…Sau khi cuốn Sài Gòn, chuyện đời của phố phần 1 ra đời, thỉnh thoảng tôi lại nhận được email hoặc tin nhắn của độc giả. Có người hỏi về một khu dân cư, một nghệ sĩ, một ngôi chợ, một món ăn đã có từ lâu hoặc có khi là nơi bán áo thun Montagut mà đàn ông Sài Gòn trước kia thích mặc…
Có vài điều tôi biết và trả lời được. Nhưng quả thật có quá nhiều điều tôi không biết về thành phố này. Chẳng ai thực sự biết hết mọi điều về thành phố mình đang sống cho dù đã ở đó cả đời. Điều đó thật dễ hiểu.
Sài Gòn cách nay bốn mươi, năm mươi năm trước là một thành phố luôn sống phập phồng giữa không khí chiến tranh. Nhưng người dân bình thường vẫn họp chợ mỗi sáng, diện áo dài đi chúc nhau mỗi dịp Tết, đổ xô đi học Anh ngữ mỗi đêm, lên giảng đường đại học mỗi ngày nghe các giáo sư giảng bài. Người Sài Gòn gắng gỏi sống, sáng tác nhạc, viết sách giáo khoa dạy lũ học trò, làm báo thiếu nhi chống văn hóa suy đồi và đi làm từ thiện giúp đồng bào bão lụt hay chạy nạn… Điều này khiến tôi liên tưởng đến đoạn văn của hai vợ chồng nhà văn Will & Ariel Durant: “Lịch sử nhân loại như một dòng sông đôi khi đầy máu và xác của những người chém giết nhau, cướp bóc lẫn nhau, mà các sử gia chỉ thường chép những hành động đó thôi. Nhưng trên bờ còn có những người khác cất nhà, làm vườn, nuôi con, làm thơ”. Người dân Sài Gòn đã sống hết mình, trung thực và tận tụy, dạy dỗ con cái và xây dựng tương lai. Có như vậy, khi đã rời xa nơi từng sống, những cư dân Sài Gòn cũ mới giữ được những ký ức êm đềm về một thành phố không thực sự êm đềm trong thời buổi chiến tranh, bắt lính, nhiều lựu đạn cay và pháo kích từ xa…
Sài Gòn đang thay đổi nhanh chóng. Đôi khi cần đánh đổi, phải chịu mất đi những hàng cây cổ thụ, công trình kiến trúc xưa… để phục vụ cuộc sống con người hiện đại được tiện nghi hơn (Không phải cứ ôm ấp quá khứ là tốt, nhưng nếu đối xử với quá khứ một cách trân trọng, thì sự đánh đổi sẽ dễ được chấp nhận hơn). Dù sao, chúng ta đang mất dần những di sản vật chất, không chỉ thế, những ký ức nhiều tầng thời gian về cuộc sống đã qua, với đầy ắp sự kiện sắc màu đang dần trôi tuột đi. Chúng không mấy khi được nhắc tới nữa, dù đó chỉ là một kiểu cách ẩm thực, một khu buôn bán sầm uất, một Hội quán lành mạnh dành riêng cho một giới nào đó. Và các thế hệ sinh sau, không biết những gì đã xảy ra trên mảnh đất mình đang sống, nơi cha mẹ ông bà họ đã nếm trải cả cuộc đời.
Ký ức đáng quý, vì đó là điều còn lại sau bao nhiêu thay đổi không còn nhìn ra. Chúng ta cần vội vàng lên để ghi nhận lại những điều đáng quý như vậy, từ hoài niệm của những nhân vật lừng lẫy hay từ những người bình thường. Chúng ta cần và “hãy giữ gìn ký ức của mình, hãy bảo vệ chúng, vì chúng ta sẽ không bao giờ kể lại được điều mình đã quên đi” như lời của Louisa May Alcott, một tiểu thuyết gia người Mỹ.
Thực hiện cuốn sách này, tôi tiếp tục gặp được những nhân chứng của cuộc sống Sài Gòn cũ. Có người đã hơn bảy mươi, tám mươi, lứa tuổi mà cách nay nửa thế kỷ đã xông xáo trong lĩnh vực của mình, quen với nhiều giới và lui tới nhiều nơi. Tôi trân trọng những nhân chứng sống như vậy và kính chúc các cô bác được trường thọ an vui. Không có mấy ký ức về Sài Gòn xưa, nên tôi muốn góp sức nhỏ để tiếp tục lục lọi, ghi chép, lưu giữ phần nào ký ức của các bậc trưởng niên, và từ kho báo cũ chồng chất bụi thời gian.
Đó là điều tôi muốn chia sẻ với độc giả khi viết cuốn Sài Gòn - chuyện đời của phố phần 2 này.
Phạm Công Luận
(Phú Nhuận 11/2014)
Xin trân trọng cảm ơn:
- Đạo diễn Kha Thùy Châu (Quận 3, TP.HCM)
- Nhà nhiếp ảnh Đinh Tiến Mậu (Quận 3, TP.HCM)
- Nhà nghiên cứu Lý Lược Tam (Huyện Chợ Mới, An Giang)
- Họa sĩ Lê Mộng Lâm (Quận 1, TP.HCM)
- Danh ca Mai Hương (California, Hoa Kỳ)
- Ông Nguyễn Đăng Kha (Texas, Hoa Kỳ)
- Linh mục Nguyễn Hữu Triết (Tân Bình, TP.HCM)
- Linh mục Nguyễn Phú Sơn (Biên Hòa, Đồng Nai)
- Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung (Phú Nhuận, TP.HCM)
- Nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Trọng Cơ (Tân Bình, TP.HCM)
- Bà Tô Ngọc Thúy (Tân Bình, TP.HCM)
- Bà Bùi Thị Quy (Quebec, Canada)
- Ông Nguyễn Minh Anh (Biên Hòa, Đồng Nai)
- Gia đình Bà Nguyễn Thị Nam (Bình Thạnh, TP.HCM)
- Gia đình ông Đặng Ngọc Lịnh (California, Hoa Kỳ)
đã tiếp chuyện, cung cấp tài liệu, hình ảnh giúp tác giả thực hiện cuốn sách.
Đồng thời xin cảm ơn:
- Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt (TP.HCM)
- Nhà báo Phúc Tiến (TP.HCM)
đã góp những ý kiến quý báu trong quá trình thực hiện.
- Công ty Sách Phương Nam, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM đã giúp đỡ để cuốn sách ra đời.
Đặc biệt, xin cảm ơn vợ tôi, Đông Vy, đã luôn đồng hành với tôi trong việc xây dựng ý tưởng, hiệu đính, biên tập, góp ý và trình bày, góp phần quan trọng và quyết định cho việc hình thành cũng như thành công (nếu có) của cả hai tập sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố 1 &
***
Phạm Công Luận sinh năm 1961 tại Sài Gòn.
Hiện làm việc tại báo Sinh Viên Việt Nam - Hoa Học Trò, cơ quan đại diện tại TP.HCM. Anh là tác giả của nhiều tựa sách best-seller, những trang viết của anh tìm được mối giao cảm với bạn đọc bằng chất suy tư của một người từng trải, và sự tinh tế, u hoài, tao nhã trong mỗi lời văn.
Ông còn sử dụng bút danh khác là Phạm Lữ Ân.
Tác phẩm tiêu biểu:
- Những sắc màu Nhật Bản, 1998 (viết chung với Asako Kato) - Nếu biết trăm năm là hữu hạn, 2011 (bút danh Phạm Lữ Ân, đồng tác giả với Đặng Nguyễn Đông Vy) - Những lối về ấu thơ, 2011 (bút danh Phạm Lữ Ân, đồng tác giả với Đặng Nguyễn Đông Vy) - Sài Gòn - Chuyện đời của phố, 2014 (NXB Hội Nhà Văn) - Trên đường rong ruổi, 2014 (NXB Hội Nhà Văn)
Mời các bạn đón đọc Sài Gòn - Chuyện Đời Của Phố (Tập 2) của tác giả Phạm Công Luận.