Họ là người Việt Nam. Sống trên đất Mỹ.
Họ đã ở đó bao lâu rồi? Điều đó chẳng quan trọng.
Ta chỉ muốn biết: Họ nghĩ gì về nước Mỹ, xứ sở họ đang sống? Họ nghĩ gì về quê hương, nơi họ luôn hướng về?
Bao nỗi lòng chất chứa trong khối óc và trái tim của những người con xa xứ, những trải nghiệm đau thương, những nỗi đau tê tái, kẻ ở lại - người ra đi trong nước mắt, giấc mộng đoàn tụ với gia đình, niềm vui thành công nơi đất khách quê người khắc nghiệt… Tất cả, đều đong đầy, thấm đẫm trên từng trang sách của trong bộ Viết Về Nước Mỹ.
Ta sẽ thấy ở họ - những đồng bào ruột thịt của chúng ta - sống những chuỗi ngày mệt óc lẫn lao lực để kiếm tiền, với mong muốn nhỏ nhoi đánh đổi nó để lấy một bữa cơm hạnh phúc giản đơn trong cuộc sống.
Ta sẽ cảm nhận được rằng cái lạnh của tiết trời thật ra chẳng thấm thía gì so với cái lạnh trong tâm hồn người ra đi. Nó bén như một con dao sắc ngày ngày cứa lấy trái tim họ.
Luôn có một cái gì đó nghẹn ngào dâng lên nơi sóng mũi khi chứng kiến những Việt Kiều con vui mừng nhảy cỡn la lên: "Thoát khỏi Việt Nam rồi! Thoát Việt Nam rồi!" Còn có thể mong đợi gì lúc chúng lớn lên, học hành thành tài rồi về giúp đỡ quê hương đất nước?
Và chua chát thay khi có một thứ Tiếng Việt lai căng như thế này: "Anh chỉ báo cáo chậm một ngày là tôi do something rồi. Nhưng mà OK. Anyway tôi cho anh một cái chance. OK để anh try. OK cho next time. Ok?"
Nhưng, những khía cạnh trong đời sống trên đất Mỹ đâu chỉ có thế. Cái tình người Mỹ còn dạy cho họ những bài học quý giá, thậm chí cưu mang bao cuộc đời dang dở của những kẻ tha phương. Để khi nhắc lại về người Boss cũ, về cậu bé da đen ở quán kem, hay về chính đất nước tự do này, họ lại thầm cảm ơn và tự hào khôn xiết.
***
Trước đây, tôi là một Hướng Đạo sinh.
Nhớ lại ngày đó, mỗi sáng chủ nhật mặc vô bộ đồng phục Hướng Đạo, cài cây gậy vào xe, tôi náo nức đạp thẳng một mạch tới vườn Tao Đàn để họp đoàn. Cuộc đời và sinh hoạt hào hứng của đoàn thể Hướng Đạo, tôi hẹn các bạn trong một bài khác. Hôm nay, tôi muốn nói đến một lý do khác, không Hướng Đạo chút xíu nào hết, nhưng cũng khiến tôi rất háo hức mỗi sáng chủ nhật đạp xe đến vườn Tao Đàn: Bột chiên.
Bạn có biết ở vườn Tao Đàn có một xe bán bột chiên ngon nhất thế giới của ông Tàu già không? Những ngày khác ông bán ở đâu không rõ, nhưng mỗi chủ nhật là ông có một chỗ cố định trong vườn Tao Đàn bán cho những Hướng Đạo sinh sinh hoạt chung quanh. Xui làm sao, chỗ ông bán kế bên chỗ tôi họp đoàn. Cho nên, duyên tình định mệnh của tôi cũng bắt đầu từ đó.
Chỉ có hai giá tiền ở xe bột chiên này: 50 đồng cho dĩa có trứng và 30 đồng cho dĩa không trứng, nhưng bột chiên thì nhiều bằng nhau. Mỗi sáng chủ nhật đi họp, tôi được 30 đồng ăn sáng, tức là vừa vặn một dĩa bột chiên không trứng. Tôi chưa bao giờ sang đủ để kêu một dĩa bột chiên có trứng mặc dù cũng thèm lắm. Thỉnh thoảng tôi cũng giầu đủ 50 đồng để ăn trứng đó chớ, nhưng mà mỗi lần như vậy tôi đều ráng kiếm… 10 đồng nữa để chơi luôn hai dĩa không trứng cho nó sướng cái bụng. Cho nên, nếu không nhờ một biến cố xảy ra trong đời, thì không biết đến chừng nào tôi mới biết bột chiên có trứng nó khác với bột chiên không trứng thế nào.
Xe bột chiên ngon như vầy dĩ nhiên là đắt. Khi nào cũng có người ăn và kẻ chờ. Vấn đề là ông Tàu chỉ có thể xếp khoảng gần chục cái ghế nhỏ chung quanh xe. Không đủ. Lâu lâu tôi cũng phải đứng chờ. Tôi để ý có một cô bé nữ Hướng Đạo cái đoàn bên cạnh hình như tuần nào cũng qua ăn bột chiên. Ô không, bạn đừng có nghĩ… xa quá oan uổng cho tôi lắm. Lúc đó tôi chưa biết yêu đâu. Tôi còn nhỏ, mà cô bé Hướng Đạo này xem ra còn nhỏ hơn tôi nữa. Nó ốm tong, tóc thắt đuôi gà, và hình như… hơi đen (sau này lớn lên tôi mới biết chữ da bánh mật!). Vậy đó, nó không có gì đặc biệt. Nhưng tôi lại để ý đến “nó” vì tôi… ganh.
…
Mời các bạn đón đọc Viết Về Nước Mỹ - Nợ Tình Một Món Trứng Chiên.