Thời bao cấp trong mỗi người lớn tuổi là một cảm xúc khác nhau, Có người nhớ về như một giai đoạn lạc hậu và bảo thủ, người cho đó là thời của những ấu trĩ hồn nhiên, đáng trách nhưng không đáng giận. Nhà văn Ngô Minh đã làm “sống lại” thời bao cấp - một giai đoạn phát triển của đất nước sau chiến tranh – với cái nhìn riêng, vừa buồn cười vừa cay đắng, vừa giận vừa thương, vừa muốn quên đi vừa không thể không nhớ.
Giáo sư Trần Văn Thọ viết về tình trạng kinh tế 10 năm đầu sau chiến tranh: "Mười năm sau 1975 là một trong những giai đoạn tối tăm nhất trong lịch sử Việt Nam. Chỉ nói về mặt kinh tế, là một nước nông nghiệp (năm 1980, 80% dân số sống ở nông thôn và 70% lao động là nông dân) nhưng Việt Nam thiếu ăn, nhiều người phải ăn bo bo trong thời gian dài. Lượng lương thực tính trên đầu người giảm liên tục từ năm 1976 đến 1979, sau đó tăng trở lại nhưng cho đến năm 1981 vẫn không hồi phục lại mức năm 1976. Công thương nghiệp cũng đình trệ, sản xuất đình đốn, vật dụng hằng ngày thiếu thốn, cuộc sông của người dân vô cùng khốn khó. Ngoài những khó khăn của một đất nước sau chiến tranh và tình hình quốc tế bất lợi, nguyên nhân chính của tình trạng nói trên là do sai lầm trong chính sách, chiến lược phát triển, trong đó nổi bật nhất là sự nóng vội trong việc áp dụng mô hình xã hội chủ nghĩa trong kinh tế ở miền Nam… Nguy cơ thiếu ăn kéo dài và những khó khăn cùng cực khác làm phát sinh hiện tượng "phá rào" trong nông nghiệp, trong mậu dịch và trong việc quyết định giá cả lương thực đã cải thiện tình hình tại một số địa phương”.
***
Tôi thuộc thế hệ sinh ra, lớn lên và sống trọn vẹn trong thời bao cấp, thời của những tấn bi hài cười ra nước mắt. May mắn đất nước đã vượt qua thời ấy gần 30 năm. Chuyện thời bao cấp bây giờ nghe như kể chuyện cổ tích. Vâng, nó chính là “cổ tích” của một thời. Cổ tích từ thế giới lam lũ, khốn khổ mà cha ông của lớp trẻ hôm nay đã từng trải qua, đã từng chịu đựng, đã từng gồng mình lên để sống. Phải kể lại để lớp trẻ thấy ý chí của cha ông đã vượt qua cái cũ, cái lỗi thời, vượt qua cơ chế luật lệ hà khắc đã ngáng đường đi lên của mình như thế nào.
Mỗi người có những kỷ niệm riêng về thời bao cấp của mình. Người cho đó là thời dễ sợ, thời của những lạc hậu và bảo thủ. Người cho đó là thời của những ấu trĩ hồn nhiên, đáng trách nhưng không đáng giận. Người lại cho đó là thời dễ thương, đói nghèo nhưng ấm áp. Tôi chứng kiến thời bao cấp với cái nhìn của riêng tôi, vừa buồn cười vừa cay đắng, vừa giận vừa thương, vừa muốn quên đi vừa không thể không nhớ.
Ở đời có những thứ phải nhớ để không bao giờ lặp lại, trước khi chôn sâu vào dĩ vãng. Tôi viết cuốn tự truyện này để nhắc lại với bạn bè, người thân và gia đình tôi cái thời thật đáng ghét – thật đáng thương, thật đáng quên – thật đáng nhớ, giữa ngổn ngang những bi hài cay cực là những tấm lòng “sống để yêu nhau”. Tôi muốn gửi tới các con tôi và bạn bè của chúng, thế hệ 7x, 8x, 9x cái thời mà cha ông họ đã sống để họ yêu thêm thế hệ đi trước và tránh cho được những gì mà thế hệ trước đã lầm lạc.
Cuốn sách mà các bạn cầm trong tay là kí ức của riêng tôi, nó không thể đại diện cho kí ức của tất cả những ai đã sống trong thời này. Các bạn hãy xem đây là thời bao cấp dưới cái nhìn của tôi, trong trí nhớ của tôi mà thôi. Với người khác sẽ là cái nhìn khác, kí ức khác.
Cuối cùng xin thưa, để các bạn trẻ có thể hình dung thời bao cấp như thế nào, trong cuốn sách nhỏ này, tôi đã đưa rất nhiều ảnh thời bao cấp. Những bức ảnh được sưu tầm từ bạn bè, báo chí và Internet mà tôi không thể biết tác giả. Xin cáo lỗi và cảm ơn các nhà nhiếp ảnh đã để lại cho đời những bức ảnh đáng nhớ của một thời đáng quên này.
Ngô Minh
Mời các bạn đón đọc Sống Thời Bao Cấp của tác giả Ngô Minh.