Trạm thu phí quái lạ là một tiểu thuyết phiêu lưu với câu chuyện cổ tích hiện đại được viết bởi Norton Juster và phần minh họa của Jules Feiffer, xuất bản lần đầu vào năm 1961.
Đây là câu chuyện về Milo, một cậu-bé- chán-chường, luôn uể oải và chẳng thấy cuộc sống của mình có gì thú vị. Lúc ở trường, cậu chỉ mong sớm được ra về, và khi về rồi cậu lại chỉ mong được đến trường. Trên đường đi cậu nghĩ đến lúc về nhà, và khi về nhà cậu lại nghĩ đến chuyện ra ngoài. Đến bất kỳ nơi nào cậu cũng ước được đến một nơi khác, và khi đến đó rồi thì cậu lại tự hỏi mình muốn đến đây để làm gì. Không có gì thực sự làm cậu quan tâm – nhất là những thứ mà lẽ ra cậu phải quan tâm. Tệ hơn cả, cậu chẳng có việc gì để làm, chẳng có chỗ nào muốn đi, và chẳng có thứ gì muốn xem cả.
Một hôm, khi từ trường về, cậu thấy trong nhà có một gói hàng kỳ lạ. Mở ra xem, cậu phát hiện bên trong là một trạm thu phí đường cao tốc. Tò mò, cậu lái chiếc xe ô tô đồ chơi qua trạm thu phí, và bước vào một thế giới hoàn toàn vượt xa những gì cậu tưởng tượng, đến với những vùng đất chưa bao giờ có tên trên bản đồ…
Hành trình ấy thay đổi Milo, từ cách nhìn của cậu về thế giới, đến thái độ với mọi thứ. Cậu nhận ra có những thứ để mình sáng tạo, mày mò, xây dựng, phá vỡ, và đủ mọi điều bí ẩn và kỳ lạ mà cậu chưa hề biết tới – những bản nhạc cậu có thể chơi, những bài hát cậu có thể ngân lên, những thế giới cậu có thể tưởng tượng ra để một ngày kia biến chúng thành hiện thực.
***
Như hầu hết mọi điều tốt đẹp từng xảy ra trong đời tôi, Trạm thu phí quái lạ được viết khi tôi đang cố né tránh một việc khác – một việc đáng ra tôi phải làm. Có một số người như vậy đấy. Tôi là một trong số ấy.
Để tôi nói cho rõ.
Khi giải ngũ năm 1957, tôi tới thành phố New York và bắt đầu làm việc tại một văn phòng kiến trúc, lấy thêm kinh nghiệm cần thiết để một ngày nào đó có thể trở thành kiến trúc sư. Đó là tôi trong đời thực, là cách tôi nhìn nhận bản thân. Nếu bạn lay tôi tỉnh dậy giữa đêm mà gặng hỏi xem tôi là cái gì, thì tôi sẽ buột ra “kiến trúc sư” trước khi nói là “nhà văn” hay “giáo viên” hay bất cứ gì khác. Điều đó không có nghĩa là tôi coi việc viết lách hay dạy học kém quan trọng hơn. Cả hai đều rất quan trọng với tôi. Nhưng kiến trúc mới là thứ đã định hình cách nhìn của tôi với thế giới và cách tôi kích hoạt các ý tưởng.
Trong khi làm việc tại New York (1958-1959), tôi trở nên rất quan tâm tới cách con người nhìn nhận và trải nghiệm môi trường của họ – điều gì khiến cho người ta cảm thấy một chỗ là tốt đẹp hay tồi tệ, cách chúng ta xây dựng các thị trấn và thành phố của mình ra sao. Tôi chợt thấy làm một quyển sách cho trẻ em về điều này sẽ thật hay ho và hữu ích. Xét cho cùng, chính ý thức và các mối quan tâm của trẻ em sẽ ảnh hưởng tới môi trường của chúng ta trong tương lai. Nhận được tài trợ để viết một cuốn sách về nhận thức và quy hoạch đô thị, tôi bỏ việc và hào hứng bắt tay vào một lượng nghiên cứu khổng lồ cần thiết cho một dự án như vậy. Tôi nhanh chóng phát hiện ra chân lý trong câu châm ngôn cũ: “Khi Chúa muốn trừng phạt ngươi, người sẽ ban cho ngươi nhiều mong ước.”
Sau khi làm việc nhiều tháng, tôi bị choáng ngợp và thấy kiệt sức, vậy nên tôi quyết định đi nghỉ, ra biển vài tuần, và chỉ đi trên cát. Và, dĩ nhiên, để ngừng suy nghĩ về quy hoạch đô thị, tôi phải nghĩ về một thứ khác. Trong lúc lang thang, tôi nhớ lại một cuộc nói chuyện trong nhà hàng trước đó vài tuần. Tôi đang đợi bàn một mình thì một cậu bé, khoảng mười, mười một tuổi gì đó, tới ngồi cạnh. Sau một lát, nó đột nhiên hỏi, “Số lớn nhất là gì?” Đó là một câu hỏi khiến người ta giật mình. Trẻ con rất giỏi việc đó. Tôi hỏi cậu bé thế cháu nghĩ số nào lớn nhất và rồi bảo thử cộng một vào xem. Nó cũng làm vậy với tôi. Chúng tôi cứ thế tiếp tục qua lại và đã có một khoảng thời gian tuyệt vời nói chuyện về cái vô hạn và nhận ra rằng đơn giản là ta chẳng thể nào đến đó được từ đây. Tôi cảm thấy bị lôi cuốn, được quay trở lại kỉ niệm tuổi thơ của chính mình cùng cái cách tôi từng nghĩ về những bí ẩn của cuộc đời. Thế là tôi bắt đầu sáng tác cái mà tôi nghĩ sẽ là một câu chuyện nhỏ về cuộc chạm trán của một đứa trẻ với những con số, ngôn từ, ngữ nghĩa, và những khái niệm quái lạ khác vẫn được áp đặt lên trẻ con. Càng viết tôi càng bắt đầu nhớ lại nhiều hơn những gì mình từng cảm nhận và băn khoăn khi còn là một đứa trẻ. Sao hồi đó tôi lại phải học nhiều thứ dường như chẳng liên quan gì tới đời mình như thế? Cái khó của việc hiểu thế giới cùng cái cách quái lạ, phi lô gích mà nó vận hành. Và hầu hết là chuyện tôi đã dành biết bao thời gian chẳng quan tâm tới việc làm gì hay học gì cả. Đối với tôi khi ấy, mười tuổi, thế giới này dường như chẳng có nhiều vần điệu hay lý tính.
Tôi hạnh phúc phóng bút, và câu chuyện của tôi lớn dần lớn dần. Hay nhất là nó đã giữ cho cái quyển sách mà đáng ra tôi đang phải viết tránh xa khỏi đầu óc tôi. Tôi cứ viết mãi cho tới khi có một mớ các chương, hội thoại và nhân vật, mà không biết tất cả sẽ dẫn đến đâu. Tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời. Tôi yêu thích cái cơ hội được lật ngược mọi thứ, đảo lộn chúng và nhét vào đủ các câu chuyện cười, những màn chơi chữ mà bố từng khai tâm cho tôi từ thời thơ ấu.
Sau khi viết được chừng năm chục trang, một người bạn của tôi đã mang nó đến cho một biên tập viên mà cô ấy quen biết. Vài tuần sau, tôi nhận được hợp đồng hoàn thành cuốn sách. Trời đất ơi, giờ thì nó đã thành một cuốn sách – và tôi phải hoàn thành nó. Nó không còn là trò chơi nữa rồi. Tôi không sở hữu nó mà là nó sở hữu tôi! Tôi bắt đầu lại và cố gắng hết sức để quên đi bản hợp đồng. Dần dần thì niềm vui đã trở lại. Sau sáu tháng, hai công chúa đã được cứu, trật tự đã được vãn hồi một chút, và cả Milo lẫn tôi đều học được vài điều.
Tôi cũng nên nói vài lời về phần minh họa. Lúc viết cuốn sách, tôi đang chia sẻ một căn nhà hai tầng lớn nhưng xập xệ tại New York với Jules Feiffer. Tại thời điểm đó, Jules chỉ mới bắt đầu sự nghiệp. Anh bị thu hút bởi những tiếng bước chân suy nghĩ tới lui ở tầng trên phòng anh, và thỉnh thoảng anh đọc các trích đoạn tôi đang viết rồi thử phác các minh họa. Chúng khá tuyệt, nắm bắt được tinh thần của cuốn sách một cách hoàn hảo. Chúng tôi quyết định anh ấy nên minh họa cho cuốn sách. Nhưng có một số vấn đề nhỏ. Có vài thứ anh ấy không thích vẽ. Chẳng hạn như bản đồ. Jules cũng không thích vẽ ngựa. Trong cảnh gần cuối sách khi Milo và hai công chúa thoát khỏi đám quỷ, đội quân của Vương quốc Thông Thái đang trên lưng ngựa. Bức phác thảo đầu tiên của Jules lại vẽ họ ngất ngưởng trên lưng mèo. Chẳng mấy chốc chuyện đã trở thành một kiểu trò chơi – anh ấy cố tìm cách vẽ mọi thứ như anh ấy thích, còn tôi tạo ra những thứ sẽ gây khó khăn nhất cho anh ấy. Ví dụ, trên Dãy Núi U Mê có một đám quỷ đe dọa Milo. Trong số ấy có Ba Con Quỷ Thỏa Hiệp – một con cao gầy, một con béo lùn, còn con thứ ba nhìn giống hệt hai con kia. Chúng không bao giờ được minh họa. Jules cũng trả đũa, bằng cách vẽ tôi là Người Biến Báo, một gã hâm hâm đầu hói, béo lùn, mặc áo khoác dài. Khá là không công bằng, vì ai cũng biết tôi chẳng bao giờ mặc áo khoác dài.
Dù sao thì tôi cũng đã chẳng bao giờ trở lại với cuốn sách về đô thị nữa, nhưng buồn cười là nhiều thứ tôi nghĩ đến để dành cho quyển sách ấy đã tìm được đường đến với Trạm thu phí quái lạ. Có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ trở lại với nó, khi nào tôi lại đang cố gắng trốn khỏi một việc gì đó khác.
Norton Juster
Mời các bạn đón đọc Trạm Thu Phí Quái Lạ của tác giả Norton Juster.