Chuyện cổ-tích là những chuyện truyền-khẩu từ đời này sang đời khác, trải bao nhiêu thế-hệ, in sâu vào đầu óc quốc-dân, hầu như là sử mà không phải sử, hầu như là chuyện bịa-đặt hoang-đường mà không phải là bịa-đặt hoang-đường. Cổ-tích ở giữa hai thứ đó, nửa hình như có thật, nửa hình như tưởng-tượng ra. Nhưng nó vẫn là phản-ảnh của tinh-thần một dân-tộc, với tất cả cái màu-mè, cốt-cách của dân-tộc ấy.
Chuyện cổ-tích của dân-tộc này thì kể thế này, chuyện cổ-tích của dân-tộc khác thì kể thế khác, dù nhiều khi cốt chuyện vẫn là cốt chuyện chung, chẳng hạn như nạn Hồng-Thủy hoàn cầu, dân-tộc nào cũng truyền-khẩu, nhưng mỗi nơi truyền-khẩu một khác nhau.
Vậy thì, ta phải nhận rằng chuyện cổ-tích là cái hồn chung của một giống-nòi phát-tiết ra, vĩnh-viễn, bất-diệt, nếu nòi-giống ấy vẫn còn.
Chuyện cổ-tích đã là chuyện riêng của từng dân-tộc, thì nhân-vật trong chuyện cũng là người riêng của từng quê-hương.
Như vậy, chuyện cổ-tích cũng có thể cho ta ít nhiều tài-liệu để kê-cứu về tính-tình người Việt-Nam, thuần-túy. Ở đây chúng ta mượn cổ-tích để xét riêng về chị em bạn gái nước nhà.
CHUYỆN TRẦU CAU
Xưa có hai anh em họ Cao, anh là Tân, em là Lang, cha mẹ mất sớm, ở với nhau rất mực thân yêu, không hề rời nhau một bước. Sau anh được thầy học mến, gả con gái cho. Từ khi có vợ, Tân lãnh-đạm với em. Lang trơ-trọi ở đời, lấy làm buồn, bỏ nhà đi. Đi mãi đến bờ một con sông rộng mênh-mông. Thuyền bè không có. Lang thất vọng, ngồi khóc. Khóc mãi chết rạc đi, hóa làm một hòn đá. Thấy em đi mãi không về, Tân lấy làm nhớ, đi tìm. Đi mãi thế nào cũng lại gặp con sông, thấy phiến đá liền ngồi lên nghỉ, có ý đợi thuyền bè để qua sông. Nhưng làm gì có thuyền bè, chàng buồn-chán ngồi khóc, không chịu trở về, khóc chết rạc đi, hóa làm cây cau. Vợ ở nhà thấy chồng đi mãi không về, rất lấy làm thương nhớ, liền cũng đi tìm. Cũng gặp sông, nàng ngồi lên phiến đá dưới bóng cây chờ đợi, rồi thất-vọng, nàng khóc rạc người đi hóa làm cây trầu không… Sau vua Hùng-Vương đặt lệ ăn trầu để kỷ-niệm một nhà tiết-nghĩa.
CHUYỆN CÔNG-CHÚA TIÊN-DONG
Công-chúa Tiên-Dong là con gái vua Hùng-Vương thứ ba, nhan-sắc tuyệt trần, 18 tuổi rồi mà vẫn chưa kén được kẻ xứng đôi vừa lứa.
Một ngày kia về tiết mùa hè, công chúa ngự thuyền chơi bãi Chử xá rồi sai buông màn tắm sông. Thình-lình gặp Chử-đồng-Tử ở đó, liền lấy làm chồng. Được tin công chúa lấy đứa hèn-hạ, Vua tức giận vô cùng. Tiên-Dong không dám về, cùng chồng buôn bán ngoài bể sau gặp Phật truyền phép lạ, vợ chồng đều thành tiên, đi đến đâu chỉ lấy cái gậy chống xuống đất rồi che cái nón lên làm nhà. Dân-gian có câu hát rằng :
Yêu nhau chẳng lọ chiếu giường,
Có một cái nón che sương cũng tình.
Mời các bạn đón đọc Lược Luận Về Phụ Nữ Việt Nam của tác giả Lê Văn Hoè.