Chiến tranh đã gây nên bao nhiêu căng thẳng đau thương và mất mát cho dân tộc Việt Nam ta. Trên con đường giành độc lập thống nhất đất nước, lớp lớp thanh niên đã hi sinh cả cuộc đời, cả tuổi thanh xuân cả những khát vọng tuổi trẻ và tình yêu cho tổ quốc.
Đề tài về chiến tranh vẫn đang cuốn hút tôi. Chiến tranh dù đã lùi xa hơn 40 năm rồi, nhưng nỗi đau nhức nhối về một thời đạn bom còn đó, con người trong cuộc chiến còn đây. Tôi chỉ muốn dựng lại trên trang sách những hình ảnh Biệt động Sài Gòn, một đội quân không quân phục nhưng lại tinh nhuệ vào bậc nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Mỗi cuốn sách là một mảng hiện thực đầy hi sinh và tinh thần quả cảm anh dũng tuyệt vời của Biệt động Sài Gòn được sống lại, để những ai quan tâm tới quá khứ, muốn tìm hiểu truyền thống anh hùng của Miền Nam Thành Đồng Tổ Quốc, hãy tìm đọc nó.
Địa đạo là đường trong lòng đất. Ta đã được nghe đến nhiều, nhất là địa đạo Củ Chi. Nay tôi xin đưa các bạn xuống phía Đông Nam Sài Gòn, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở thế kỷ XX. Tôi gọi là vùng Thủy Đạo, bởi đây là nơi các chiến sĩ biệt động sống trong nước, di chuyển trong sình lầy, nhịn đói chịu khát và biết bao gian khổ hi sinh, chiến đấu với địch vô cùng dũng cảm trong thủy đạo, một đội quân mà có lẽ trên thế giới chỉ ở Việt Nam mới có. Đội quân thể hiện rõ nét nhất cuộc chiến tranh nhân dân, lập căn cứ lòng dân, dân nuôi để sống; đội quân lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn. Ta hãy về thăm nơi những con người chọc trời khuấy nước vùng ven khói lửa, một thời “bám thắt lưng Mỹ mà đánh”, lập ra một thế trận tàng hình trong sình lầy. Chúng ta hãy đến nơi, một thời nước bưng hòa cùng máu đỏ con người!
Cùng với những người trong cuộc chiến, hoài niệm về những gì mà cuộc đời họ đã trải qua, tôi đã viết. Không phải là viết lịch sử nên tôi không thể viết hết được nỗi gian khổ,, tinh thần dũng cảm và những chiến công của quân và dân Thủ Đức, Quận 9, Cánh Đông Nam Sài Gòn; cuốn sách nhỏ này chỉ kể lại được một số trận đánh của đơn vị biệt động ở đây. Dù vậy tôi vẫn mong muốn nó giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau có thêm tư liệu để tìm hiểu lịch sử, tìm hiểu về nơi đã làm nên một khúc tráng ca hào hùng của vùng ven khói lửa.
Xin cám ơn anh Chín Trí (Đại tá Trần Xuân Trí, nguyên đại đội trưởng, chánh trị viên Đội Biệt động Cánh Đông Nam, nguyên Bí thư Liên quận (Quận 9, Thủ Đức) và những đồng đội của anh đã kể cho tôi nghe, đã cung cấp tư liệu để tôi viết cuốn sách : “Thủy Đạo - vùng ven Sài Gòn”, nhân dịp kỷ niệm 40 năm, ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Mã Thiện Đồng
TP.HCM năm 2014
………….…Để bảo tồn lực lượng, có thể căn cứ Liên quận của ta phải tạm thời rút sang Long Thành!
- Nếu dễ mình ở, khó mình đi, dân nghĩ sao! Chắc chắn bà con và cả anh em mình nữa sẽ mất niềm tin!
- Ở lại có trụ được không?
- Trụ được.
- Bám vào đâu mà trụ? Khi phen này chúng kiên quyết “vén sình tróc gốc”…
- Vẫn có chỗ bám.
- Địch đốn hết lá, phá hết lùm, chỗ đâu bám?
- Đốn hết lá ta bám bập dừa.
- Hết bập dừa bám vào đâu?
- Bám gốc ô rô
- Hết gốc ô rô bám vào đâu?
- Bám căn cứ lòng dân, còn dân là ta còn sống!..
……………………
Mời các bạn đón đọc Thủy Đạo Vùng Ven Sài Gòn của tác giả Mã Thiện Đồng.