Marjorie Kinnan Rawlings sinh ngày 8 tháng 8 năm 1896 trong một gia đình trí thức. Cha bà, ông Frank. R. Kinnan là một luật sư.
Từ nhỏ Marjorie Kinnan đã yêu thích văn học. Sau khi tốt nghiệp Trung học, bà học khoa văn trường Đại học Wisconsin, đỗ Cử nhân văn chương năm hai mươi hai tuổi (1918). Năm sau, bà kết hôn với Charles Rawlings và trở thành M. K. Rawlings.
“Người ta không thể sáng tác văn học với một vốn sống quá sơ sài.” Nghĩ vậy, M. K. Rawlings đã dành hẳn mười năm để tích lũy những hiểu biết về cuộc sống. Bà làm việc cho ba tờ báo lớn và sau năm năm đã trở thành một phóng viên có uy tín, cung cấp những bài chủ chốt cho các tờ báo đó từ năm 1925 đến 1927.
Năm 1928, bà thôi nghề báo. Lúc đó, chẳng những bà đã tích lũy được một vốn sống phong phú mà còn có một sự dư dật về tài chính do nghề làm báo đưa lại.
Bà mua một trại trồng cam rộng bảy mươi hai mẫu Anh với bốn ngàn gốc cam ở bang Florida, sống biệt lập tại đây và giành toàn bộ thời giờ cho sáng tác văn học.
Trong những năm đầu tiên của sự nghiệp sáng tác, bà đã viết nhiều truyện, được đăng, nhưng… không được ai chú ý.
Phải năm năm sau, năm 1933, khi truyện Có một cô gái trẻ của M. K. Rawlings ra đời, dư luận mới bắt đầu quan tâm đến bà. Truyện đã đưa lại cho bà giải thưởng Tưởng niệm O. Henry.
Cùng năm đó, bà hoàn thành cuốn tiểu thuyết Dưới vầng trăng phương Nam. Cuốn sách đã gây được một âm vang trong nền văn học Mỹ.
Bà được tặng giải Pulitzer về văn xuôi.
***
Sống giữa những người chủ trại nhỏ ở vùng Florida, luôn luôn phải nỗ lực để giành giật đất đai với rừng hoang và đầm lầy, giành giật mùa màng với dã thú, M. K. Rawlings hiểu thấu cuộc sống cùng những nhọc nhằn và khát vọng của họ. Cuốn Jody và con hươu non1 ra đời trong khung cảnh này.
Cậu bé Jody Baxter sống với ba má ở một trại nhỏ, hẻo lánh và nghèo nàn. Cả gia đình cậu phải vất vả mới kiếm được đủ ăn, đủ mặc và trông giữ được mùa màng. Họ sống chủ yếu bằng trồng trọt và nghề săn.
Một bữa, người cha đi săn bị rắn độc cắn. Ông phải giết một con hươu mẹ, lấy gan đắp để hút nọc độc ra khỏi vết thương.
Hươu mẹ để lại một con hươu non. “Thật là vô ơn, nếu để mặc con hươu non chết trong rừng vì đói khát.” Jody đã xin ba má đưa con hươu non về nhà.
Từ đấy Jody có bạn: chú hươu non lông đốm sao, đuôi trắng toát, mắt to tròn – đứa con côi cút của Rừng Hoang – lúc nào cũng theo sát bên Jody, chia sẻ với cậu bé mọi nỗi vui buồn.
Jody tưởng rằng tình bạn mới mẻ của nó với chú hươu non sẽ dài lâu đến suốt đời. Nhưng con hươu non lớn dần lên. Nó không còn là một con vật bé bỏng yếu ớt, thích được vuốt ve và chịu giam hãm ở trong nhà. Nó khao khát chạy nhảy, khao khát tự do.
Bi kịch bắt đầu từ đó. Con hươu non đã hai lần gặm trụi ruộng ngô. Gia đình Baxter có nguy cơ thiếu đói. Người ta bắt buộc phải tìm một cách giải quyết cứng rắn với chú hươu non, mặc dù Jody kịch liệt phản đối.
Cậu bé bỏ nhà ra đi, dấn thân vào một cuộc phiêu lưu gian khổ, lòng đầy trách hận. Nhưng cậu đã biết thế nào là bơ vơ, cậu đã đọ sức với cái Đói và hiểu rằng: Cuộc sống thật là tươi đẹp song không dễ dàng. Muốn sống được, con người không thể thiếu lòng nhân hậu nhưng cũng không thể mềm yếu.
Hiểu ra điều đó, Jody trở về trong lúc người cha đau ốm đang tuyệt vọng chờ mong.
***
Ra đời năm 1938, chỉ một năm sau cuốn Jody và con hươu non đã đưa lại cho M. K. Rawlings giải thưởng Pulitzer lần thứ hai. Người ta đánh giá: Jody Baxter, nhân vật chính của cuốn sách này là nhân vật duy nhất cho tới nay trong văn học Mỹ có thể sánh ngang tầm với nhân vật Huckleberry Finn của nhà văn Mark Twain.
Cuốn sách đã được đưa vào Trích giảng văn học dùng trong các trường Trung học Mỹ vì giá trị văn học và giá trị nhân bản: “Nhân vật Jody Baxter và người cha của chú bé là hiện thân của lòng nhân hậu và tính quả cảm, hai đức tính rất cần thiết cho con người trong cuộc sống công cộng và trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên.”
Sau cuốn Jody và con hươu non. M. K. Rawlings còn viết nhiều tiểu thuyết khác, trong đó có cuốn Nơi những nhánh sông gặp nhau, cuốn tiểu thuyết xuất sắc thứ hai viết về cuộc sống của những người trại chủ nhỏ vùng Florida.
M. K. Rawlings mất năm 1953. Nhờ các tác phẩm của bà, M. K. Rawlings được kết nạp là thành viên của Học viện Văn học quốc gia Mỹ.
Người dịch
Mời các bạn đón đọc Jody Va Con Hươu Con của tác giả Marjorie Kinnan Rawlings.