Tôi biết phải nói gì về "Say Ngủ" đây, khi tất cả mọi cảm quan tuyệt diệu, mọi khứu giác, thính giác, vị giác đều được khai phá kiệt cùng khi đọc quyển say này. Cũng như tất cả tác phẩm khác của Banana, ngôn ngữ trong "Say Ngủ" dịu dàng đến mức bạn có cảm giác phải lật cuốn sách thật nhẹ nhàng, dịu dàng để không đánh thức tâm hồn mình, để không vội tỉnh giấc trong mối giao cảm với từng nhân vật trong truyện.
Một cuốn sách ma mị. Tôi chỉ có thể nói được vậy với bạn. Nó huyễn hoặc ngay khi bạn đặt từng bước chân vào con chữ đầu tiên, và khi đã đọc rồi bạn không tài nào hình dung nỗi liệu mình đang ở đâu, sáng hay tối, ngày hay đêm, tỉnh giấc hay vẫn còn mộng mị?
Những độc giả từng đọc Banana sẽ lập tức nhận ra những nhân vật mang vết thương tinh thần nặng nề. Đó là Terako, cô gái trốn tránh bế tắc trong tình yêu với một người đàn ông có vợ đang sống thực vật suốt một năm (Say ngủ). Là Marie đang chống chọi với nỗi đau người yêu thiệt mạng vì tai nạn giao thông khi anh này đang tới chỗ hẹn hò (Lữ khách giữa hai màn đêm). Mizuo, dẫu đang tựa trên một bờ vai khác vẫn chưa nguôi ngoai cuộc tình tay ba nhuốm nỗi ê chề: hai cô gái cùng bị một gã đàn ông chả ra gì quyến rũ rồi gạt bỏ (Một trải nghiệm)…
Những cô gái trong Say ngủ có tâm hồn thật mềm mại, vì thế nên sống ủy mị. Họ phó thác cho tự nhiên cứu rỗi bằng những giấc ngủ với đủ hình thái khác nhau. Terako rơi vào những giấc ngủ triền miên để quên đi thực tại mà cô chả có cách gì thay đổi. Marie hụt hẫng trong những giấc mơ như có thực để gặp lại người yêu. Mizuo lạ lùng hơn, hút vào những cơn mộng du để gặp lại tình địch cũ mới qua đời.
Điểm đặc biệt, những tổn thương, mong manh như thế khiến người ta có thể rơi nước mắt, song lại không nhuốm sự bi quan, phản ứng bất bình sau những gì không mong muốn xảy đến. Bởi trong khoảnh khắc đó, cái tôi yếu đuối nhưng xiết bao chân thật được hiện diện ở những người phụ nữ bất hạnh này. Họ đẹp một cách lạ lùng, dẫu rơi vào nỗi đau, sự cô đơn, họ vẫn tự mình đối diện với nó. Thứ tâm lý mỏng mảnh mà trong suốt ấy khiến độc giả cảm nhận, dường như mình chạm tới nỗi đau.
Khi bạn đọc, bạn sẽ nhận ra ngôn từ sao mà đơn giản, nhưng lại có sự nhuần nhuyễn của con chữ, gây nên một khoái cảm lạ lùng, buộc phải đọc từng trang từng trang, giống như một liều thuốc phiện, ngấm từ từ đến khi bạn ngây ngất trong mộng mị. Và, tôi xin được trích dẫn lời của một BTV, nếu bạn cả gan đọc cuốn sách này vào ban đêm, thì hãy chuẩn bị đi, bạn sắp sửa bị lôi vào một giấc ngủ triền miền không thể cưỡng lại được.
***
“Tập truyện ngắn Say ngủ đã bộc lộ đầy đủ tài năng văn chương của Banana Yoshimoto, điều đã khiến cô trở nên một hiện tượng xuất bản.” – The Independent
“Diễm lệ, siêu thực… Say ngủ mang độc giả tới một xứ sở khác, nơi tràn trề sức sống và dưỡng khí.” – New York Daily News
“… Đọc Banana Yoshimoto giống như hành trình tới Nhật Bản. Ngôn từ, tựa như những khoảng trống, thật quý giá và không mảy may bị lãng phí.” – Raleigb News & Observers
***
Nữ tác giả Banana Yoshimoto tên thật là Mahoko Yoshimoto sinh ngày 24.7.1964, là con gái của triết gia Nhật nổi tiếng Takaaki Yoshimoto. Banana Yoshimoto tốt nghiệp ngành Văn tại trường Nihon University, tại đây cô đã lấy bút danh là “Banana”, cái tên mà theo cô là rất “chúa” và “lưỡng tính”. Trong khi làm bồi bàn tại một hàng ăn vào năm 1987, Banana Yoshimoto bắt đầu sự nghiệp viết văn của mình. Kitchen, cuốn tiểu thuyết đầu tay của cô ngay lập tức trở thành một hiện tượng lớn với hơn 2,5 triệu bản sách được tiêu thụ, và đã tái bản trên sáu mươi lần tại Nhật Bản. Báo chí gọi đó là “Bananamania” (Hội chứng Banana). Đã có hai bộ phim truyền hình được chuyển thể từ Kitchen: một phim truyền hình ở Nhật, và một bộ phim khác, lớn hơn nhiều, được Yim Ho (Nghiêm Hạo) sản xuất ở Hồng Kông năm 1997. Kitchen cũng được một loạt các giải thưởng văn học như Kaien Newcomer Writes Prize năm 1987, Umitsubame First Novel Prize, Best Newcomer Artists Recommended Prize của Bộ Giáo dục, và Izumi Kyoka Literary Prize cùng vào năm 1988… Sau Kitchen, Banana đã bán trên sáu triệu bản sách tại Nhật Bản và đã trở thành một tác giả nổi tiếng trên toàn thế giới với hàng loạt các tác phẩm như N.P, Lisard, Asleep, Goodbye Tsugumi, Amrita, Sly, Argentina Hag, Hardboiled and Hard luck… trong đó Goodbye Tsugumi (tạm dịch: Vĩnh biệt Tsugumi) đã được dựng phim và đoạt Yamamoto Shugoro Literary Prize năm 1989, tiểu thuyết Amrita cũng được trao Murasakishikibu Prize năm 1994. Đến nay tác phẩm của Banana Yoshimoto bao gồm mười hai tiểu thuyết và bảy tập truyện ngắn. Hiện tại, Banana Yoshimoto đã lập gia đình và sống ở Tokyo. Khá khiêu khích, nữ tác giả còn phát biểu rằng tham vọng lớn nhất của mình là đoạt giải Nobel Văn học.
Mời các bạn đón đọc Say Ngủ của tác giả Banana Yoshimoto.