Sau khi đọc xong quyển “Tôi, charley và hành trình nước Mỹ “, tôi đã phải thốt lên rằng: TÔI YÊU VIỆT NAM!
Chắc mọi người thấy lạ lắm nhỉ? Rõ ràng đây là một quyển sách viết về nước Mỹ cơ mà! Nhưng không, mọi người cứ thử đọc quyển sách này đi rồi mọi người sẽ hiểu tại sao tôi lại nói như vậy. Một quyển sách hay là khi nó truyền cho người đọc một điều gì đó, một sức mạnh tâm linh của cảm xúc chẳng hạn. Và như thế, John Steinbeck đã truyển cho tôi cảm xúc về tình yêu Việt Nam. Hẳn đây là một tác dụng vĩ đại của quyển sách mà ngay đến cả tác giả - người đã viết ra nó cũng không ngờ: nó khiến cho tôi yêu Việt Nam hơn!
“Tôi, charley và hành trình nước Mỹ” không dừng lại ở chữ hành trình, quyển sách vượt xa ý nghĩa của từ ấy. Đó là một cuộc phiêu lưu, một cuộc phiêu lưu mà tác giả phải rong ruổi khắp những nẻo đường từ Bắc Dakota cho đến Nam Texas, từ California quay trở về New York để đi tìm một hài của nước Mỹ thật sự. Mỗi nơi ông lái chiếc Rocinante đi qua là một nét vẻ ngọt ngào, đầy đủ hương vị, âm thanh và màu sắc lên bức tranh mà ông đang ôm ấp, bức tranh mà ông quyết chí phải vẻ ra, đó là bức tranh về nước Mỹ. Mỗi trang văn là những sợi tơ bạc óng ánh của những suy nghĩ chất chứa, tất cả đan lại để tạo nên những chiêm nghiệm sâu sắc và đa chiều về nước Mỹ.
Đọc quyển sách này cũng giống như bật nút bần của một chai rượu vang, nó khơi dậy trong tôi hình ảnh của chính đất nước mình. Và từ đó một khao khác trở thành một gã lang bạt thứ hai được châm ngồi bùng nổ: tôi cũng muốn làm một cuộc hành trình như thế! Tôi thấy đất nước Việt Nam mình thật đẹp, và sẽ tuyệt vời biết bao nếu như được trải lòng ra trên những trang sách. Biết đâu được, nhiều năm về sau có một cuốn sách khác với tên gọi: “Tôi, Charley và hành trình Việt Nam”, nếu như thế thì quả thật là phải cảm ơn quyển “Tôi, charley và hành trình nước Mỹ” vì nó đã khơi nguồn cho tôi cảm xúc này. Và cuối cùng, không nghi ngờ gì hết, đây là một quyển sách hay!
***
John Ernst Steinbeck, Jr. (1902-1968) là một tiểu thuyết gia người Mỹ được biết đến như là ngòi bút đã miêu tả sự đấu tranh không ngừng nghỉ của những người phải bám trên mảnh đất của mình để sinh tồn.
Sinh ra trong một gia đình chủ xưởng bột mì ở Salinas, California, John Steinbeck học ở Đại học Stanford. Thuở thiếu thời, ông phụ giúp việc trong nông trại, thu hái nông phẩm, và chịu ảnh hưởng sâu sắc văn học Hy Lạp cổ điển, Kinh Thánh và văn học châu Âu cổ điển ngay trong những ngày niên thiếu.
Năm 1918 John Steinbeck hoàn thành bậc học trung học. Từ năm 1920 đến 1925 ông chọn môn văn học Anh và sinh vật học hải dương ở trường đại học Standford.
Trong cuộc đời ông đã làm rất nhiều nghề nghiệp khác nhau, đặc biệt là việc hay tiếp xúc với người lao động đã tích lũy những tư liệu hết sức phong phú cho công việc sáng tác của ông sau này.
Tác phẩm đầu tiên gây tiếng vang của John Steinbeck là cuốn Of Mice and Men (1937), dựng nên một câu chuyện bi thảm về hai nông dân ít học thức hằng mong mỏi một mảnh đất cho riêng mình để canh tác.
Tác phẩm được đánh giá cao nhất là The Grapes of Wrath (1939); đoạt giải Pulitzer (năm 1940), dựng nên câu chuyện của gia đình Joad, bị nghèo khó ở vùng hoang hóa Dust Bowl của bang Oklahoma, phải chuyển đến California trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế của thập niên 1930. Quyển tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi, được xem không những là truyện hư cấu nhưng có tính hiện thực mà còn là lời phản kháng xã hội đầy cảm động, đã trở nên một tác phẩm kinh điển trong nền văn học Mỹ.
Là một trong những "tượng đài" văn học từ thập kỷ 1930, Steinbeck lấy chủ đề trung tâm là phẩm giá trầm lặng của những người cùng khổ, những người bị áp bức. Dù những nhân vật của ông thường bị vây bọc trong thế giới thiếu công bằng, họ vẫn giữ mình như là những con người đầy cảm thông và có anh hùng tính, tuy có thể bị khuất phục.
John Steinbeck nhận Giải Nobel Văn học năm 1962.
Ở tuổi 58, sau một thời gian sống ở nước ngoài, nhà văn Mỹ đoạt giải Nobel văn học John Steinbeck quyết định tái khám phá đất nước mình. Ông lái một chiếc xe bán tải có cabin trên thùng xe, cùng con chó Charley rong ruổi khắp nước Mỹ. Đó là một hành trình gần mười ngàn dặm mà John Steinbeck gọi là hành trình “đi tìm nước Mỹ”. John Steinbeck đối diện với nhiều hoàn cảnh,
sự kiện, con người trong suốt chuyến đi. Ông tìm thấy sự đa dạng của người Mỹ và phong cảnh nước Mỹ, nhưng cũng tìm cách khái quát nên những nét chung. Ông cũng phải đối diện với nhiều vấn đề của bản thân, chủ yếu là nỗi cô đơn và vấn đề sức khỏe.
Nhà văn đã luôn đứng về phía những người lao động, đã thấy tổ quốc mình tồn tại không phải ở các địa danh mà trước hết, và quan trọng nhất, ở những con người đã lựa chọn mảnh đất này làm nơi sinh sống và, dù khác nhau, đều chỉ đang cố gắng thực hiện một hành trình tồn tại xứng đáng nhất.
Một số tác phẩm của tác giả John Steinbeck được dịch, xuất bản tại Việt Nam: