Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Ảo Linh Kỳ - Quỷ Cổ Nữ

ẢO LINH KỲ là màn tái xuất của Quỷ Cổ Nữ, bộ đôi tác giả từng gây ấn tượng vang dội với Kỳ án ánh trăng và suốt mười mấy năm qua vẫn liên tục duy trì sức hút nhờ việc kết hợp thành công ba yếu tố kinh dị, tâm lý và tâm linh trong các tác phẩm của mình.

Với “Ảo linh kỳ”, Quỷ Cổ Nữ không gây ngạc nhiên khi tiếp tục khai thác mảnh đất Giang Kinh màu mỡ ngồn ngộn chuyện người chuyện ma, quấy nhão thực-ảo, cùng những nhân vật ở lưng chừng tỉnh táo và loạn trí.

Nhưng với “Ảo linh kỳ”, Quỷ Cổ Nữ gây bất ngờ khi đẩy ngược Giang Kinh lại năm trăm năm trước, lần đầu tiên trổ tài bằng thể loại trinh thám-kinh dị đặt trong bối cảnh cổ xưa.

Tương truyền, Thành Cát Tư Hãn uy phong lỗi lạc là vậy, thật ra là người mù chữ. Tuy nhiên trước lúc chết, ông ta đã xoay xở để lại một cuốn sách mà đời sau gọi là Thiên thư, trong đó ghi chép bí quyết chinh phạt thiên hạ để lập nên một đế chế huy hoàng.

Cuốn sách lưu lạc vào dân gian, bí quyết thành công đâu chưa thấy, chỉ thấy nó gieo rắc những cái chết thê thảm.

Chiếc thuyền chở nó, toàn bộ thủy thủ đoàn thiệt mạng, từ bấy con thuyền thành thuyền ma lững thững trôi dạt. Ai gặp phải thì thất khiếu vỡ nát, máu chảy cạn mà chết.

Cái hồ giấu nó, tự dưng mọc ra một ngư dân áo tơi buông câu, mỗi lần câu là một lần có người hồn lìa khỏi xác.

Dù vậy, Thiên thư vẫn khuấy lên làn sóng truy tìm của những kẻ ôm mộng danh vọng-tiền tài-quyền lực. Từ đó dẫn đến những cuộc săn lùng ráo riết. Chỉ hiềm, từ săn vật báu, chẳng bao lâu đã biến tướng thành người săn người…

Mở đầu từ hai truyền thuyết, “Ảo linh kỳ” nhanh chóng lồng chúng vào thực tại bằng những án mạng tàn khốc, vào những giao ước đẫm máu của dân băng đảng, vào cả những mối quan hệ sâu kín bị thời gian lẫn âm mưu đạp mờ. Cuối cùng tất thảy đều không thoát khỏi định luật tham sân si là họa hại, mà hung thủ thực sự thì, cứ liên tục đảo chân ẩn mình về sau tấm màn đen.

Mạch phá án được triển khai rất nhanh, dồn dập, nhưng đó đây vẫn điểm chút thư thái khi ta bắt gặp những nhân cách lớn trân trọng lẫn nhau, chút buồn đau khi người tốt bị đem ra tùng xẻo, và cả chút vui vẻ ngắn ngủi trước khi một bi kịch khủng khiếp ập tới…

***

Giang hồ hiểm ác, nay bạn mai thù, chẳng thể phân biệt rạch ròi. Một lá cờ làm nên tai họa, một cuốn Thiên Thư làm nên tội nghiệt.

Danh vọng - tiền tài - quyền lực dường như là thứ hấp dẫn nhất đối với mỗi võ lâm nhân sĩ, thậm chí quan quân triều đình. Tương truyền, Thành Cát Tư Hãn trước khi qua đời có để lại một cuốn Thiên Thư, có nó, nghiệp lớn tất thành. "Linh kỳ" được đồn giấu dưới đáy hồ ở vùng Giang Kinh. Bao người thiệt mạng, sự việc kỳ bí diễn ra liên tiếp: người mặc áo tơi buông cần câu mạng, con thuyền ma trôi nổi,… và bao ngón nghề tưởng chừng như thất truyền đều dần xuất hiện. Một lá linh kỳ đã khuấy sóng nước Giang Kinh trở nên đục ngầu.

"Ảo linh kỳ" lấy bối cảnh là vùng đất Giang Kinh vào khoảng cuối thời Minh, nếu ai từng đọc "Tơ đồng rỏ máu" chắc sẽ không quên được giai thoại về tên sát nhân giết người chặt ngón tay ở cuối thời Minh, viết trong cuốn sách cổ: Bổ khoái Giang Kinh Lã Diệp Hàn sau bao năm theo dõi, đi sâu tìm hiểu hung thủ nhưng không bắt được, tâm thần phân liệt, giết vợ của Mạc Tông Trạch, cuối cùng bị Mạc Tông Trạch giết. Sau khi Mạc Tông Trạch lên chức bổ khoái Giang Kinh, lại vẫn nhận được ngón tay máu ấy, và vụ án vẫn tiếp diễn…

Mười tám năm sau, "Đoạn Chỉ Ma" quay lại, tiếp tục gây án, và dường như hắn cũng đang truy lùng tung tích linh kỳ. Có thể coi "Ảo linh ký" giống như cuốn bút ký của người ngoài cuộc ghi lại hành trình tìm kiếm Thiên Thư, với hệ thống nhân vật nhiều, phong phú, cốt truyện li kỳ, khiến độc giả không bị nhanh chán vì độ dày của truyện, thậm chí còn chờ mong những tập sau. Hơi tiếc vì hung thủ cuốn này không quá khó đoán, plot twist thường thường, không bất ngờ bằng "Tơ đồng rỏ máu".

Bên cạnh những tình tiết giang hồ hấp dẫn, cuốn hút, lại có những mối tình ngọt ngào, mối tình đắng cay, không rõ là duyên hay là nợ. Những nhân vật có tình nhưng chưa chắc có phận, vì một lá linh kỳ mà đến bên nhau, rồi phải lòng lúc nào không hay, và dù có yêu thích, cũng chẳng mở lòng nói thật toàn bộ với nhau. Nay gặp mặt, sát cánh, mai xa cách, ở hai phía đối lập nhau, lừa gạt nhau, yêu thương nhau, dằn vặt giữa ranh giới bạn - thù.

Cuốn truyện khép lại, cũng kết thúc đi bao sinh mạng nhân vật, mà mọi việc vẫn quá nhiều dấu hỏi, vừa gợi mở, vừa gây tò mò cho độc giả.

Rốt cuộc, thiên thư là họa, hay con người là họa?

***

Quỷ Cổ Nữ không phải là một tác giả cụ thể mà là bút danh chung của hai vợ chồng người Trung Quốc hiện đang sống ở Mỹ, vợ là Dư Dương, một kỹ sư phần mềm máy tính tại thung lũng Silicon, chồng là Dị Minh, chuyên gia y học nổi tiếng trong giới học thuật. Mùa xuân năm 2004, hai người dùng tên thật, cùng xuất bản cuốn tiểu thuyết dài "Mùa xuân trên dòng sông băng", đã được giới chuyên môn đánh giá cao.

Hai vợ chồng chỉ mới dùng bút danh Quỷ Cổ Nữ khi công bố tiểu thuyết kinh dị ly kỳ "Kỳ án ánh trăng" trên mạng Internet vào giữa năm 2004. Tác phẩm đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng mạng, đã có trên 10 triệu đọc giả, 10 trang web khắp Bắc Mỹ và Châu Á cạnh tranh truyền tải. Khi sáng tác đến nửa chừng tác giả đã nhận được lời đề nghị xuất bản của Nhà xuất bản Nhân dân Thượng Hải. Mồng 1 Tết âm lịch năm 2005, tiểu thuyết "Kỳ án ánh trăng" đã ra mắt bạn đọc, và Quỷ Cổ Nữ đã bất ngờ trở thành một trong những đại diện tiêu biểu của các tác giả văn học thể loại truyện kinh dị Trung Quốc. Từ đó cái tên Quỷ Cổ Nữ đã gắn liền với những truyện kinh dị, được mệnh danh là "Stephen King của Trung Quốc", Quỷ Cổ Nữ cũng được tờ "Tin tức buổi trưa" bình chọn là "Người cầm bút khổng lồ của năm 2005".

Các tác phẩm đã dịch và xuất bản tại Việt Nam