Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Có Một Mầm Hoa Đã Nhú Dưới Tro Tàn - Lê Minh Quốc

Lê Minh Quốc không phải là người xa lạ với tôi và có lẽ cũng với nhiều bạn đọc khác nữa vì anh là một nhà báo, một nhà văn, và trước hết, một nhà thơ, bởi vì ngay từ thuở trẻ, anh đã chọn thi ca làm nghiệp dĩ: Tôi chạy theo thơ (2003) và cũng đã có nhiều tác phẩm thơ, tùy bút được xuất bản: Thơ tình Lê Minh Quốc, Thơ tình của Quốc, Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà…

Tôi được quen biết anh khá lâu, có khi là dịp anh phỏng vấn tôi, có khi anh làm MC cho một buổi trò chuyện, một buổi ra mắt sách của tôi…, và tôi vẫn luôn nhìn anh với đôi mắt quý mến lẫn một chút… ái ngại bởi sự cháy bỏng, tràn đầy năng lượng của anh khác với tôi, già nua tuổi tác. Nhưng, một hôm, anh bỗng gọi tôi: “Anh Đỗ Hồng Ngọc ơi, anh viết cho Quốc một bài giới thiệu tập sách sắp in này nhé. Phải là anh viết mới được…”.

Tôi ngạc nhiên lắm. Tôi biết gì về tình yêu, về gái đẹp, về đàn bà… mà viết cho Quốc đây! Nhưng anh không cho tôi kịp từ chối, gởi ngay bản thảo Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn!

Có gì vậy hả Quốc? Sao một người lẫm liệt oai phong, hừng hực năng lượng như nhà thơ Lê Minh Quốc mà bỗng thấy “có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn” vậy?

Cửa đã khép thì khác gì cửa mở

Anh đứng ngoài khép mở của thời gian

Dẫu mở mắt cũng là đang nhắm mắt

Anh thấy mầm hoa đã nhú dưới tro tàn…

(LMQ)

Thì ra… tập sách này của anh cho thấy một Lê Minh Quốc khác. Tưởng rất ngổ ngáo, rạo rực, sôi nổi trong tình yêu; sâu sắc, chặt chẽ trong văn chương nghệ thuật, bỗng trầm lắng xuống, thấy mình “dẫu mở mắt cũng là đang nhắm mắt”…

Và anh quay nhìn lại chính mình. Lắng nghe chính mình. Thứ tiếng nói từ sâu thẳm tự bên trong. Anh viết về quê hương, về mẹ, về người xưa, về cái đẹp, về nếp sống hạnh phúc… Những lời ân cần như vừa tâm tình với chính mình, lại như vừa khuyên nhủ người bạn trẻ vào đời…: Học lại người xưa, Đi là sống một đời sống khác, Sống vui từng ngày, Vui trong hiện tại, Niềm tin tâm linh…

Anh viết về mẹ với tất cả tấm lòng, đọc không thể không rưng rưng: “Còn với tôi, một khuya đẹp trời là lúc mở cửa rón rén vào nhà. Đã quen hơi người, con chó mực không sủa, chỉ quẫy đuôi mừng rỡ. Chân bước rất khẽ, thế mà vẫn nghe một giọng ngái ngủ vang lên trong tĩnh mịch: “Q về đó hả con?”, chỉ trả lời một tiếng: “Dạ”. Không gian lại im ắng lạ thường. Đâu đó đã có tiếng gà gáy. Đêm vẫn tối đen. Bình yên”. (Một ngày rất đẹp).

Rất đẹp vì có mẹ. Bởi vì rồi đây, một khi “Mẹ thành mây trắng đã lâu/ Con về thăm mẹ ngồi đâu cũng buồn”…

Anh viết về chữ hiếu: “Dù đứng ở góc độ nào, ta thấy chữ hiếu đã nhập vào tâm thức người Việt như một lẽ sống vĩnh hằng. Kinh Phật có dạy: “Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác cùng cực không gì hơn bất hiếu” (kinh Nhẫn Nhục), “Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật” (kinh Đại Tập)…

Anh nhìn “cái đẹp” cũng đã khác:

“Cái đẹp là gì nhỉ? Khó có thể có câu định nghĩa hợp ý với cả thảy mọi người, nhưng chỉ trong lĩnh vực thời trang, tôi nghĩ rằng, một khi ăn mặc thế nào mà cảm thấy mình ý tứ hơn, dịu dàng hơn và cũng dễ tạo ra thiện cảm, đó chính là đẹp. Với phụ nữ, sự trở lại của chiếc áo dài truyền thống, dù bây giờ đã ít nhiều có cách điệu đi nữa, là một lựa chọn của nhiều người. Sự lựa chọn ấy cho thấy rằng khi xuất hiện trước đám đông, tự nó đã nói lên các đức tính cần thiết của nữ giới” (Gói mây trong áo).

Đã đến lúc “về thu xếp lại” của một người vừa chớm nghe “gió heo may đã về” chăng, đã đến lúc phải “dọn lòng” chăng? ““Về thu xếp lại” cũng là lúc “dọn lòng” của chính mình, loại bỏ đi những tị hiềm ganh ghét nhỏ nhoi đã giăng tơ nhện từ ngày này qua tháng nọ. Sự u ám ấy, sao không gạt bỏ đi cho nhẹ lòng? Mà trong lòng mỗi chúng ta sự ngổn ngang ấy… ” (Về thu xếp lại).

Đọc Lê Minh Quốc bây giờ, tôi thấy anh đã thực sự chuyển hóa, khác đi với một Lê Minh Quốc tôi quen biết trước đây. Anh thành thực kể rằng khi viết chuyên mục “Sức khỏe cho tâm hồn” ở một tờ báo, anh luôn tự hỏi mình: “Tâm hồn mình có đủ trong sáng, hướng thiện để bàn luận về sự yêu thương trong đối nhân xử thế?”…Và rồi anh nhận ra, xưa, là con người hành động, anh nghĩ“muốn thay đổi phải có sự tác động giáo dục từ gia đình, nhà trường và môi trường xã hội”, nay thì anh đã nhìn ra hạt giống hướng thiện ở trong ta: “Hạt giống hướng thiện ấy mình gieo ngay trong tâm hồn chính mình. Ta sống với với nó, nuôi dưỡng nó…”. Đúng vậy. Chỉ có cách quay về nương tựa chính mình. Cõi Phật không ở đâu xa! Tâm thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh.

Trả lời người bạn đồng nghiệp đặt câu hỏi, anh nói: “Tôi luôn ý thức rằng, những gì viết là điều hằng tâm niệm; hoặc mục tiêu đang hướng tới. Viết cũng là một cách tự giáo dục lấy chính mình”.

Đoản văn, tùy bút của Lê Minh Quốc có lẽ là chỗ tâm đắc của anh, chỗ anh gởi gắm nhiều nhất. Có thể nhiều điều chưa nói ra và nhiều điều chưa nói hết, nhưng nó chân tình và sâu lắng. Thơ, ca dao, tục ngữ… được chọn, câu nào cũng đắt. Và dĩ nhiên, không thiếu chút dí dỏm đáng yêu kiểu Lê Minh Quốc.

Và như thế, hôm nay ta có trong tay tập Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

(Sài Gòn 11.2015)

Mời các bạn đón đọc Có Một Mầm Hoa Đã Nhú Dưới Tro Tàn của tác giả Lê Minh Quốc.