Con người thường có khuynh hướng viết quá nhiều, viết lại, viết ra, viết thêm, viết đè lên…vvv. Tóm lại là mắc bệnh về chữ. Tại sao vậy? vì người ta có thể phát hiện một cách tinh tế, một cách vòng vèo, hay có thể nói ra bằng sự giản dị quý phái, cụ thể, chân thành, với một cái đầu lạnh.
Cách đây năm nghìn năm văn bản triết học tôn giáo Ấn độ có tên Srimad Bhagavatam đã tự diễn tả nó như sau: ’’…Bhagavata Purana trình bày thứ sự thật cao nhất…Có cần thiết đến một văn bản khác hay không?’’- Ai đã đọc và hiểu văn bản triết học này sẽ thấy lời tuyên bố không có gì là cường điệu.
Chính bởi vì khi suy tư con người quả thật không hiểu nếu ngay từ buổi bình minh của lịch sử những văn bản tương tự như trên đã ra đời, vậy cần gì đến những văn bản khác cơ chứ?
Bởi vì triển khai tiếp từ những văn bản trên là có thể và cũng đủ, và thứ văn bản viết không thể triển khai sẽ mang lại lợi lộc gì cho con người?
Hamvas Béla đã trả lời một cách giản dị điều này trong tác phẩm Minh Triết Thiêng Liêng: chẳng mang lại lợi lộc gì, nếu văn bản quên mất vị trí cội nguồn của nó, nếu tính chất cá nhân của văn bản đặt cá nhân vào vị trí trung tâm thay cho cộng đồng, và dấu ấn sự thật cá nhân truyền bá đi ngược với sự tuyệt đối.
Nhưng, nếu đã đặt câu hỏi trên và trả lời, từ đó ta cần đặt tiếp câu hỏi Hamvas Béla viết MINH TRIẾT THIÊNG LIÊNG có ý nghĩa gì?
Câu trả lời trong trường hợp này cũng giản dị như điều Hamvas Béla đã viết: những văn bản cổ là tác phẩm của những người lính canh, những người gìn giữ chúng.
Những người lính canh trong trường hợp hiện tại chúng ta cần hiểu đấy là các tác giả mà trong các tác phẩm của họ một lần nữa tái tạo lại cái tuyệt đối ngược lại với cá nhân, họ là những người lính canh giữ tri thức nhân loại cổ, hay nói cách khác họ làm sống động lại những lời nhắn nhủ, những tư tưởng cội nguồn cổ, như một truyền thống. Hamvas Béla là một người lính canh như vậy- khi viết và đem lại ý nghĩa cho bộ sách MINH TRIẾT THIÊNG LIÊNG.
Trong bộ sách này một lần nữa chúng ta bắt gặp lại câu hỏi như ở văn bản Srímad Bhágavatam: ’’Cần thiết hay không một văn bản khác?’’
Đọc xong MINH TRIẾT THIÊNG LIÊNG người ta cũng không biết có cần phải đọc thêm những cái khác nữa không?
Lý do bởi MINH TRIẾT THIÊNG LIÊNG đã là một văn bản văn học cao tầng. Cao tầng có thể đặt tên cho một văn bản văn học khi nội dung của nó nói về cái tuyệt đối phổ quát, dưới tác động tư tưởng của văn bản này, con người bước lên một mức độ hiểu biết mới, như thể được thỏa mãn mọi nhu cầu tinh thần, và đấy là một tác phẩm có thể làm biến đổi con người.
Ai đọc tác phẩm này cùng lúc có thể biến đổi, phát triển cả về nhận thức cá nhân tự thân lẫn nhận thức văn học của mình.
Có lẽ mức độ tri thức được nâng lên là điểm quan trọng nhất, bởi vì cái gì chưa nói đến sự tuyệt đối, bản thể, cái phổ quát, nhưng mới chỉ hướng con người vào đó đã đủ gây ra sự biến động, sự chuyển đổi trong con người.
MINH TRIẾT THIÊNG LIÊNG một loại văn bản văn học trước hết mang tính chất chuyển đổi đặc tính, đọc xong người đọc không bao giờ còn là con người cũ trước khi đọc nữa. Nếu ai vẫn là họ như cũ, hoặc không biến chuyển bao nhiêu có thể người đó chưa đạt đến khả năng tự mình ’’tiêu hóa’’ nổi thứ văn bản văn học này. Sự tiếp thu, nhận thức tự thân là một khái niệm chính, cơ bản!
MINH TRIẾT THIÊNG LIÊNG không cần những lời giải thích riêng, tìm lý do, thêm thắt hoặc biện hộ, bản thân tác phẩm tự giải thích và biện hộ. Bạn đọc chỉ có đúng một nhiệm vụ là đọc từ đầu đến cuối như thể đang sống trong nó, khóa mình vào nó.
Hamvas Béla đã viết ra TẤT CẢ theo từng từ. Một văn bản TOÀN BỘ đọc để hiểu cái TẤT CẢ được viết ra trong cái TOÀN BỘ, nói lên hiện thực là gì, cái gì con người nên và cần biết về hiện thực.
Và hiện thực không cần thêm những lời giải thích. Bởi bản chất của sự việc sự vật là càng giải thích càng làm nó nghèo đi, ít đi và sau rốt chẳng còn lại cái gì hết từ hiện thực. Giải thích luôn luôn làm hỏng hiện thực.
MINH TRIẾT THIÊNG LIÊNG là tập sách của trật tự tiến hóa tâm linh của nhân loại, khi kể về lịch sử tinh thần của lịch sử thế gian, nó đồng thời dạy người đọc cách nhìn. Đây không phải cuốn sách lối sống, nhưng mở ra tiêu chí sự hoạt động của hệ thống đời sống phổ quát, theo chủ đề.
Nó đánh thức, làm thức tỉnh và giữ sự tỉnh táo, làm sống dậy lương tâm và sự nhận biết lương tâm của con người, cho dù nó không hề làm gì khác ngoài việc phát biểu: trong vị trí đích thực của linh hồn là cái gì, có thể nhận biết bằng tri thức trong sạch, cội nguồn.
Và tác dụng nâng cao tầng tri thức nằm ở đó: cuốn sách không đề cập tới cái phi hiện thực, cái gì đề cập đến cái đó là hiện thực. Con người không chống lại hiện thực (nếu nó không sống trong một loại ảo tưởng nào đó), bởi vì trong hiện thực con người gặp chính bản chất thực của mình.
Trong MINH TRIẾT THIÊNG LIÊNG nhìn từ nhân cách nhà văn của Hamvas Béla, tất cả nằm trong vị trí của chính nó: các sự vật tự giải thích chính nó, ông không can thiệp, lập luận, bác bỏ vào bản chất của chúng mà chỉ trình bày như nhân tố, một cách khách quan, bình thản. Ông giải thích nhưng không giải thích hiện thực mà giải thích cái phi hiện thực. Giọng văn của ông tỏa ra một sự vững chãi vững vàng, những khái niệm không mơ hồ mà cao cả và cao siêu.
Ông đề cập tới các mâu thuẫn- như những người đi giải thích đề tài này nói chung- nhưng ngay từ trang đầu đến trang cuối cái tuyệt đối không chút nghi ngờ xuất hiện và không bao giờ rời bỏ nội dung tác phẩm.
Chúng ta đi từ tổng thể tới sự đông đảo, đi từ sự tinh tế, thông thái, sự minh bạch đến chất lượng của vật chất nặng nề, thô thiển, phi tinh thần, và giữa chừng ta không hề rời bỏ cái TOÀN BỘ, không bao giờ bị dính vào vật chất.
Khúc hát thứ X. của Srímad Bhágavatam như một tác phẩm từ quan điểm chất lượng của văn học thế giới phổ quát và trong bản dịch tiếng Anh có tên là Summum bonum, nghĩa là Cái TỐT nhất.
Cũng có thể gọi MINH TRIẾT THIÊNG LIÊNG – một công trình, thời đại riêng, văn học riêng của Hamvas Béla là một Summum bonum, bởi trong chất lượng của tác phẩm chứa đựng nội dung chuyển hóa con người- và như vậy MINH TRIẾT THIÊNG LIÊNG xứng đáng với danh hiệu và phẩm hàm của một Khoa Học Thiêng.
Theo kinh Veda vị trí đã định của hình thức sự sống người thể hiện trong thế gian sinh học. Đặc thù của nó là thực thể sống trong hình thức sự sống người duy nhất có khả năng nhận thức siêu nhiên mang tính chất tâm linh. Văn hóa cổ Veda và Hamvas Béla đều nhấn mạnh nếu ai không biết sử dụng khả năng nhận thức siêu nhiên, kẻ đó đánh mất châu ngọc quý báu của khả năng của hình thức sự sống người.
Đọc MINH TRIẾT THIÊNG LIÊNG bạn đọc không thể hiểu nổi Hamvas Béla nhận biết và am hiểu từ đâu ngần ấy câu hỏi của sự sống, bởi không còn nghi ngờ gì nữa, nội dung cuốn sách là một cuốn bách khoa toàn thư của các tri thức, chỉ trên nền tảng thu thập kiến thức không thôi không thể phản hồi lại nổi đề tài này. Kinh nghiệm, sự từng trải từ các dòng chữ ít nhất phản ánh lại như một tri thức nhận thức đã thu thập.
Đối với những ai không chỉ linh cảm về hiện thực mà muốn nhận thức nó, nghĩa là không chỉ nhận biết mà còn muốn thấu hiểu bối cảnh của lịch sử tinh thần nhân loại, đối với người đó MINH TRIẾT THIÊNG LIÊNG là một tác phẩm bắt buộc phải đọc!
***
Hamvas Béla sinh ngày 23.3.1897 tại Eperjes (nay thuộc Slovakia) trong một gia đình Thiên Chúa giáo. Năm 1898 vì nghề nghiệp của cha, gia đình ông chuyển đến Bratislava.
Năm 1915, sau khi tốt nghiệp trung học, Hamvas Béla tình nguyện gia nhập quân đội, sau một năm, bị thương, ông trở về nhà và bắt đầu đọc Kant, Rimbaud, Dostoiepxki, Schopenhauert, nhưng trước hết ông đọc Nietzsche.
Năm 1919, cha ông vì từ chối không tuyên thệ trung thành với nước Slovakia, nên cả gia đình ông bị đuổi ra khỏi Bratislava, chuyển đến Budapest.
Từ 1919-1923 ông học khoa Hungary-Đức tại Đại học Pazmány Péter, ông làm nhà báo 3 năm tại báo Tin tức Budapest vàSzozat.
Từ 1927-1948 ông làm thủ thư tại thư viện thành phố. Thời gian này ông viết các bài nghiên cứu, tiểu luận, các bài phê bình cho 25 thể loại tạp chí, trong đó có những tạp chí nổi tiếng như Athenaeum, Nyugat.
Hamvas Béla cùng Kerényi Károly thành lập nhóm Đảo, một liên minh tinh thần lấy từ truyền thống Hi Lạp cổ, nhóm này tập trung đông đảo các nhà văn, nhà triết học có tên tuổi của Hungary như: Szerb Antal, Németh László, Kövendi Dénes, Dobrovits Aladár, Molnár Antal và nhiều người khác.
Nhưng sau ấn phẩm gồm ba tập (1935-1936) nhóm Đảo tan rã, một hoạt động cộng đồng tinh thần như thế không thể thực hiện được. Hamvas Béla đã ghi lại những kinh nghiệm cay đắng trong cuốn Hyperion Hungary:
“Tôi ở đây giữa mọi người, trên trái đất này, mọi ý định của tôi đều không có kết quả, mọi từ ngữ của tôi vô ích, mọi kế hoạch của tôi tan vỡ, tôi đã thất bại, không ai nhận ra tôi, tôi trở nên thừa thãi, và không được chấp nhận.”
Trong những năm 1930-1940 ông viết gần ba trăm tiểu luận. Đối với ông viết là thực hành yoga.
Ông lấy người vợ thứ hai, một bạn đời tinh thần rất quan trọng, bà Kemény Katalin (1909-2004), người sau khi Hamvas Béla mất, đã cùng Dúl Antal, một đại diện của hậu thế rất ngưỡng mộ ông, cùng chăm lo việc xuất bản các tác phẩm của ông.
Trong thời kì Thế chiến thứ II, Hamvas Béla ba lần bị gọi vào quân ngũ, nhưng không ngăn cản được công việc dịch thuật của ông, như tác phẩm của các tác giả: Lão Tử, Böhme, Hêraclit, Khổng Tử, Henoch.
Năm 1943-1944 ông viết tập I tác phẩm Scientia Sacra, cuốn sách đánh dấu giai đoạn sáng tác thứ hai của nhà văn. Với cuốn sách này, ông gia nhập trường phái truyền thống với những nhân vật ưu tú nhất của thời đại: Julius Evola, René Gúenon và Leopold Ziegler.
Hamvas Béla cắt nghĩa: Truyền thống là sự trường tồn phi thời gian của tinh thần. Các tác phẩm của Hamvas - đầu tiên và duy nhất - lập ra một vũ trụ truyền thống, bằng sự tạo dựng nền tảng linh hồn nhận thức ra tinh thần.
Trong thời kì chiến tranh, tập tiểu luận triết học đầu tiên ra đời: Câu chuyện vô hình (1943).
Năm 1964 ông về hưu. Trong ba năm cuối đời Hamvas Béla hoàn thành nốt các tác phẩm khác trong đó có Scientia Sacra tập II nổi tiếng.
Ông viết chủ yếu là tiểu luận, một thể loại tự do, như một thí nghiệm thể loại. Mọi sáng tác của ông, kể cả tiểu thuyết đều ở dạng tiểu luận.
Ngày 7.10.1968 ông mất sau một cơn chảy máu não.
Cho đến tận những năm 70 của thế kỉ XX, tác phẩm của Hamvas Béla chủ yếu chỉ lưu truyền dưới dạng bản thảo đánh máy.
Bắt đầu từ những năm 80, dần dần tác phẩm của Hamvas Béla được ra mắt công chúng, nhưng vẫn bị kiểm duyệt, ví dụ tiểu thuyết Karneval (1985) bị cắt xén trước khi được in.
Năm 1990, Hamvas Béla được truy tặng giải thưởng Kossuth.
Năm 1996: Giải thưởng Di Sản Hungary.
Năm 2001: Giải thưởng Vì Nghệ Thuật Hungary.
Ngày nay Hamvas Béla được đánh giá là một trong những nhà văn, nhà triết học vĩ đại nhất của châu Âu thể kỉ XX, và trong nền văn hóa Hungary.
Mời các bạn đón đọc Minh Triết Thiêng Liêng Tập 1 của tác giả Hamvas Béla.