Cái chết rất dịu dàng bắt đầu khi người mẹ của Simone de Beauvoir (1908 – 1986), nhà văn hiện sinh của những năm 1960, bị té gãy xương đùi, và “cái thân mình ấy, bất thần từ khước hết cả, chỉ còn lại là một cái thân xác chẳng khác gì một cái tử thi. Cái thân xác khổ nhục không còn biết chống cự, để cho những bàn tay chuyên nghiệp sờ mó, thoa nắn, sự sống hình như một thứ noạ tính ngu độn kéo dài ra…
Và qua cuốn tự truyện, tác giả kết luận: “Làm gì có cái chết tự nhiên: không có cái gì xảy ra cho loài người lại tự nhiên mà xảy ra cả, vì sự có mặt của loài người đã đặt cuộc sống thành vấn đề. Tất cả mọi người đều phải chết: nhưng đối với mỗi người lại là một tai ách, mà dù cho người ta biết và chấp nhận, cái chết cũng là một sự cưỡng bách, trái với lẽ thường”.
***
Năm 2006, tự truyện “Yêu và Sống” của Lê Vân ra mắt đã trở thành một cú sốc. Một trong những khía cạnh bị chỉ trích của cuốn sách này là cách Lê Vân viết về cha mẹ cô không giống như những gì người ta vẫn chờ đợi khi một người con viết về cha mẹ. Về phần tôi, đây là cuốn tự truyện hiếm hoi khiến cho ta xúc động đến tận cõi lòng. Bất chấp tình cảm con người luôn có muôn vàn sắc thái, văn hóa Á Đông vẫn luôn mặc định chỉ có một tình cảm duy nhất khi hướng về cha mẹ, đó là yêu kính. Sự “mặc định” này có thể gây ra sự vỡ mộng ở người con vào thời niên thiếu, kéo theo những vết nứt có thể không bao giờ hàn gắn được trong mối quan hệ cha mẹ-con cái.
***
Simone de Beauvoir (1908-1986) là nhà văn, nhà triết học hiện sinh, nhà lý thuyết về nữ quyền và người tích cực tham gia đấu tranh trong các phong trào chính trị - xã hội, nhất là phong trào nữ quyền.
Simone sinh ngày 9 tháng 1 năm 1908 ở Paris trong một gia đình Công giáo. Cha mẹ của Simone là ông Georges Bertrand de Beauvoir, một thư ký pháp lý và bà Françoise Brasseur, con gái của một chủ ngân hàng giàu có. Tuy nhiên sau Thế chiến I, gia đình ông Georges bị phá sản, do vậy Simone và người em gái là Hélène không còn có của hồi môn nên không thể lấy chồng cùng đẳng cấp. Lúc nhỏ, Simone de Beauvoir (từ đây xin gọi tắt là Beauvoir) đã có ý thức tự do và tự lập, không chiu ở chung với gia đình. Năm 14 tuổi, Beauvoir khủng hoảng về tín ngưỡng nên từ đó trở thành một người vô thần cho đến khi qua đời.
Beauvoir vào học triết học ở trường Đại học Sorbonne, Paris. Sau tốt nghiệp, Beauvoir được nhận làm giáo viên ở một trường phổ thông. Năm 1929, trong khi chuẩn bị cho kỳ thi cao học ở trường École Normale Supérieure, Beauvoir gặp Jean Paul Sartre. Beauvoir đã thi đỗ thứ hai sau Sartre. Từ đó, hai người trở thành một đôi tình nhân, nhưng trước mặt người cha của mình, Beauvoir thẳng thừng từ chối lời cầu hôn của Sartre. Mặc dù hai người có một mối quan hệ gắn bó lâu bền, và chính Sartre cũng thừa nhận hai người “chỉ là một”, không chỉ ở sự thống nhất về quan điểm, hoạt động chính trị - xã hội, mà sau khi chết được nằm sát cạnh nhau trong một nấm mồ ở nghĩa trang Montparnasse, Paris, nhưng hai người chưa bao giờ cưới nhau và sống chung với nhau trong một mái nhà, không có con cái với nhau. Tuy nhiên, hai người thỏa thuận cho phép nhau, ngoài “cuộc tình cơ bản” (essential love) giữa hai người, còn có thể tự do quan hệ và có “những mối tình ngẫu nhiên” (contingent loves) với bất kỳ người nào mà mình thích. Có lẽ quan niệm về tự do tuyệt đối của cá nhân không dung hợp được với quan hệ hôn nhân là điều mấu chốt của những nhà triết học hiện sinh từ những ông tổ của nó như Kierkegaard, Nietzche đến những nhà hiện sinh tiêu biểu như Camus, Sartre, Beauvoir, v.v..
Mời các bạn đón đọc Một Cái Chết Rất Dịu Dàng của tác giả Simone de Beauvoir..