Tình dục thuở hồng hoang có thể dễ dàng gây tò mò cho nhiều người ngay từ nhan đề. Kể cả trong thời đại cởi mở với số đầu sách về chủ đề này đang tràn lan trên thị trường, thì không phải tác giả nào cũng chọn một cái tên trực tiếp như thế. Tuy nhiên, Tình dục thuở hồng hoang không thực sự nhằm kể lại việc ông bà tổ tiên của con người đã làm “chuyện đó” như thế nào dù sách có đề cập đến hành vi làm tình của các loài linh trưởng được xem là thủy tổ của con người như: tinh tinh, tinh tinh lùn và người cổ đại. Câu chuyện mà Ryan và Jethá muốn nói đến thực ra lại là câu chuyện rộng hơn bàn luận về những suy nghĩ, quan niệm và khuôn mẫu về tình dục, hôn nhân, sự chung thủy, xem chúng đã được hình thành như thế nào và được củng cố ra sao. Dùng câu chuyện của “thuở hồng hoang”, các tác giả thực ra lại muốn nói đến hiện tại và nhấn mạnh việc những định kiến về tình dục và các vấn đề liên quan đối với phụ nữ, nam giới, người đồng tính, người dị tính ảnh hưởng tới cách nhà nước, xã hội và cá nhân ứng xử trong các mối quan hệ hiện đại ngày nay như thế nào.
Dù độc giả có thể bị huyễn hoặc bởi nhan đề của sách, nhưng Tình dục thuở hồng hoang không phải là một tài liệu “dễ nhằn” và sẽ khá nguy nan cho các độc giả yếu bóng vía. Từ đầu đến cuối, ở mỗi trang sách, Ryan và Jethá đều không ngừng thách thức các niềm tin và quan điểm giá trị của độc giả, đưa ra các câu hỏi lật lại những vấn đề tưởng chừng là nguyên lý, là “tự nhiên” và thường mặc nhiên được chấp nhận. Chẳng hạn ngay từ đầu sách, niềm tin của độc giả về sự cao quý và ưu việt của con người đã bị thách thức bởi tuyên bố của tác giả: “Một trong những sai lầm thường mắc phải của những người theo chủ nghĩa Darwin mới là cho rằng tiến hóa là một quá trình trong đó con người hoặc xã hội loài người trở nên tốt đẹp hơn. Không hề… Chỉ đơn giản là những kẻ sống sót tốt nhất.” Những nhận định mà hai tác giả đưa ra về tình dục, hôn nhân, sự thủy chung là các cách nhìn mà ở Việt Nam hay ở nhiều xã hội khác đều có thể dễ dàng bị đánh giá là suy nghĩ của người có vấn đề về thần kinh hay đạo đức. Ví dụ: động cơ tình dục của những phụ nữ chỉn chu chung thủy với chồng cũng không khác gì những người bán dâm; mô hình hôn nhân một vợ một chồng mô hình đang được coi là duy nhất hợp pháp ở đa số các nước trên thế giới thực ra không phải là mô hình kết đôi tự nhiên, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ như bạo lực, ngoại tình; cưỡng hiếp - một hành vi phạm tội, có thể lại là một hành vi tình dục chuẩn nhằm đảm bảo tốt nhất khả năng duy trì nòi giống của nam giới… Các câu hỏi đặt ra rất hóc búa và bằng việc đối chiếu các bằng chứng khác nhau, hai tác giả đã không ngần ngại công kích các nhà khoa học và các lý thuyết kinh điển về tiến hóa, tâm lý và văn hóa, bao gồm cả lý thuyết của Darwin.
Bạn đọc chắc chắn sẽ cảm thấy nhiều niềm tin cố hữu, sâu thẳm bị lung lay. Bạn đọc thậm chí có thể cảm thấy bị xúc phạm, giận dữ, sốc, và không đọc tiếp nữa. Điều này cũng dễ hiểu vì tình dục và các vấn đề liên quan mà Tình dục thuở hồng hoang bàn luận vốn dĩ là những điều cấm kỵ trong xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, nếu có thể vượt qua sự bối rối và các cảm xúc này, suy nghĩ kỹ những phân tích của tác giả, bạn đọc sẽ nhận được nhiều bài học hữu ích về cách nhìn mở hơn đối với cuộc sống, cách xử lý các vấn đề và các mối quan hệ, chấp nhận sự đa dạng, mà không nhất thiết phải thừa nhận các quan điểm cụ thể của tác giả. Những điểm cố hữu mà chúng ta thường nghĩ về tình dục như nam giới luôn có ham muốn tình dục nhiều hơn nữ, chỉ có một loại kết đôi duy nhất là phù hợp và những đứa con sinh ra trong mô hình kết đôi này sẽ được chăm sóc tốt nhất, đều là những điểm bị đặt nghi vấn. Hai tác giả, với các ví dụ thực tế về sự đa dạng trong quan niệm, hành vi tình dục và kết đôi ở các vùng miền, khu vực văn hóa khác nhau, đã cho thấy dường như không hẳn thế.
Trong khi không hoàn toàn đồng ý với tất cả các lập luận của hai tác giả, tôi đặc biệt thích cách đặt vấn đề và tranh biện theo kiểu “lật ngược vấn đề” của họ. Tôi nghĩ cách này đặc biệt hữu ích trong xã hội Việt Nam, một xã hội bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các khuôn mẫu, đặc biệt là khuôn mẫu giới và tình dục, lối nhận định theo số đông và trách nhiệm cá nhân ít được đề cao. Các vấn đề mà cuốn sách bàn luận như: bạo lực, lạm dụng tình dục, ngoại tình, quyền lực giới,… đều là những vấn đề chưa bao giờ hết “nóng” ở Việt Nam, thậm chí có vẻ mỗi ngày một “nóng” hơn.
Một số điểm mà hai tác giả đưa ra trong cuốn sách, tôi cho rằng cực kỳ có ích. Trong khi không coi nhẹ các ảnh hưởng về sinh học và nhấn mạnh thực tế “đôi khi dương vật chỉ là dương vật” hay “đôi khi tình dục chỉ là tình dục”, hai tác giả cũng chỉ rõ vai trò của xã hội trong việc tạo nên các định kiến về tình dục và do vậy gây nhiều tiêu cực không chỉ ảnh hưởng tới tình dục mà cả các mối quan hệ liên quan. Cuốn sách, do vậy, kêu gọi “Giảm nhẹ các chuẩn mực đạo đức xã hội một cách hợp lý giúp cho việc thỏa mãn tình dục đạt được dễ dàng hơn, cũng là cách giúp nó đỡ tiêu cực hơn.”
Dù những niềm tin, định kiến và khuôn mẫu nhận thức của mình bị tấn công liên tục, đến cuối cuốn sách, độc giả có thể sẽ thấy yên lòng hơn khi hai tác giả cũng chỉ ra khuynh hướng phát triển của xã hội mà các cuộc tranh biện, đôi khi là cả bạo lực, sẽ đóng góp vào việc hình thành một xã hội tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. “Lịch sử của 200 năm qua có thể xem như những làn sóng khoan dung làm vỡ các cấu trúc xã hội cứng nhắc, như những mũi đất đầy đá. Dù phải mất gần như toàn bộ thời gian, cuối cùng thì những làn sóng này vẫn luôn chiến thắng. Thế kỷ XX chứng kiến những hòn đá tảng bắt đầu vỡ vụn ra dưới sự trào dâng của các phong trào phản đối nô lệ, nữ quyền, bình đẳng chủng tộc, và gần đây hơn, sự chấp nhận ngày càng tăng cao đối với quyền của người đồng tính, chuyển giới và lưỡng giới.”
Ngoài việc tấn công liên tục niềm tin của người đọc, cuốn sách phân tích các vấn đề tình dục chủ yếu dựa vào các lý thuyết từ phương Tây có thể là một thách thức với độc giả Việt Nam. Trong quá trình biên tập, nhóm biên tập đã đưa vào một số chú dẫn để giúp độc giả dễ tiếp cận hơn, tuy nhiên, đây vẫn là thách thức. Dù còn những hạn chế mà các cuốn sách dịch thường khó tránh khỏi, tôi tin rằng bản dịch tiếng Việt Tình dục thuở hồng hoang này vẫn là một cuốn sách giá trị và sẽ mang lại nhiều điều hữu ích với bạn đọc.
BÁC SĨ, THẠC SĨ HOÀNG TÚ ANH
Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số Hà Nội, Việt Nam
Viện nghiên cứu xã hội Amsterdam, Trường Đại học Tổng hợp Amsterdam, Hà Lan
Mời các bạn đón đọc Tình Dục Thuở Hồng Hoang của tác giả Christopher Ryan & Cacilda Jethá.