Sigmund Freud và học thuyết của ông, với độc giả Việt Nam, quen mà chưa thuộc. Bởi vậy, khi nhận định và đánh giá ông, người ta thường rơi vào thái độ cực đoan: hoặc ca ngợi quá đáng, hoặc phủ nhận sạch trơn. Vậy thực chất Freud và phân tâm học của ông là thế nào? Nó có phải là một khoa học hay chỉ là một huyễn tưởng? Việc sử dụng thuyết phân tâm vào các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, nhất là trong nghiên cứu và phê bình văn học nghệ thuật, như thế nào? Có nên coi đó là một phương pháp hay chỉ là một giả thuyết để làm việc?
Để trả lời những băn khoăn trên của bạn đọc, chúng tôi cho dịch và in cuốn Freud đã thực sự nói gì của Stafford-Clark, giáo sư Viện Tâm bệnh học thuộc trường Đại học London. Đây là một cuốn sách tóm tắt theo vấn đề toàn bộ những công trình và những lý thuyết của Freud dành cho người đọc không chuyên môn. Cuốn nhập môn về tư tưởng của Freud này được viết rất sáng rõ và với rất nhiều trích dẫn, đã từng được bạn đọc nước ngoài rất hoan nghênh.
Tuy nhiên, để bạn đọc dễ theo dõi hơn, chúng tôi in Lời nói đầu của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện. Sinh thời, là một thầy thuốc nhi khoa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã nhiều năm nghiên cứu Freud. Bởi vậy, bằng sự trải nghiệm thân và những dẫn chứng Việt Nam, ông đã trình bày thuyết phân tâm một cách sáng sủa và sinh động. Ông còn chỉ ra những điểm khả thủ của học thuyết này và phê phán những chỗ “thái quá” của Freud.
Là một cuốn sách tham khảo, chúng tôi mong muốn sách in ra sẽ giúp bạn đọc nhận chân được học thuyết Freud, mặt được và mặt chưa được của nó, để có những ứng xử đúng đắn trong công tác của mình. Hiểu phân tâm học đã khó, dịch sách về phân tâm học lại càng khó hơn, nhất là việc kiếm tìm những thuật ngữ, từ chuyên môn. Vì vậy, cuốn sách không tránh khỏi thiếu sót. Chúng tôi mong nhận được thư góp ý của bạn đọc để sách được tốt hơn.
NHÀ XUẤT BẢN THẾ GIỚI
***
B.S. NGUYỄN KHẮC VIỆN
Một người sáng đi ra định bắt tay vào một công việc quan trọng. Ra ngõ gặp gái liền quay về, hôm ấy không đi nữa. Đúng là mê tín. Một người thứ hai cũng ra đi, lỡ chân bước hụt tam cấp suýt ngã. Cho là điềm gở cũng không chịu đi nữa. Một nhà “khoa học” cười là mê tín. Nhưng nếu hỏi Freud ông sẽ bảo người này làm đúng. Vì lỡ chân suýt ngã không phải là điềm gở mà biểu hiện một vướng mắc trong tâm tư, cho biết là người kia chưa thực sự sẵn sàng hào hứng bắt tay vào công việc định làm. Sự kiện “lỡ chân” ấy là biểu hiện của vô thức. Freud không phải người đầu tiên nêu lên khái niệm vô thức nhưng là người đầu tiên bày ra cái “thuật” để thăm dò tìm hiểu vô thức và từ đó để chữa những bệnh rối nhiễu tâm lý.
Mời các bạn đón đọc Freud Đã Thực Sự Nói Gì của tác giả David Stafford-Clark.