ngọn núi, hiển nhiên là “kẻ đó” đã ngồi xuống, trên khoảng trời màu lam sẫm vừa lộ ra ấy, các ngôi sao đã lơ thơ ló dạng. Cặp mắt kẻ đó đang nhìn thẳng vào phần trên ngọn núi, Kiến Nâu hơi do dự, quyết định tốt nhất là không nên tiến vào tầm nhìn của đối phương, bèn chuyển hướng bò song song với mặt đất. Rất nhanh, nó gặp một cái rãnh khác. Nó rất yêu mến bề mặt thô ráp dưới đáy rãnh, vì cảm giác bò trên đó rất dễ chịu, đồng thời màu sắc dưới đáy rãnh cũng làm nó liên tưởng đến những quả trứng kiến xung quanh Kiến Chúa. Bởi vậy nó không ngại quay đầu bò xuống dưới, men theo cái rãnh bò khắp một lượt. Hình dạng cái rãnh này phức tạp hơn, quành trọn một vòng xong lại vươn xuống dưới một đoạn, khiến nó nghĩ đến quá trình sau khi tìm kiếm thông tin về mùi vị rốt cuộc cũng tìm ra được đường về nhà, Kiến Nâu dựng lên hình dạng cái rãnh trong mạng lưới thần kinh của mình: “9”.
Mời bạn đón đọc Tam Thể - Tập 2: Khu Rừng Đen Tối của tác giả Lưu Từ Hân.