TRẬN đánh sau cùng với quân Pháp là trận ở Huế đêm 23 tháng 5 năm Ất-dậu (1885), quân đội chính qui của triều-đình Việt-nam cũng thất bại nốt.
Thành mất vua chạy.
Bây giờ chống với Pháp chỉ là văn-thân với dân-binh.
Người này đánh một hai trận, nhóm kia giữ được đôi ba năm rồi cũng tan vỡ.
Duy còn một người cố gắng cưỡng lại, triệu tập ít nhiều anh em đồng-chí, rót dầu nhiệt-huyết vào trong cây đèn dân-tộc tự-lập, khêu cao ngọn lửa ái-quốc còn bừng đỏ lên ở một góc Hà-tĩnh – Quảng-bình mười năm sau nữa mới tắt.
Ấy là Phan Đình-Phùng.
Người làng Đông-thái, huyện La-sơn, tỉnh Hà-tĩnh. Phan Đình-Phùng sinh năm Đinh-mùi (1847), dòng dõi nhà nho.
Đông-thái vốn là một làng nổi tiếng nhất trong tỉnh Hà-tĩnh, vì xưa nay có người đậu đạt lớn, làm quan to rất nhiều. Khởi lên từ đời nhà Lê, phát một ông Quận-công, nhà giàu có lớn, hay làm việc phúc-đức, dân trong địa-phương đều được nhờ cậy, cho nên người ta sùng bái lắm, tôn ông là « Kiều Quận-công ».
Đến đời gần đây, làng Đông-thái lại càng đại-phát, thi đậu hay làm quan cũng vậy. Tức như Quận-công Hoàng Cao-Khải, và hai tổng-đốc Hoàng Mạnh-Trí, Hoàng Trọng-Phu, ba cha con hiển-hách một thời ; còn nhớ lúc ông quận Hoàng bày tiệc thọ bẩy mươi, có người mừng câu liễn như vầy đúng lắm : « Con cái một nhà hai tổng-đốc, Pháp Nam hai nước một công-thần ».
Họ Phan thì từ ông Phan Như-Tính, làm tổng-đốc tỉnh Hải-dương hồi còn thuộc về Nam-triều và chính là thầy học của cụ Phan Đình-Phùng cho tới các ông tiến-sĩ Phan Đình-Du, Phan Trọng-Mưu, Phan Huy-Nhuận v.v… đều là người đồng hương và đồng thời với cụ Phan.
Người ta vẫn bảo hai cái thái-cực không gặp nhau. Đằng này chúng ta thấy hai cái thái-cực cùng ở một làng Đông-thái : Họ Hoàng phò-tá Bảo-hộ được vinh-hiển đến tột bậc, họ Phan chống-cự Bảo-hộ cũng quyết-liệt tột-bậc !
Họ Phan, từ thủy-tổ ở đời Lê, truyền đến Đình-Phùng là 12 đời, mà đời nào cũng có người thi đậu lớn, làm quan to, cho nên người ta thuở trước đã từng đặt tên cho xóm họ Phan ở là « Ô-y hạng », tỏ ý là một xóm toàn người đậu đạt cao sang.
Ông thân sinh ra Phan Đình-Phùng là Phan Đình-Tuyển, đậu phó-bảng khoa giáp-thìn (1814) về thời vua Thiệu-trị. Làm quan tới Phủ-doãn phủ Thừa-thiên, sau vâng mệnh vua sai ra Bắc làm chức Tán-lý quân-vụ giẹp giặc ở tỉnh Lạng-sơn, bị tử-trận.
Phan Đình-Phùng có năm anh em đồng-bào.
Anh cả là Phan Đình-Thông, đậu tú-tài, làm Phó-quản-đốc một đội thuyền chiến ; thứ hai là Phan Đình-Thuật, đậu cử-nhân làm Giáo-thọ, thứ ba là Phan Đình-Tuấn mất sớm : cụ tức là thứ tư ; còn người em út là Phan Đình-Vận, đậu Phó-bảng làm Tri-phủ. Cụ lại còn hai em khác mẹ nữa, nhưng không ai thành đạt gì.
Phan Đình-Phùng phu-nhân là con gái một quan-phủ ở làng Thọ-tường cũng thuộc về tổng Việt-yên, lấy cụ sinh ra được bốn người con trai. Về sau, phu-nhân và mấy người con trai lớn, đều mất sớm về bệnh điên, nhằm lúc Phan đang cầm quân kháng-cự binh Pháp ở núi Vụ-quang, cho nên cụ đã có câu than-thở : « Mình sinh gặp phải lúc gia biến, quốc-biến, thê-biến, tử-biến ».
Trong bốn người con trai của cụ, duy có người sót lại là Phan Đình-Cừ có tiếng thông-minh can đảm.
Phan Đình-Cừ tự là Bá-Ngọc, hồi nhỏ theo cụ ở luôn trong quân. Đến năm Bính-thân (1896), nghĩa là sau khi cụ mất một năm, thì trốn đi du-học ở Nhật-bản, đứng vào hạng thanh-niên anh-tuấn trong đám Việt-nam chí-chĩ vong mệnh qua Đông-kinh lúc bấy giờ. Nhiều người tưởng chắc mai sau Bá-Ngọc có thể nối được chí lớn của cha. Nhưng về sau xoay đổi xu-hướng, có lẽ suy nghĩ việc nước không thể cứu lại được nữa, dầu có làm gì, chẳng qua cũng như « dạ tràng xe các biển đông, nhọc lòng mà chẳng nên công chuyện gì », rồi người ta thấy Nguyễn Bá-Trác về trước đưa Bá-Ngọc về sau, quy-thuận chính-phủ Bảo-hộ.
Mời các bạn đón đọc Phan Đình Phùng, nhà lãnh đạo 10 năm kháng chiến (1886-1895) ở Nghệ Tĩnh của tác giả Đào Trinh Nhất.